Một sự thật không thể chối cãi

1014

07.02.2018-09:00

NVTPHCM- Ngày nay, “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” đang là phương châm có tính chỉ đạo để Việt Nam và Mỹ xây dựng quan hệ đối tác toàn diện phát triển sâu rộng, hiệu quả. Đáng tiếc là trong bối cảnh đó, vẫn có người “khơi lại quá khứ” để biện hộ cho thất bại, hạ thấp sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam.

 

Năm 1985, trong cuốn Giải phẫu một chiến tranh: Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại (Anatomy of a War: Vietnam, the United States, and the Modern Historical Experience, xuất bản tại Mỹ; bản tiếng Việt nhan đề Giải phẫu một cuộc chiến tranh do NXB Quân đội nhân dân phát hành năm 1991), đề cập Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân dân Việt Nam, nhà sử học người Mỹ là G.Kolko viết: “Cuộc tiến công Tết 1968 là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của chiến tranh Việt Nam… Những chiều cạnh chính trị, quân sự và tâm lý của nó rất to lớn và rộng rãi cho nên bất kỳ giải thích đơn giản nào sẽ không nói lên được tính chất thật sự quan trọng hơn nhiều của tình trạng chiến tranh giữa chủ nghĩa đế quốc và các phong trào cách mạng trong lịch sử hiện đại…”. Kết luận của G.Kolko ra đời từ việc ông xem xét Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không đơn thuần là một trận đánh, mà xem xét với tính cách một sự kiện có vai trò quyết định, từ đó phân tích ý nghĩa nhiều mặt của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vì đã tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Ðó cũng là điều gần đây, các tác giả bộ phim Chiến tranh Việt Nam (Vietnammese War, gồm 10 tập, ra mắt ngày 17-9-2017) đã dành tập 6 có tên là Tan rã (Things Fall Apart) đề cập tới vai trò và ý nghĩa của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; và dù còn có những nhìn nhận khác biệt, các tác giả làm phim vẫn phải thừa nhận: Năm 1968 trở thành năm bước ngoặt trong lịch sử cuộc chiến Việt Nam và lịch sử nước Mỹ. Vào đầu năm 1968, 485 nghìn lính Mỹ đóng ở Việt Nam và lãnh đạo Mỹ hứa hẹn về triển vọng chiến thắng rằng thật sự đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Nhưng rồi Bắc Việt Nam đã phát động tiến công tổng lực, họ chịu thất bại, nhưng về lâu dài hóa ra lại là một thắng lợi còn lớn hơn.

 

Không có ý nghĩa nào khác, sự ra đời của phim Vietnammese War là nối dài “hội chứng Việt Nam” – khái niệm do Tổng thống Mỹ R. Reagan đưa ra lần đầu vào ngày 18-8-1980. Nói cách khác thì sau hơn 40 năm “hội chứng Việt Nam” vẫn đeo bám suy nghĩ của một số người ở Mỹ, họ cố gắng lý giải để rút ra bài học. Ðiều này là bình thường nếu trong các ý kiến đó không nổi lên vài kết luận bất thường, thí dụ: “Mỹ không hề thua một trận chiến nào trước quân Bắc Việt, nhưng thua cả cuộc chiến”, “thắng một trận đánh nhưng lại thua một cuộc chiến tranh”! Bất thường hơn, có người lại cổ vũ cho các kết luận này, từ đó cho rằng “Việt Nam hy sinh quá nhiều để giành độc lập”!

 

