Mùa nước nổi

1206

Phương Đình

Đồng quê biển nước mênh mang
Hoa điên điển nở, mười phương mai vàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Qua đi những ngày hè oi ả, đất đai, cây cối cam chịu cảnh khô cằn, thời tiết mấy hôm nay chuyển mùa từ hạ sang thu với vài lớp sương đục mong manh đôi khi kéo theo màn mưa bụi lất phất, đôi khi tác động bởi cơn những gió chùng chình trước ngõ (1).

Mấy hôm nay, ở các tỉnh, người dân thành thị bận rộn đành chấp nhận với thái độ thờ ơ, không thiện cảm trước cảnh nước dâng lên như người khách không mời. Không mấy chốc, nước tràn ngập miên man đường phố, gây cản trở không ít cho người đi lại và sự lưu thông của xe cộ, nhất là việc buôn bán sinh sống hằng ngày. Trong khi đó, ở nông thôn, người dân mộc mạc đồng ruộng lại tỏ ra háo hức đón chờ mùa nước nổi, kéo về dâng tràn qua các bờ bãi sông quê, ngập lênh láng vườn tược, ruộng đồng. Nhưng tâm hồn họ cảm thấy dễ chịu, thư thái như đang chờ đón một mùa vui sắp đến.

Ngày ấy, nhà tôi ở một làng quê không xa nằm cạnh bờ sông Hậu mênh mông, mỗi năm triều nước lai láng dâng lên đúng vào mùa trung thu. Mấy tháng nghỉ hè vui ngắn ngủi kết thúc, tôi lại rời làng quê trở ra tỉnh học. Nhà không mấy cách xa thành phố, vào mùa nước, không đợi đến cuối tuần, tôi cùng các bạn trong những ngày nắng ráo hay tranh thủ về quê sớm sau buổi học chiều. Cũng vì da diết nhớ ngôi nhà tổ phụ, nhớ ba mẹ, anh chị cùng các em, nhớ cả lu nước mưa với chiếc gáo dừa thon thon quen thuộc nằm yên ả cạnh hiên nhà không biết đã bao năm. Tôi lại bồi hồi nhớ cái hàng rào bông bụp xanh um bên bờ sông, buông thỏng những đóa hoa xinh xắn màu hồng thắm như chiếc lồng đèn con con mùa trung thu của các em thiếu nhi.

Đó là nơi tôi thường cùng đứa em trai tủn mủn đi tìm bắt những chú chuồng chuồng trâu, chuồng chuồng kim trong những ngày nghỉ học. Tôi cũng không thể quên cái bến nước bờ sông nơi có một thân dừa khô lầm lỳ nằm sải làm cầu, mà ba tôi đã cứu tôi trong một lần chết hụt vì lén nhà tắm sông. Nhiều buổi cơm chiều ở nhà trọ xa quê, tôi có cảm giác ăn chén cơm chan nước mắt vì quá nhớ nhà. Trên con đường làng về nhà bò lang thang, ẻo lả nằm sát bờ sông rụng trắng hoa bần, đám con trai, con gái cùng lứa tuổi thơ, tay xách túi sách vở áo quần, mặt mày hí hửng, đi lẹp bẹp một đoàn, trò chuyện vu vơ. Dưới ánh hoàng hôn bãng lãng tắt dần, đôi lúc cả bọn không ai bảo ai, cùng chạy lúp xúp như bầy vịt vì sợ về nhà quá khuya, khiến ba mẹ lo lắng, trông đợi. Lo nhất là lúc gặp phải những cơn mưa chiều quái ác bất chợt ập đến, khiến đường bị ngập lụt hay trơn trợt, lầy lội, gây không ít vất vả cho đám học trò ở quê ra học tỉnh.

Hạnh phúc nhất là khi mỗi đứa được về tới gia đình, sung sướng gặp lại từng khuôn mặt yêu thương của người thân ruột rà sau thời gian xa cách với bao thú vui dân dã hồn nhiên, hứa hẹn đến rộn ràng phía trước. Nông thôn ngày trước vào mùa nước nổi mang đến cho tuổi thơ chúng tôi muôn vàn sinh hoạt đậm tính nhân văn gắn với nhiều kỷ niệm êm đềm thơ mộng mà chốn thị thành từ xưa tới nay không sao có được. Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ, câu nói xuất phát từ kinh nghiệm dân gian mà ba tôi tính lo xa, đã nhắc nhở mẹ tôi trước lo kịp giở mấy giồng khoai lang, khoai mì,… kẻo bị thối vì ngập nước, không bán được cho khách hàng bỏ công lao động.

