Một lần cùng Đại tướng Mai Chí Thọ

967

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đại tướng Mai Chí Thọ ra đi đã 14 năm, nhưng cứ khi Sài Gòn vào mùa mưa, tôi lại nhớ đến buổi trò chuyện cùng ông – một trong những người con ưu tú của quê hương Nam Định.

Cuộc đời làm cách mạng của Đại tướng Mai Chí Thọ thật nhiều gian nan, khốc liệt, nhưng rất đỗi vinh quang, tự hào. Chuyện đời, chuyện nghề của ông, dẫu đã hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Bài viết này rút trong tập Nơi Thành đồng Tổ quốc do TCCT và TC VNQĐ xuất bản năm 2021.


Đại tướng Mai Chí Thọ (1922-2007)

I.

Lần lữa mãi, cuối cùng ông cũng dành cho tôi một cái hẹn. Buổi chiều cuối tháng 7 ở Thành phố Hồ Chí Minh dường như ngày nào cũng có mưa. Năm nay lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long về sớm. Cả một dải đất mênh mang từ Vĩnh Hưng – Mộc Hóa (Long An) đến Tân Châu – Hồng Ngự (Đồng Tháp) lúa non của bà con chưa kịp thu hoạch đã ngập chìm trong nước. Tiếp tôi tại nhà riêng, trong căn phòng làm việc đơn sơ với những tập sách, báo và vài đồ vật kỷ niệm sau mỗi chuyến công tác, ông không nguôi nhắc đến những cơn lũ ấy:

– Ti-vi mới loan tin, không chỉ có lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, mà ngoài bắc, nước ở những con sông lớn cũng dâng lên trên mức báo động. Tại Hà Giang, mới có trận lũ quét, làm chết nhiều người… Mấy năm nay sao mà thời tiết khắc nghiệt đến thế!

Tự tay rót nước đưa tôi, ông nói:

– Dịp này chắc bộ đội vất vả lắm nhỉ? Cứu dân, bảo vệ dân là truyền thống tốt đẹp hơn nửa thế kỷ nay của bộ đội và công an mà. Những lúc này, bà con dưới đó cần đến bộ đội và công an lắm.

Bất chợt, đôi mắt ông đượm buồn. Tôi biết, nay tuổi già sức yếu, thôi đảm nhiệm các trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhưng lúc nào ông cũng nghĩ về dân, về dưới đó – một vùng đất với bao kỷ niệm vui buồn, với những con người đôn hậu, chất phác đã nuôi dưỡng, che chở ông suốt mấy chục năm kháng chiến.

II.

Sinh ra ở đất Nam Định, nhưng dường như ngay từ tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành, cuộc đời ông gắn liền với mảnh đất phương Nam. Năm 1922, khi lên 6 tuổi, ông mất cha. Mẹ ông phải một mình nuôi dạy đàn con nhỏ. Là con út trong gia đình, ông được gửi cho người anh ruột chăm sóc. Năm 14 tuổi, ông theo anh vào Huế học ở trường Licée Khải Định (Quốc học Huế). Những năm đó ở Pháp, liên minh cánh tả gồm Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, lập ra Mặt trận bình dân Pháp – ngài Gô-đa được phái sang Việt Nam để điều tra tình hình thuộc địa. Các cuộc mít-tinh, biểu tình diễn ra khắp nơi nhân chuyến đi của Gô-đa, để đòi dân sinh, dân chủ. Là học sinh nội trú ở Huế, ông cũng xuống đường theo dòng người ấy.

Đến bây giờ, đã từng giữ các trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Đại tướng, Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ công an) được hỏi con đường nào dẫn ông đến với cách mạng? Ông vẫn trả lời: – Điều ấy, tự nhiên lắm, không đắn đo suy nghĩ và cũng chẳng được ai tuyên truyền, tổ chức trước…

Ông nói vậy, nhưng tôi nghĩ, hoàn cảnh gia đình và quê hương, những điều mắt thấy tai nghe từ tuổi ấu thơ của ông là những tác nhân quyết định nhất đưa ông đến với cách mạng. Và, đó chính là sức mạnh giúp ông vượt qua tù đày, ác liệt, gian khổ, vững vàng đi lên trên con đường đầy thử thách, nhưng vô cùng vinh quang.

