Phạm Tiến Duật thân yêu của tôi

1403

07.02.2018-09:10

 Nhà thơ Phạm Tiến Duật

 

Phạm Tiến Duật thân yêu của tôi

 

VŨ CAO PHAN

 

NVTPHCM- Có một việc đã mười năm trôi qua nhưng vẫn thức trong lòng mà dường như tôi khó lý giải: Phạm Tiến Duật ngã bệnh tháng 7, ra đi đầu tháng 12, trong khoảng thời gian gần nửa năm đó không ngày nào báo chí không có tên anh, sự việc như chưa từng đối với một nhân vật. Nhưng rồi sau đám tang, cứ như là rủ nhau, các diễn đàn lặng bặt cho tới hôm nay.

 

Tôi với anh không phải bạn học, chẳng phải bạn văn (sau này thì có thể), mà gọi là bạn lính thì câu chuyện cũng khá đặc biệt. Tôi dẫn quân đi “B”, đến một binh trạm của 559 (bộ đội Trường Sơn) thì được lệnh giao quân để ra Bắc huấn luyện tiếp một đợt lính mới. Biết 559 có Phạm Tiến Duật – anh cũng vừa đi ngang đây- tôi xin ở lại khi binh trạm cũng đang cần bổ xung cán bộ.

 

Năm năm chung một chiến hào Trường Sơn, mà chiến hào này dài cả ngàn cây số nên tôi và anh cũng chưa bao giờ chạm mặt. Tình bạn được bắt đầu và duy trì chừng đâu bằng hai lá thư và vài cuộc điện thoại vô cùng khó khăn qua nhiều tổng đài.

 

Cho mãi đến tận 1976 chúng tôi mới gặp nhau lần đầu ở ngõ Yên Thế, nơi anh đã có vợ và hai nhóc Hải, Lâm. Lẽ ra đã có một cơ hội, một cơ hội thật là hy hữu. Trong những ngày nóng bỏng sát chiến dịch đường 9 – Nam Lào, Phạm Tiến Duật nhảy theo đoàn xe chuyển đạn vào Binh trạm 41 theo đường 16. Đến gần ngầm Chà Lì – A Troóc (sông Xê băng hiêng), gặp Tạ Bá Tòng chỉ huy trung đội công binh trực chiến ở nơi cứ một tiếng, vài giờ lại có một đợt B52 ấy, liền hỏi có chỗ nào có thể gọi về binh trạm 27 không, Tòng (sau này là anh hùng quân đội, thiếu tướng Phó tư lệnh binh đoàn 12, hậu duệ của 559) chỉ đến tổ trực đường dây cách không xa lắm.Thật may và cũng không may cho Duật và cho tôi,điện thoại được  nối ngay về sở chỉ huy binh trạm, nơi tôi đang phiên trực trinh sát – tác chiến nhưng ở thời điểm đó lại không có mặt. Anh nhắn lại rằng khi ra vẫn ra theo ngả này, may ra… Nhưng lại thêm một lần không may, ngay sau đó địch nhảy dù xuống các điểm cao gần Bản Đông án ngữ con đường…

 

Hai chúng tôi nhà cũng khá gần nhau, thậm chí có hồi sáp sáp nhập nhập trở thành công dân cùng một phường, thường luôn qua lại.Mọi người trong nhà tôi rất quý anh và anh cũng vậy. Mẹ tôi thường gọi lẫn tên anh với tên một người khác, một lần bà bảo: Anh Phạm Thế Duật gửi cho mày cuộn giấy ở kia kìa, một lần khác bà nghiêm chỉnh: Hôm nay anh Phạm Tiến Duyệt ngồi lâu lắm, bảo rằng anh ấy muốn nhận mẹ con, mày thấy thế nào? Tôi hỏi lại: Má thấy thế nào? – Thì còn thế nào nữa, nhưng nó nổi tiếng thế kia…

 

