Một góc nhìn mới về cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn

2112

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách đây hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn là cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan chưa được làm sáng tỏ. Do đó, khi “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” (The Tây Sơn Uprising) của George Dutton – một giáo sư bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á thuộc trường Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) từng giảng dạy bộ môn lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại ra mắt bạn đọc – Lê Nguyễn dịch và giới thiệu đã thu hút sự quan tâm của độc giả, giới nghiên cứu.


Bìa sách “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” (The Tây Sơn Uprising) – Lê Nguyễn dịch và giới thiệu 2019.

Sách đã dẫn từ nhiều nguồn tư liệu quý tiêu biểu là văn khố của Bộ Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo hải ngoại Pari (Pháp). Thêm nữa, tác giả cuốn sách là một giáo sư từng xuất bản nhiều đầu sách viết về Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX, XX). Riêng tác phẩm “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” (The Tây Sơn Uprising) được Trường Đại học Hawai xuất bản 2006, là công trình nghiên cứu quan trọng của Dutton về phong trào Tây Sơn những năm 1771-1802, trong khuôn khổ một cuộc nội chiến ác liệt kéo dài 30 năm. Dutton dành nhiều trang viết bàn về các mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn với các thành phần xã hội lúc bấy giờ đồng thời nêu những lý giải theo phương pháp tiếp cận của mình, không rập khuôn các khuynh hướng trước đó từng đánh giá nhìn nhận.

Khi đánh giá chung về nhà Tây Sơn, Dutton có những nhận định không phải ai cũng đồng thuận, nhưng đó là cách lập luận của ông, ví như nói về những lãnh tụ phong trào Tây Sơn, ông cho rằng: “Đây không phải là những nhà canh tân hay những nhà cách mạng mà chỉ là những kẻ cơ hội về chính trị”. Tuyên ngôn của các nhà lãnh đạo Tây Sơn về những mục tiêu nào đó thường được tính toán nhắm vào lợi ích riêng tư và quyền lực chính trị của họ, mà không nhắm vào sự chuyển biến cho đất nước hay đời sống của cư dân. Song tách riêng về nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ, Dutton có một cái nhìn khác, sâu sắc và trọng thị hơn rất nhiều. “Chiến thắng quân Thanh của ông đã dứt khoát đưa ông vào ngôi đền của những anh hùng dân tộc – Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo và Lê Lợi, là những người bảo vệ đất nước chống lại láng giềng phương Bắc. Chỗ đứng của ông trên vũ đài quốc gia được xác định bởi chiến công của ông về mặt quân sự hơn là tầm nhìn chính trị. Và cũng chính nhân vật Nguyễn Huệ, xét khía cạnh chính trị tác giả cũng có góc nhìn riêng và được đánh rất cao. Bởi Nguyễn Huệ là người duy nhất trong ba anh em kết nối được các chính sách có tính vĩ mô cho đất nước sau năm 1789, do ảnh hưởng giới nho sỹ Đàng Ngoài.

Tác giả cuốn sách cũng đã chỉ ra hai khuynh hướng chính nhìn nhận đánh giá phong trào Tây Sơn. Đó là các sử gia nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX, họ không chịu nhìn nhận anh em nhà Tây Sơn từng là những nhà cai trị hợp pháp trên lãnh thổ Đại Việt, mà coi họ như những kẻ soán ngôi đã chiếm lấy quyền lưc chính trị mà nhà Nguyễn coi như của mình. Các sử gia triều Nguyễn lập luận, việc tham gia của dân chúng vào phong trào Tây Sơn lúc đầu là sản phẩm của sự lừa gạt, về sau là do sự cưỡng bách. Một khuynh hướng lớn nữa trong nhìn nhận cuộc nổi dây nhà Tây Sơn như là một cuộc cách mạng, hoặc trung dung hơn là phong trào nông dân. Vì thế, sự kiện những đạo quân nông dân chiến đấu chống lại sự xâm lược của người Xiêm (hay người Tàu) được giải thích như sự tiêu biểu của cuộc chiến bảo vệ nền độc lập của quốc gia. Tương tự việc đạo quân Tây Sơn vượt rằn ranh chia đôi hai nhà Trịnh – Nguyễn vào năm 1786 được miêu tả như sự thể hiện niềm khát khao cháy bỏng được nhìn thấy sự thống nhất đất nước hơn là theo đuổi một cách tầm thường sự giàu có, quyền lực và cả sự trả thù.

Cũng nói về Nguyễn Huệ, trên phương diện ngoại giao, mưu lược của người thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, sau khi đánh bại quân Thanh, sau đợt rút quân ban đầu của người Thanh, vua Quang Trung thận trọng để không làm nhục họ một cách không cần thiết. Ông trao đổi nhiều thư từ với người Trung Hoa, trong sử dụng danh sĩ, Ngô Thì Nhậm như là bỉnh bút riêng của mình. Quang Trung yêu cầu nhà Thanh công nhận ông là vị vua hợp pháp của Đại Việt, phong ông theo danh hiệu truyền thống của người Trung Hoa, là An Nam quốc Vương. Được biết, nhà Thanh sau đó còn công nhận Nguyễn Quang Toản, con trai vua Quang Trung là hoàng thái tử, người sẽ nối ngôi vua.

