Khai phá – truyện ngắn Đặng Phúc Minh

110

Ngồi trú mưa trong một quán café trên quốc lộ 80 tại cống số 10, bác năm Trác và chú hai Phúc có vẻ nóng ruột cứ bồn chồn đứng lên ngồi xuống, coi đồng hồ hoài.

– Mình hẹn với bà con 8 giờ sáng khai mạc buổi hội thảo, mà giờ đã 7g 30 rồi. Từ đây xuống xã Thạnh Lộc còn hơn bảy cây số nữa, mưa thế này, đường đất trơn trượt và lầy lội không đi Honda được; đi bộ thì không kịp, cả trăm người chờ mình. Bác Trác băn khoăn.

– Sao dễ mưa thế! bốn giờ sáng tôi dậy đi lễ, trời có trăng sao, thế mà giờ này mưa xối xả. Đúng là mùa mưa! chú Phúc nói, rồi thầm đọc mấy vần thơ: “Tháng 6 trời mưa, trời mưa không dứt…”. Bài thơ Tháng 6 trời mưa của nhà thơ Nguyên Sa (Trần Bích Lan), thầy dạy Luận Lý Học của chú Phúc năm 1964 ở Sài Gòn, và cũng là một nhà thơ mà chú yêu thích.

Đó là những ngày tháng 6, đầu mùa mưa năm 2005, khi huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ mới được thành lập, bằng cách tách ra từ huyện Thốt Nốt, nay là quận Thốt Nốt.

Hai người khách trong quán café đứng lên nói:

– Hai bác Khuyến học ơi! nếu hai bác không chê ghe của vợ chồng em chở heo vịt, thì em mời hai bác cùng về xã Thạnh Lộc với em, em cũng về dự buổi nói chuyện của xã em bàn về: “Việc học giúp thoát nghèo…” do Hội Khuyến học huyện tổ chức đây mà.

Không ai bảo ai, cả hai người làm Khuyến học đều vui cười, vừa đứng dậy đi theo vợ chồng chú chủ ghe, vừa cám ơn rối rít. Họ bước xuống chiếc ghe tam bản, mà hơn nửa ghe chở vịt và mấy lồng heo con. Chiếc ghe chạy trên con rạch nhỏ của tuyến dân cư, hai bên bờ rạch ngoằn nghèo uốn lượn như con rắn dẫn về xã. Chiếc ghe đi trên nước để lại hai bên bờ con rạch những thửa vườn xanh tươi với nhiều loại cây trái nào: bắp, đậu phộng, mè, chuối … cùng bao thứ rau từ rau muống, rau dền đến cải xanh, cải củ… Những căn nhà lá bốn mái, xa xa lại nổi nên căn nhà xây rải rác hai bên bờ rạch, xen vào đó là những cây xoài, mít, ổi, khế, tầm ruột. Có những cây vú sữa, cây cóc cành vươn ra tới giữa rạch nặng trĩu những trái cóc vàng ươm, những trái vú sữa trông bóng mượt, thật hấp dẫn. Thỉnh thoảng, đâu đó tiếng chim ban mai trên cành cây hót vang líu lo làm cho khung cảnh miền quê thanh bình thêm thơ mộng và đáng yêu biết bao!

Những tác phẩm của Đặng Phúc Minh

Câu chuyện giữa hai bác Khuyến học và vợ chồng chủ ghe mỗi lúc một hào hứng, sôi nổi… Đôi lúc, câu truyện cũng bị ngắt bởi bầy vịt kêu oang oác theo tiếng kêu của mấy con vịt, con ngỗng trên bờ của nhà ai đó!… hoặc tiếng rú ga của chiếc máy Kohler 4, lúc chủ ghe nhấc đuôi tôm lên khỏi mặt nước, khi chân vịt dính lớp bèo lục bình hoặc rơm rạ trôi dạt lều bều trên mặt nước.

