Nhà thơ Phan Hoàng – Người khai sinh và thể nghiệm thể thơ mới 1- 2- 3

983

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Lỗ Tấn (ở Trung Quốc) có nói: “Trên trái đất làm gì có đường, người ta đi nhiều thì thành đường thôi”. Đúng vậy, mỗi con đường sẽ được định hình khi người mở đường đi tiên phong và sau đó nhiều người cùng đi thì con đường ấy được “mặc định”.

Với văn chương cũng vậy, khởi thủy là “văn sử bất phân”, rồi sau này từng bước qua nhiều năm, nhiều thế kỷ, nó được phân loại. Và cho đến nay thì văn học tạm chia làm ba thể loại chính là Trữ tình (thơ), Tự sự (văn xuôi) và Kịch (kịch bản văn học). Ngay chức năng văn học cũng vây. Ban đầu người ta chỉ công nhận ba chức năng là Phản ánh hiện thực, Giáo dục và Thầm mỹ. Và phải sau một thời gian mọi người mới thừa nhận văn học phải có thêm chức năng Dự báo Giải trí. Đối với thể Thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng cũng không thể thoát khỏi quy luật ấy do bạn đọc và thời gian thẩm định.

Nhà thơ, nhà lí luận phê bình Lê Xuân

Để hiểu thêm về sự ra đời của thể Thơ 1-2-3 mà nhà thơ Phan Hoàng “khai sinh” và thử nghiệm, ta hãy “trữ tình ngoại đề” một chút để bàn thêm về các thể truyền thống của Việt Nam như lục bát, song thất lục bát và thể thơ Haiku của Nhật Bản, từ đó thấy sự ổn định và cách tân của nó như thế nào. Còn đối với thơ tự do, đặc biệt là “phong trào thơ mới” (1932-1945)  là sự phát triển có kế thừa theo trào lưu phương Tây và có Việt hóa. Riêng thể thơ Đường luật là vay mượn của Trung Quốc, gồm có: Thất ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt, Ngũ ngôn tứ tuyệt, Lục ngôn tứ tuyệt… Ở Việt Nam thơ lục bát và Song thất lục bát có luật Bằng – Trắc đã ổn định hơn hai trăm năm nay mà đỉnh cao của thơ lục bát là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và thơ Song thất lục bát là “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn.

Với thể thơ Thất ngôn bát cú và Tứ tuyệt Đường luật đưa vào Việt Nam, ở thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã có sự cách tân trong “Quốc âm thi tập” (viết bằng chữ Nôm). Một số bài thơ thất ngôn đã được cách tân bằng cách xen câu “lục ngôn” vào để tạo điểm nhấn. Ví dụ bài “Ba tiêu” (Cây chuối):

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, màu thâu đêm

Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu, gượng mở xem.

Hoặc bài “Tùng”, thơ Thất ngôn liên hoàn, Nguyễn Trãi cũng đã cách tân như vậy. Sự cách tân này của Nguyễn Trãi không được nhiều thi nhân tán thành nên sau một thời gian thì tắt. Và thể thơ thất ngôn trường thiên lại phát triển.