Ở thôn quê, cảnh nước sông tràn bờ tạo cơ hội cho anh em tôi có dịp đi soi cá, một trong những thú quê vô cùng hào hứng trong mùa nước nổi. Có những tối thứ bảy, từ thành phố vừa mới về đến nhà thì nước sông đã lênh láng dâng ngập hết mấy bờ cau, bờ xoài sau nhà. Chưa kịp thay bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi còn phủ lớp bụi đường, tôi háo hức giục thằng Tý em tôi chuẩn bị để hai anh em đi soi cá sau khi ăn vội đỡ mấy củ khoai lang mẹ tôi đã hấp chung với cơm từ ban sáng cho em tôi ăn lót lòng đi học. Dụng cụ đơn giản chỉ gồm một chiếc đèn soi bên ngoài trông như hình tháp có cán cầm cụp lại phía sau, làm bằng mo cau đã chuẩn bị trước, một giỏ tre em tôi xách theo để đựng chiến lợi phẩm và một con dao bén có cán, dài chừng hơn 3 tấc.

Cửa đèn soi chỉ đủ rộng cho ánh sáng phía trước để tránh gió. Bên trong, đặt một chiếc đèn dầu lửa con bằng thiếc, hình bánh ú. Đồ nghề  sẵn sàng cũng là lúc nước lên khỏi mặt sân nhà khoảng 2, 3 tấc. Cả hai anh em kỹ lưỡng xăn chặc quần đến khỏi gối, bắt đầu cuộc hành quân đêm. Phấn khởi tự tin, tôi đi trước cầm đèn, dao, thằng Tý em tôi theo sau hụ hợ với chiếc giỏ tre mang khuỷu tay chờ thu cá bắt được. Thật hồ hởi mà cũng không tránh nỗi phập phồng trong dạ khi bắt đầu nhận ra luồng nước trong từ sông đỗ mạnh vào, bắt đầu có bóng dáng những con cá trắng loại nhỏ như lòng tong, cá rằm, cá linh, cá thiểu… dần dần hiện ra, lăn xăn lội loanh quanh theo giòng nước. Nhưng cũng phải nhận là khó bắt loại cá linh tinh này vì chúng nhỏ lại lội nhanh. Chân lội lỏm bỏm, tay trái cầm đèn soi, tay phải nắm chắc con dao, tôi nhìn xuống quan sát, tập trung hết sức vào đối tượng khác có thể xuất hiện ở dòng nước trước mắt mình. Trừ những đêm trời mưa làm đục nước, không thấy cá thì không đi soi được.

Cá soi được vào ban đêm thường là loại cá tương đối lớn có thể soi được bằng cách cầm dao chặt nó như cá lóc, cá trê, vì bắt bằng tay không được… Đôi khi gặp lươn thì lập tức trở sống dao lại mà nện vào giữa lưng nó. Con lươn dài ngoằn ngoèo bị khoèo cụp sống giữa thân không thể bò đi, người soi chỉ dừng lại, buông dao dùng tay bắt nó dễ dàng để bỏ vào giỏ. Cá lóc, cá trê… soi được cũng luôn bị đứt đôi, không con nào còn sống với thân hình nguyên vẹn, khác hẵn với cá bắt được từ những lần đi bắt cá cạn vào mùa khô khoảng thời tiết cuối giêng đầu hạ. Cá, lươn soi bắt được vào ban đêm mang vê nhà cần làm ngay, muối xả chiên, hay kho mặn dùng để ăn trong ngày cho gia đình.

