Nguyễn Đức Sơn đụng độ Bùi Giáng, Hoàng Phủ Ngọc Tường trong hồi ký của Bùi Chí Vinh

1554
(Vanchuongphuongnam.vn)Nhớ hôm nào đó cách đây 30 năm, trong bàn nhậu dưới gốc cây đa ở quán Hội Văn Nghệ 81 Trần Quốc Thảo, chính tôi đã phải giảng hòa cho trận đấu khẩu kịch liệt giữa hai “kỳ nhân” Nguyễn Đức Sơn và Bùi Giáng.
Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn
Nhận được tin Nguyễn Đức Sơn tạ thế, dù đoán trước sẽ xảy ra chuyện đó nhưng tôi vẫn choáng váng. Thế là lại thêm một “con khủng long” của nền văn học nước nhà đã ra đi. Trước đó, khi mạn đàm về thi ca cùng đồng nghiệp, tôi luôn luôn khẳng định miền Nam trước giải phóng có 4 chưởng môn nhân đại diện cho 4 trường phái thi ca tiêu biểu. Đó là Bùi Giáng thơ trên trời, Nguyễn Đức Sơn thơ dưới đất, Thanh Tâm Tuyền thơ tự do kiểu Tây phương, Tô Thùy Yên thơ hành cổ điển kiểu Đông phương. Vì thế lần hạnh ngộ Nguyễn Đức Sơn trên cao nguyên Đại Lào sơn lam chướng khí, tôi đã ăn những gì ông tự trồng tự hái và đã đấu khẩu những gì ông muốn.
Tiểu thuyết đầu tay Yểu điệu thục nữ của tôi chuyển thể thành phim nhựa chiếu các rạp trên toàn quốc cách đây hơn 30 năm có một nhân vật phụ trong truyện và phim được tôi dựng nguyên mẫu từ Nguyễn Đức Sơn. Trước đó lúc gặp nhau Nguyễn Đức Sơn tiết lộ ông từng bị bọn lưu manh gốc Hà Sơn Bình tấn công hội đồng và dùng hung khí đâm thủng gò má ông để cướp đất. Đưa chi tiết đó vô truyện tôi biến ông thành nhân vật mang biệt danh “Thông Trên Núi”. Thực ra Thông Trên Núi được biến cải từ bút hiệu đầu tiên của ông là “Sao Trên Rừng”. Trong Yểu điệu thục nữ ông sống ẩn dật, quái dị như một nhà hiền triết độc đoán nhưng có trái tim nhân hậu. Ông tức Thông Trên Núi đã cùng vợ con khai phá các ngọn đồi vùng Phương Bối Am để trồng hẳn một rừng thông trùng điệp. Ông trồng thông tạo thắng cảnh cho vùng Đại Lào, Bảo Lộc nhưng phải đổ máu hàng ngày vì bọn côn đồ kết hợp cường hào ác bá địa phương luôn muốn biến rừng thông thành đất bán phân lô… Có lẽ giờ này chưa chắc Nguyễn Đức Sơn đã đọc hoặc xem phim Yểu điệu thục nữ và ông cũng không thể ngờ tôi đã bưng một phần đời thực trong công việc trồng thông của ông vô tiểu thuyết.
