Nguyễn Ngọc Hạnh bẻ ghi nỗi đau

819

Hoàng Thụy Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Ngọc Hạnh “phơi cơn mưa lên chiều trôi” nghĩa là ông đang phơi tâm thức mặn mà, chín lừ tuổi ngoại lục tuần lên thơ. Sức mạnh đau thương trong thơ ông không chỉ làm nên khúc quành sáng tạo đầy nghệ thuật (dựa vào bản năng gốc), mà còn dệt nên những cơn địa chấn của cảm xúc. Chính sự trinh nguyên của một hồn thơ lúc nào cũng thấy “lòng chưa cạn đêm sâu” đã mang đến môi sinh thơm ngát và đầy mê hoặc cho Phơi cơn mưa lên chiều.

     

Tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

 Không còn thì thôi xin đành

Người ơi tôi cúi hôn mình trên sông

(Về quê – Nguyễn Ngọc Hạnh)

Ngôn ngữ khi đi vào văn bản, mang dấu ấn sáng tạo của người nghệ sỹ. Nhưng trong trò chơi có tính ẩn dụ nước đôi, nước ba của thi ca, không phải ai cũng thặng dư được từ ngữ của mình. Tuân theo quy luật vận hành của đời chữ đôi khi nhận về sự đơn điệu, quy phạm. Phá vỡ cấu trúc chữ không khéo, không tinh, lại cầm tù người đọc trong mắc mớ mù mịt. Nguyễn Ngọc Hạnh tránh được những bất trắc ấy. Thơ ông giản dị nhưng men chữ chắc, sâu, réo rắt. Tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều vừa ra mắt bạn đọc đã cho thấy sắc điệu thơ giàu xúc cảm, tư duy mới lạ của Nguyễn Ngọc Hạnh so với nhiều cây bút cùng thời. Phơi cơn mưa lên chiều mở ra những khoảng lặng cố hương, thức dậy trái tim đòi yêu và nỗi cô đơn bất tận của hồn thơ xứ Quảng – Nguyễn Ngọc Hạnh.

Theo quan niệm của Erich Fromm, cuộc đời của con người là nối dài những chia cắt. Bởi thế, con người luôn có nhu cầu vượt qua những chia cắt, hướng đến sự hợp nhất. Nguyễn Ngọc Hạnh rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, hoà vào cuộc sống đô thị, nhưng trong trái tim ông nỗi nhớ cố hương không ngừng chòi đạp. Những thao thức, trở trăn với con người và quê hương trong Phơi cơn mưa lên chiều là khát khao trở về bản nguyên sơ khai, khẳng định sự hiện hữu của thi sỹ. Thử chồng các bài thơ viết về người quê, làng quê của Nguyễn Ngọc Hạnh lên nhau (Hoàng hôn, Ngõ hẹp, Chợ quê, Cha, Chỗ mẹ nằm, Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi, Chạm đáy sông đầy, Về quê, Lạc, Lục bát qua sông, Gửi Hà Nội,…), chúng ta thấy có sự tồn tại của hai cái tôi: cái tôi thèm khát ấu thơ và cái tôi thực tại đong đầy nỗi buồn, ưu tư bởi cảm thức chia cắt. Ở xu hướng quay về tuổi thơ, Phơi cơn mưa lên chiều biểu thị một cái tôi Khác – một cái tôi “động”, luôn bị giày vò vì “lòng còn quấn quít phía sông quê”. Nơi đó, kí ức tuổi thơ của thi sĩ “bay khắp đồng làng”, neo đậu với “sông dọc bờ quê”, “lều tranh một mái”, “hoa cau rụng trắng”, “cối xay trầu của bà”, “tiếng chim dồng dộc hót”, đàn trâu thong dong chiều về, chợ quê đậm đà, người mẹ “sanh nở những niềm đau”, người cha “trĩu nặng bờ vai khổ nhọc”,…:

giấc mơ

về ngày mẹ sinh tôi

trong vườn lá chuối khô thô ráp

tiếng khóc chạm tiếng ve

khúc hát

trưa hè

sông dọc bờ quê

tiếng khóc lịm dần

rơi giữa cơn mê

rơi trong vườn bắp tẻ

rơi xuống trần gian một kiếp người

                     (Chạm đáy sông đầy)