Hiện tượng thiên nhiên nước nổi xảy ra vào tiết thu nhắc người ta nhớ đến bài thơ Đường nổi tiếng Thu điếu (mùa thu đi câu cá) của nhà thơ Yên Đỗ. Không phải như ông Lã Vọng ngày trước ngồi câu cá chờ đợi thời cơ bên bờ sông, nhưng ở đây là mùa thu hiện thực đầy hơi thở nhân sinh ấm áp với sinh hoạt nông thôn cụ thể, của người dân đồng ruộng. Ở miền Nam, sông rạch bủa giăng như mắc lưới với nồng độ cá tôm đậm đặc. Cứ mỗi năm nước nổi vào mùa thu dâng ngập tràn bờ, tạo cơ hội thêm cho các loại cá từ Biển Hồ xứ chùa Tháp nườm nượp đổ về. Đây là thời điểm vàng trong năm để người dân đồng bằng tha hồ giăng câu bắt cá. Có thể coi câu cá hoặc câu tôm ở thôn quê là mô hình đánh cá thu gọn với bộ đồ nghề chỉ đơn giản với cần câu, sợi dây (nhợ), lưỡi câu và mồi. Lối bắt cá xem ra có tính cách phong lưu tài tử này rất đa dạng với nhiều hình thức: câu cần, câu vụt, câu cắm, câu rê, giăng câu…

Tiêu biểu nhất cho câu cá trước hết là câu cần. Người sử dụng câu cần không hoàn toàn nhằm vào mục đích kinh tế. Đại gia với cuộc sống vật chất dư dả, không có gì phải bận rộn lo toan, tìm cách rửa thì giờ. Nhà trí thức ưu thời mẫn thế thích độc hành cần nơi tĩnh lặng trầm tư. Chỉ một mình với một cần câu tại một bờ sông thanh vắng có bóng râm ngồi đợi là đủ thỏa mãn cho bản thân rồi vì mục đích đi câu ở đây không hẳn là phải bắt cho được cá lớn, cá bé… Tôi vốn là tín đồ của bút nghiên, sách vở, ít có cơ hội được cầm cần trúc, ra ngồi hóng gió ở bờ sông Nhưng kinh nghiệm từ những ngày sống ở sông nước ruộng đồng với ba mẹ và các anh chị, tôi cũng nhận ra một ít là ở nơi nước đục, dòng nước không chảy siết có nhiều cá. Và con cá rô tuy khá nhỏ so với một số loài cá khác nhưng khi mắc phải mồi nó kéo lê lưỡi câu, căng sợi nhợ câu rất mạnh và đầm nên dễ nhận ra nó khi mắc câu.

Câu vụt là hình thức bắt các loại cá nhỏ ở bờ sông mỗi khi nước lớn thường do phụ nữ thực hiện. Cần trúc ngắn, mong manh, lưỡi câu thật bé và bén, một tô tấm, cám và một nhúm trái ké để làm mồi. Người câu vụt tìm chỗ thoáng rộng quăng rải trước chút ít tấm cám để dụ khị loài cá nhỏ như: cá thiểu, cá lòng tong, cá linh, cá chốt… những loài cá trắng nhỏ loắt choắt, ăn tạp bất cứ sông nào cũng có. Bắt đầu hành xử, người câu ngồi yên với cần câu có lưỡi móc sẵn mồi, tay trái tiếp tục vung rải một ít tấm cám dụ cá tập trung ăn, tay phải vung cần câu cho lưỡi xuống ngay chỗ vừa quăng mồi để cá ăn. Cả bầy vốn ăn tạp, đủ loại cá giành nhau ăn, đớp ngay mồi mắc lưỡi câu và người câu vụt cá lên bờ gần đó, gở ra. Kiên nhẫn ngồi câu kiểu này trong vài tiếng cũng có thể thu hoạch đủ cá để kho tiêu ăn cháo buổi sáng trước khi ra đồng.