Ông kể lại, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), ông mới lên 8 tuổi. Đất nước chìm trong đau thương. Ba anh trai của ông bị bắt vì “tội” yêu nước và hoạt động cho cộng sản. Mẹ ông nén đau thương, không thụ động than thân trách phận, mà âm thầm đi hoạt động cách mạng. Chính bà đã nuôi giấu các cán bộ thời tiền bối của Đảng trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh… Cũng chính tại ngôi nhà nhỏ của bà, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trao cho đồng chí Hoàng Quốc Việt bản Cương lĩnh về Mặt trận phản đế, một quyết định quan trọng của Đảng ta vào cuối năm 1939.

Từ điểm xuất phát ấy, nên 14 tuổi cậu học sinh trường Quốc học Phan Đình Đống (tên thật của ông) đã tự nguyện tham gia cách mạng. Nói về ngày ấy, ông bày tỏ một cách tự nhiên như một lẽ sống tất yếu: Thế là từ đó, tôi đi theo con đường cách mạng một lèo cho đến nay.

Cái một lèo ấy của ông là cả một chặng đường hơn nửa thế kỷ, nói chính xác là hơn 60 năm, mở đầu bằng việc tự nguyện tham gia các cuộc biểu tình đòi dân sinh, dân chủ ở Huế và Hà Nội. Năm 1940, ông trở về thành phố quê hương tham gia tổ chức thanh niên, sau đó được giao làm Bí thư đoàn Thanh niên. Rồi cũng từ đây, ông bị địch bắt suốt 5 năm đày đi khắp năm nhà tù từ Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La đến khám lớn Sài Gòn và Côn Đảo.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông cùng các đồng chí đang bị tù đày ở Côn Đảo được đón về đất liền. Đến bây giờ cái cảm giác vừa vui, vừa buồn ấy trong ông vẫn còn nguyên vẹn. Vui vì nước nhà độc lập, bản thân mình được tự do, trong đội ngũ người chiến thắng; buồn vì có biết bao đồng chí mình đã mãi mãi nằm lại nghĩa trang Hàng Dương.

Hai phần ba trong số 5.000 tù chính trị đã ngã xuống ở Côn Đảo trong những năm trước ngày cách mạng thành công.

Đúng chiều 23 tháng 9 năm 1945, từ Côn Đảo, ông cùng đồng đội về đến cửa Đại Ngã (Sóc Trăng). Ít khi làm thơ, nhưng những ngày lênh đênh trên mặt biển, xúc động về đất nước, về đồng đội, ông đã làm bốn câu thơ. Những câu thơ ấy, bây giờ, mỗi lần đọc lên lòng ông vẫn dâng trào cảm xúc:

Cách mạng thành công như giấc mơ
Bứt tung xiềng xích, phá lao tù
Đại bàng vỗ cánh tung lồng hẹp.
Bay dưới cờ sao lộng gió thu.

Đúng là đại bàng đã tung cánh. Ngay sau khi từ Côn Đảo trở về, ông và các đồng chí được Đảng phân công công tác. Nguyễn Xuân Mai (bí danh của ông) được cấp trên giao làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc tỉnh Cần Thơ. Nhưng chỉ được ít ngày, ông được Bí thư Tỉnh ủy gọi lên. Bằng một giọng nghiêm trọng, Bí thư Tỉnh ủy nói: – Bấy lâu nay, đồng chí quen làm công tác vận động thanh niên; nay tổ chức muốn đồng chí đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng khác: Quốc gia tự vệ cuộc (công an). Đồng chí thấy thế nào?