Điều khá thú vị, George Du tton đã dẫn về giấc mơ Quang Trung với kế hoach đánh chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Sách Đại Nam liệt truyện chép, kế hoạch này xuất phát từ nhà Thanh không quan tâm đến sự phàn nàn của phía Đại Việt về một số quận huyện nằm ở biên giới mà họ cho rằng phía Trung Quốc đã chiếm của họ. Nếu người Trung Quốc không muốn trả lại hai tỉnh đó, vua Quang Trung đã sẵn sàng lấy lại chúng bằng vũ lực. Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết rằng, thư vua Quang Trung gửi nhà Thanh đòi hai tỉnh đơn thuần chỉ nhằm thăm dò phản ứng của người Trung Quốc…và trước khi vua Quang Trung qua đời năm 1792, triều Tây Sơn đã cho đóng những chiến thuyền khổng lồ để chuyển voi chiến đến Quảng Đông…như là bước đầu tái chiếm Quảng Đông và Quảng Tây.

Điều này cho thấy sử gia dù nhiều khuynh hướng đánh giá nhưng vai trò Nguyễn Huệ, vua Quang Trung trong cuộc nổi dậy nhà Tây Sơn đã được đánh giá ở tầm vóc xứng đáng. Điều mới mẻ, sách đã có những nghiên cứu khá toàn diện ở các lĩnh vực như: Tham nhũng và những hạn chế của chính quyền Tây Sơn; Việc kiểm soát người dân, phân loại dân chúng, việc khai thác bắt lính, khổ dịch; bòn rút tài nguyên, cướp phá, đánh thuế và nhũng lạm…đã giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn chặng đường ba thập kỷ cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn.

Trên nhiều phương diện, các tài liệu lịch sử cho thấy nhà Tây Sơn đã không tốt hơn hay xấu hơn những người đi trước, hay đi sau họ. Từ nhiều chính sách nhà Tây Sơn đưa ra với các tầng lớp nhân dân cho chúng ta thấy những lý giải tác giả là có cơ sở.

Sách cũng đã dành nghiên cứu sự tác động nhà Tây Sơn đến những nhóm người sống bên lề xã hội. Đây cũng là cách tiếp cận mới, bởi suốt thời kỳ Tây Sơn nhóm người sống bên lề xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, hoặc là ủng hộ các nhóm phản loạn, hoặc là chống lại họ… Những nhóm này bao gồm tín đồ Cơ Đốc giáo, các nhóm sắc tộc không phải người Kinh, bọn trộm cướp, hải tặc và lính đánh thuê. Đặc biệt,  thành phần hải tặc người Hoa là vô cùng cần thiết trong sức mạnh quân sự của nhà Tây Sơn. (Nhà Tây Sơn là người thực dụng trong tuyển mộ quân đội, họ không nghĩ đến nền tảng xã hội mà chỉ nghĩ đến con số tuyệt đối). Đối với người tuyển mộ Tây Sơn, một kẻ cắp hay cướp biển không phải là tên tội phạm cần tiêu dệt, mà là người có kinh nghiệm chiến đấu có thể tự trang bị vũ khí sẵn sàng thách thức nhà cầm quyền. Bởi vậy, nếu giải thích phong trào Tây Sơn như một cuộc thập tự chinh theo chủ nghĩa dân tộc quy tụ những người nông dân ưu tú chiến đấu cho sự thống nhất đất nước, hoặc bảo vệ đất nước chống lại “ngoại nhân” thì sẽ viết sai thời kỳ này rất nhiều.

Thông qua các tiếp cận của mình, tác giả cuốn sách đã lý giải  thời kỳ nổi dậy của nhà Tây Sơn khá phong phú hơn nhiều sự thật lịch sử trước đây, vì lý do này hay lý do khác, còn mơ hồ, chưa thống nhất nay được rõ ràng hơn. Giai đoạn này dù những thành tựu cụ thể thế nào đi nữa thì di sản nó để lại đã thu hút trí tưởng tượng của thế hệ mai sau, đơn cử như cuộc hành quân thần tốc của đạo quân người anh hùng áo vải làm nên chiến thắng xuân Kỷ dậu 1789 đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi đất nước đến nay vẫn còn là dấu hỏi. Lời hịch của vua Quang Trung đâu đó vọng vang: “…Đánh cho chúng trính luân bất phản/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. (nghĩa là đánh cho chúng không còn bánh xe về tàu, đánh cho chúng không còn một phiến giáp/ đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ) vẫn còn đời đời với núi sông.

Võ Văn Trường