Câu rê thường do thanh niên khỏe mạnh thực hiện. Một cây trúc tốt, dài làm cần câu được hơ nóng, uốn cong rồi mắc vào một sợi nhợ câu mong manh mà chắc, dài hơn so với cần câu. Lưỡi câu rê thật bén có thêm ngạnh, để không vị vuột cá, móc sẵn một con nhái bầu hoặc con cá trắng nhỏ làm mồi nhử cá. Sau khi đã chấm kỹ tọa độ có các loài cá lớn như cá lóc, cá bông…ở lạch, đìa, đầm, lung, mương trên ruộng bên trên là khoảng không gian rộng lớn không cây cối, anh thanh niên đi câu rê bình tĩnh bắt đầu tư thế của một hiệp sĩ đánh độc tiết côn trong truyện tàu hay phim chưởng của Kim Dung. Đứng trụ vững bằng đôi chân, tay trái cầm chắc đầu lớn gốc cần câu cắm vững xuống đất cạnh trước lòng bàn chân trái, tay phải anh điều chỉnh nhợ câu có lưỡi và mồi. Sau khi định hướng chắc chắn, anh cho tay quay nháp trước mấy vòng đầu sợi nhợ câu có trọng lượng sẵn vì lưỡi câu đã móc con mồi. Liền tức thì sau đó, anh chớp nhoáng vụt mạnh dây câu có lưỡi về hướng lung đầm… có nhiều cá.

Tiếp tục giữ cố định gốc lớn cần câu tại chân trái, anh cho dang rộng hai nắm tay cách nhau vừa tầm, rồi nắm chắc, nghiêng dần cần câu về phía mình đoạn kéo rê con nhái mồi trên mặt nước để nhử cá. Để lưỡi câu rê không bị vướng rác rưởi hay chướng ngại vật, người câu thường ngàm một cọng cỏ may nhỏ che mũi lưỡi câu. Cá lóc to, nhất là loại cá bông ngổ ngáo ăn tạp phát hiện ra con nhái là hùng hổ đớp ngay. Nghe tiếng cá ăn mồi vang lên khá lớn, liền tức khắc, người câu tức tốc gật giật mạnh cần để kịp thu nhanh cá về kẻo bị vuột con cá vừa ăn mồi. Người câu rê thường đi một mình với phong thái ung dung tự tại nên tâm hồn họ dễ nhận được cảm giác khoáng đạt vô tư trong tĩnh lặng giữa khung cảnh đất rộng trời cao. Thú vị đỉnh điểm ở người đi câu rê là lúc nghe được tiếng cá đớp “bốc” con mồi và lúc giật lê con cá mắc vào lưỡi câu về mình ! Chiến lợi phẩm thu được từ câu rê đa phần là cá lớn, còn sống.

Nếu bận rộn công việc đồng áng và không có nhiều thời gian, thanh niên nông thôn sẽ đi cắm câu. Ngư cụ đơn giản chỉ là những thanh tre dài cỡ cần câu vụt, chắc thịt, chuốt mỏng, uốn cong hình bán nguyệt. Nhiều cần hay ít là tùy người, tùy nơi. Sau khi móc mồi trùng, cào cào, hoặc dế vào lưỡi là có thể đi cắm dọc theo các bờ mương, đìa hay ngoài thửa ruộng nơi ta nghĩ là có nhiều cá. Chờ khoảng 2, 3 tiếng là đi thu hoạch được. Cá cắm câu còn tươi sống, thường là cá khá to như cá lóc, cá trê … đôi khi cũng bắt được cá rô mề kỳ vi sắc bén nhưng thịt ngon béo mà ba tôi rất thích ăn nướng than với nước mắm đồng giầm gừng me thuở người còn sinh tiền.

Bắt cá vào mùa nước lên cao, hình thức giăng câu được xem là tỉ mỉ, công phu với lưỡi câu và hệ thống dây nhợ chằng chịt với mồi. Mồi thay đổi tùy theo loại cá. Câu cá lóc, cá rô…ở đồng, ở sông rạch chủ yếu dùng mồi trùng dễ kiếm, đôi khi cào cào, dế…Câu tôm ở sông thì dùng mồi dừa khô, câu cá mè vinh, dùng mồi lá cây mỏ quạ. Do vậy, công việc của người đi giăng câu có tính chuyên nghiệp hơn. Cắm câu, hay đi câu thì có tính tài tử với một cần câu, vài cần câu với một ít lưỡi câu là thực hiện được.