Nguyễn Xuân Mai hoàn toàn ngỡ ngàng. Từ những ngày bị tù đày, ông đã quá chán ghét cảnh ép cung, tra hỏi, đánh đập. Bộc phát, ông trả lời:

– Trong tù, tôi cùng anh em bị lính kín Pháp tra tấn dã man lắm rồi. Tôi căm ghét nó. Tôi không thể làm nghề này được.

Lần duy nhất từ chối không nhận nhiệm vụ ấy là một kỷ niệm cứ theo ông mãi. Nhưng vì trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, ông đã nhận nhiệm vụ. Sau này, liên tiếp làm giám đốc công an các tỉnh: Cần Thơ (1946), Mỹ Tho (1948), Phó giám đốc Công an Nam Bộ (1949), Phó giám đốc Công an Phân liên khu miền Đông (1952), rồi Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh (1975), Bộ trưởng Nội vụ (1986)… ông vẫn không quên bài học đầu tiên, kỷ niệm của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.

– Mấy chục năm làm công an, bác rút ra điều gì sâu sắc nhất? – tôi hỏi. Ngừng một lát, ông trả lời:

– Có, nhiều lắm, cả vui, cả buồn, cả thành công cả thất bại. Nhưng theo tôi, sống ở trên đời này, làm việc gì cũng cần có cái tâm, cái nhân, cái đức; đặc biệt làm công an trước hết phải có những phẩm chất đó.

Và, xuyên suốt câu chuyện trong chiều mưa cuối tháng 7 này, ông dành nhiều thời gian nói về chữ tâm của các chiến sĩ công an nhân dân, từ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng đội và của chính mình.

Ông tâm sự, nhận thức là một quá trình; có nhận thức đúng mới có hành động đúng. Lúc đầu khi Bí thư Tỉnh ủy giao làm công an ông từ chối; rồi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ. Sau này được học tập, được cọ xát thực tiễn mới thấy cùng một nghề, nhưng “lính kín” khác hẳn với Công an nhân dân về bản chất và cả phương pháp công tác. Từ đó, ông đã xác định nhiệm vụ, phấn đấu hết sức mình để trở thành người cán bộ công an tốt của Đảng. Tác động sâu đậm đối với ông là tấm gương về lòng trung kiên và ý chí bất khuất của anh Hai Hùng (đồng chí Phạm Hùng) ở nhà tù Côn Đảo. Bị thực dân Pháp kết án tử hình, đồng chí Phạm Hùng vẫn vững tin ở con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ. Trước cái chết, anh Hai Hùng không hề khiếp sợ, mà trái lại còn ngạo nghễ, đùa giỡn, trào lộng. Câu chuyện về cái “đầu dưới” mà anh Hai Hùng phát biểu trước tòa án đế quốc khi bị kết hai án tử hình trong cùng một phiên tòa, cứ làm ông tức cười cho tòa án đế quốc và kính phục chí khí của người cộng sản. Sau này, sự hy sinh của đồng chí Lê Bình, Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Cần Thơ và các chiến sĩ trong trận kỳ tập Chi khu Cái Răng những ngày đầu chống thực dân Pháp đã tiếp cho ông sức mạnh và niềm tin. Ông tự răn mình và chỉ bảo anh em cấp dưới: công an nhân dân là con em của nhân dân, có trách nhiệm bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng; phải lấy cái tâm để làm việc, như ông cha đã dạy “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn; lấy trí nhân thay cường bạo”.

