Nghệ nhân bánh giầy – Bút ký của Đỗ Xuân Thu

1002

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tin tỉnh lấy đội nghệ nhân bánh giầy của phường Lạc Đạo đi thi giã bánh giầy ở hội Đền Hùng loang ra rất nhanh. Chỗ nào người ta cũng xì xào bàn tán. Vinh dự quá. Được lên tận Phú Thọ đất Tổ để thi thố thì còn gì bằng. Thi giữa hội Đền Hùng nha. Cả nước về trẩy hội, xem và cổ vũ nha. Quốc tế người ta cũng dự nữa cơ. Nếu vậy thì tuyệt quá rồi. Chả thế lại không ư? Hội Đền Hùng là lễ hội to nhất trong năm của nước mình đấy. Giỗ Tổ Hùng Vương, cội nguồn dân tộc mà lị. Thì thế, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới trở thành di sản văn hóa thế giới chứ. Oách thật. Được về đấy dự thi giã bánh giầy, gói nấu bánh chưng thì còn gì bằng. Nghe bảo, đội nào về nhất thì bánh của đội đó được dâng lên cúng Vua Hùng đấy. Thế cơ à? Chứ lại không?

Mỗi người mỗi câu xôn xao bàn tán. Cứ “thì thế”, “thì vưỡn” khẳng định chắc như đinh đóng cột vậy. Hễ chỗ nào đông người là “vấn đề” này lại được đưa ra. Việc dự đoán đội nào được đi thi là rôm rả nhất. “Đem chuông đi đấm nước người” chứ bỡn à? Giáp Đông? Giáp Đoài? Hay giáp Nam, giáp Bắc? Hay là là giáp Trung? Dứt khoát giáp Đoài rồi. Tôi chả biết giáp nào với giáp nào. Cứ gọi theo làng cho nó dễ. Trên đó, người ta đâu có để ý đến giáp nọ với chả giáp kia của mình? Chẳng qua là mình đặt ra như thế để tiện cho lễ hội xã mình thôi. Ừ thì theo làng. Năm nay chả thằng Bờ Si đi thì còn thằng nào vào đây nữa. Lễ hội Đền Cao vừa rồi nó nhất đấy. Đã đành là thế. Nhưng mà mấy năm trước các ông ấy toàn lấy đội của các làng khác đi thôi. Có năm, họ còn thành lập đội tổng hợp của xã, nhúp mỗi làng vài người nha. Thế mà cũng giật giải nhất mấy năm liền rồi đấy. Vưỡn biết thế. Nhưng mà năm nay nó khác. Thứ nhất là xã mình đã lên phường. Thứ hai là trước cuộc thi “Giã bánh giầy, nấu chè kho” vừa rồi các ông ấy chả tuyên bố đội nào nhất bánh giầy sẽ được đi thi ở hội Đền Hùng là gì? Ừ nhỉ! Khéo thế thật. Vậy thì thằng Bờ Si năm nay được đi là cái chắc. Điều đó thì quá rõ rồi. Ai bảo mấy đội kia chủ quan cơ. Cứ tưởng đã nhất ở hội Đền Hùng rồi thì ở hội làng sẽ “năm bờ oăn” luôn. Nào ngờ, mỗi năm mỗi khác. Thằng Bờ Si nó vượt lên. Thế là các bố chỏng vó ra hết cả. Rớt hạng luôn. Tụt mẹ nó xuống giải nhì. Giờ thì tiếc đỏ mắt nha.

Nghe những lời bàn tán đó, ông Trương chỉ cười thầm. Ông mở cờ trong bụng. Là người làng Bờ Si, trong đội nghệ nhân giáp Đoài giành giải nhất trong cuộc thi giã bánh giầy ở lễ hội Đền Cao vừa rồi, ông cũng chính là người dẫn đoàn nghệ nhân của xã mấy năm liền tham gia lễ hội Đền Hùng và cũng ba lần giành giải nhất rồi đấy. Đội tổng hợp mà. Mỗi làng vài người. Chọn những vị khéo tay, khỏe chân, nhanh mắt nhất để đi thi. Làng ông có truyền thống giã bánh giầy. Mỗi năm, ngoài lễ hội Đền Cao ra, làng còn bao nhiêu ngày tiệc tùng, lễ lạt nữa. Mà những ngày đó dứt khoát cỗ bàn phải có bánh giầy.