Nhưng đi giăng câu là phải chuẩn bị đầy đủ hơn với dây nhợ, lưỡi câu, mồi và cả xuồng nếu địa bàn hoạt động là trên đồng ruộng, sông nước. Thời gian đi thăm câu để thu hoạch cách nhau khoảng vài ba tiếng đồng hồ. Giữa đêm khuya khoắc tĩnh mịch, đôi lúc vọng lại từ trên không gian mịt mùng tiếng chim heo eng éc, tiếng vạc kêu sương rã rời   quyện lẫn với tiếng chuông chùa vọng lại từ xa sẽ khiến người ngồi trên xuồng câu cảm thấy mình đang ở một cõi chơi vơi thoát tục. Với người sống nội tâm, trong thời gian chờ đợi, đi giăng câu ban đêm là dịp tốt để họ được thả hồn suy tư giữa cảnh thiên nhiên tĩnh lặng trời nước mênh mông.

Mùa nước nổi, người dân quê còn có nhiều cách bắt cá khác như: đăng cá, đặt lờ, đặt trúm… Cách nào cũng thú vị và có kiểu làm riêng. Nhà nào có khai mương sâu vô vườn, cặp thẳng góc với bờ sông thì đăng cá với hỗ trợ của cái đó, sẽ dễ dàng bắt được cá. Đợi nước dâng đầy mương, chủ nhà lấy tấm cám rang rải xuống bên trong đầu mương mương dụ cá vào.  Cá sông đủ loại bị quyến rủ bởi mùi thơm ngào ngạt của mồi lũ lượt kéo nhau vào sâu thì bị chặn bởi đăng và đó ở ngoài cuối mương gần sông. Đợi nước rút cạn trong vài tiếng đồng hồ là thu hoạch.

Loại cá trắng nhỏ như cá rằm, cá linh, cá thiểu, lòng tong, thác lác và cá chốt, bóng cát, bóng trứng, trạch hay tôm, tép bạc… thả trôi theo dòng nước chui luôn vô hom vào sâu đáy của đó. Các loài cá lớn như cá lóc, cá trê… chém vè trong lớp bùn non ở đáy mương sẽ được bắt sau, bỏ vô thùng thiếc. Mùa nước dâng, người ta bắt cá ở bờ sông bằng đăng, đó dựa theo triều nước sông lớn ròng. Ở đồng ruộng thì bắt cá, lương bằng lờ, lọp hoặc trúm. Lờ đan bằng nan tre mỏng, hình trụ hai đầu có gắn hom để cá vào mà không thể lội ra. Miệng lờ ở trên dùng để trút cá ra khi thu hoạch. Người đi đặt lờ, trước hết tìm chỗ thông qua lại của dòng nước, giữa hai thửa ruộng. Cá vô lờ thường là cá trắng, sẽ chui vô lờ khi di chuyển  môi trường sống. Cái lọp trông hơi giống cái nò đặt cá ở đáy sông, cũng hình trụ nhưng thường lớn hơn lờ, đan bằng những thanh tre tròn, chắc để chống nước. Lọp không có miệng mà chỉ có hom ở một đầu để cá chui vào. Đầu sau lọp có một cửa sổ để thọc tay bắt cá tôm hay lương khi thu hoạch.

Trong những lần về quê mùa nước nổi, tôi thường cùng đứa em trai tôi ngoài việc  đi đặt lờ còn đi đặt trúm. Ống trúm làm từ một khúc tre tàu suôn tốt, thịt chắc, ít mắt, dài gần mét. Sau khi lấy cây sắt có đầu bén thọt thủng các mắt trừ một mắt cuối cùng ở một đầu trúm, khoét thêm một lổ thông hơi. Đầu còn lại sẽ đặt hom để cho lương chui vô trúm. Đặt lờ, lọp, nò thì không phải tốn mồi gì cả. Nhưng muốn bắt lươn thì phải chuẩn bị mổi bỏ sâu vô tận đáy trúm. Mồi dụ lươn chỉ đơn giản bằng xác cua nhỏ, ốc được đập dập hay cá nhỏ. Sào huyệt của lươn là đầu các lung, lạch, đìa sâu, ao đầm sầm uất trên mặt nước lềnh bềnh lục bình, rau mát, rau muống, rong rêu…

Đặt trúm vào chiều tối, sáng hôm sau thì đi thu hoạch. Câu lương có thể vào ban ngày tại mương hay các hang dưới mương. Có người gọi lươn là con sâm biển, thịt ăn bổ, có vị thuốc trừ bệnh ốm gầy nên ba mẹ thường khuyên tôi ăn sâm biển. Có một mùa hè nước dậy sớm, trở lại quê nhà, tôi giở trúm được một con lươn to lớn vượt cỡ bình thường, dài gần mét, lốm đốm bông trên thân mình vàng nghế. Tôi thấy ngán ăn nhưng ba tôi đã bắt nó đem vuột trấu cho hết nhớt, dần mềm thân nó, rút hết xương ra, rồi mẹ tôi bầm thịt heo trộn trứng vịt, bún tàu, kim châm, nấm mèo, đậu phọng dồn cả vào lươn làm thành chiếc dồi to, đem hấp khoanh tròn trong một xửng lớn cả nhà ăn trong ngày không hết.