Không thấy Phạm Tiến Duật nói lại với tôi chuyện này. Có lẽ anh muốn tôi nói ra chăng vì chắc mẹ tôi phải kể lại, nhưng tôi biết bắt đầu như thế nào? Mẹ mất rồi, một hôm giỗ mẹ, anh nói với cả nhà: Tao lớn tuổi nhất, từ nay tao là anh cả của nhà này, mọi điều tao nói phải nghe: Thằng Phan lấy vợ đi. Các em tôi hùa vào: Đúng đấy, phải anh Duật “ra tay” mới được.Cái kiểu anh “ra tay” rất lạ. Không nói gì trước, thỉnh thoảng rủ tôi đến đâu đó, thường là cafe hay đám nhậu, ở đấy có thể là khá đông người gồm cả một, hai cô gái. Xong rồi về, cứ thế và kết luận: Thằng này không lấy được vợ, nó chỉ thích nuôi chó thôi. Anh thừa nhận những ưu điểm của chó, kể ra nhiều chuyện về chó và ca ngợi tình cảm của chó đối với chủ; và cũng từng đưa con chó của tôi về miền cực lạc với những lời bi thiết. nhưng anh rất thích “e-rờ-tê-xê” và liến láu ngụy biện như thật: “Tụi ấy” đâu phải là chó mà là má, là má, ừ…

 

Như trời để sẵn tương duyên, chúng tôi dường đã thân từ chưa giáp mặt.Vốn rất kén thơ, đọc Duật lần đầu những năm 69-70, tôi say lập tức, như điếu đổ. Và coi việc gặp anh ở chiến trường là điều may mắn. Anh cũng vậy, bảo rằng mình thích giọng nói và tiếng cười của cậu, dù có qua đường dây dài ngoằng như Trường Sơn. Bảo, hình dung khuôn mặt và nụ cười đúng như khi gặp. Hồi nghe tin tôi bị thương, anh gửi đến cân đường và mấy hộp sữa nước, tiêu chuẩn bồi dưỡng mùa khô của mình. Thân, tin đến nỗi ngay trong lần gặp mặt đầu tiên Duật đã kể rất nhiều chuyện. Chuyện những cô gái tuy chẳng để tên nhưng vẫn để hình trong tâm trí từ các bài thơ của anh. Chuyện có một ông to (anh nói tên người ấy) muốn gả con gái khi anh từ Trường Sơn ra lần đầu sau “Thạchnhọn, Thạch Kim” (hồi anh được giải nhất thơ), còn cô “Thạch Nhọn” ấy là có thật, “giọng nói rất đặc biệt, rất dễ nhận, mặt rất ưa, ừ. Mình còn qua đấy đôi lần mà không khi nào gặp lại…” Dịp anh đau nặng, có nhiều “Thạch Nhọn”đến thăm. Tôi có gặp hai trong số mà chẳng thấy ai có vẻ? Hay thời gian và chiến tranh đã phôi pha cả rồi?

 

Thơ hay, đẹp trai, giọng tự tin rủ rỉ, bảo sao anh không được gái mê? Tuy nhiên, Duật bị lôi kéo nhiều hơn là tự tìm đến họ. Nhưng nếu không xếp anh vào dãy những nhà thơ tình thì quả bất công. Ngô Văn Phú có làm một tập “Thơ tình tuyển chọn” với 102 bài của 102 tác giả thì Phạm Tiến Duật được “chiếu cố” xếp ở thứ cuối cùng với “Một đoạn thơ riêng”, rất không điển hình thơ tình và càng không đặc trưng thơ tình của Duật. “Gửi em cô thanh niên xung phong”,“Áo của hôm nào người của hôm nay”, “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây”, “Cái chao đèn”, “Nghe em hát trong rừng”… Thơ tình cả đấy, những bài thơ lạ mà quen do Phạm Tiến Duật  thổi tình vào từ những cảm xúc thật của riêng mình được lính rất thích – tôi phải dùng từ “rất”.

 

Có lẽ vì khuôn mặt em xinh

Nên tiếng hát nhòe đi không rõ nữa

Rồi mai đây lại bén bùng như lửa

Ẩn náu rất nhiều ở nơi xa xăm

 

Gia đình bé nhỏ của Duật sống trong yên ấm, nhìn chung. Anh rất quý và chiều các con, lương nộp vợ nhưng nhuận bút cho con theo cách mua những gì chúng cần hoặc thích. Khi chúng lớn rồi, bia bọt được rồi thì thỉnh thoảng ba cha con cùng đi nhậu. Trong hai đứa có lẽ anh quý Lâm nhiều hơn, ít nhất vì nó là con út. Một hôm đã khuya đang ngồi với chúng tôi đột nhiên anh đứng dậy bỏ về. Sau Duật bảo, tối nào anh về muộn là y thằng bé ra đầu ngõ đợi, rét mưa cũng vậy. Nó đợi để được nằm cùng bố, hai cha con cuốn chặt lấy nhau dù từ anh vẫn vương mùi bia rượu.