Gốc quê trong Phơi cơn mưa lên chiều được soi chiếu qua cái tôi ấu nhi, vì thế, các hình ảnh thơ sống động, bình dị, gần gũi, thân thương, đong đầy tình cảm của tác giả chứ không phải là những góc bấm máy thông thường. Chợ quê của ông nghèo nhưng đẹp, có “Nắng phơi đầy con ngõ hẹp/ Hoa cau rụng trắng đường về” (Chợ quê). Con sông quê yên bình thì cứ vấn vít chảy mãi trong nỗi nhớ: “dòng sông quê đầu nguồn/ nơi tôi tắm giấc mơ tuổi nhỏ/ nơi mẹ một mình ra sông giặt áo/ cứ lặng lờ con nước trôi” (Chạm đáy sông đầy). Có khi nhà thơ lại vẽ một bức tranh ngôn từ trực cảm mà từ ngoại cảnh cho đến nội tâm đều ở trạng huống chuyển dịch, “dùng dằng”:

ai gõ mạn thuyền trên sông vắng

mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm

tiếng dầm khuya lạnh buốt

đêm giông

con nước cứ dùng dằng

không chảy

con thuyền trôi xuôi

lòng tôi ở lại

cứ thương hoài

mùi bếp lửa chiều quê

                  (Chạm đáy sông đầy)

Viết về mẹ, Nguyễn Ngọc Hạnh ấp iu, lồng bóng mẹ trong phiên chợ quê yên bình: “Ai bày ra giữa chợ quê/ Cây đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc nón cong vành dâu bể/ Cho đời con được thẳng ngay (Chợ quê). Cơ cực đời mẹ còn được ông khảm lên từng triền sông, từng con phố: “Tảo tần đời mẹ chân quê/ Bao năm lặn lội đi, về triền sông/ Nón che không hết mùa đông/ Phố che không hết nỗi buồn trần gian” (Lục bát qua sông). Dù ở nơi đâu, hình ảnh mẹ vẫn tỏa sáng và hiện hữu trong trái tim nhà thơ. Giãi bày tình cảm với cha, ông sử dụng hiệu ứng giọt nước mắt trào lên mà không một lĩnh vực nghệ thuật nào có thể chuyển tải hết: “Bể trần này ai sắp bày ra/ Mà giọt lệ cứ lặng thầm rơi xuống/ Tóc bạc rồi, cha ơi quá muộn/ Con giật mình nước mắt lại trào lên” (Cha).

Hình ảnh trong Buổi ra mắt tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tại Hà Nội.

Những vần thơ in bóng quê cũ, người xưa của Nguyễn Ngọc Hạnh không thiên về cách tân, tạo độ nhoè câu chữ. Mọi thứ được ông diễn đạt nhẹ nhàng, tự nhiên, không một chút lên gân hay kiểu cách gì cả. Nhưng, ông biết bẻ ghi các thi ảnh, mạch cảm xúc nhờ đó biểu đạt sâu hơn, giàu liên tưởng hơn. Có thể kể ra một số dẫn chứng như: “Chưa đi qua hết đò ngang/ Làm sao hiểu đời sông dọc” (Hạnh phúc); “ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn đêm sâu” (Ngõ hẹp); “con cứ mãi rơi như giọt lệ/ để nghìn trùng lấp lánh trang thơ” (Chiều cuối năm viếng mộ con); “Có sợi tóc nào rơi trong đáy mắt/ Mà sao giọt lệ cứ lăn thầm” (Cắt tóc); “Thế mới biết dễ gì yêu đất nước/ Khi lòng mình còn cạn hẹp với non thiêng” (Tổ quốc),… Nỗi niềm bật ra bên ngoài, ì trên từ ngữ, theo ý kiến của tôi, là vũ khí sắc bén và là tín hiệu thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Từ Chỗ mẹ nằm, nhà thơ nói với em:

Gửi lại em anh của bây giờ

còn hơi ấm chiếu chăn ngày ấy

nơi mẹ nằm yêu thương đến vậy

nên suốt đời chỗ ướt vẫn chưa khô

Thi ảnh “suốt đời chỗ ướt vẫn chưa khô” ngỡ phi lý nhưng chẳng hề phi lý vì tình yêu thương của bậc sinh thành đối với con cái hoàn toàn vô điều kiện, bền nặng, không bao giờ phai cạn. Nhà thơ nói với em, nói với mẹ mà cũng là đang nói với chúng ta đó thôi!