Mùa nước nổi, ban đêm ung dung ngồi xuồng giăng câu, chờ cá trên sông hay lội hì hục lỏm bỏm cắm câu giữa ruộng, con người dễ nhận được cảm giác phiêu diêu, lãng quên bao nhọc nhằn phiền muộn của cuộc sống lao động vất vả thường nhật. Ban ngày, nếu không ra đồng hái rau muống, rau dừa hoặc lặn hụp dưới nước ruộng móc bông súng, củ co thì anh em tôi cũng chống xuồng lướt trên cánh đồng loáng nước bao la để hái bông điên điển, những khoảnh khắc gây cho tôi không ít hào hứng được hít thở không khí trong lành của không gian bát ngát miền quê.

Cây điên điển sum suê trỗ bông vào mùa nước nổi. Trên cánh đồng rộng trống trải chỉ còn trơ gốc rạ sau mùa gặt lúa ra giêng, nếu nông dân cắm chặt các nhánh điên điển còn tươi, đến mùa nước hoa nó sẽ nở rộ. Từ xa trông bát ngát như cả một rừng mai vàng ối vào mùa xuân. Đây là thời điểm xuất hiện một bức tranh quê hồn hậu, rực rỡ sắc màu, đẹp hơn cả thảm lúa chín vàng ở nông thôn trước mùa gặt.

Ở nông thôn, tại bến chợ hay ngả ba sông, mùa nước lên cao tạo được cảnh không khí chợ nổi tập trung với xuồng ghe từ các ngả sông hay ghe thương hồ lãng tử đến từ bốn phương của miền sông nước. Thật tiện lợi cho họ tới lui buôn bán trái cây, rau cải, gà vịt mỗi ngày không kém gì chợ nổi Ngả Bảy hoặc Cái Răng miền Tây Nam bộ.

Hằng năm, cứ vào mùa nước nổi, tôi cũng cảm thấy trong lòng chạnh nhớ lại những ngày lận đận chạy giặc trong mùa tiêu thổ kháng chiến, sau Cách mạng tháng Tám. Cả gia đình phải tạm rời bỏ nhà cửa lại tại rạch Cái Tắc, quây quần trên chiếc ghe nhỏ đến nương náu ở một vùng sâu cuối rạch Thông Lưu – Vĩnh Long để tránh bị giặc Tây pháo kích qua từ Trà Nóc bên kia bờ sông Hậu. Cứ vào lúc ngày tàn không gian hoàng hôn bãng lãng, dù không có khói lam chiều, một mình lặng lẽ ngồi câu cá ở đầu ghe đang bềnh bồng một góc trên sông, tôi mãi hướng mắt về ngôi nhà tổ phụ mà nghe trong lòng đau đáu nhớ quê: Lòng quê dờn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (3).

Quê nhà tôi là một góc nhỏ của quê hương yêu dấu đã nghìn năm thấm đẫm mồ hôi, máu thịt của cha mẹ lao động cần cù, của tổ tiên gian nan gầy dựng và của bao anh hùng dân tộc đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh để bảo vệ cho đến hôm nay. Mỗi năm qua mỗi mùa nước nổi, tôi có dịp cảm nhận lại lòng yêu quê hương như thể hiện theo từng nhịp đập của mạch máu và trái tim mình.

P.Đ

(1) Gió chùng chình trước ngõ (Sang thu – Thơ Hữu Thỉnh)

(2)  Nước dâng lên tự nhiên theo chu kỳ hằng năm, không gây thiệt hại, khác với lũ, lụt đúng nghĩa ở vùng cao nguyên.

( 3 )  Tràng giang – Thơ Huy Cận