 

Hồi sau này, anh và Vân – vợ anh – thỉnh thoảng có chuyện với nhau. Dày lên một chút anh bỏ đến nằm ở cơ quan báo văn nghệ, có lúc ở chỗ khác. Dù sao tôi thường khuyên anh về nhà. Cái thứ tôi làm sao hiểu nổi tâm sự – chắc anh cho là thế- nên một lần xách túi đến: “ Tao bây giờ ở đây” thì hai hôm sau đi mất tiêu, không một thông tin để lại. Duật từng bảo “Thứ mày, có trải nghiệm gì để nói?…”. Bặt tin anh rất lâu thì bất ngờ một hôm anh gọi cho tôi từ máy để bàn ở Trung Tự (nhà anh), giọng sảng khoái vui vẻ: “Ăn bún ốc nguội…”, “Ở đâu?”, “còn đâu nữa”. Không kể giỗ chạp, bất cứ nhà anh lúc nào có món gì ngon, đặc biệt đồ dân dã mà Vân khéo tay, tôi đều được thỉnh. Hôm ấy cả nhà vui vẻ đến mức như chưa từng có chuyện gì, thế mà hôm sau tôi gọi sang đã tiếng trả lời buồn bã: “Ông ấy lại đi rồi…” Ông ấy đi và đóng máy luôn.

 

Không thể nào liên lạc, cũng không biết người ở đâu, nhưng một lần tôi quyết tìm bằng được vì một việc cần: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam dự kiến đưa một đoàn sang Lào dự tháng hữu nghị Việt – Lào, tôi đề nghị cử anh, người có biết bao nhiêu gắn bó với đất nước này, dẫn đoàn. Bắt được máy thì Duật bảo: “Ho ghê quá Phan ạ, có lẽ phải nằm viện….” không đi được, không biết lúc ấy anh đã biết rõ bệnh của mình chưa, nhưng vẫn gượng dậy viết về những kỷ niệm chan chứa tình nghĩa Việt – Lào, gửi đăng trên văn nghệ số ra ngày 21/7/2007. Đấy có lẽ là bài  viết cuối cùng của anh, hoàn toàn bằng sự nhớ lại của người đang nằm trên giường bệnh nên có phần hơi lẫn lộn.

 

Phạm Tiến Duật bảo: “Làm đơn vào Hội đi, cần có hai giới thiệu thì một của mình, một của Nguyễn Khoa Điềm, được chưa? Chính Điềm bảo mình giục Phan đấy. Đừng có tự ái…” Duật ám chỉ truyện ngắn “Ngày cuối cùng của chiến tranh” của tôi, giành giải nhì trong một cuộc thi không có giải nhất của báo Văn nghệ. Cái truyện ngắn này tôi viết đã lâu, như một hồi ức, để một mình tự thưởng. Đưa Duật đọc, anh kêu  “trời ơi!” rồi bảo tôi gửi dự thi. Bất cứ cái gì sau đó tôi viết ra, anh đều bảo sướng; bảo, viết giỏi lắm, kỹ lắm, câu chữ chính xác; bảo, để hồn vào bút đi, thật phí của giời; bảo… Được một người viết mà mình rất kính phục khen, tôi không nở mũi, mà nở từng khúc lòng, nhưng vẫn bán tín bán nghi. Sau, nhiều bạn văn của anh lần đầu gặp tôi đều “À, đã nghe Phạm Tiến Duật nói…”, tôi mới… Lúc nằm trên giường bệnh, Duật nắm tay tôi: “Mình rất thích phần Phan viết về “Đám cưới trong rừng”, nhiều liên tưởng hay quá mà chưa thực hiện được. Tiếc, chẳng có gì chung để lại. Tại mình…”. Ấy là anh nói đến cái truyện ngắn tôi viết về anh hồi 1974 gửi thành một chùm nhờ người bạn từ chiến trường mang ra trao tận tay báo Văn nghệ thế nào để lạc đâu, chẳng còn cách gì gỡ

 