Sự tham gia thịnh soạn của lớp động từ chủ động như: trôi, bay, rơi, uống, tràn, chạm, bày, ôm, nhớ, gửi, vịn, luỵ,… trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Trôi tôi về phía thượng nguồn”, “Ngày tôi bay ngang qua đời”, “Thà rơi như là chiều buông”, “Để mình anh uống cạn mây trôi”, theo tôi, hoàn toàn lôgic. Có thể nói, thức cảm cội nguồn, tinh thần nhập cuộc, hòa hợp cao độ của ông với nơi mình sinh ra như tự chảy, tự trào trong Phơi cơn mưa lên chiều. Nhìn đâu cũng thấy tình quê giăng mắc. Nhìn đâu cũng thấy “tuổi thơ tôi ở mãi với làng”:

Ước gì tôi với hoàng hôn

Cứ mãi là chiều lặng lẽ

Đêm chảy tràn ra góc bể

Tôi trôi về phía thượng nguồn

                       (Hoàng hôn)

Do đó, cuộc trở về bằng giấc mơ, kí ức của cái tôi Khác trái ngược với cái tôi hiện hữu – một cái tôi “tĩnh”, tịnh tâm để lắng nghe nỗi khắc khoải của sự chia cắt. Cần thấy rằng, cái tôi “tĩnh” của Nguyễn Ngọc Hạnh không phải là một cái tôi bất động, bị giam hãm bởi môi trường xã hội, mà tĩnh lặng, tự vấn tâm để suy xét mọi vấn đề. Nếu cái tôi Khác da diết, thao thiết với hồn quê bao nhiêu thì cái tôi hiện hữu càng cô độc, ưu tư bấy nhiêu. Bởi, giấc mơ nguồn cội chỉ là ham muốn của vô thức. Nó không thể thực hiện được. Vì vậy, cuộc trở về này vừa nuôi dưỡng tâm hồn cái tôi Khác vừa tạo dư chấn lòng cho cái tôi hiện hữu. Chúng ta bắt gặp tần suất cái tôi hiện hữu rưng rức khá nhiều trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “giọt lệ cứ lặng thầm rơi xuống”, “giọt giọt đầy vơi nhỏ xuống đêm thâu”, “đong đầy nước mắt”,… Nỗi buồn chậm rãi gieo rắc và làm nên sức sống thơ ông: “khi em chạm tới nỗi buồn/ mới hay đời chiều đã cạn” (Ngõ hẹp). Một nỗi buồn đẹp. Trĩu nặng tình. Như vậy, hai cái tôi nói trên không hề đối chọi nhau. Chúng tương hỗ, gắn kết làm rõ khát khao, cảm nghiệm vượt qua thực trạng ly cách của thi sĩ. Cái tôi hiện hữu đã nhận thức cái tôi Khác thông qua cảm thức ly cách, phát hiện cái vô thức đang giấu mặt trong giấc mơ, hoài niệm và sẵn sàng bung ra, nằm ngoài tầm kiểm soát của ý thức:

Khi chạm gót nẻo đời vô ngã

Là tôi bước tới phía sau mình

Chân trời mờ mịt còn xa lắm

Cho tôi dừng lại để hồi sinh

 

Cho tôi quay lại, không đi nữa

Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi

Cái đã trót vay, xin trời đất

Hãy lấy tàn tro để lấp bồi…

       (Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi)

Xét ở một góc độ nhất định, khát vọng tuổi đồng ấu cùng với những trải nghiệm chia cắt ít nhiều kéo nhà thơ thoát ra khỏi trái ngang, đen trắng cuộc đời, tìm được tự do cho bản ngã của mình. Đó là lý do vì sao đi giữa phố xá nhộn nhịp Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn tìm thấy hồn quê: “Một chút hồn quê nơi phố xá/ Ai bỏ quên cuối vạt nắng chiều” (Gửi Hà Nội), vẫn thấy trăng của mùa xưa: “Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm”. Tình quê sâu đậm này cũng là chất xúc tác để ông mở lòng bày tỏ với em với đời.

