Nạn nhân lớn nhất, hay vô trách nhiệm nhiều nhất?

812

Sương Nguyệt Minh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Người kinh doanh nào cũng phải biết tính nguyên liệu thô trước khi đưa vào sản xuất. Nguyên liệu thô cấu thành sản phẩm, giá cả, giá trị hàng hóa. Nguyên liệu thô, trong trường hợp này là… nước mặt hồ sông Đà, Viwasupco đã tính đến chất lượng, đến an toàn đầu vào chưa? Có đóng cọc chỉ giới quanh hồ, để ngăn chặn trâu bò, ngựa và các động vật khác thả rông? Có vành đai cấm xả rác, xả chất thải ra môi trường quanh hồ?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Cả tuần người Hà Nội dùng nước có mùi khét lẹt. Nghi ngờ. Vốc nước lên ngửi. Vẫn mùi lạ. Hỏi hàng xóm. Rồi hàng xóm hỏi tiếp hàng xóm. Nước nhà nào cũng có mùi khó chịu… Cũng là lúc truyền thông cồn lên như bão: Nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải. Vậy là, vỡ tung lên mọi chuyện. Nháo nhác. Lo lắng. Sức khỏe hàng chục vạn khách tiêu dùng phía Tây Nam Hà Nội như trứng treo đầu đẳng.

Nhân dân bức xúc kêu cứu. Thông tin – Truyền thông vào cuộc. UBND thành phố Hà Nội, và Hòa Bình lên tiếng. Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo. Nhưng, công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) thì vẫn quanh co, vòng vo, không xin lỗi người tiêu dùng và coi mình là nạn nhân của vụ xe tải đổ trộm dầu thải xuống suối Trâm ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn vào đêm 8-10. Nước suối đưa nguồn dầu thải độc hại chảy vào hồ Đầm Bài – nơi chứa nước đầu nguồn cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà. Ai là nạn nhân? Ai vô trách nhiệm?
Người New York, nước Mỹ thường tự hào thành phố của họ có hai loại đặc sản ngon nổi tiếng thế giới là pizza (không kém pizza của Ý) và bánh mì vòng. Nhưng, hai loại đồ ăn ngon trở thành đặc biệt nổi tiếng lại nhờ một thứ nguyên liệu không thể thiếu được là nước sạch New York. Hệ thống cấp nước sạch New York bắt đầu từ 19 hồ nước và 3 hồ điều hòa. Đường ống dẫn về thành phố dài 150km. Cống Catskill và Delaware được thuê công nhân người Ireland xây dựng, to đến mức tàu ngầm chở hai người di chuyển lẹ làng trong đó để kiểm tra, phát hiện chỗ rò rỉ…

Đến New York, bạn có thể mở bất cứ vòi nước công cộng nào để uống khi đang khát và yên tâm rằng chất lượng không kém loại nước lọc tinh khiết nào. Hệ thống cấp nước sạch New York được coi là tài sản giá trị nhất thành phố, nếu kém hơn thì cũng phải ngang bằng với hệ thống tàu điện ngầm. Để có một thứ nước sạch tuyệt đối yên tâm như thế, vì “Các quan chức đo lường chỉ số trên khắp các hồ chứa, xem xét những thứ như độ đục, độ trong của nước và các chất gây ô nhiễm, để chọn nước có chất lượng cao nhất nhằm giải phóng xuống tuyến dưới. Nguồn cung cấp nước quan trọng đối với thành phố đến nỗi một lực lượng cảnh sát chuyên dụng với hơn 200 thành viên làm việc 24/7 để ngăn chặn việc xả rác trái phép và các hành vi dùng sai mục đích đường thủy khác”. Không riêng gì thành phố New York mà nhiều đô thị lớn trên thế giới cũng ưu tiên hàng đầu là nước sạch trong đời sống dân sinh. Nhiều quốc gia khuyến nghị người dân nên dùng nước trực tiếp từ vòi nước, không cần đun sôi, để tiết kiệm năng lượng, khoáng chất và bảo vệ răng. Hỡi ơi! “Trông người lại ngẫm đến ta”!