Về thể thơ độc đáo, ngắn nhất của thế giới thì có thơ Haiku của Nhật Bản. Đây là một thể thơ của người Nhật có từ thế kỷ 16-17 và nhà thơ thiền Matsuo Basho (1644 – 1694) là người khai sinh và đưa nó lên tầm cao mà cả thế giới đều yêu thích. Ông viết gần 1000 bài Haiku và được dịch ra nhiểu thứ tiếng trên thế giới. Mỗi bài chỉ 17 chữ, chia thành ba dòng, người Nhật viết liền một dòng nhưng khi dịch ra tiếng nước ngoài được ngắt thành ba câu (3 dòng). Vì chưa quen, người đọc lần đầu có thể hơi ngỡ ngàng, nhưng đọc kỹ và suy ngẫm, sẽ thấy thơ Haiku thật sâu sắc. Mỗi bài tưởng như không nói gì mà thực tế gợi cho ta rất nhiều điều. Nội dung và triết lý của thơ Haiku không nằm ở câu chữ mà ở sự tưởng tượng của chính người đọc. Người viết không miêu tả mà chỉ gợi. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Bài thơ anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa để mùa thu làm lấy”. 17 chữ trong bài Haiku được chia làm 3 dòng, ứng với số lượng chữ của các dòng là: Dòng 1 có 5 chữ  nhừm giới thiệu chủ đề. Dòng 2 có 7 chữ tiếp tục ý dòng 1 và chuẩn bị cho dòng 3. Dòng 3 có 5 chữ  để Kết lại – một cái kết không rõ ràng, mở ra suy nghĩ, cảm xúc cho người đọc ngân nga, lan tỏa.

Nói dông dài một chút để thấy rằng việc một thể thơ được “khai sinh”, được “khởi xướng” hay một sự cách tân thơ nào đó đều rất cần thời gian và bạn đọc thẩm định. Đối với thể Thơ 1-2-3 – một thể thơ mới, cũng không nằm ngoài quy luật sàng lọc ấy.

Theo nhà thơ Phan Hoàng cho biết: Trong một chyến đi du lịch ở nước Nga năm 2018 anh đã sáng tác chùm thơ, trong đó có bài “Từ những trang thơ cái đẹp gọi tên” theo thể Thơ 1-2-3 được nhiều bạn đọc yêu thích:

Từ những trang thơ cái đẹp gọi tên

Đàn ngựa phi nước đại trong tuyết rơi rừng vắng

đột ngột dừng dựng bờm hí vang bến sông sâu

Trăng mờ ảo sau cơn mơ kỳ lạ

Moskva về khuya như thiếu phụ khát yêu thương

Tôi rót ly vodka nhớ Yesenin và những thi sĩ tha phương.

Bài thơ ngắn gọn mà nói được nhiều điều về vẻ đẹp của nước Nga hùng vĩ và lãng mạn.

Đoạn 1 – tên bài thơ với 8 chữ, tứ thơ nằm trong sự khái quát về vẻ đẹp nước Nga hiện lên trên những trang thơ.

Đoạn 2 có 2 dòng, mỗi dòng 10 từ vẽ lên cảnh thiên nhiên hùng vĩ  với hình ảnh tuyết rơi, rừng vắng, sông sâu, đàn ngựa hí…cho người đọc có thể tuởng tượng những trận chiến đã qua trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và thiên nhiên đầy huyền bí mang vẻ kiêu hùng.

Đoạn 3 có 3 dòng vẽ nên cảnh lãng mạn êm dịu về đêm của Moskva với ánh trăng mờ ảo trong tâm tưởng. Câu kết 12 từ nói đến ly Vodka và nhà thơ Yesenin – nhà thơ nổi tiếng về tình yêu và thiên nhiên của nước Nga và liên tưởng tới những nhà thơ “tha phương” khác đã góp phần làm nên vẻ đẹp ấy. Câu kết  “Tôi rót ly vodka nhớ Yesenin và những thi sĩ tha phương” có sự hô-ứng với câu một- tên bài thơ “Từ những trang thơ cái đẹp gọi tên”. Bài thơ rất giàu tính họa, tính nhạc tạo được trường liên tưởng cho người đọc tạo được mỹ cảm. Đó chính là vẻ đẹp của nước Nga được hiện lên mà thơ ca đã đem lại, và như thế “cái đẹp đã gọi tên”.

Thể thơ 1-2-3 có luật lệ khá chặt chẽ như sau: Mỗi bài thơ là một chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu, tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn.

Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn.

Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có sự hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

Như vậy ta sẽ có bố cục sau:

Đoạn 1: 1 câu, tối đa 11 chữ

Đoạn 2: 2 câu, mỗi câu tối đa 12 chữ

Đoạn 3: 3 câu, mỗi câu tối đa 13 chữ.

