Người đưa thư tình (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam) sau 3 cuốn viết cho thiếu niên và tuổi mới lớn, chính thức đưa Nguyễn Hoàng Vũ trở lại sở trường. Với 16 truyện ngắn được viết rải rác từ 2013 tới nay, Nguyễn Hoàng Vũ lần nữa cho thấy một bút lực đáng được kỳ vọng.
Tập truyện Người đưa thư tình
Năm 2013, văn đàn phía nam đột nhiên sôi động bởi truyện ngắn Ông nội chết rồi được đăng báo của một tác giả gần như mới toanh Nguyễn Hoàng Vũ. Truyện gây sửng sốt và thú vị, thán phục bởi lối văn giễu nhại thông minh cài cắm tình huống tinh quái vẽ nên bức tranh châm biếm về truyền thông online và mạng xã hội. Nhưng mãi đến năm 2019, Nguyễn Hoàng Vũ mới có tập truyện ngắn đầu tay – Người đưa thư tình (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam – ảnh) sau 3 cuốn viết cho thiếu niên và tuổi mới lớn, chính thức đưa tác giả trở lại sở trường.
Với 16 truyện ngắn được viết rải rác từ 2013 tới nay, Nguyễn Hoàng Vũ lần nữa cho thấy một bút lực đáng được kỳ vọng. Từ Ông nội chết rồi tới Bà nội còn sống (cứ tưởng phần tiếp theo) lại được mô tả từ giễu nhại sang hiện thực trần trụi, tàn nhẫn, cay đắng nhưng đầy ắp dư ba… Cười, mà không ứa nước mắt mới lạ. Nguyễn Hoàng Vũ viết rất tốt về các quan hệ cũ kỹ chồng chéo trong một gia đình, cứ như vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân và thủ phạm, nghiêng phía nào cũng trúng, như: Hoang đảo, Mẹ chồng, em chồng và con chó, Dư ba, Sướng… Thậm chí còn đề cập đến những chuyện mà không nói ra thì cũng chẳng ai biết hoặc không thể tin, như Gái.
Mảng đề tài quen thuộc thời sinh viên của những đứa con trai mới lớn bắt đầu xa gia đình quăng mình vào đời cũng được Nguyễn Hoàng Vũ khai thác khốc liệt và vô cùng “lầy lội”, cái chi tiết lui cui đi rửa tô hủ tíu trong Rút thăm chắc chả nhà văn ngoại cuộc nào viết ra nổi. Phân thân cũng đáng chú ý, có lẽ là một thử nghiệm mới với cách viết lớp lang, ngóc ngách, tác giả buộc người đọc phải quay lại từ đầu và chậm rãi dò tìm suy đoán để tự nghiệm ra phiên bản của đời mình đang phiêu du nơi nao.