Nghĩ đến ta là… tại sao cả tuần chịu cảnh nước có mùi khét, hôi lạ, nước nhiễm bẩn, mà không bỏ nơi kinh doanh nước là Viwasupco này, để mua nước ở chỗ khác về dùng?
Nghĩ đến ta là… nghĩ đến “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” là chuyện thiên về tình cảm, vị nể, có đi có lại. Còn trong giao dịch hàng hóa lại là chuyện “thuận mua vừa bán”. Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco) chìa ra thứ sản phẩm của mình là… nước sạch, cùng với chất lượng, giá cả, để khách hàng tiêu dùng lựa chọn và quyết định xem có mua hay không? Nhưng, trong giao dịch này, khách hàng chúng tôi không có quyền lựa chọn.

250 ngàn hộ phía Tây Nam Hà Nội tương đương với khoảng 1 triệu người tiêu dùng ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và một số khu vực khác… không có quyền từ chối, buộc phải mua. Bởi, sản phẩm của Viwasupco là duy nhất, là độc quyền. Từ chối, cũng có nghĩa là ngày ngày đi mua nước nước sạch đóng tec, đóng thùng từ nơi khác chở đến, hoặc quá giàu thì bốn mùa mua nước khoáng lavie đóng chai nấu nướng, tắm giặt…

Độc quyền điện, nước mới sinh ra chuyện tự mãn, cao ngạo, hàng hóa của tôi chỉ có thế, mua thì mua không mua thì thôi. Không cạnh tranh, chỉ độc quyền, nên doanh nghiệp dễ thỏa mãn, vừa lòng với sản phẩm làm ra. Độc quyền! Chẳng phấn đấu, không phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa, mà vẫn có đầu ra. Thậm chí, làm kinh tế bằng… tăng giá sản phẩm, dồn cho khách hàng chịu. Chịu và kêu ca. Chính cái kiểu kinh doanh độc quyền của Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới là nguyên nhân gốc rễ xảy ra khủng khoảng ô nhiễm dầu thải đầu nguồn. Viwasupco độc quyền, nếu có biện pháp bảo vệ nước đầu nguồn, sẽ ngăn chặn đổ dầu thải này từ xa, từ trước; chứ không đến nỗi kêu than mình là nạn nhân. Không có nạn nhân nào hết, chỉ có thói vô trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng.

Người kinh doanh nào cũng phải biết tính nguyên liệu thô trước khi đưa vào sản xuất. Nguyên liệu thô cấu thành sản phẩm, giá cả, giá trị hàng hóa. Nguyên liệu thô, trong trường hợp này là… nước mặt hồ sông Đà, Viwasupco đã tính đến chất lượng, đến an toàn đầu vào chưa? Có đóng cọc chỉ giới quanh hồ, để ngăn chặn trâu bò, ngựa, và các động vật khác thả rông? Có vành đai cấm xả rác, xả chất thải ra môi trường quanh hồ? Có bao nhiêu chuồng, trại chăn nuôi: lợn, gà, trâu bò, ngựa dê… đang châu tuần quanh hồ Đầm Bài? Có bao nhiêu con suối bị ô nhiễm đang ngày đêm đổ ra hồ Đầm Bài? Để bảo đảm an toàn nguồn nước ăn cho New York, hàng ngày có tới hơn 200 cảnh sát chuyên dụng hoạt động ngăn chặn xả rác thải cứng, rác thải mềm ra nguồn nước thô; Ở khu vực hồ nước mặt Đầm Bài sông Đà, Viwasupco huy động được bao nhiêu người bảo vệ nguồn nước thô?

Dư luận đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Khắc Long – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN & MT tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Viwasupco phải có trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa vào xử lý, đảm bảo quy chuẩn về mặt vệ sinh mới được cấp cho khách hàng”. Rõ ràng là, trách nhiệm quản lí nước đầu nguồn phải ở mức độ sạch tương đối mới được đưa vào sản xuất. Nước đầu nguồn chưa đưa vào nhà máy cũng như… nguyên liệu thô. Nguyên liệu thô phải được kiểm soát, đặc biệt phải đạt tiêu chuẩn nhất định thì mới được đưa vào sản xuất nước sạch. Rất tiếc! Viwasupco đã không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu thô đầu vào. Lợi nhuận vẫn thu đều đều sau khi bán sản phẩm, nhưng lại không đầu tư quản lý, bảo vệ nguồn nguyên liệu thô, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát. Xảy ra khủng hoảng chất lượng sản phẩm thì lại xử lý lúng túng, bối rối, không chuẩn xác khiến dư luận đang bức xúc lại càng phẫn nộ hơn.