Các chữ số 1-2-3 tương ứng với cac số 11-12-13 ở ba đoạn giúp người làm thơ dễ nhớ để không bị sai luật. Còn việc “Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3” là nhằm làm cho thể thơ này có sự khác biệt mới lạ, không bị “tạp lai”. Việc câu 1 và câu 6 có sự hô-ứng giúp cho bài thơ có cấu tứ chặt chẽ về hình thức và nội dung, tránh đi xa đề.

Nhà thơ Phan Hoàng

Sau hơn ba năm thử nghiệm thể thơ  này, tôi đã đọc mấy trăm bài thơ dự thi của hơn 500 tác giả và đặc biệt được đọc ba tập thơ  1-2-3 khá hay do nhà thơ Phan Hoàng viết lời giới thiệu, tôi lại càng bị cuốn hút, từng bước thấy được những “chân trời mới” của thể thơ này đem lại. Đó là tập “Vọng núi” của nhà giáo, nhà thơ Trần Nguyệt Ánh ở Đắc Lắc; tập “Lối sen sương” của nhà thơ Vũ Thanh Thủy ở Phú Thọ; và tập “Thủ thỉ phù sa” của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu ở Trà Vinh và nhiều tác giả khác như: Bùi Thanh Hà, Phạm Phương Lan, Văn Thảo, Hoà Thơ, Võ Văn Thọ, Lương Sơn, Tạ Hùng Việt, Vũ Tuyết Nhung, Lê Thanh Hùng, Đặng Toán, Ngô Đức Bá, Phan Thị Phương Thảo, Trần Thị Hồng Ánh, Đỗ Thu Hồng, Đình Hạ, Lưu Minh Hải, Phan Thảo Hanh…

Đọc Thơ 1-2-3 ta không thể đọc nhanh như đọc thơ lục bát hay thơ tự do mà phải đọc chậm để suy ngẫm. Những bài có “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) có những “tảng băng chìm” thì phải đọc ít nhất ba lần. Lần thứ nhất là đọc kiểu “bì phu” (sờ ngoài da) để nắm tổng thể bài thơ. Đọc lần thứ hai theo lối “cốt nhục” (đụng tới xương thịt bài thơ) để đi sâu một bước thu nhận những hình ảnh và sự liên tưởng theo trí tưởng tượng. Và đọc lần thứ ba với hình thức “hút tủy” để thấy được những gì là tinh túy nhất của bài thơ, đặc biệt những gì mới lạ mà tứ thơ đem lại. Cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã viết: “Túi nhà thơ có ba ngăn/ Tứ, Từ, Tư đủ quanh năm tiêu xài”.       Nghĩa là thơ trước hết phải có Tứ, rồi sau đó mới dùng Từ ngữ để biểu hiện, diễn đạt. Và bài thơ luôn phải có (nội dung, tư tưởng tốt). Xin lấy ví dụ về bài thơ  “Lối sen sương” trong số 154 bài thơ 1-2-3 của nhà thơ Vũ Thanh Thủy ở Phú Thọ (hội viên Hội nhà văn Việt Nam) trong tập “Lối sen sương”:

Lối sen sương

Thuyền độc mộc rẽ lối sen sương nung ngân ngấn đợi

Ban mai ngan ngát gọi

 

Lứa hoa nào đượm hương

Người thưởng thức tinh thơm sảng khoái

Nhấp ngụm trà lắng đọng Việt Nam.