Chú chủ ghe than:

 – Hai bác ơi! sao mà xã của em cứ nghèo hoài vậy! trong khi ngoài thị trấn Thạnh An bà con giầu thế!

– Chú có biết ngoài Thạnh An có nhiều cha mẹ bán cả nhà lẫn ruộng để nuôi con ăn học không? Nhờ thế, mà con cái họ thành đạt, toàn là Thầy Cô giáo, Bác sĩ, Kỹ sư, Giám đốc… Trong khi xã Thạnh Lộc của mình, cha mẹ ít chú tâm và hi sinh cho con đi học. Cha mẹ chỉ lo trước mắt, bắt con cái làm việc sớm quá! tội nghiệp cho chúng ghê! nghèo là vì thế. Bác Trác nói.

– Ở Thạnh Lộc có hơn 10.000 dân, mà hiện chỉ có 12 sinh viên đang học Đại học, trong lúc thị trấn Thạnh An cũng có khoảng 10.000 dân, mà ở đây có hơn 400 sinh viên học Đại học. Riêng ấp Thầy Ký chỉ có hơn 2.000 dân mà có cả trăm sinh viên. Nếu xét theo số sinh viên thì dân trí mấy xã này chênh nhau tới hơn 30 lần. Hội Khuyến học chúng tôi vừa điều tra được. Nghèo là do mình không chịu học chú ạ.

Chú Phúc nói.

Câu chuyện về giầu nghèo chưa có hồi kết, thì chiếc ghe tam bản đã ghé bến xã Thạnh Lộc đúng 8 giờ sáng. Lúc này, cơn mưa đã dứt, trời lại trở lại quang đãng. Bài hát quê hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân trong máy của nhà ai đó vang lên như đón chào buổi hội thảo làm lay động lòng người đang từ nhiều nẻo đường tiến về hội trường của xã:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người!”

Buổi trao đổi giữa Hội Khuyến học và bà con xã Thạnh Lộc được diễn ra đúng như dự định, với gần 200 người tham dự thuộc mọi thành phần trong xã. Nội dung chính của buổi hội thảo nói về bốn cột trụ của sự học đã được Unesco công bố năm 1996 trong bản báo cáo của nhà nghiên cứu giáo dục Jacques Delors: “Học để biết; Học để làm; Học để sống chung và học để làm người”.

Ta có thể hiểu cụ thể hơn bốn cột trụ đó là: sự học giúp ta hiểu biết mọi điều; sự học giúp ta làm việc hiệu quả hơn; sự học giúp ta biết sống nâng đỡ, nhường nhịn, yêu thương chan hoà với mọi người hơn; và quan trọng nhất sự học giúp ta sống đúng là người… Bà con rất chăm chú lắng nghe mấy chú trong Hội Khuyến học trình bày và trả lời cặn kẽ các câu hỏi…

Tại vùng nông thôn sâu và xa xôi này, có lẽ chưa bao giờ họ được nghe một buổi nói chuyện về ích lợi của việc học như thế. Vì thế, bà con rất vui vẻ, thích thú và cũng đặt nhiều câu hỏi thật hay, thực tế như:

“Nhà tôi không có ruộng, không có tài sản gì đáng giá, thì làm sao gởi con về thành phố học Đại học được, trong lúc mỗi tháng phải tốn cả bạc triệu. Rồi học về không biết có việc làm không?”.

Nhưng cũng có những câu hỏi rất xa lạ, chứng tỏ nhiều bà con nơi đây chưa hiểu gì về Đại học như:

“Sao các bác Khuyến học huyện lại cho xã tôi có 12 sinh viên, mà lại cho trong thị trấn Thạnh An những hơn 400 sinh viên?”…

Đến hơn 11 giờ trưa, nhiều người vẫn muốn buổi trao đổi kéo dài thêm… Bác Trác ra hiệu cho chú Phúc kết thúc buổi trao đổi.