Truyền thuyết kể lại rằng, dân làng ông ngày xưa đã theo năm vị tướng họ Vương phò vua Lê Đại Hành đánh quân Tống xâm lược. Năm vị này xuất thân từ “nhất bào ngũ noãn” (năm trứng trong cùng một bọc), sinh cùng một ngày. Thế mới lạ. Để có sức đánh nhau lâu dài với giặc, các cụ đã giã bánh giầy, nấu chè kho tích trữ làm lương thực nuôi quân trong rừng. Cuộc kháng chiến thắng lợi, năm vị tướng họ Vương lại hóa cùng một ngày. Để tưởng nhớ công lao các vị tướng đó, dân làng đã lập năm ngôi đền thờ họ. Tục giã bánh giầy, nấu chè kho được duy trì từ đó. Mỗi năm, cứ đến ngày lễ hội Đền Cao và những ngày tiệc khác, người ta lại giã bánh giầy, nấu chè kho dâng lên cúng tế thần thánh tổ tiên, tri ân công đức các bậc tiền nhân. Bởi vậy, đoàn nghệ nhân giã bánh giầy của xã ông có vinh dự được tỉnh lấy tham gia lễ hội Đền Hùng là vì thế. Còn sự tích bánh chưng, bánh giầy ai mà chả biết. Từ đứa trẻ lên ba đến các cụ già râu tóc bạc phơ, hễ là người Việt Nam, con cháu Lạc Hồng đều hiểu được điều này. Trời tròn, đất vuông. Hạt gạo hạt vàng, hạt ngọc. Riêng dân làng Lạc Đạo quê ông còn tự hào hơn vì chính bánh giầy đã giúp cho tổ tiên xa xưa của ông đánh thắng giặc Tống xâm lược.

Ông Trương vui vì chủ tịch xã, à không, chủ tịch phường (xã ông đã lên phường rồi mà ông cứ quen mồm như cũ) đã giao nhiệm vụ cho ông: “Năm nay, ông tiếp tục dẫn đoàn đi thi giã bánh giầy ở hội Đền Hùng nhé. Lấy chính đội Bờ Si làng ông, giải nhất lễ hội vừa rồi đấy. Được chưa?”. “Thế thì còn gì bằng”, ông Trương hớn hở đáp. Chủ tịch phường nói tiếp: “Ông có kinh nghiệm mấy năm đi thi trên đó, lại có truyền thống của làng bánh giầy, nhớ là phải chiến thắng nha. Bộ mặt của cả xã, cả huyện ta đấy”. “Của phường, của thành phố chứ?”, ông Trương đính chính lại. Chủ tịch phường cười hở lợi: “Ừ nhỉ. Vưỡn cứ bị quen mồm. Thị xã mình lên thành phố, xã mình lên phường rồi mà tôi vẫn cứ… lối cổ”. Cả hai người cùng cười vang. Lát sau, như sực nhớ ra, chủ tịch phường nói tiếp: “Không những đại diện cho thành phố mà cho cả tỉnh nữa cơ ông Trương ạ. Các ông phải làm vẻ vang cho tỉnh nha. Rõ chửa?”. “OK. Chủ tịch cứ yên tâm. Bờ Si tôi dứt khoát chiến thắng”.

Từ lúc nhận nhiệm vụ của chủ tịch phường, rồi nghe dân làng sôi nổi bàn tán, ông Trương vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có vinh dự lớn đại diện cho cả tỉnh tham dự lễ hội lớn nhất nước này. Lo vì làm sao để chiếm được giải nhất trong cuộc thi năm nay. Đội Bờ Si tuy mạnh thật nhưng các đội khác cũng nào có kém gì? Hà Nội, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… và còn tỉnh nào nữa? Nguyên các đội cấp huyện của tỉnh Phú Thọ cũng đáng gờm lắm chứ? Mình truyền thống thật đấy nhưng biết đâu họ vượt lên thì sao? Vậy thì phải họp ngay các vị nghệ nhân của làng bàn bạc đấu sách mới được. Quyết phải giật giải cao. Không nhất thì cũng phải nhì. Đó không chỉ là màu cờ sắc áo của tỉnh, là tấm lòng của dân Lạc Đạo dâng lên Vua Tổ mà còn là niềm hãnh diện của con trai ông với người yêu của nó ở Phú Thọ.