Từ Hoa ven sông (in chung), Khi xa mặt đất, “Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh đến Phơi cơn mưa lên chiều, đề tài tình yêu vẫn da diết trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. NhưngPhơi cơn mưa lên chiều có điểm nhấn riêng của nó khi di chuyển bằng cấu trúc phân thân: cái tôi Khác và cái tôi hiện hữu. Ở cái tôi Khác, cái tôi chịu cơn mưa móc của quá khứ, người đọc nhận ra một tâm hồn trù phú yêu thương và lòng tôn trọng, trìu mến với người tình của ông. Hình bóng người tình luôn tươi non: “Mây in đời em vào tôi xanh biếc”, mãi là ánh sáng vương giả trong tâm hồn thi sĩ:

Ai không bắt đầu từ một ngày

Một ngày bình thường như lần đầu tiên khi bầu trời nở bung ra

Mỗi đời người là một ánh chớp, có thể lóe sáng rồi tắt lịm

Và, em là vì sao ấy

Nở bung ra

Bầu trời

(Có một ngày)

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phát biểu trong buổi ra mắt tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều

Cái tôi Khác còn cho chúng ta thấy một tình yêu sâu đậm và bền chặt của thi sĩ đối với em. Tình em được thi sĩ quyện trong hương vị ngọt ngào của quê hương: “Nhan sắc em chín lịm vào trong/ Như quả ngọt đồng làng” (Nhan sắc). Mọi thứ thuộc về em đều được nhà thơ nâng niu, vĩnh cữu trong hồn quê: “Xin cũng đừng bội ước với dòng sông/ Nơi ấy vẫn là nơi em đến/ Vẫn là suối nguồn chảy ra biển lớn/ Là bến sông xưa em neo đậu mưa chiều” (Giấc mơ). Phải thực sự dốc lòng với quê, với em thì nhà thơ mới có được cuộc hôn phối tuyệt vời này. Bóng quê nhập trong bóng em. Tình em chảy trong tình quê: “Ngã ba này là bến sông xưa/ Hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp/ Bao năm rồi người xa biền biệt/ Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm” (Ngã ba tình). Tất cả đều nóng ấm trào ra từ trái tim mãi bận yêu thương của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Trong tập thơ, những đứt đoạn, xa cách, chia ly của Nguyễn Ngọc Hạnh với quê, với cha mẹ, với con, với bè bạn, với em, có thể nói, là cú sốc mạnh, chi phối, ảnh hưởng đến cái tôi hiện hữu. Nỗi nhớ quay quắt lặn sâu vào cái tôi Khác rồi tiếp tục trồi lên, tạo chấn thương mới cho cái tôi hiện hữu. Cảm thức buồn đau, đơn lẻ, theo đó, cũng chi phối, ken chật thơ ông. Lúc nào, cái tôi hiện hữu cũng ở cảm trạng lẻ loi, một hình một bóng. Nhà thơ soi vào em không chỉ để thấy mình mặn lòng cõi nhớ mà còn lắng nghe nỗi niềm của một cái tôi cô đơn đến nhường nào: “Còn mình tôi bơ vơ một bóng”, “Còn lại tôi vụn nát cánh buồm/ Trôi về phía bến bờ vô định” (Biển lặng), “Đâu rồi ngày em, như là ảo vọng/ Bây giờ còn đâu, mình tôi một bóng” (Đâu rồi giấc mơ cỏ xanh), “Còn lại gì đây ngoài trái tim thơ”, “Một mình cạn chén với trời xanh”, “một mình/ đứng tựa bơ vơ” (Lạc), “Ngã ba này thuở ấy mù tăm/ Cứ vận vào từng bước chân qua…” (Ngã ba tình), “hình như tôi với bốn bề/ bóng tôi…”, “Mình anh chăn chiếu mà thương lấy mình”,Đọc những câu thơ này, cảm giác nỗi buồn, nỗi đau như kết tủa trong lòng Nguyễn Ngọc Hạnh. Tuy nhiên, ông buồn nhưng không lụy, đau nhưng không ngã. Nếu cái tôi Khác lãng đãng với dạt dào kỉ niệm thì cái tôi hiện hữu còn biết soi vào em để nhận diện mình và lớn lên: “Không còn thì thôi xin đành/ Người ơi tôi cúi hôn mình trên sông” (Về quê). Hành động “cúi hôn mình trên sông” của Nguyễn Ngọc Hạnh quá đỗi ấn tượng, không có bất kì sự trói buộc, o ép nào ở đây. Bởi, hành động này hoàn toàn là bản năng gốc, được đúc kết từ nguồn sinh lực ấu thời, cố hương của thi sĩ. Gốc rễ cội nguồn là mạch máu thơ ông. Bản năng “cúi hôn mình” là cơn thể nghiệm sống động cho khát vọng vượt qua sự chia cắt. Dù tình yêu kia chỉ còn là nỗi nhớ, là những lát cắt kí ức nhưng hẳn rung cảm của người đọc đều bị đánh thức, bị mê hoặc trước tấm lòng chân thành của Nguyễn Ngọc Hạnh. Con đường quay về với cuộc tình đã mất của ông là một nhu cầu nóng rãy bên trong của cái tôi Khác. Đồng thời, tình yêu đó còn là sức sống tâm hồn, là sự hiện hữu của chủ thể và tiếng thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Đã yêu là yêu “cạn kiệt” lòng mình, không so đo tính toán:

Yêu hết một đời cạn kiệt

Thà rơi như là chiều buông

             (Phơi cơn mưa lên chiều)

Tình yêu trong Phơi cơn mưa lên chiều dày dặn tình cảm vị tha, bao dung, sâu đậm chứ không phải là thứ tình cảm ích kỉ, oán thán. Tình yêu của ông là tình yêu cho đi nhiều hơn nhận về, sẵn sàng nếm trải mất mát để được yêu: “Đâu chỉ yêu là dâng hiến/ Yêu là cho, không nhận lại gì/ Yêu là được bao điều đã mất/ Và sẽ còn mất nữa, để yêu” (Yêu); “Hãy rót vào tôi niềm đau/ Cho lòng em thanh thản” (Cơn gió tình cờ),… Những câu thơ lặn sâu trong trái tim yêu chưa bao giờ biết mỏi mệt như thế này của Nguyễn Ngọc Hạnh đã chắt ra cho chúng ta bài học cao thượng về tình yêu và giá trị cuộc sống.

Con người là một sinh mệnh có ý thức. Con người ý thức được tất thảy những gì xảy ra xung quanh mình, kể cả ý thức về sự tồn tại và hữu hạn của chính mình. Nếu chỉ sống trong hoài niệm, chú tâm lật giở từng trang kí ức thì con người dễ bị giam cầm trong nỗi bơ vơ, cô đơn. Càng chìm trong buồn thương, lòng người càng tiến gần đến rạn vỡ, u u mê mê trước những cám dỗ hư vinh. Nguyễn Ngọc Hạnh ý thức được nỗi đau buồn, lẻ loi. Ông vận dụng tối đa trạng thái cô đơn của cái tôi hiện hữu để tạo sinh năng lượng đặc biệt cho thơ. Cái tôi hiện hữu ấy biết vượt qua những kí ức đẹp nhưng đầy nước mắt không chỉ bằng sự thánh thiện, trong sáng của tình quê, tình em mà còn bằng câu thơ, “vịn câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán). Nếu nỗi đau kích hoạt vùng sáng tạo của ông thì còn thơ ca là điểm tựa giúp ông vượt qua chuỗi ly cách,.

Yêu thơ, duyên nợ với thơ, Nguyễn Ngọc Hạnh đã khẳng định nòi thơ, ý thức lưu đày trước vận mệnh thơ của mình ngay trong thi tập: “một đời lụy với câu thơ”. Và quả đúng như thế! Sự chỉn chu về câu chữ cũng như khả năng lạ hoá thi ảnh đã giúp ông kích thích tính đồng sáng tạo ở người đọc. Phơi cơn mưa lên chiều tránh được những xanh non câu chữ bởi niềm sống mặn mòi và ý thức sáng tạo của một tâm thơ: “Nửa đời phiêu bạt/ Nhầm một câu thơ/ Nhầm dòng sông chảy/ Tìm không thấy bờ” (Nhầm). Thơ ca trổ từ chấn thương tâm hồn Nguyễn Ngọc Hạnh nên nó cũng có những phác đồ điều trị cái bản năng bản ngã của ông khi vấp váp trước sóng gió đời:

Đâu là đất thấp trời cao

Đâu là dấu vết cồn cào đầy vơi

Nhiễu nhiên da lột mặt người

Câu thơ tát nhẹ vào tôi

Sáng bừng!