Và, cái nhân, cái nghĩa ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Ông nhớ lại, gần 40 năm hoạt động trong ngành công an, có biết bao tình huống đòi hỏi ông phải thật sự tỉnh táo, lấy nhân nghĩa để xử lí. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp giữa đạo Hòa Hảo và lực lượng kháng chiến đối đầu gay gắt. Cứ người kháng chiến sang địa phận Hòa Hảo (Thốt Nốt – Long Xuyên) là bị bắt bớ, tra tấn dã man và bị thủ tiêu. Để trả đũa, một lần, công an huyện Ô Môn dẫn đến trình diện ông 20 người dân huyện Thốt Nốt bị tình nghi hoạt động cho Hòa Hảo. Hỏi chuyện, biết họ không phải là gián điệp của Hòa Hảo mà là những người dân nghèo, lam lũ đi mò cua, bắt ốc kiếm sống, ông định ra lệnh thả họ. Nhưng một số cán bộ bên ngành Tòa án không nhất trí, đòi phải lập hồ sơ đưa ra tòa. Để giải quyết tư tưởng nội bộ, ông chấp nhận mở phiên tòa. Lúc bấy giờ, trong các vụ xét xử ở tòa án, công an đồng thời là công tố viên. Đáng lẽ, công tố viên phải buộc tội bị can; đằng này, ông lại bào chữa cho họ và chứng minh không đủ bằng chứng để kết án họ. Tòa xử công khai, có đông đảo quần chúng tham dự. Chánh án tuyên bố tha bổng cho các bị can. Quần chúng ủng hộ, reo mừng. Tiếng tăm về sự tỉnh táo, nhân hậu của ông bắt đầu lan truyền từ đó. Một lần khác, hồi bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, ông có nghe đến một tay anh chị đầu trộm đuôi cướp khét tiếng lấy tên là Tiểu La Thành (La Thành là nhân vật anh hùng hảo hớn trong truyện cổ Trung Quốc. Tiểu La Thành là “La Thành nhỏ” “La Thành em”). Không ngờ, khi về Cần Thơ làm giám đốc công an, ông gặp lại anh này vừa mãn hạn tù về lại tiếp tục đường cũ trộm, cướp. Ông cho gọi Tiểu La Thành lên, ân cần nói với anh ta: Trộm cướp lúc này là tội lớn, có thể tử hình. Hảo hớn như anh, trong lúc nhân dân đang kháng chiến mà bị tử hình vì tội trộm cướp thì còn ra gì nữa. Nếu muốn như Tiểu La Thành thì sao anh không vào Vệ quốc đoàn, chiến đấu vì dân, vì nước. Nếu có phải hy sinh thì cũng xứng danh Anh hùng hảo hớn, để tiếng thơm lại cho đời.

Nghe có lý, Tiểu La Thành bỏ nghề anh chị vào bộ đội. Anh chiến đấu dũng cảm và hy sinh ở chiến trường Sóc Trăng, để lại tiếng thơm và sự thương tiếc của đồng đội và nhân dân.

III.

Năm 1977, là Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc công an thành phố, ông được báo cáo có một người đàn ông đeo băng đỏ với dòng chữ “Đả đảo cộng sản” hiên ngang đứng trước nhà thờ Đức Bà ở trung tâm thành phố. Với sự tỉnh táo và lòng nhân hậu, ông nhận định: chuyện này chỉ xảy ra một trong ba trường hợp: thứ nhất anh ta mất trí, điên loạn; thứ hai, có kẻ dùng tiền mua chuộc và thứ ba, vì lý do nào đó, anh ta cùng quẫn làm bậy. Ông chỉ đạo điều tra, tìm hiểu; quả nhiên, anh em về báo cáo, đó là một người lính chế độ cũ, vợ yếu, con đông, bán hủ tiếu ở căn cứ Quang Trung cũ. Nay chính quyền lấy lại đất xây dựng cơ sở công ích. Mất nhà, thất nghiệp, đói khổ quá nên anh ta cùng quẫn. Ông chỉ đạo thả anh ta ra và làm việc với chính quyền cơ sở, dù lúc đó rất khó khăn, cứu trợ gia đình anh ta một tạ gạo, đồng thời khuyên anh ta hãy làm ăn lương thiện. Chuyện có vẻ tày trời như thế mà không những không bỏ tù, còn cho gạo cứu đói. Việc làm nhân nghĩa của ông có tiếng thơm vang. Nghe nói, sau này anh ta trở thành người tốt, chí thú làm ăn…