Thói thường người Việt xưa nay, xảy ra chuyện gì không tự nhận sai lầm khuyết điểm thuộc về mình, mà luôn né tránh, đổ lỗi cho khách quan. Viwasupco cũng vậy, cũng đổ lỗi cho ngoại cảnh và vơ vào mình là… nạn nhân. Bất luận chuyện gì xảy ra, Viwasupco cũng phải biết rằng mình là chủ sản xuất, chất lượng hàng hóa gắn với thương hiệu, trách nhiệm của mình. Lương tâm, đạo đức doanh nghiệp ở chất lượng sản phẩm, chứ không phải những lời hoa mỹ PR và nước mắt khóc than khi khủng hoảng xảy ra. Kỹ thuật sản xuất nước sạch ở mức trung bình, khá, hay tốt…, mà không khử được mùi dầu thải? Nguồn nước thô đầu vào có thể bẩn, nhưng qua nhà máy sản xuất, nước đầu ra phải sạch mới được phép bán cho dân. Khủng hoảng dầu thải ngày 8.10 vừa qua, chứng tỏ Viwasupco không chỉ quản lý nguồn nước thô kém chất lượng, mà nước qua sản xuất rồi cũng chất lượng kém.

Hàng chục vạn dân phải ăn nước bốc mùi lạ khét kêu trời kêu đất, Viwasupco vẫn vòng vo, quanh co, lấp liếm, tránh né không nhận lỗi. Xin thưa với các vị làm thuê cho Viwasupco và các ông chủ Viwasupco! Người tiêu dùng chúng tôi bỏ tiền mua nước từ các ông, là mua… nước sạch. Nước nhiễm dầu thải, nước bốc mùi lạ khét, chất lượng nước kém, không xứng với “đồng tiền bát gạo” chúng tôi bỏ ra, các ông cần phải có lời xin lỗi chân thành, cần phải đền bù thiệt hại. Thiệt hại ở đây là thời gian mất quá nhiều để lo toan chuyện nước nôi. Đền bù thiệt hại kinh tế, và sức khỏe. Các ông chủ Viwasupco có lúc nào nghĩ đến các cụ già bà lão gần đất xa trời, các em bé sơ sinh đỏ hỏn, chưa đủ khả năng phòng vệ với đời phải dùng thứ nước sặc mùi khét lẹt của các vị bán ra? Khách hàng mới là nạn nhân, mà là nạn nhân trực tiếp của Viwasupco, ông Bùi Đăng Khoa ạ!

Sức khỏe con người là thứ quý giá nhất. Biết nước đầu nguồn nhiễm dầu thải, vẫn đưa vào sản xuất, vẫn bán cho dân. Sự việc ầm lên, không dừng bán nước, vẫn kinh doanh kiếm lợi nhuận. Chưa thấy doanh nghiệp nào đặt lợi nhuận trên lưng người tiêu dùng như thế. Trong khi hàng chục vạn người dân phía Tây Nam Hà Nội lo lắng tính mạng của mình, của người thân, thì ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà nói: “Bản thân tôi cũng là Tổng giám đốc làm thuê. Nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn, quá hay”. Làm thuê gì cũng đã nhận lương, nhận lương thì phải làm cho hết trách nhiệm. Mà trách nhiệm số 1 lúc này là an toàn sức khỏe người tiêu dùng, ông Tốn ạ. Vẫn cứ cái cách kinh doanh độc quyền, vô trách nhiệm như thế này, thì sẽ còn xảy ra các vụ mất an toàn nước – nguyên liệu thô đầu nguồn. Và, nạn nhân vẫn sẽ là người tiêu dùng, chứ không phải là ai khác!

Nhà nước ta hiện nay vẫn trực tiếp quản lý, kinh doanh một số ngành chủ lực trong nền kinh tế quốc gia, mà điện nước là một ví dụ. Với tình hình thực tế hiện tại, thì Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà không đủ năng lực bảo đảm an toàn nước mặt sông Đà đầu nguồn cho nhà máy sản xuất của mình. Một cuộc “cách mạng” về an toàn, an ninh nước sạch lúc này là cần thiết!