Chuyện tình của thằng An con ông chẳng khác gì tiểu thuyết. Cái thằng đến lạ. Gần ba mươi tuổi rồi mà chẳng thấy nó yêu ai. Vậy mà năm ngoái theo ông đi hội Đền Hùng nó lại phải lòng con bé trong đội văn nghệ làng Đào Xá trên đó mới lạ chứ. Đang giã bánh giầy, nghe tiếng hát xoan phía hội diễn, nó bỏ chày, bỏ bánh để nguyên trang phục lễ hội chạy một mạch đến đó để xem. Gần trưa, nó mới về. Mặt nó hớn hở tươi như hoa. Ông Trương và cả đoàn bực lắm. May mà khi công bố kết quả, đội ông vẫn giành giải nhất. Quả là kỳ tích. Chả là khi nó đi, thằng Hải dự bị lập tức liền thay nó. Mọi sự vẫn diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp. Cả đội hân hoan chiến thắng. Mọi người nhìn nó có vẻ khang khác. Nó ấp úng xin lỗi ông và cả đội. Rồi bất ngờ, nó reo to như một thằng hâm: “Tìm thấy rồi! Tuyệt vời!”. Sau đó nó nhảy chân sáo ư ử hát: “Tềnh… là tềnh… Leng ấy lại là leng…”. Tất cả ngớ ra nhìn nó. Đến chiều thì nó dắt con bé về trại của đội. Miệng nó huyên thuyên về bánh giầy cho con bé nghe. Sau đó thì hai đứa tin đi, nhắn lại với nhau, yêu nhau tự lúc nào không biết. Ông Trương vui lắm. Vậy là con trai ông đã đứng số, gặp duyên. Chuyến này lên đó, dứt khoát bố con ông sẽ làm thêm một nhiệm vụ lớn nữa. Đó là về Đào Xá “có nhời với nhà người ta cho chúng nó chính thức đi lại với nhau”. Thế nên, giành chiến thắng trong hội thi giã bánh giầy ở hội Đền Hùng năm nay là mục tiêu của ông với nhiều ý nghĩa hơn hẳn các năm trước.

“Bố! Năm nay bố lại dẫn quân làng mình đi Đền Hùng hả? Cho con đi với bố nhé!”. Đang mải nghĩ vậy thì có tiếng nói sau lưng. Quay lại, ông Trương đã thấy An về đó tự bao giờ. Thiêng thế cơ chứ. Vừa nghĩ tới nó thì nó xuất hiện. “Ai nói với anh mà anh biết?”, ông Trương hỏi con trai. An vừa thở vừa cười: “Người ta đồn ầm cả lên kia kìa. Bố lại còn giấu con? Dứt khoát đợt này bố phải cho con đi đấy”. “Đi? Đi mà lại như năm ngoái ấy? Anh định làm xấu mặt tôi nữa hả?”. “Hì hì… Con xin lỗi bố với mọi người rồi mà. Nhưng…như thế thì bố mới sắp có con dâu chứ? Bố cho con đi để con gặp em Trang nha”. An lấp liếm, nài nỉ. “Cứ biết vậy. Để tao sắp xếp có nhời với làng đã”, ông Trương đủng đỉnh nói. “Nhời nhẽ gì nữa? Con cũng có chân trong đội của làng dịp lễ hội vừa rồi đấy. Giải nhất vừa rồi cũng có công của con đấy. Clip “Việt Nam thức giấc” VTV1 về quay hôm ấy con còn giữ đây này. Không lý gì con lại phải ở nhà”. An nói cứng. Ông Trương gật gù. Thằng này cũng lý sự ra phết.