– Thưa bà con, sau hơn ba tiếng trao đổi để tìm hiểu: làm sao thoát được cái nghèo cứ đeo bám mình hoài, mặc dù mình cũng rất cố gắng làm ăn, chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Với sự đóng góp khá sôi nổi và phong phú của bà con, cùng sự giải đáp của anh em huyện Hội, tuy chưa hoàn toàn thoả đáng, song với những chứng cứ thật cụ thể ở trong và ngoài nước, và ngay trong huyện chúng ta, tôi tạm kết luận:

“Sự học giúp ta thoát nghèo nhanh nhất, bền vững nhất và cũng danh dự nhất!”.

Vậy, bà con có quyết tâm cho con cháu mình đi học không? Tất cả mọi người đều hô:

Quyết tâm! quyết tâm!

Xin hẹn bà con buổi họp mặt lần sau chúng tôi sẽ trình bày tiếp. Chú Phúc nói.  Thường trực Hội Khuyến học huyện đã nhiều lần trao đổi bàn bạc với nhau: các xã phía Nam Cái Sắn vừa nghèo, dân trí lại thấp nhất trong huyện. Các xã này có hơn 60.000 dân, mà số người theo học Đại học không được là bao, mỗi xã chỉ vài chục người. Hội thường đặt câu hỏi làm cách nào “Khai Phá” vùng đất này trở nên giầu có được. Làm sao nâng cao dân trí mấy xã còn quá thấp này?

Những lúc thư thả, Phúc thường tâm sự với bác Trác: Đạo Công giáo rất chú tâm đến người nghèo, không những nghèo vật chất mà cả nghèo tinh thần nữa. Chính vì thế, trong Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) đã nói rõ:

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô”.

Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1998 đã nhắc nhở bà con giáo dân: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào”.

– Đúng thế, điều này đang được cả xã hội đồng thuận. Chính Đức Giám mục Giáo phận Long Xuyên mỗi khi gặp anh em Khuyến học mình, Ngài vừa khích lệ vừa chỉ tay về phía Nam sông Cái Sắn rồi căn dặn:

“Anh em Khuyến học nên chú ý đến các xã phía Nam, các xã đó vừa nghèo vừa ít học, còn các xã phía Bắc họ đã ý thức cho con cái đi học rồi, mình đỡ phải thúc dục”;

Còn anh em bên Hoà Hảo thì hết lòng lo cho người đau yếu bệnh tật, từ chén cháo bát cơm đến phương tiện trợ giúp bà con nghèo đi bệnh viên, rồi những cỗ hòm từ thiện.

Bác Trác nói.

Biết bao ý tưởng ùa đến trong bác Trác và chú Phúc, nhưng xem ra chưa có câu trả lời nào là hoàn hảo cả. Hai người lòng tự bảo lòng: công việc trước mắt là làm nhiệm vụ của Hội Khuyến học, thời nghỉ hưu này là: Khuyến học, khuyến tài và khuyến đức với mấy xã này một cách tốt nhất. Hãy có gắng hết sức với xã hội để góp một phần nhỏ vào việc “Khai Phá” vùng đất hoang sơ nghèo và dân trí thấp này được phát triển hơn.

Chính những ý tưởng nâng đỡ trên đã khích lệ hai người bạn tâm giao và các cấp Hội cảm thấy phấn chấn, hăng hái đầy nhiệt tình trong công việc hơn. Họ chẳng ngại nắng mưa, sương gió và bao khó khăn vất vả trong bao năm trời để thực hiện một công việc mà người đời thường gọi là: “Ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng”.

Bác năm Trác và chú hai Phúc đều là những người về hưu. Bác Năm và ông thầy giáo Phúc là hai người bạn tâm giao từ mấy chục năm nay. Trong một bữa cơm tối toàn cá khô ở nhà bác Năm, tại một vùng quê. Hôm đó, trời mưa rả rích, hai người có dịp trao đổi với nhau thật nhiều về hiện tại, tương lai… Họ đã hứa hẹn với nhau, sau khi nghỉ hưu sẽ cùng làm một việc đúng với tâm nguyện của hai người là giúp ích một chút gì đó cho đời…

Đúng như ước nguyện, sau ngày nghỉ hưu, hai người bạn vong niên đã có 3 năm làm công việc Khuyến học ở Thị trấn Thạnh An, và tính đến nay đã hơn 10 năm làm Khuyến học của huyện Vĩnh Thạnh. Họ sống với nhau như anh em ruột thịt.