Tôi và ông gặp nhau không nhiều nhưng lần nào gặp cũng đầy kỷ niệm đích đáng. Nhớ hôm nào đó cách đây 30 năm, trong bàn nhậu dưới gốc cây đa ở quán Hội Văn Nghệ 81 Trần Quốc Thảo, chính tôi đã phải giảng hòa cho trận đấu khẩu kịch liệt giữa Nguyễn Đức Sơn với Bùi Giáng. Coi, mới đầu thì tôi dẫn Nguyễn Đức Sơn vô quán để lai rai ba sợi và ngồi ở một chỗ “tránh mặt được anh em”. Ai dè ngồi chưa nóng đít thì Bùi Giáng đổ bộ vào trên một chiếc xích lô. Thông thường thì ông Bùi chỉ ngồi im trên xích lô tự tu bia tự sướng nhưng nghe bảo vệ nói có tôi và Nguyễn Đức Sơn ông khoái quá nhảy xuống “tao ngộ chiến” với kình địch. Dưới gốc đa, hai “chưởng môn nhân” hai trường phái thi ca xổ nho và khạc thơ tưng bừng khói lửa. Cuộc chiến chỉ chấm dứt lúc tôi ra cổng mua gói thuốc lá. Tại cổng tôi đụng độ Hoàng Phủ Ngọc Tường đang lò mò bước vô. Ông Tường nghe tôi nói đang ngồi với Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn bèn xin diện kiến. Ô kê, muốn “diện” thì cho”diện”. Ngay lập tức tôi lôi Hoàng Phủ Ngọc Tường tới gốc đa và tuyệt vời thay, Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn ngưng chiến biến thù thành bạn để tập trung vô “kẻ thù mới”. Còn phải hỏi, các thi sĩ miền Nam tự do từ xưa tới nay có ưa “thi sĩ Việt Cộng” bao giờ. Lạy Chúa, tôi ngồi nghe điếc ráy đủ 1001 kiểu chửi bới tài hoa thâm hậu của hai ông Giáng và ông Sơn trút xuống kẻ hâm mộ mình là ông Tường lúc đó mặt mày xanh lét như tàu lá chuối. Đó là một kỷ niệm nhớ đời với tôi chứ sao.
Thi sĩ Bùi Giáng
Nguyễn Đức Sơn vốn sở trường thơ lục bát và nổi tiếng trước những bài thơ tinh gọn đến mức độ tối thiểu về chữ mà vẫn dào dạt ý tứ. Có bài thơ chỉ hai câu, mỗi câu hai chữ như “Cái lỗ – Tối cổ” đủ nói hết về chế độ mẫu hệ, về nơi khai sinh ra loài người. Có bài thơ chỉ ba câu, mỗi câu một chữ như “Hột – Thì – Le” đủ nói hết về bản chất sinh tồn thiện ác của nhân loại. Và tôi đã mượn những ý thơ độc đáo đó để đưa vô bài thơ làm tặng ông như một thứ giai thoại truyền khẩu:
Đụng độ Nguyễn Đức Sơn
“Hột thì le” thật đó sao?
Ta dân “thảy lỗ” đến chào đồng môn
Xưa nay hai kẻ du côn
Ít khi đời sống cô hồn như nhau
Như miếng trầu khác miếng cau
Nhưng có cau, chẳng có trầu, như không
Như không sinh chuyện động phòng
Hột sao le được “nụ hồng thi ca”
Như không sinh nở đàn bà
“Cái lỗ tối cổ” thành ra tầm thường
Ta thừa văn, bác dư chương
Hôm nay một chén Hồ Trường chao nghiêng
“Thiên tài” nhờ lỗ “tai thiền”
Buồn lên núi hú chẳng phiền Tarzan
Buồn hái nấm luyện thành sâm
Buồn quay vào vách thương thầm Đạt Ma
Buồn hơn xuống động bẻ hoa
Buồn hơn chút nữa kiếm ta đỡ buồn
Kiếm ta ta cứ ngông cuồng
Sánh vai với Nguyễn Đức Sơn cũng kỳ
“Kỳ” thì theo “Thiệu” mà đi
Ta theo bác đã chắc gì tịnh tâm
Chẳng thà bút vẩy thơ đâm
Rong chơi đợi trận cát lầm đi qua
Đừng khen chê trước mặt ta
Sợ e tiếng gáy làm gà ghét nhau
Chẳng thà trong cuộc bể dâu
Cưa nhau chén rượu cho sầu chia hai…
(Trích hồi ký giai thoại của thi sĩ Bùi Chí Vinh)
Tôi xin thắp nén nhang để tiễn thi sĩ dị nhân Nguyễn Đức Sơn về bên kia thế giới.
Bùi Chí Vinh