Thực ra chúng tôi có với nhau khá nhiều dự định, nhưng chẳng xong, thậm chí chẳng bắt đầu được cái gì. Đầu tiên là một bộ phim về 559, dự kiến 10 tập, tên do tôi đặt: “ Đường Trường Sơn, những người lính nhớ lại” với rất nhiều hồi nhớ và liên tưởng, một kiểu phim tài liệu – văn chương mà chúng tôi dự định sẽ nhảy vào đóng chính nhân vật “mình” luôn. Phân công nhau, tôi viết được kịch bản cho ba tập trong đó có “Đám cưới trong rừng” đưa Phạm Tiến Duật xem, anh lắc đầu khen, bảo cứ viết nốt phần của cậu đi, mình sẽ xong ngay… Và anh chẳng xong vì chẳng có bắt đầu. Tôi biết những điều anh đang vướng, rồi chính tôi cũng vậy, nghĩ tạm dừng cái đã, và tạm dừng cho đến không bao giờ. Tiếc. Rồi xuất hiện một nhà làm phim đến từ nước Úc, Evans Ham, mời cả hai chúng tôi làm nhân vật nền cho bộ phim tài liệu mà hắn ta thực hiện cho hãng ABC, kênh Chanel 9: “Việt Nam trong hòa bình”. Phim xong, ngồi lại với nhau, Evans đề nghị làm một bộ phim truyền hình nhiều tập về chiến tranh Việt Nam. Khi ấy đã có khá nhiều bộ phim truyền hình thế giới về đề tài này: “Việt Nam, một thiên lịch sử bằng truyền hình”, “Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày” … nhưng rõ ràng chiến tranh Việt Nam vẫn còn rất nhiều sức hút, nhiều khía cạnh rất đáng nói chưa được “sờ” vào. Chúng tôi đồng ý. Làm với nhau sơ bộ một hồ sơ giới thiệu khá chi tiết nội dung, cách thức thực hiện. Trong đó, kèm với những bức ảnh, Phạm Tiến Duật được giới thiệu: “Nhà thơ chiến tranh Việt Nam nổi tiếng”, còn tôi, “Tiến sĩ, giảng viên lịch sử chiến tranh, Học viện Quân sự cấp cao” (sau này là Học viện Quốc phòng). Evans Ham trực tiếp cầm bộ hồ sơ sang Mỹ, nơi anh có nhiều mối quan hệ để tìm nhà tài trợ cùng những người tham gia thực hiện. Evans đi rồi, một hôm Duật bảo: Có ông này hay lắm đồng ý cùng tham gia. Hóa ra là nhà báo T.T (Tên thật B.T). Ngồi vào bàn bạc, B.T khá hăng hái: nên có một chương về Hồ Chí Minh và nên đặt tên bộ phim: “Tại sao Việt Nam”. Anh B.T. sau đó gửi cho chúng tôi năm trang viết tay nêu những ý tưởng của anh, Phạm Tiến Duật đưa lại tôi một bản photo, vẫn đang giữ (Sau này có lần đi Paris, tôi điện thoại cho anh B.T bảo có một lá thư của Phạm Tiến Duật gửi anh đấy. Anh B.T hẹn ở sân bay lúc tôi lên đường trở về, còn là để nhờ chuyển một cuốn sách. Nhưng rồi cũng không gặp được). Evans Ham trở về mau. Công việc có vẻ thành công chóng vánh, hai nhà sản xuất danh tiếng sẵn sàng vào cuộc, Evans giục chuẩn bị cái sườn cho kịch bản.Nhưng rồi phải xếp lại với những nguyên nhânchẳng liên quan gì, do chính các “ông Tây” gây ra. Phạm Tiến Duật bảo, cái chính là chúng mình chẳng bén duyên điện ảnh (có lẽ vậy, anh còn danh “Phó Giám đốc hãng phim Côn Đảo” nữa nhưng cũng chưa có bộ phim nào thì phải). Phim không thực hiện được, nhưng ba chúng tôi vẫn chơi với nhau. Hồi Duật mất, Evans từ Úc bay sang và công việc cuối cùng mà anh làm với Duật là đọc bài ai điếu rất tình cảm và tươi sáng trong lễ hạ huyệt.

 

Phạm Tiến Duật đi xa rồi nhưng có một việc mà tôi mãi trằn trọc buổi ngày buổi đêm mỗi lần nghĩ đến. Anh hoàn toàn không thanh thản những ngày cuối đời. Khi chưa muốn vào bệnh viện, hốc hác nằm ở nhà, thỉnh thoảng anh lại khó khăn xách xe chạy, với cái cớ nói với người trong nhà (nơi anh tá túc) và cái cớ kể với người ngoài hoàn toàn chẳng dính gì đến nhau, một trời một vực, và hình như chỉ mình tôi biết nguyên nhân. Tôi biết chỉ vì thương anh quá, tôi vào cuộc muốn giúp anh xong việc và nhờ vậy, nhìn ra chân tướng của vấn đề: “ trời!”Khổ thân anh. Thôi Duật ơi, hãy bỏ đi cả trời dằn vặt, mà anh cũng bỏ rồi cơ mà!