Người dân trong huyện Vĩnh Thạnh thấy hai người bạn vong niên thắm đẫm tình anh em, Họ gọi đó là “Cuộc tình Khuyến học”. Quả thật, họ đã đèo nhau đi trong nắng, trong mưa, từ xã này sang xã khác, từ huyện lên tỉnh… bình quân mỗi  ngày trung bình 30 km. Tính ra quãng đường họ đã qua lại trong hơn 10 năm dài hơn 2 vòng trái đất (40.000 km/1vòng trái đất).

Huyện hội được các cấp chính quyền và Hội cấp trên luôn quan tâm chỉ đạo, các ban ngành hỗ trợ tích cực, bà con hảo tâm xa gần trợ giúp mạnh mẽ. Nhờ đó, huyện Hội đã cấp cả ngàn chiếc xe đạp, hàng chục ngàn học bổng cho học sinh nghèo; in hơn 600.000 tập 100 trang có lôgô: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” để thưởng và giúp học sinh giỏi và nghèo; tổ chức họp mặt và phát học bổng cho sinh viên vào ngày 27 Tết Âm lịch hàng năm liên tục từ 2004 đến nay, mỗi năm cả hơn trăm cháu.

Mỗi lần họp mặt sinh viên đều có một chủ đề: Năm 2013 với chủ đề: “Tình thương và trách nhiệm”; năm 2014 chủ để: “Trung thực, khiêm tốn và giản dị”; năm 2015 chủ đề đã chọn là: “Ngày ngay học tập, ngày mai giúp đời”. Và mỗi lần họp mặt đều có một tham luận của một linh mục nói về vấn đề “Khuyến đức”.

Đặc biệt hơn cả là Hội đã giới thiệu được 34 cháu du học Nhật Bản, trong đó cháu Trí đã tốt nghiệp Cao học, cháu Nhung và Tươi đã tốt nghiệp Đại học, các cháu đều đã có việc làm tại Nhật ổn định. Đây là thời gian làm việc để lấy kinh nghiệm hầu mai sau trở về quê hương các cháu được vững vàng với nghề nghiệp. Còn lại 10 cháu đang học Đại học và chuẩn bị thi vào Đại học. Hiện giờ huyện Vĩnh Thạnh còn 9 cháu đang học tại trường Nhật Ngữ Đông du tại TP Hồ Chí Minh, chờ ngày đi Nhật.

Thời gian sớm nhất là 6 tháng, 12 tháng hay 18 tháng tuỳ vào kết quả học tập của các cháu. Các cháu ở Vĩnh Thạnh hầu hết sau 6 tháng học là được đi Nhật Bản. Chính vì thế mà nhiều người và nhiều nơi đã nói: “Hoa anh đào nở trên đất Vĩnh Thạnh”.

Theo kết quả cuộc điều tra dân trí mới nhất do Hội Khuyến học huyện tổ chức đến tận từng người, từng hộ từ ngày 01 tháng 09 năm 2014 đến ngày 15 tháng 10 năm 2014 thì các xã phía Nam huyện Vĩnh Thạnh như: Vĩnh Trinh, Thạnh Lộc nay đã có số sinh viên đang theo học các trường Đại học và Cao đẳng tăng nhiều. Riêng xã Thạnh Lộc có khoảng hơn 105 sinh viên. Khoảng cách về dân trí tính theo số sinh viên nơi đây với các xã phía Bắc Cái Sắn như Thạnh An, Thạnh Thắng 10 năm trước là khoảng 30 lần thì nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng từ 2 đến 5 lần.

