Phạm Văn Hoanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2021 đã xuất bản tập sách “Lời bày tỏ trong thơ” của cố nhà thơ Khắc Minh (tên thật là Nguyễn Khắc Minh, 1937-2020, bút danh khác là Nguyễn Quảng Ngãi, Nguyễn Thiên Bút) cố hội viên Câu lạc bộ thơ Trà Giang Quảng Ngãi, do Nguyễn Duy Long, con trai trưởng của ông tập hợp và giới thiệu. Tập sách dày 340 trang in, khổ 14 x 20,5cm, trình bày trang nhã.
Bìa tập thơ “Lời bày tỏ trong thơ”.
Tập sách ngoài phần giới thiệu ở đầu sách và phần phụ đính cuối sách, nội dung chính chia làm ba phần: Phần thứ nhất “Thơ tình”. Phần thứ hai “Chân mây điệp khúc”, phần thứ ba “Thơ rời , đoản văn, tùy bút, ghi chép…”. Phần thứ nhất và phần thứ hai in lại hai tập thơ đã xuất bản trước 1975: “Thơ tinh” (in chung với Luân Hoán) xuất bản 1968, “Chân mây điệp khúc” in chung với Luân Hoán) xuất bản năm 1969. Phần “Thơ rời , đoản văn, tùy bút, ghi chép…” là tập hợp các bài thơ, đoản văn, tùy bút của ông viết rải rác từ năm 1960 cho đến ngày ông đi xa.
Tập sách có tới ba phần tư số lượng bài viết về tình yêu lứa đôi, còn một phần tư là những thi phẩm viết về thiên nhiên, gia đình cha mẹ, thầy trò, anh em bè bạn…
Viết về tình yêu lứa đôi thơ Khắc Minh đa phần là tiếng lòng buồn bã của một trái tim thổn thức yêu đương, nhưng không bi lụy, chán chường:
“Lỗi nhịp cung đàn đời lạc hướng
dạ sầu ngơ ngẩn bến sông Tương
Mây Tần giăng kín chia đôi ngả
Ai nhớ ai mà ta nhớ thương?”
(Nhớ thương).
Thơ tình Khắc Minh có sự kế thừa hình thức thơ ca dân tộc, nhưng luôn có lối đi riêng, luôn tìm tòi sáng tạo. Chính điều đó đã làm cho hồn thơ Khắc Minh đi sâu vào tâm hồn người đọc.
“khi mây theo gió về nguồn
tiễn nhau còn lại trời buồn vợi ru
tàu đi bến đỗ hoang vu
dấu ghi kỷ niệm sương mù phủ che”
(Lời chào).
Trong tập sách này ta còn bắt gặp những bài thơ tứ tuyệt kiệm lời nhưng đầy sức gợi cảm:
“trong thơ còn lại sợi buồn
thả nghiêng trên tóc chấm hôn vai người
vàng phai nắng ngủ chân đồi
quay đi người để nụ cười xuống thơ”
(Giọt tình).
Thơ tình Khắc Minh thường đan xen giữa biểu cảm và miêu tả một cách nhuần nhuyễn khiến cho câu thơ xao xuyến lòng người. Với ngòi bút sắc sảo, Khắc Minh đã tả cảnh lưu luyến nhớ thương của cuộc tiễn đưa buồn thê lương:
“còn em với bóng ga buồn
đèn le lói thắp khói cuồn cuộn bay
… còn tôi chừ tiếp niềm đau
nhớ thương chật cả chuyến tàu vào đêm”
(Ga nhỏ).
Đọc những câu thơ trên ta không khỏi chạnh lòng trước niềm đau nỗi nhớ của người đi và người ở lại.
Niềm thương nỗi nhớ người yêu của Khắc Minh không chỉ được bày tỏ trong thơ mà còn trong những tùy bút, đoản văn. Đọc tùy bút “Khu đồi triền dốc”, “Mưa giăng trên sông” ta sẽ cảm nhận được những nuối tiếc về những cuộc tình đã đi qua của nhà thơ.
“Những vì sao mơ ước vẫn còn lấp lánh bên kia sông. Tôi trở về bên này cùng cơn say của ký ức – một chút buồn chen lẫn một niềm vui.
Ở đó, tôi biết chắc em vẫn còn nâng niu ngọn tình thả chìm trong trí nhớ, còn đợi chờ một người về trong giấc ngủ mộng mơ.”
(Mưa giăng trên sông).
Trong tập sách “Lời bày tỏ trong thơ” bên cạnh những bài thơ tình yêu lứa đôi còn có những bài thơ viết về tình yêu quê hương, tình mẫu tử, tình thầy trò… cũng lung linh huyền ảo như những bài thơ ông dành riêng cho tình yêu lứa đôi. Hình ảnh người mẹ già thấp thỏm chờ con hiện lên trong thơ ông thật xúc động:
“Quê hương từ ngày trở lại
Cối trầu ngồi giã mẹ mong
Gậy tre tay cầm run rẩy
Mỏi mòn thấp thỏm chờ con”
(Mẹ).
Và đây là những dòng thơ viết về nghĩa tình thầy trò thắm thiết:
“Con về nắng nhạt chiều nghiêng
Đứng trên cầu Phủ lặng nhìn hoàng hôn
Mưa đan sợi rối trên sông
Nhớ thầy thương bạn bỗng lòng rưng rưng”
(Về thăm trường cũ)
Có thể nói “Lời bày tỏ trong thơ” của nhà thơ Khắc Minh là một tập sách hay. Nhan đề của tập sách đã gợi cho bạn đọc thấy được nỗi niềm của tác giả: “Xin tất cả dành trọn cho em như bày tỏ niềm tin của một người thích làm thơ – ngợi ca tự do, tình yêu và khát khao hạnh phúc” (Lời bày tỏ trong thơ).
Tin chắc tập sách này sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc.
P.V.H