Trong câu chuyện giữa chiều mưa hôm ấy, ông không nói nhiều về nghiệp vụ công an, mà chỉ nói với tôi về cái tình, cái nghĩa. Câu chuyện bị cắt ngang bởi người giúp việc báo tin ông có điện thoại. Ông dừng sang phòng bên nghe máy. Bây giờ tôi mới có dịp quan sát kỹ hơn căn phòng làm việc của ông – vị Đại tướng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an một thời. Một tấm phản gỗ nửa như làm ghế ngồi, nửa làm như giường ngủ với chiếc gối và tấm chăn chiên như thời ở rừng; một bộ chén uống nước đơn sơ như bao nhiêu bộ chén khác. Nếu có khác thì đó là tài liệu, sách báo đầy ắp các kệ sách xung quanh.

Chờ ông nghe điện thoại xong, ngồi vào ghế, tôi hỏi:

– Bác về hưu gần chục năm nay rồi, chắc có thời gian rảnh rỗi chăm sóc gia đình?

Ông cười, mái tóc bạc trắng như cước rung rung:

– Lúc làm việc bận đã đành, nay về nghỉ, có lúc còn bận không kém. Đấy, đã sắp xếp nói chuyện với anh mà còn mời đi dự lễ trao tặng phẩm cho người tàn tật, các gia đình thuộc diện chính sách. Ông chỉ vào tập tài liệu: – Còn món nợ này chưa trả, góp ý Báo cáo Chính trị Đại hội 9 của Đảng và mấy cuốn sách nữa.

Danh nghĩa là về hưu, nhưng thực ra ông chỉ về hưu với công việc điều hành, còn công tác xã hội thì không hưu, có khi còn nặng hơn nữa.

Là một trong những người khởi xướng phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương” ở thành phố lúc còn đương chức, nay về hưu ông vẫn bám sát các hoạt động này. Ông tâm sự, xóa cái đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các tầng lớp nhân dân và các địa phương khác nhau để mọi người cùng hưởng ấm no hạnh phúc chính là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; là trách nhiệm và cơ sở tồn tại của Đảng ta, của chế độ ta. Từ suy nghĩ ấy, tôi thấy ông thường xuyên xuất hiện những nơi làm việc tình nghĩa. Ông mong muốn các chiến sĩ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân – những người lính Cụ Hồ tham gia tích cực vào các phong trào ấy. Có như thế mới góp phần thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, đem lại sự công bằng và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

IV.

Trời bắt đấu tối, đèn đường đã bật sáng, nhưng mưa vẫn nặng hạt. Trước khi chia tay ông, tôi xin phỏng vấn về cái tên Mai Chí Thọ. Ông cười phúc hậu trả lời:

– Bí danh của tôi lúc là Tám Mai, lúc là Năm Xuân; Xuân chính là tên con gái út của tôi, Năm là thứ của vợ tôi. Còn tên Mai Chí Thọ là do đồng chí Phạm Hùng, năm 1948, đặt cho. Lúc đó anh Hai Hùng là Phó Giám đốc sở Công an Nam Bộ, tôi là Trưởng ty Công an Cần Thơ được điều lên thay đồng chí Trưởng ty Công an Mỹ Tho vừa hy sinh. Chiến trường Mỹ Tho năm đó ác liệt lắm, chỉ trong có ba năm đã có hai Chủ tịch UBND tỉnh, hai chỉ huy Quân sự tỉnh và hai Trưởng ty Công an hy sinh… Anh Hai đặt cho tôi tên này với hàm ý yêu thương: Mai là bí danh của tôi lúc đó và Chí Thọ là sống mút mùa, không thể chết sớm được.

Nói xong, ông mỉm cười, miệng ông cười mà đôi mắt rớm lệ.

Tiễn tôi ra xe, ông còn dặn với:

– Mưa to lắm, chắc lũ còn dâng cao, có về dưới đó cho mình gởi lời thăm bà con nhé.

Sài Gòn, mùa mưa

T.T.T