Từ tâm thế của kẻ mạnh, những người kết luận như vậy đã không thể tin một trận đánh mà Mỹ và đồng minh có ưu thế vượt trội lại có thể thua. Như theo Hồ sơ 16.105 Tình hình quân sự năm 1967 của “Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa” đến cuối năm 1967, quân số của Mỹ và đồng minh ở miền nam Việt Nam gồm 1.333.546 người, hơn 2.000 máy bay, 3.300 trực thăng các loại, 267 tàu chiến cỡ lớn, hơn 1.500 tàu xuồng tuần tra cỡ nhỏ. Trong khi đó, theo Tài liệu số 790 của Trung tâm lưu trữ – Bộ Quốc phòng Việt Nam, thì đầu năm 1968 ở miền Nam, lực lượng quân sự của cách mạng tổng cộng 277.000 người, và hoàn toàn không có không quân, hải quân. Các con số cho thấy khi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, Mỹ và đồng minh áp đảo về quân số, vũ khí, phương tiện quân sự. Vì thế, người coi chiến trường là nơi quyết định một cuộc chiến tranh và lại không quan tâm vấn đề có tính nguyên tắc xuyên suốt trong chiến lược của cách mạng Việt Nam là luôn kết hợp hữu cơ, linh hoạt giữa chính trị, quân sự, ngoại giao… sẽ không thể hiểu tại sao lại thất bại.

 

Về vấn đề này, nhà sử học G. Kolko nhận thức khá rõ. Ông lý giải khi đề cập khái niệm “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” và coi đó là sáng tạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam: “Tổng công kích và tổng khởi nghĩa có thể đồng thời hoặc nối tiếp nhau. Không nhất thiết phải đưa lại thắng lợi cuối cùng nhưng ít nhất sẽ đánh vào “ý chí” của Mỹ, làm tổn hại nghiêm trọng quân đội Việt Nam cộng hòa, chuẩn bị điều kiện cho sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội đó. Ðảng Cộng sản Việt Nam xem khái niệm này là một công thức linh động, được áp dụng một cách sáng tạo tùy theo các hoàn cảnh, mở ra khả năng có thể thúc đẩy những sự kiện tự phát”. G. Kolko viết tiếp: “Cách mạng luôn hiểu rõ rằng hoạt động quân sự luôn phụ thuộc vào đấu tranh chính trị, cách mạng luôn đánh giá toàn bộ các vấn đề mà mình phải đương đầu. Với cách như vậy, cách mạng đã đủ khả năng bù lại cho việc còn thua kém về vật chất của mình bằng việc phát huy cao độ các khả năng của con người… Người ta nói rằng Việt cộng sẽ không thể giữ các thành phố, và đó có lẽ là đúng. Nhưng họ đã chứng minh rằng mặc dù tất cả các báo cáo về tiến độ, về sức mạnh của chính phủ, sự yếu kém của kẻ thù, rằng nửa triệu lính Mỹ, với 700.000 đồng minh của Việt Nam, với không quân, hải quân, được hỗ trợ bởi nguồn lực khổng lồ và vũ khí hiện đại nhất mà chúng ta không thể bảo vệ được ngay cả một thành phố duy nhất trước các cuộc tiến công của kẻ thù với sức mạnh của khoảng 250.000 người”.

 

Về ý nghĩa của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, G. Kolko cho rằng: “Vào năm 1968, chiến tranh Việt Nam đã trở nên khó phân tích hơn rất nhiều, bởi quá trình diễn biến của cuộc xung đột kéo dài đã làm cho nó không chỉ là một cuộc đấu tranh quân sự mà còn là cuộc đấu tranh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hệ tư tưởng và con người trở thành ngày càng trọng yếu. Trong tất cả những nhân tố đó, không nhân tố riêng rẽ nào có tính chất quyết định nhưng tác động qua lại giữa chúng với nhau sẽ hình thành kết quả cuối cùng của chiến tranh. Ðối với Mỹ, Tết là sự đối đầu với thực tế, đã bị trì hoãn quá lâu; trước đó Mỹ bị mê hoặc bởi chính các ảo tưởng, các tham vọng và các nhu cầu của chính mình… Cuộc tiến công càng làm cho tình hình nghiêm trọng thêm và nhìn từ mặt này thì cách mạng Việt Nam đã đạt được lợi thế quyết định trong toàn bộ cuộc đấu tranh của mình… Cách mạng Việt Nam đã đạt các mục tiêu chiến lược chính của cuộc tiến công Tết, buộc Mỹ phải rời bỏ lĩnh vực của sự ao ước để đương đầu với lĩnh vực của sự cần thiết… Tết là ngưỡng cửa trong sự phát triển của chiến tranh, là một điểm ngoặt rất lớn bảo đảm rằng cách mạng không thể bị đánh bại. Tất cả những chiều cạnh tổ chức xã hội, kinh tế và con người diễn biến rất nhanh chóng, ngày càng có ý nghĩa cho kết quả cuối cùng của chiến tranh, và dù ngay lúc đó chúng có vẻ mập mờ và u ám như thế nào, thì rõ ràng cuối năm 1968, chúng đã tỏ ra quyết định”.