An đúng là chủ công của đội bánh giầy làng Bờ Si. Vừa khỏe khoắn lại nhanh nhẹn, khéo tay. Từ khâu chẻ củi, nhóm lửa, đến khâu giã bánh, bày bánh lên đĩa… Khâu nào nó làm cũng ngon ơ. Nồi xôi đang bốc hơi nghi ngút, nóng hôi hổi như thế, thế mà một mình nó, hai tay hai quai nồi, bê chạy ra chỗ giã cứ phăm phăm. Tới nơi, nó trút, nó vét xôi từ nồi ra chiếu rất dứt khoát, gọn gàng. Nhanh thoăn thoắt, nó vồ ngay lấy chày giã liên hồi không biết mệt mỏi. Trong khi đó, các đội khác phải hai người mới khiêng nổi nồi xôi. Sau đó thì nhũng nha nhũng nhẵng chạy ra chỗ giã, rất mất thời gian. Ngay cả cái cách xắt bánh bày ra đĩa của An cũng khác. Miếng nào ra miếng ấy. Bằng chằn chặn. Đặt vào đĩa chỉ cần xoa nắn một tí là xong. Người không biết cắt thì các miếng bánh sẽ dính vào nhau, dứt mãi chẳng ra. Rồi thì miếng to miếng bé. Thêm thêm bớt bớt mãi các đĩa bánh mới bằng nhau được. Thời gian thi thì tính bằng giây. Cứ lóng ngóng như vậy, thua là cái chắc. Dân làng Bờ Si bảo nó giống ông. Ơ lạ! Con chả giống bố thì giống ai? Dù sao vẫn cứ phải xin ý kiến làng xem có cho nó đi không? Giá bảo người khác thì ông quyết ngay. Đằng này nó lại là con ông, nên ông càng phải giữ kẽ.

Thằng An giỏi thật đấy nhưng nó bỏ cuộc thi để đi nghe hát như năm ngoái là không được. Thế khác nào bỏ vị trí chiến đấu? Đã đành, nó tìm được “nột nửa” của nó, đúng nguyện vọng của ông. Đã đành nó trong đội nghệ nhân của làng giành giải nhất vừa rồi. Thế nhưng đấy là hội làng, người ta có thể du di được. Còn sắp tới là hội nước. Liệu mọi người có châm chước cho nó không? Thế nên, xin ý kiến của làng là chuẩn nhất. Nhược bằng, làng không đồng ý thì ông cho nó đi theo đoàn. Không trong đội hình chính thức thì cho nó làm các việc lặt vặt phụ giúp. Nhược bằng không nữa thì cho nó đi ké vào đó lên hội. Không làm gì cả, cho nó lên gặp con Trang. Xong việc, bố con ông sẽ đến Đào Xá lo việc trăm năm cho chúng nó. Thế cũng là nhất cử lưỡng tiện rồi. Mới chỉ nghĩ đến đó thôi, lòng ông Trương đã vui phơi phới.

Ngay tối hôm sau, Bờ Si tổ chức họp làng. Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có chủ tịch phường, trưởng phòng văn hóa thành phố. Sau nội dung về xây dựng, phát triển kinh tế văn hóa, quy hoạch phố xá là đến nội dung cử đoàn nghệ nhân đi hội Đền Hùng thi giã bánh giầy. Trưởng phòng văn hóa thành phố đọc quyết định của chủ tịch thành phố giao cho Lạc Đạo thực hiện nhiệm vụ này. Ông quán triệt mục đích, ý nghĩa của sự kiện, đặt niềm tin và hy vọng vào đội nghệ nhân của phường. Chủ tịch phường tiếp nhận quyết định cấp trên rồi giao tiếp nhiệm vụ cho làng Bờ Si. Từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, ai ai cũng phấn khởi. Đình làng chật cứng người ngồi họp. Khi thì im phăng phắc lắng nghe. Khi thì xôn xao bàn tán.

Việc tuyển chọn người vào đội là rôm rả nhất. Mỗi người mỗi ý. Ai cũng cho mình là đúng. Cuối cùng, chốt lại, lấy đội nghệ nhân đã tham dự lễ hội làng vừa rồi đi thi. Thứ nhất, đó là những người làm bánh giầy giỏi nhất của làng. Thứ hai, quan trọng hơn cả là chính họ đã giật giải nhất lễ hội Đền Cao vừa rồi; chính họ đã đem lại vinh dự, vẻ vang cho làng. Đó là điềm báo thuận lợi, là vận may cho làng năm nay. Với lại, ban tổ chức cuộc thi hôm đó cũng đã công bố vậy rồi. Không lý gì lại cho người khác vào thay thế.