Con đường từ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh đến các xã Thạnh Lộc, Vĩnh Bình, Thạnh Thắng, Thạnh An… nay đã đi lại bằng xe bốn bánh thuận tiện cho việc đi lại trong cả hai mùa mưa nắng, các cháu đi học đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiêu. Những cánh đồng mẫu lớn rộng từ 300 Ha đến 500 Ha đang được hình thành trong huyện Vĩnh Thạnh ở ấp Đ 2, ấp Thầy Ký… Ngoài cây lúa vùng đất Vĩnh Thạnh còn phát triển các ngành nghề như: nắm rơm, nấm bào ngư và đặc biệt là nấm linh chi đã vận hành sản xuất từ A đến Z có đầu ra ổn định. Nhờ thế mà đời sống người dân ngày một nâng lên.

Để thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn từ 2012 đến 2020 theo quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ hầu góp phần xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập được 11 trung tâm học tập cộng đồng, 2 TT của 2 thị trấn và 9 TT ở 9 xã. Từ các trung tâm này, người dân có thể học được những gì họ cần học. Trung Tâm Học Tập Cộng Đồng của giáo xứ Thạnh An thuộc thị trấn Thạnh An do Lm Bùi Duy Tân điều động là TT hoạt động có qui mô lớn nhất hiệu quả nhất trong huyện Vĩnh Thạnh. Mỗi dịp hè có cả 400 đến 500 học sinh không phân biệt lương giáo đến đây để được bồi dưỡng hoặc học về các môn học như: Anh văn, Toán, Văn, nhạc, đàn, tin học, nhân bản, đạo đức, dự bị hôn nhân…Mỗi mùa dự thi Đại học và Cao đẳng, TT đã tổ chức đưa đón tìm nơi ăn ở cho cả gần 500 em một cách chu đáo tạo được sự yên tâm và niềm tin nơi phụ huynh học sinh trong nhiều năm qua. Ngoài ra TT còn có một thư viên với hơn 5000 đầu sách luôn rộng mở để đón chờ những ai yêu tìm học qua sách vở. Điểm đặc biệt TT còn cómột lưu xá dành riêng cho các em nữ sinh cấp 3 có thể đón nhận được 98 em từ các nơi hẻo lánh xa xôi cách đó hơn 20 km. Lưu xa được tổ chức rất khoa học và chu đáo có phòng ngủ, phòng học, phòng ăn riêng biệt, có sân chơi rộng rãi thoáng mát, có vườn rau ao cá…

Nhiều đoan khách từ khắp nơi về thăm TT đều tấm tắc khen hay và tâm phục khẩu phục nết văn hoá vượt trội độc đáo của nơi này.

Những điều nêu trên quả là niềm vui lớn lao với người dân huyện Vĩnh Thạnh nói chung và với những người làm công việc khuyến học nói riêng. Tuy nhiên người dân trong huyện vẫn mong ước trong việc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện như hiện nay, nền giáo dục Việt Nam phải sớm đạt được những giá trị thực sự căn bản và toàn diện là: Nhân bản, Khoa học, Dân tộc và Khai phóng. Mà trên hết là các thầy cô phải giáo dục cho các thế hệ hôm nay biết sống và tôn trọng sự thật. vì chính ánh sáng của sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự nô lệ của bóng tối gian dối đang vây hãm chúng ta. Muốn được như thế thì thế hệ cha anh phải là tấm gương sáng trong việc sống và tôn trọng sự thật. Ngoài ra, sự học phải hướng về phục vụ đất nước phục vụ con người như cha ông ta đã dạy: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Câu châm ngôn đó đã được Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh cho in trên hơn 600,000 cuốn tập 100 trang như đã nêu trên để phát và thưởng cho học sinh và sinh viên vào mùa khai giảng và ngày lễ bế giảng năm học hàng năm từ hơn 10 năm nay.

Có như thế, Việt Nam mới vững bước đi lên theo kịp đà tiến của các nước trong vùng như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… và các nước khác trên thế giới.