Một chặng đời thơ

887

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuốn Dọc đường thơ (NXB Hội Nhà văn, 2019) có 221 bài, nó như một tập tuyển thơ của Phạm Đình Ân. Theo tôi, đây là một chặng đời thơ trữ tình của Phạm Đình Ân – cách nói “trữ tình” là phân biệt với thơ, văn viết cho trẻ em của cùng tác giả. Nếu tính từ bài thơ đăng báo Văn nghệ năm 1968 đến tập thơ “tổng kết” này, thì Phạm Đình Ân đã viết thơ trữ tình liên tục, bền bỉ suốt hơn năm mươi năm. Và, anh ghi dấu ấn ngay từ đầu.

Nhà thơ Phạm Đình Ân 

Năm 1972, bốn năm sau bài thơ đầu tiên, anh đã có bài “Đi dọc miền Trung” nổi tiếng, rồi chuẩn bị khép lại chặng đường thơ này bằng tập Vòng quay có tiếng vang. Trong quá trình sáng tác bấy nhiêu năm, anh in báo thường xuyên, có nhiều chùm thơ. Sáng tác của anh được đáp lại bằng dư luận khẳng định của độc giả, bằng nhiều bài phê bình sách, bình thơ, chân dung nhà văn, bằng giải thưởng, tặng thưởng cho tập, cho bài. Phía thơ – văn viết cho trẻ em cũng vậy. Là một trong những độc giả theo dõi quá trình sáng tác của Phạm Đình Ân, tôi thấy, chặng đời thơ này của anh đáng được ghi nhận.

Xét về tập thơ, Phạm Đình Ân in không nhiều, đã ra sách muộn mà chỉ có 5 cuốn (không kể Dọc đường thơ). (Tập thơ Mầm mưa sao (2016) được Giải thưởng nhưng trong danh mục sách xuất bản không có tập thơ này là do Ban Tổ chức Giải qui định tác giả có thể giữ bài chưa in thành sách riêng). Như vậy, sách ít và không dày nhưng tập nào cũng đáng đọc. Hai tập đầu được nhiều độc giả đón mừng. Ân cho biết: tập Nắng xối đỉnh đầu khi tuyển không loại ra bài nào. Tôi thấy thế là phải bởi chúng chặt chẽ về cấu trúc, thống nhất về tư tưởng nghệ thuật. Tác giả đã có lời tâm sự về tập thơ này, thiết nghĩ không cần nói thêm. Tập thơ Những hoàng hôn ngẫu nhiên thì chắc chắn bất cứ ai quan tâm đến thơ tình đều không dễ bỏ qua. Về tập Hương rễ, tôi nhất trí với nhà phê bình Hồng Diệu: Những người làm thơ cùng đi theo hướng này – hướng mà Phạm Đình Ân đã chọn: đặt cái chung làm yếu tố chủ đạo (…) thường phải có hai điều kiện. Hoặc là những sự kiện trọng đại của nhân dân, của Tổ quốc phải thấm vào trái tim họ đến mức độ nào đó để họ có thể có thơ, để thơ họ có thể trở thành những kỷ niệm không quên. Hoặc là người làm thơ phải vượt qua được cái “mốt” không phải là không thịnh hành của thơ lâu nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường. (trang 305 Dọc đường thơ). Được trao Giải thưởng, tập Phấn hoa bay viết về người lao động, cuộc sống vất vả nhưng lãng mạn, tươi trẻ, thơ mềm mại như tên một bài có chung tên với tập thơ. Đến Vòng quay, Phạm Đình Ân “đột biến” – theo ý kiến nhận xét sắc sảo và tinh tế của nhà thơ Vũ Quần Phương, và đã có nhiều bài viết về tập thơ này. Tập thơ đã làm “nóng” dư luận. Tôi thấy tiếc là mình không kịp viết về Vòng quay. Tôi có lời bổ sung muộn mằn: Ở mỗi tập, Phạm Đình Ân đã có trước ý tưởng sáng tạo nghệ thuật riêng để rồi đến nay anh sâu sắc hơn khi chiêm nghiệm về đời sống, kỹ càng, tinh tế hơn về nghề thơ, tài hoa, bay bổng hơn về hồn thơ.