Tuy nhiên, trường hợp của An, ông Trương vẫn cứ đưa ra hội nghị. Chả gì, mấy người của làng trong đội đi Đền Hùng năm ngoái người ta

cũng đã biết việc của An. Không nói ra lại bảo bố bao che cho con. Sau ý kiến của ông Trương, lại mỗi người mỗi ý. Họ phân tích, mổ xẻ. “Nhờ có anh ấy mà năm nay làng mình mới nhất đấy”. “Cứ cho cậu ấy đi. Một mình cậu ấy bằng ba người khác chứ bỡn à?”. “Đã ai khỏe, dẻo, khéo, dai như anh ấy chưa? Chưa chứ gì? Thế thì anh An đi là phải”. “Con phụ trợ, chủ công cho bố chả nhất à?”. “Tuy nhiên, cũng phải yêu cầu cậu ấy nghiêm túc”. “Bố con thì bố con, ông Trương cũng phải rắn vào. Không nhu nhơ được. Màu cờ sắc áo của tỉnh cơ mà?”.  “Thì thế ông ấy mới xin ý kiến làng”… Chờ cho mọi người vãn ý kiến, An đứng dậy xin phép phát biểu. Anh xin lỗi việc năm ngoái của mình và hứa năm nay sẽ mang hết sức ra để cùng đội giành chiến thắng. Cuối cùng, làng cũng thể tất. Biểu quyết, cử chọn sáu nghệ nhân chính thức và bốn người phụ trợ do ông Trương làm trưởng đoàn đi thi giã bánh giầy ở hội Đền Hùng. Chủ tịch phường công bố quyết định mồm ngay tại hội nghị. Văn bản sẽ gửi sau. Yêu cầu đội triển khai thực hiện ngay tắp lự. Thời gian gấp lắm rồi.

Sau cuộc họp, bố con Trương là người phấn khởi nhất. An a-lô luôn cho người yêu. Trang cũng cho biết đội văn nghệ của cô cũng đang ráo riết tập luyện để đi hội. Năm nay, hội Đền Hùng tổ chức liên hoan tiếng hát làng Xoan giữa các làng trong tỉnh. Vui lắm. Anh nhớ phải đến để cổ vũ đội em đấy. Chả thế lại không ư – An đáp. Mà em cũng phải dẫn đội văn nghệ đến cổ vũ đội giã bánh giầy của anh nha. Tất nhiên rồi, Trang cũng hớn hở đáp lại. Ước gì giờ thi của hai đứa mình lệch nhau để làm được việc đó. Họ cam kết thi đua. Họ quyết cùng giật giải nhất. Và họ cười rinh rích với nhau trên máy. Ông Trương nghe thấy vui lắm. Cả vợ ông nữa. Tuy không được đi cùng chồng con nhưng bà cũng nở mày, nở mặt. Trong đầu bà, hình ảnh về cô con dâu tương lai cùng với không khí lễ hội Đền Hùng cứ hiện lên rờ rỡ.

Đội nghệ nhân giã bánh giầy của Bờ Si cấp tốc họp. Tham dự có một số các cụ cao niên có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Cả lãnh đạo khu nữa. Tất nhiên rồi. Mọi người sôi nổi thảo luận về quy trình, về cách thức các công đoạn làm bánh. Nào là chọn gạo nếp thế nào, củi đóm ra sao? Nào là kiềng, nồi, mâm, đĩa… Nào là chày, chiếu, lá dong, lá chuối… Rồi thì tỷ lệ nước gạo thế nào, thời gian đun nấu bao nhiêu thì được. Trong quá trình nấu có mở vung, khuấy đảo không? Có phải trùm mảnh chăn, bao tải ướt lên vung nồi để tăng nhiệt cho xôi chóng chín không? Lại nữa, điều khiển ngọn lửa thế nào là hợp lý? Khi nào cần cháy to, khi nào phải rụt củi? Ngay cả việc chuẩn bị chữ để dán lên đĩa bánh nữa cũng phải tính đến. Bóc sẵn một nửa đề can, khi xong bánh, xé roạt một phát là xong. Chứ đợi đến lúc đó, trống thúc, người reo, cuống lên gỡ mãi chả ra chữ, rồi dán đại là hỏng. Chữ “Lộc”, chữ “Phúc” nó mà rơi ra là mất điểm ngay…

