Mùa hội lớn non sông

561

Đan Tâm

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không khí rộn ràng buổi sáng những ngày đầu tiên tháng năm mùa Xuân đầu tiên. Khác hơn mọi hôm, thành phố trở nên rộn rịp, tấp nập xe cộ qua lại và người đi dập dìu đường phố. Đường Duy Tân (nay là đường Hoàng Văn Thụ) như con mãng xà ưỡn mình bò cặp bờ sông cầu Cái Khế, tôi vừa từ trường trung học Phan Thanh Giản trở về nhà. Hai bên đường san sát phố xá, có người đã mở toang cửa lớn trước nhà, treo sẵn cờ MTDTGPMN trên tầng cao, có cửa còn im ỉm khép hờ một cánh với vẻ mặt băn khoăn của chủ nhà còn thập thò sau khung cửa sổ.  

– Đảo chính nữa hả anh Tâm? Chị Năm Tồn, thợ may ở sát cạnh nhà, cầm trên tay lá cờ sao vàng trên nền đỏ xanh nhưng chưa dám treo lên, nhìn tôi phân vân dò hỏi.

– Cách mạng thành công rồi chị Năm ơi! Mau treo cờ giải phóng lên đi! Tôi vui vẻ  nhìn chị Năm, nghiêm trang giục giã.

Trong thoáng chốc, tôi thấy chị thợ may nghĩ có phần thực tế. Hơn mấy thập niên qua, chuyện chỉnh lý, chính biến – hay đảo chính – vẫn là biến cố thời sự không hiếm xảy ra ở miền Nam trong thời kỳ đế quốc Mỹ còn hùng hỗ tác động trực tiếp đến chính quyền cộng hòa, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhân dân cả nước.

Trên các loa chênh vênh treo cao nơi cột điện ngoài phố và từ máy thu thanh inh ỏi vọng ra trong nhà đồng bào, vẫn là giọng nói rõ ràng quen thuộc được lập đi lập lại của ông Năm Bình tức là Đồng chí Nguyễn Văn Lưu. Giọng nói lạ nhưng dõng dạc, rõ ràng, nghiêm trang thông báo Nghị định thư với Mười điều cương lĩnh của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tiếp liền sau những tin tức quan trọng, nóng bỏng về tình hình thời sự tại địa phương và cả nước:

– Đồng bào thân mến! Tôi là Nguyễn Văn Lưu, bí thư thành phố Cần Thơ xin thông báo cùng đồng bào. Cách mạng đã thành công, hiện quân giải phóng đã tiếp quản hoàn toàn đài Phát thanh Cần Thơ. Thông báo trấn an đồng bào và lời kêu gọi quân đội của chính quyền Sài Gòn khẩn trương bỏ vũ khí, ngưng ngay cuộc chiến đấu chống cách mạng sẽ được khoan hồng.

Tại Cần Thơ, trường học và các cơ quan công tư tạm ngưng hoạt động để theo dõi tình hình mới và đợi chỉ thị của Ủy ban Quân quản. Trường học nhưng hoạt động. Tôi và các con tôi vẫn ở yên trong nhà, bình tĩnh lắng nghe, theo dõi tin tức từng phút về tình hình chính trị nóng bỏng phát ra từ các loa phóng thanh, các đài phát thanh địa phương mà quân đội giải phóng đang quản lý, đài phát thanh của MTDTGPMN và đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội để chấp hành. Khắp nơi gần như hoàn toàn lặng im tiếng súng và dần dần đi vào ổn định, trái hẳn với cảnh chen lấn hỗn loạn của người đào tẩu lố nhố diễn ra ở sân bay, bến tàu hay trên nóc nhà cơ quan chính quyền hoặc tại cư xá của cố vấn Mỹ nơi các đô thị miền Nam trong mấy ngày gần cuối tháng tư lịch sử năm ấy.

Sáng tinh sương ngày tiếp theo, tôi quày quã thức dậy sớm với tinh thần tỉnh táo để chuẩn bị công tác mới ở cơ quan trong hoàn cảnh đặc biệt lúc bấy giờ. Lúc mở cửa thông ra hẻm sau, tôi hồi hộp nhận ra lù lù một cây súng M.16 nằm lạnh lùng bên cạnh đường cống sát vách nhà. Cả đời chỉ quen với cầm phấn bút làm nghề gõ đầu trẻ, tôi hoàn toàn mù tịt với các loại vũ khí. Lòng nơm nớp hơi lo, nhưng theo tinh thần thông báo của cách mạng, tôi đành đánh bạo đến xách quai, chỉa xa mũi súng xuống đất, mang nó đến nạp cho trưởng ấp ở cách nhà tôi vài mươi mét để cả gia đình được yên tâm và bà con hai bên được yên tâm. Thì giờ của tôi trong buổi bình minh lịch sử thật vô cùng quý giá. Chuẩn bị tạm ổn thực phẩm cho các con mấy ký gạo, chục hột vịt muối và bọc cá khô từ mấy tuần trước, tôi yên tâm trở lại trường học dò thăm tin tức. Vừa gần tới cổng trường học, tôi bị bạn thân giáo sư Âm nhạc Nguyễn Đức Minh (1), đi bằng xe máy chận đầu. Anh Đức Minh giục hai anh em cùng chạy đến ngả tư đường Mạ Tử Sanh – Tạ Thu Thâu – nay là đường 3/2- Mậu Thân để cùng tiếp đón và chỉ đường cho đoàn quân giải phóng từ các nơi rầm rộ chuyển quân về thành phố mà chưa quen đường sá.