Tập thơ Dọc đường thơ của nhà thơ Phạm Đình Ân

Đi sâu vào bài thơ của Phạm Đình Ân thấy một số điều đáng quan tâm. Có nhà thơ được khẳng định về chặng đời thơ, các tập thơ nhưng khi xem xét các bài thơ thì lại khó đánh giá. Trường hợp Phạm Đình Ân thì khác. Anh có nhiều bài thơ hay. Mở đầu đời thơ anh đã có “Đi dọc miền Trung” xôn xao dư luận một thời, vẫn còn giá trị đến hôm nay. Anh có khoảng bốn mươi bài thơ được bình, trong đó có bài thơ được ba bốn tác giả cùng bình, thậm chí mười lăm bài bình của bằng ấy tác giả. Bài thơ “Sợi tóc” thuộc trường hợp này (xem bài tự thuật của tác giả). Tại đây, tôi không nhắc lại những bài thơ được nhiều người biết, nhiều người bình (như “Đi dọc miền Trung”, “Sợi tóc”, “Nắng xối đỉnh đầu”, “Hà Đông”, “Đầu năm mua muối”, “Cuối năm mua vôi”, “Chuyện kể muộn”, “Đồng hồ”,“Khóm tre”, “Lũ mối”, “Cái ghế”…) Nhiều bài khác của Phạm Đình Ân cũng cần được nói đến. “Lá trầu cay” đề cập mỹ tục ăn trầu, chứa đựng bao nỗi niềm thân phận: Nửa đêm thức dậy ăn trầu/ Nước trầu đưa nhớ vào sâu giấc già (…) Rủi may chìm nổi kiếp người/ Cơi trầu bày cả chuyện đời ngổn ngang. Tiếp đó là “Gai táo sắc” (Hôm qua ra ngõ gặp anh hùng/ hôm nay ra đường/ buồn và sợ (…) To mọng và ngọt/ cây vườn nhà cứ trĩu quả vô tâm”. Không thể không xác nhận rằng đây là một thi phẩm nổi trội, táo bạo. Bài “Cửa thoát hiểm” ẩn dụ về việc thoát hiểm cho ai trong chuyến bay: Thoát hiểm được không?/ Những ai không cần?/ Cửa nào dành riêng/ Cửa nào còn lại? Bài thơ gợi ra ý nghĩa công bằng – nhân ái, ý nghĩa luật pháp trong đời sống chung đối với số phận con người.  Bài lục bát “Chọn” xoáy sâu hơn về mối quan hệ ngang trái, ngược xuôi, xấu tốt hoặc khó lý giải giữa người và người, giữa cá nhân với cộng đồng: Ta chọn người, người chọn ta/ Ngọt vào khoảnh khắc, đắng ra một thời. Và, cũng lục bát, “Trớ trêu nước mắt” là thực ảo giao hòa, khái quát hóa tài tình từ cái cụ thể ít gặp. Đây là chuyện thật. Tác giả bị lây bệnh mắt từ bạn đồng nghiệp. Tuyến lệ tắc, lâu rồi lại đỡ. Rồi tiếp tục tắc. Nước mắt dấp dính chảy. Thế là cái rủi chuyển sang cái may, làm nên tứ thơ hay. Nước mắt sinh lý trở nên nước mắt tâm lý, tâm trạng, giúp cho bài thơ được đẩy lên tầm khái quát: Ô hay! Mằn mặn chảy dồn/ Bỗng dưng cái nghẹn đáy hồn tứa ra/ Trớ trêu thật – giả giao hòa/ Chung quanh vọng tiếng ù oa kiếp người. “Giày và dép” là bài thơ viết về trẻ em dành cho người lớn khá sâu sắc. Tác giả dựa vào câu nói gần như danh ngôn “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (đâu như từ lời của nhà thơ Phùng Ngọc Hùng) để nói đến trẻ em thôn quê nghèo khó, bỏ học hành, về thành phố với đôi dép rẻ tiền lạc hậu, kiếm sống bằng việc lau giày cho khách khi họ ngồi ăn uống. Phải chăng đó là “thực trạng” trẻ em hôm nay đang đi đến thế giới ngày mai? Người non trẻ đi bằng dép sứt quai lẹp xẹp phải lau bóng giày cho người lớn cùng đi đến ngày mai. Hóm đùa, mà châm biếm chua xót nhường nào, nhưng cũng ẩn chứa hy vọng… Đáng chú ý nữa là thơ bốn câu về hoa và thế sự (có bài đạt tới chuẩn tứ tuyệt) cùng nhiều bài ngắn khác. “Hoa mua” vừa trong trẻo vừa ám ảnh, u buồn kỳ lạ: Vắng hoa sấm tím mặn mà/ Duyên xưa con gái quê nhà trung du/ Ngoảnh sau: ảo ảnh sa mù/ Nửa bông nức nở nghìn thu hiện hình. Về thế sự mà chuẩn tứ tuyệt, có thể dẫn ra bài “Ngã tư” đa nghĩa, gợi nhiều liên tưởng đến đời riêng và xã hội hiện đại: Ngỡ kịp nào ngờ đèn đỏ bật/ Dõi trông đằng trước lại sương mù/ Trăm năm theo đuổi cùng vô vọng/ Để lại đèn xanh trống ngã tư. Vài chục bài thơ rất ngắn của anh đều tạo nên nỗi ngạc nhiên đối với tôi và hẳn là nhiều độc giả khác cũng thấy lạ và mới. Do khuôn khổ bài viết, chỉ có thể đưa ra hai bài:

Bản lề

Cửa mở ra, khép vào

Thạch sùng bị ép khô

Sách mở ra khép vào

Bướm bay bằng cánh nát

Bản lề

Nhiều người dẹt đét khi cửa đóng mở.

Từ cái bản lề của cánh cửa thông dụng đến bản lề của thời đại, liên tưởng ấy không phải ai cũng có được một cách dễ dàng.

Cưa ngọn

Cưa ngọn cây

hãy bung mầm, đơm hoa!

Cưa ngọn người

đừng vươn cành, đậu quả?

Hành động cưa cây và cưa người khác nhau xa lắm nhưng ở đây đều nhằm vào phần non trẻ mà làm. Đối với việc cưa cây thì thơ phản đối, đối với việc cưa người thì thơ nghi hoặc.

Phạm Đình Ân rất chú ý đến tứ thơ – tứ lạ và độc đáo – được phát hiện ra từ đời sống mà anh ngẫm ngợi. Hầu hết những bài thơ hay của anh đều có tứ, có tư tưởng. Có những thi ảnh được nâng lên thành biểu tượng hoặc chính chúng đã là biểu tượng, chúng giúp anh viết bằng xúc cảm thẩm mỹ mới. Bài thơ dài đến ba bốn trang hoặc ngắn chỉ hơn chục chữ, đều có cấu trúc chặt chẽ, lời thơ súc tích.

