Ngày càng nhiều nhà sản xuất lấy tiểu thuyết làm nguồn cảm hứng cho âm nhạc

474

Việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim truyền hình hay tác phẩm điện ảnh không còn quá xa lạ, nhưng ngày nay, nhiều nhà sản xuất âm nhạc trên thế giới đã tìm đến tiểu thuyết cổ điển như một nguồn cảm hứng đầy mới lạ.


Văn học đã trở thành nguồn chất liệu và cảm hứng phong phú cho âm nhạc hiện đại.

Chỉ trong một năm, album Evermore của Taylor Swift có hai ca khúc nổi bật lấy cảm hứng từ văn học: ca khúc Tolerate It từ câu chuyện Rebecca của nhà văn người Anh Daphne du Maurier và Happiness, một bài hát có liên quan đến The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald.

“Khi tôi đọc Rebecca của Daphne du Maurier đôi đã nghĩ: ồ, chồng cô ấy thật bao dung. Cô ấy (nữ nhân vật chính trong tiểu thuyết) đã làm tất cả và cô cũng cố gắng gây ấn tượng với người chồng. Tôi thấy có một phần của mình trong đó nên đã viết bài hát Tolerate It”, Taylor Swift cho biết.

Hay nhà sản xuất âm nhạc Bibliotapes của Scotland đã đưa tác phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học trở thành một lĩnh vực kinh doanh chủ đạo trong nhiều năm nay. Yêu cầu của hãng với các nhạc sĩ sáng tác là những bản nhạc mới cho tiểu thuyết cổ điển.

Stuart McLean, giám đốc điều hành công ty này cho biết: “Sau khi tôi đưa ý tưởng này trên Twitter, Ioan Morris đã gửi cho tôi một bản nhạc phim dựa vào cuốn tiểu thuyết The Magician’s Nephew (tạm dịch: Cháu trai pháp sư) của CS Lewis. Tám bản nhạc phim dựa trên tiểu thuyết cũng được hãng phát hành mới đây”.

Và một số tác giả khi nghe bản nhạc phối lại hoặc lấy ý từ tiểu thuyết của họ đã cho những phản hồi tích cực. Susan Cooper, tác giả của cuốn tiểu thuyết dân gian dành cho trẻ em The Dark Is Rising (Bóng tối trỗi dậy), đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhà soạn nhạc Rob Colling, sau khi ông phát hành album dựa trên cuốn tiểu thuyết của cô.

Rõ ràng có một lượng khán giả mong muốn được nghe các dạng ca khúc chuyển thể như này và Stuart McLean không phải người duy nhất tìm cách kết hợp giữa âm nhạc với văn học.

Booktrack, một đơn vị sản xuất các tác phẩm sách nói cho biết: “Âm thanh, không chỉ là lời nói mà còn mang đến cho chúng ta cơ hội trải nghiệm sâu sắc hơn về những câu chuyện và thế giới chúng ta xây dựng trong trí tưởng tượng”.

Âm nhạc và văn học có mối liên kết đặc biệt, nó tạo nên tác phẩm nghệ thuật có hình hài mới với chất lượng mới được tỏa rộng hơn trong đời sống xã hội. Những tác phẩm văn học dù bất kì ở hình thức nào: thơ ca, truyện ngắn hay tiểu thuyết cũng là nguồn cảm hứng bất tận với âm nhạc.

Không chỉ thị trường âm nhạc thế giới, Việt Nam những năm gần đây cũng sôi động với các ca khúc lấy cảm hứng từ văn học, trong đó nhiều bài trở thành những ca khúc được đông đảo giới trẻ yêu mến.

Trong số đó, kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm văn học Việt được các nhạc sĩ lấy cảm hứng sáng tác nhiều nhất cả trong âm nhạc hàn lâm lẫn âm nhạc giải trí. Nhạc sĩ trẻ Cao Bá Hưng từng khiến những nhạc sĩ kì cựu và khán giả truyền hình phấn khích khi mang đến ca khúc Kiều khai thác hình ảnh nàng Kiều mang kiếp hồng nhan bạc phận. Những nhạc sĩ thuộc thế hệ trước như Phạm Duy cũng đã viết tác phẩm Kiều ca mà lúc sinh thời ông chia sẻ là tác phẩm vẽ chân dung nàng Kiều bằng âm nhạc.

Bên cạnh đó, dự án âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học Việt trở thành “hit” có thể kể đến như MV Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh. Những hình ảnh trong MV gợi nhắc đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nhân vật Thị Nở, Chí Phèo, Lão Hạc, cậu Vàng trong những tác phẩm của nhà văn Nam Cao…

Theo Đình Phương/VNQĐ