Trong bối cảnh sôi sục niềm vui, bùng vỡ với khí thế cách mạng và không gian rực rỡ rừng cờ sao, niềm tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ngùn ngụt bốc dậy trong lòng mọi người, chính quyền cách mạng đã hoàn toàn tiếp quản tỉnh Cần Thơ. Anh Đức Minh và tôi, lòng như mở cờ, hăng hái cỡi xe máy, hướng dẫn đường cho đoàn quân từ xa chưa quen địa bàn và địa điểm đóng quân mới tại thành phố.

Rõ ràng là khung cảnh tưng bừng của ngày hội lớn non sông. Mùa xuân mới rực rỡ đến sớm vào bình minh những ngày đầu tháng Năm. Tâm hồn tôi ngây ngất thăng hoa giữa sóng nhạc rộn ràng các bản hùng ca: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Xuống đường, Tiến về Sài Gòn… với giai điệu trầm hùng, dồn dập vang lên từ đài phát thanh. Quần chúng các nơi đứng hai bên đường đông nghẹt. Bà con già trẻ như đứng chực chờ trước mỗi nhà, nỗi vui mừng hiển thị ra trên từng khuôn mặt rạng rỡ. Đồng bào chăm chú nhìn vào những chú bộ đội trẻ măng với vẻ mặt hiền lành mà nghiêm trang, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép lốp. Tôi bất chợt nghĩ đến những dũng sĩ huyền thoại tiềm tàng một sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, “núi không đè nổi vai vươn tới(2), tiêu biểu cho hàng hàng lớp lớp những “chàng Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi ” (3) trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc mà mọi người ngưỡng mộ từ lâu, giờ đây mới được gặp tận mặt bằng xương bằng thịt.

Khác với cơ quan hành chính và quân sự, không khí các trường học trống vắng yên ắng như không có gì thay đổi. Học sinh ở nhà. Giáo viên có mặt tại trường, chuyện trò vui vẻ cùng nhau. Một buổi sáng sớm ngày sau đó, cùng vài chiến sĩ giải phóng, anh Nghê Hữu Chí ngày xưa nhà ở Tham Tướng, bạn cùng lớp của tôi, một cựu học sinh của trường trung học Phan Thanh Giản trước đây bị đuổi học vì lý do chính trị, nay trở về tiếp quản trường xưa. Buổi họp giáo viên đầu tiên tại trường vào sáng hôm sau vừa xong, chị trưởng ban Giám hiệu Quách Thị Trang, nhìn xuống tôi, gợi ý:

– Anh Tâm cùng học sinh Mỹ thuật giúp trường, vẽ hộ tôi lên mấy bức tường cao bên ngoài các dãy trường học và trong phòng giáo viên những khẩu hiệu quan trọng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do; Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta; Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Tôi và các em học trò vui vẻ, nghiêm túc chấp hành thượng lệnh và nhanh nhẹn thực hiện đầy đủ công tác được cấp trên phân công. Qua vài ngày thầy trò khẩn trương làm việc, trên những bức tường cao sạch, bên dưới khung ảnh chân dung rạng rỡ của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với nụ cười thân thiện, đã xuất hiện những khẩu hiệu ý nghĩa sâu sắc được thực hiện với nét chữ đứng đắn to đẹp, chân phương, như còn ngan ngát mùi thơm nước sơn mới để dùng làm phương châm hành động cho tập thể nhà trường.

Cuối chiều cùng ngày, anh Nguyễn Kiến Thiết, giáo sư bộ môn Văn học của trường Đại học Cần Thơ, hồ hởi lái chiếc xe Honda 50 màu đỏ đến tận nhà tìm tôi. Sau khi hai anh em kéo nhau đi uống nước tâm tình cởi mở tại một quán cà phê bình dân ở đầu đường Duy Tân nhà, anh Nguyễn Kiến Thiết bảo tôi là giáo sư Huỳnh Văn Minh, dạy Văn chương Việt Hán, nhờ tôi vẽ hộ cho trường Đại học vài tấm khẩu hiệu trên vải các câu nói nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Dù bận rộn nhiều việc tại nhà và ở cơ quan, tôi vẫn nhận lời. Vì tôi nghĩ, trong ngày hội lớn non sông hiện nay, được đóng góp công sức càng nhiều là một niềm vui trong sáng cho mọi người.

Vài tháng sau, tôi được công tác thêm trong Ban Chấp hành hội Văn nghệ Giải phóng thành phố Cần Thơ. Trong buổi bình minh lịch sử, tôi đã cố gắng đem hết sức mình để làm tròn bổn phận cùng lúc với hai công tác giáo dục và văn nghệ trong hoàn cảnh gia đình vẫn có không ít khó khăn của một giáo viên bắt đầu thời bao cấp sau khi nước nhà vừa thống nhất.

Là giáo viên đã qua trải nghiệm nhiều năm cầm bút và làm báo, tôi tiếp tục được đồng chí bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Bảng, giáo viên hồi kết và chị trưởng ban Giám hiệu Quách Thị Trang, nhất trí phân công: ngoài việc đứng lớp dạy học trò, chủ nhiệm lớp, làm khối trưởng, tôi phụ trách thêm tờ báo tường – tiếng nói của giáo viên, học sinh và cán bộ, kiêm trưởng ban Văn nghệ và Thông tin Tuyên truyền của nhà trường. Công việc gia đình và trường học bận rộn, dập dồn nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào được đóng góp thêm công sức mình tại cơ quan trong những ngày đầu mùa xuân mới đến với quê hương.