Tên bài thơ: Lối sen sương là một câu có 3 từ mang tính khái quát là chủ đề bài thơ. Đó là con đường là Lối đi tới hồ sen (đầm sen) từ lúc ban mai để dẫn người đọc tiếp tục khám phá ở những câu thơ tiếp. Nhân vật trữ tình ở đây là Sen, không gian mờ ảo, thời gian tinh mơ của một ngày qua hình ảnh Sương. Tên bài thơ rất gợi và mở trong một không gian và thời gian đa chiều mà Tứ thơ sẽ được khai triển.  Các câu 2-3-4-5 tứ thơ được diễn ngôn qua các hình ảnh và nhân vật trữ tình tạo nhiều liên tưởng: thuyền độc mộc, ban mai gọi, lửa hoa, người thưởng thức tinh thơm…Các từ láy “ngân ngấn”, “ngan ngát” cùng cách ngắt nhịp tạo thêm tính nhạc cho bài thơ. Người đọc có thể tưởng tượng ra cảnh vào buổi sớm tinh sương có người chèo thuyền độc mộc ra hồ sen lựa chọn từng búp sen vừa đủ độ chín cho hương nhụy đem về ướp “trà sen” để rồi người thưởng trà sẽ nhấp từng ngụm một trong mùi hương tinh thơm sảng khoái mà thấy được sự độc đáo của “liên trà” lắng đọng vẻ đẹp của con người và cảnh vật Việt Nam. Từ vẻ đẹp tao nhã này – một nét ẩm thực tuyệt vời từ xưa của người Việt Nam, ta có thể liên tưởng đến kiểu thưởng thức “trà đạo” rất đẹp và kỳ công của Nhật Bản và loại “Trảm mã trà” độc nhất vô nhị của vua chúa phong kiến Trung Hoa ngày xưa. Câu kết “Nhấp ngụm trà lắng đọng Việt Nam” tạo được sự hô ứng với câu 1 “Lối sen sương” và làm nổi bật chủ đề, đề tài bài thơ là vẻ đẹp của Sen trong ẩm thực của người Việt Nam được nâng lên tầm văn hóa “liên trà”. Nhà thơ Phan Hoàng rất có lý khi nhận xét ở Lời giới thiệu tập thơ có 81 bài Thơ 1-2-3 này khá hay: “Sống cho mình, sống cho mọi người. Đó là bản lĩnh mà cũng là cánh cửa khai mở hành trình thơ nhiều chông gai và đầy thi hứng sáng tạo của Vũ Thanh Thủy với chiều sâu cảm thức văn hóa cội nguồn và nhân sinh”.

Ở tập thơ 1-2-3 “Vọng núi” với 154 bài của nhà giáo, nhà thơ Trần Nguyệt Ánh ở Đắc Lắc và tập “Thủ thỉ phù sa” 111 bài của nhà giáo, nhà thơ trẻ Nguyễn Đinh Văn Hiếu ở Trà Vinh cùng nhiều tác giả khác mà tôi đã được đọc với nhiều bài hay, và sẽ có dịp đề cập đến ở một bài viết khác.

Thơ là “rượu được chưng cất”, là “con rồng thần thấy đầu chẳng thấy đuôi. Có khi trong mây chỉ ánh lên một cái vảy” (Văn tâm điêu long). Thơ 1-2-3 là thơ gợi những lời hay ý đẹp thật cô động được chắt lọc từ “quặng chữ” để có được miligam uniom làm nên sự bùng nổ trong tâm tưởng người thưởng thức.

Nhà thơ Phan Hoàng – người có công khởi xướng, khai sinh và thử nghiệm thể thơ mới này, góp phần làm giàu kho tàng thơ ca Việt đang được đông đảo bạn đọc đón nhận. Xin mượn lời anh để kết lại bài viết tản mạn này về một thể thơ mới mà mình yêu thích: “Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng đi tìm phương thức mới để biểu hiện bao giờ cũng rất khó, và càng khó hơn khi không dễ được bạn đọc tiếp nhận, chia sẻ. Chỉ có sự đam mê và dũng cảm mới giúp chúng ta tự tin tìm tòi, khám phá” (Lời giới thiệu tập thơ “Vọng núi”)./.

                                                  L.X