 

***

 

Sau 1975, sau Trường Sơn, Duật vẫn viết, khá khỏe. Người ta vẫn chờ đón anh nhưng không còn gây xôn xao như hồi ở núi. “Chột” đi vì “Vòngtrắng” chăng? Tôi nghĩ không hoặc chỉ chút xíu thôi. Dù thế nào, thật tiếc là một tai nạn chẳng đáng gọi là tai nạn chút nào và rất không may cho anh.Tiếng oan của nó có thể từ sự ghen tài của một “người lớn”, như dư luận. Nhưng chính Duật không nghĩ vậy, và anh thật sự là người khá vô tư, rất lạ. Anh vẫn làm khá nhiều thơ và tràn sang cả truyện, cả ký, tràn sang cả bình luận chính trị – thời sự, dẫn chương trình truyền hình, làm phim… Nhưng không có cái gì thật ngon, thật nổi. Nó còn bị chìm khuất hoặc hơn cả thế nữa. Tôi rất tâm đắc với tiêu đề một bài viết của Nguyễn Quang Thiều: “Người đi lạc trong hòa bình”. Có thể đặt là: “Một mình một đội hình trong hòa bình” nhưng “đi lạc” sướng hơn, độc đáo, văn chương và chính xác. Phạm Tiến Duật không chỉ lạc giữa bạn bè, điều mà khi nghe mang máng dư luận, anh bảo, cứ vào những lúc có thể nghĩ khác thì mình lại nhớ các anh bộ đội hồi kháng chiến chống Pháp. Mình còn bé, luôn sà vào lòng mỗi bận các anh ghé lại trú quân, áo quần chắp chắp vá vá. Duật lạc cả trong đội hình những người quyền chức. Có lần tôi đề nghị để anh giữ một chức vụ chỉ có tính chất tượng trưng là Phó chủ tịch một Hội hữu nghị, người ta cũng cười và gạt đi, khác hẳn thời anh đầy vinh quang. Không có gì biến thái ở Phạm Tiến Duật, con người anh thế nào trước sau vẫn vậy: giàu tình cảm, yêu người, vị tha, dũng cảm, ham vui, dễ siêu đổ và chẳng biết xoay… những tính cách bộc lộ tùy hoàn cảnh. Đúng hơn: Trong những điều kiện cụ thể, anh dễ bị hoàn cảnh chi phối. Phạm Tiến Duật rất người ở điểm này. Với kẻ khác có lẽ chẳng sao nhưng bởi anh quá nổi tiếng trước đó nên người ta chú ý, bởi nó xảy ra với Phạm Tiến Duật  nên người ta “đàm”. Nhưng có điều đúng làgần anh, tôi biết Phạm Tiến Duật khó có thể trở thành một nhà lãnh đạo, một nhàchính trị. Ở điểm này, anh thiếu cả hiểu biết và bản lĩnh.

 

 Anh hình như lạc cả trong “đội hình gia đình” nữa, nhưng đây lại là chuyện khác.

 

Và tôi lập luận: Chính vì cái sự “đi lạc” của Phạm Tiến Duật, mà anh đang từ đỉnh tụt xuống trong dư luận, cả tả lẫn hữu;anh bị lãng quên trong một thời gian khá dài. Rồi anh lâm bệnh nặng, khó qua nổi, người ta chợt nhớ đến anh, người đã xô cả một cơn bão mạnh đúng lúc vào thi ca, người đã là như thế nào của một thời. Người ta hoang mang, lo lắng thật sự, thế là cả nước lên tiếng, không chỉ các thế hệ đã sánh bước cùng anh trong khói lửa chiến tranh mà cả các thế hệ chỉ được biết anh, đọc anh qua sách giáo khoa. Giường anh nằm những ngày buồn chật hoa, chật quà bánh thuốc thang, chật các ngân khoản và cả lời hứa sẵn sàng giúp anh chữa bệnh. Rồi anh đi về cõi khác, đau thương rồi vơi dần, hình như người ta lại nhớ những bước đi lạc mới gần gần đây thôi, dù chuyện thật ra chẳng đáng nói nhiều, nhưng nó đủ để điều chỉnh ý thức…

 

Sẽ khác hoàn toàn khi tất cả những chuyện này đi vào lịch sử. Chỉ còn lại là một Phạm Tiến Duật ngời ngời ngòi bút, ngời ngời chiến công, ngời ngời người chiến sĩ số Một trên mặt trận văn đàn trong cuộc kháng chiến đầy máu lửa.

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…