Câu thơ hay của Phạm Đình Ân không ít, nhưng hay ở trong bài là chính, khi tách ra thì cái hay giảm đi. Nói vậy thôi, những câu dưới đây cũng đủ khiến độc giả khó quên: Xuôi tay lạnh buốt tay không/ Trong veo dúm tóc mọc trong đất cằn (…) Trải ghềnh thác tận nguồn cao/ Tóc xanh mẹ chảy cạn vào đời con (trang 26 Dọc đường thơ); Rét từ trong ruột rét ra/ Đau ông cha sương muối gội bạc xóa mái tóc (27); Tháng năm trôi quá vội vàng/ Chiêm bao lỡ nhịp bàng hoàng mất nhau (67); Thầm nghe động lá lay cành/ Vừa mươn mướt cỏ đã thành mây tan (280). Đáng chú ý là thơ Phạm Đình Ân có nhiều cụm câu hay. Những cụm câu hay ấy có thể bứng ra khỏi bài thơ mà chúng vẫn có giá trị riêng. Đây là nỗi niềm say chênh chao trong không gian văn hóa xứ Lạng một thời: Rượu bát rượu thìa người say chỉ một/ Say điệu hát lượn, sli rừng núi ngả nghiêng mười/ Trao gửi trọn niềm riêng vào thổ cẩm/ Sắc vui buồn muôn thuở đốt lòng nhau (47) hoặc “Một quãng thời trai” của chủ thể sáng tạo đầy nội cảm: Tôi như con cá hồi tìm về nguồn mẹ/ phần phật áo bay bờ bãi/ chân đằm phù sa tươi (107). Kỷ niệm tuổi thơ giàu hình ảnh sắc màu, âm thanh, mùi vị vườn trại trung du từng khắc ghi vào tâm khảm nhà thơ. Tôi đọc chậm rãi, cùng bồi hồi, xao xuyến với Ân: Sông Mã bồng bột chàng trai/ Sông Chu dịu dàng em gái/ Sông đào đời Lê sâu đức ông bà/ Gà gô gáy theo mùa dọc bờ lau xao xác/ Tôi lớn lên ở vùng nửa núi đồi/ Hoa lạc chơi trốn tìm trong đất/ Mía ăn mòn hết răng (96); Phấn hoa bay sáng vườn/ Hương sen ngát tâm hồn mùa hạ/ Hương rì rào mọi ngả ong bay; Vào hội mùa xuân/ Lộc non búp nến/ Giêng hai khăn áo rậm rì/ Thu về hong hanh nắng gió/ Cây vườn xanh ngẩn ngơ; Dứt rốn tre bồng trong nôi/ Xuôi tay, sáu tấm theo ra mộ/ Hương đời hương gỗ hương cây (132, 138, 140). Cụm câu hay có thể là những bài trọn vẹn rất ngắn (từ 4 dòng trở lại). Thí dụ: Trắng muốt trời sưa mưa dệt thưa/ Thanh xuân đến độ tuổi đang vừa/ Cứ vô tâm nõn cho mà tiếc/ Mới rạng ngày ai, ta đã trưa (Hoa sưa); Gieo xuống hạt mưa mẩy/ Từ ngân hà triệu năm/ Tinh mơ đất thức dậy/ Một trời sao nhú mầm (Mầm mưa sao); Hoa vẫn đúng giờ như đã hứa/ Mà đôi lỡ hẹn buổi chia tay/ Sắc tím dùng dằng trưa sắp cạn/ Mong tàn nhanh cho hết một ngày (Hoa mười giờ). Đối với thơ Phạm Đình Ân, tất cả những câu, cụm câu hay dẫn ra ở trên đều thuộc những bài thơ đáng chú ý.

Gấp sách rồi lại mở ra mấy lần, tôi vẫn còn lưu luyến với thơ anh. Nhiều bài thơ đó từng thân thiết với tôi như những người bạn. Tôi xem lại bài đầu, đọc dòng cuối: Xót đau năm tháng lạ lùng/ Ngược xưa, lại chính theo dòng tương lai. Rồi lật đến bài khép lại tập thơ, chỉ bốn câu: Xa quê, giật thót quê: cây gạo/ Đèn lồng đâu chỉ thắp lưng khuya/ Tuổi thơ ham lượm hoa đầy gốc/ Nay xót lòng đi, sợ ngoái về. Tôi chợt cảm thấy có một cơn gió bay qua, lay động tâm hồn, khiến tôi thảng thốt.

L.X