Công đoạn giã bánh cũng rất quan trọng. Một số nơi giã bằng cối đá, chày đứng. Kiểu giã này vừa mất diện tích, vừa mệt. Nếp dẻo bám lằng nhằng vào chày. Chày bị hút vào cối. Sức mấy mà lôi lên được để giã cho nhanh. Lại còn đảo bánh nữa chứ? Thò tay vào cối moi móc mãi mới lật được bánh. Lạc Đạo giã kiểu khác. Đổ xôi ra mảnh bạt trắng rộng như cái chiếu. Cả đầu chày và mảnh bạt này đều được bôi một lớp dầu ăn để chống dính. Chày làm theo kiểu có cán, giống cái vồ đập đất. Như vậy mới có lực cho người giã. Hai người cầm chày giã. Bốn người bốn góc bạt giữ. Cứ chày xuống thì kéo bạt căng, chày lên thì hất bạt, lật bánh. Nhịp nhàng như thế bánh rất chóng nhuyễn. An vừa là người giã chày khỏe vừa là người lật bạt khéo. Một mình anh một bên bạt, hai tay hai góc, căng lật như múa. Vậy là thêm được một người giã. Ba chày thi nhau nện. Từ xôi thành bánh có mấy chốc. Giải nhất vừa rồi có công này của An.

Thống nhất các điểm quan trọng nhất thành một quy trình chuẩn, mọi người lên kế hoạch luyện tập. Không chủ quan được. Vưỡn cứ phải thực tế. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm tiếp. Những ngày sau đó, Bờ Si rậm rịch giã bánh giầy. Hôm nay ở nhà thành viên này thì mai ở nhà thành viên khác. Cứ luân phiên vậy luyện tập. Ông Trương sốt sắng chỉ đạo. Mấy cụ cao niên râu tóc bạc phơ chống gậy đến xem góp ý. Trẻ con xúm xít vây quanh. Cả những người rỗi việc cũng tới cổ động. Làng vui y như có hội. Tổng thời gian từ nhóm bếp thổi xôi đến bày cỗ bánh hoàn chỉnh rút từ bốn mươi phút xuống còn ba tám, rồi ba sáu và chốt lại ở ba nhăm. Mọi người reo hò trước kỷ lục mới của đội. Thế này không nhất mới là lạ.

Ngày đi thi cũng tới. Cả đội khăn áo chỉnh tề, thao diễn buổi cuối cùng khẳng định lại quy trình đồng thời lấy bánh để dâng lên Đền Cao, cúng cầu may, cầu lộc trước khi lên đường. Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo phường cùng các cụ cao niên của làng và một số bà con đến dự. Một số doanh nhân tài trợ tiếp tục tới động viên. Không khí náo nức lắm. Ai cũng hướng lòng mình về đất Tổ.

Tháng ba. Hai bờ sông Nguyệt Giang đỏ rực mùa hoa gạo. Núi Thiên Bồng rừng lim xanh ngắt. Năm mươi tư cây lim “di sản Việt Nam” sớm nay như cũng bừng lên sắc mới. Gió xuân rì rào. Chim hót véo von. Đền Cao trầm mặc nghi ngút hương thơm. Đội nghệ nhân bánh giầy làng Lạc Đạo xếp hàng nghiêm chỉnh trước sân đền. An và hai thanh niên nữa đội ba mâm bánh giầy trắng thơm, dán chữ đỏ chót thành kính tiến vào ban thờ. Ông Dương, người nắm chắc hai mươi mốt sự lệ của làng từ xưa truyền lại ghi trong ngọc phả, khăn xếp áo the cùng các cụ cao niên làm các thủ tục khấn vái. Không khí linh thiêng bao trùm. Mọi người chắp tay thành kính. Trong tâm khảm, ai cũng cầu xin thánh thần ban cho mưa thuận gió hòa, cho đoàn “đi chín về mười đi tươi về tốt” giành chiến thắng, có những cái bánh giầy ngon nhất dâng lên thờ cúng Vua Hùng.

Và kìa! Hình như có tiếng trống đồng vang lên rồi đấy! Từ đất Tổ vọng về, nghe rõ lắm. Phải rồi! Hội Đền Hùng đã mở! Khắp nơi cả nước đang nô nức trẩy hội. Đoàn nghệ nhân Lạc Đạo ngày mai cũng lên đường. Rất nhiều người sẽ đi cùng. Lên đó để cổ vũ cho đoàn, cổ vũ hội thi giã bánh giầy, gói nấu bánh chưng. Lên đó để dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cầu cho nước nhà an lành, hưng thịnh. Vui quá! Lòng mọi người lâng lâng như men say. Cả rừng lim xanh “di sản” bỗng chốc rì rào trong làn gió xuân vừa thổi tới.

Đỗ Xuân Thu