 

Về điều này, các tác giả của cuốn sách The Lessons of Vietnam War (Những bài học của chiến tranh Việt Nam – xuất bản tại Mỹ năm 1988) cũng viết: “nhiều nhà quan sát xem cuộc tiến công Tết như là một chiến thắng tâm lý xuất sắc với đối phương, một thắng lợi chính trị vẻ vang đối với họ tại nước Mỹ”. Ngày 18-11-2017 mới đây, trong bài nhan đề Thiên tài chiến lược của Bắc Việt (The Genius of North Vietnam’s War Strategy, đăng tại thedailybeast.com) đề cập Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tác giả J. Warren đã viết: “mục tiêu quan trọng của cuộc tiến công Tết không phải để chiếm giữ đất đai. Thay cho điều đó, nó đã giáng một đòn tâm lý nghiêm trọng vào chính phủ và công chúng Mỹ, bằng sự phơi bày sự phá sản chiến lược của Mỹ một cách rất bi đát… Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã buộc Washington phải nghiên cứu lại chính sách, chiến lược của Mỹ”.

 

Ý nghĩa, vai trò quyết định của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là không thể phủ nhận, hay nói như G. Kolko, đó là “một điểm ngoặt rất lớn bảo đảm rằng cách mạng không thể bị đánh bại”. Nên không phải ngẫu nhiên ngay tháng 3-1968, nghĩa là chưa đầy hai tháng sau khi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, L. Johnson – Tổng thống Mỹ khi đó, đã có một số quyết định quan trọng như: đồng ý để R. McNamara thôi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng; cách chức chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam của W. Westmoreland; tuyên bố ngừng mọi hoạt động không quân và hải quân chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra; đồng ý đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Vì thế xét đến cùng, các kết luận hạ thấp ý nghĩa Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chỉ nhằm biện hộ cho thất bại và làm lạc hướng dư luận. Về bản chất, đó chỉ là ý kiến chủ quan của một số người tôn thờ vũ khí luận, lấy đếm xác người trên chiến trường để đánh giá thắng – thua kết hợp với phép thắng lợi tinh thần để tự tưởng tượng, tự an ủi về những trận đánh mà họ tự coi là… “đã thắng”!

 

Để đi tới thắng lợi cuối cùng vào ngày 30-4-1975, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống và chúng ta không bao giờ quên công ơn những người đã hy sinh vì đất nước. Hy sinh đó chỉ trở nên “khó hiểu” với những ai không dám nhìn thẳng vào sự thật, cố tình không chấp nhận sự thật là sức mạnh quân sự không thể khuất phục ý chí một dân tộc đoàn kết, quyết tâm, kiên trì đấu tranh vì độc lập, vì danh dự dân tộc; càng “khó hiểu” hơn với người không đủ khách quan để thừa nhận vai trò lãnh đạo sáng suốt, tài tình và sáng tạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến đấu giành lại Tổ quốc. Hy sinh, mất mát của cha anh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và trong quá trình cách mạng là có thật. Những hy sinh mất mát đó đã đem lại kết quả vĩ đại là đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất. Vì thế, trước khi muốn nhắc đến hy sinh của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh, ai đó hãy nghĩ tới những gì mà hy sinh đó đem lại; và cũng nên nhớ trong 30 năm chiến tranh, người ta đã trút xuống đất nước này 15,35 triệu tấn bom đạn, 80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó có 61% là chất độc da cam).

 

VŨ HỢP LÂN

BÁO NHÂN DÂN

 

 

>> Những nhà văn đồng hành cùng mùa Xuân 1968

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…