                    (Câu thơ mắc cạn)

Trong niềm khoái lạc thi ca, ông phóng chiếu tình thơ lên tình em: “Tôi múc ánh trăng về làm thơ/ Rồi tri âm em mà bầu bạn” (Đôi khi). Ước muốn đời thường, giản dị của một con người đã từng thể nghiệm vết nứt lòng với cõi chữ và cõi em nay lại muốn hợp nhất trong tình yêu sinh thái. Chỉ trong ngôi nhà sinh thái thì đời chữ, đời em và đời thi nhân mới song hành theo nguyên tắc điều bình, dung hoà: “Mơ màng em với trăng sao/ Là cơn mơ đẹp bay vào thơ anh/ Em tan vào giữa cao xanh/ Rơi như giọt lệ long lanh bên trời” (Đâu là em). Cấu trúc gắn kết, hoà hợp nhân loại – sinh thái này tuy không nhiều nhưng nó cũng là một hướng gió thẩm mỹ, đáng chú ý cho thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Giấc mơ là tấm vé để Nguyễn Ngọc Hạnh trở về những năm tháng thơ ấu, tắm táp lòng mình trong cuộc tình đơn lẻ, nhưng giấc mơ chỉ là nỗi ám ảnh vô thức mà bản thân thi sĩ dù có quẫy cựa đến mấy cũng chẳng thể nào chạm được. Thậm chí Nguyễn Ngọc Hạnh tìm cách phân thân trong giấc mơ, giải mã giấc mơ để nhìn nhận những vui buồn, trắng đen của cuộc đời, rốt cuối, ông vẫn nhập nhằng trong chiêm bao: “dẫu biết cõi đời hư ảo thật/ sao vẫn còn mù mịt chiêm bao” (Chiêm bao). Như vậy, những khát khao, giấc mơ bất thành này đã tạo dựng một chân dung Nguyễn Ngọc Hạnh dùng dằng, lưỡng lự, đầy mâu thuẫn. Cái dùng dằng này đã từng nhen nhóm ở các tập thơ trước: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” (Làng), nay vẫn róng riết trong Phơi cơn mưa lên chiều. Nhưng ở Phơi cơn mưa lên chiều, tình quê còn được hàn gắn, móc nối trong tình máu mủ ruột rà: “bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ/ mơ được một lần làm mẹ để sinh con” (Chạm đáy sông đầy), gài cắm tình em tình thơ: “Thơ tôi không làm thêm nhan sắc/ Em cứ lặng thầm mà chín vào trong” (Nhan sắc). Càng ly cách nguồn cội, mối tình một thuở, Nguyễn Ngọc Hạnh càng muốn trì níu, quay về, giao hoà. Ở giữa điểm này, Nguyễn Ngọc Hạnh đã tìm được câu trả lời về sự hiện hữu của mình. Hiện hữu để nuôi dưỡng tâm hồn. Đây là điểm sáng nhân văn và vẻ đẹp riêng của thi tập Phơi cơn mưa lên chiều.

Nguyễn Ngọc Hạnh “phơi cơn mưa lên chiều trôi” nghĩa là ông đang phơi tâm thức mặn mà, chín lừ tuổi ngoại lục tuần lên thơ. Sức mạnh đau thương trong thơ ông không chỉ làm nên khúc quành sáng tạo đầy nghệ thuật (dựa vào bản năng gốc), mà còn dệt nên những cơn địa chấn của cảm xúc. Chính sự trinh nguyên của một hồn thơ lúc nào cũng thấy “lòng chưa cạn đêm sâu” đã mang đến môi sinh thơm ngát và đầy mê hoặc cho Phơi cơn mưa lên chiều.