Tôi đã nhiều lần đến mộ cổ Cự Thạch Hàng Gòn (ở xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh – Đồng Nai). Ngôi mộ đá được kỹ sư Pháp tên Jean Bouchot phát hiện năm 1927 này có một cỗ quan tài vĩ đại còn nguyên vẹn cùng những trụ đá được chế tác thành cổng mộ đã sụp đổ, nằm la liệt. Mỗi phiến đá như thế nặng đến bốn mươi, năm mươi tấn.
Nhà văn Lại Văn Long
Nơi có thể khai thác loại đá này là vùng Phan Rang hoặc Lâm Đồng, cách đó hàng trăm cây số. Đường thủy không có, vậy người xưa dùng cách gì để vận chuyển những khối đá to lớn, nặng nề đó về lập mộ? Suốt tám mươi lăm năm qua, mộ cổ Cự Thạch Hàng Gòn đã được hàng ngàn nhà khoa học trong, ngoài nước đến nghiên cứu, đều cho rằng đây là quan tài tập thể, chứa tro cốt hỏa táng của nhiều người trong cùng một bộ lạc, bộ tộc. Tôi tin vào niên đại mộ cổ cỡ hai ngàn năm. Nhưng chưa bao giờ thỏa mãn với giả thuyết đó là “mộ tập thể”. Nằm trong ngôi mộ cổ và quan tài đá khổng lồ này là bí ẩn chưa có lời giải… Rồi có một ngày, tôi mang theo chiếc võng dù, chạy xe máy hơn trăm cây số từ Sài Gòn xuống Hàng Gòn. Tôi cột võng vào hai thân cây, dựng chiếc xe máy bên cạnh. Nằm đu đưa trên võng, tôi lại say sưa ngắm công trình hai ngàn năm tuổi này. Buổi trưa thanh vắng, lùm cây ven mộ cổ mát rượi, gió hiu hiu ru lá cây xào xạc, tôi nhắm mắt thả hồn về quá khứ, cố tưởng tượng ra những gì đã diễn ra ở đây hai thiên niên kỷ trước…
Đang thiu thiu mơ màng, bỗng nghe tiếng răng rắc, cạch cạch từ phía quan tài đá, tôi bật ngồi dậy nhìn xuống…Trời ơi! không thể tin vào mắt mình! Nắp quan tài là một phiến đá to lớn, nặng hơn 10 tấn đã được một sức mạnh kỳ bí nâng lên rồi hất sang một bên. Từ trong cỗ áo quan vĩ đại đó thò lên một đầu người to khủng khiếp, rồi nửa thân hình trên cũng nhô ra. Khi người khổng lồ đứng thẳng lên, tôi sợ đến mức rủn hết hai chân…
Người khổng lồ đã bước ra khỏi cỗ quan tài đá. Ông cao to hơn nhiều so với kich cỡ những tấm đá đã nhốt ông suốt hàng nghìn năm qua. Ông cao như một tòa nhà hai tầng, hai chân vững chắc như đôi cổ thụ. Da ông ngâm, đầu trụi tóc, trán thấp, mắt xếch, cánh mũi to và đôi môi dày. Tai ông to như tai voi, co giật liên tục như một thiết bị tinh nhạy với âm thanh xung quanh. Tấm giáp trước ngực ông là bộ da của nguyên con tê giác lớn. Sau lưng cũng có một tấm như thế. Tám chi của hai con tê giác thành những nút buột để giáp đeo trên hai vai và bó lại ở phần hông… Đầu của một con tê giác chĩa sừng ra trước ngực ông, còn đầu của con tê giác kia nằm vắt vẻo sau tấm lưng to lớn, gồ ghề như một cỗ xe tăng hạng nặng. Ông quấn khố vằn vện. Nguyên cái đầu cọp nhe nanh lủng lẳng trước hạ bộ. Hai bắp đùi và hai ống chân của ông được quấn giáp da voi. Mỗi bắp tay to lớn bằng cả một vòng ôm tay người với những khối bắp thịt u lên như đá. Tay phải ông cầm một thanh gươm đen trũi, dài đến sáu mét và có lẽ nó nặng cả tấn. Tay trái ông thủ một tấm khiên tròn cũng bằng loại thép đen trũi, đường kính đến ba mét. Ông di chuyển về phía những khối đá lớn bên cạnh huyệt mộ chứa quan tài đá. Hai bàn chân to lớn của ông không có giầy, bước đến đâu đất lún đến đó. Ông đặt khiên và gươm xuống đất, nhẹ nhàng đỡ từng trụ đá nặng hàng chục tấn lên. Ông cắm hai cột đá dài độ tám mét xuống đất, rồi bợ một cây đá dài tương đương đặt lên đầu hai cột đá đã được đẽo lỏm hình yên ngựa từ hàng ngàn năm trước. Một cái cổng đá đồ sộ, nặng nề, vững chắc đã hình thành. Ông đứng ngắm và tỏ ra khoan khoái. Trong lúc cúi nhặt khiên và kiếm lên, ông đã nhìn thấy tôi. Tôi đứng cách ông cỡ vài chục mét, muốn bỏ chạy nhưng đôi chân không nhấc lên nổi. Ông nhìn tôi trừng trừng, hai tròng mắt to như cái chén ăn cơm đảo qua đảo lại dưới hai vạt lông mày đen mun, xum xuê như cỏ dại… Tôi hít một hơi thật sâu, cố lấy lại bình tĩnh. Sực nhớ trong huyền sử nước ta, vào thời Âu Lạc cũng có một người khổng lồ tên là Lý Ông Trọng. Tôi liều mạng hét to lên hỏi:
– Ngài có phải là Lý Ông Trọng không?
Dường như người khổng lồ hiểu được câu này, ông chậm rãi lắc đầu rồi đưa tay cầm khiên đập vào ngực mình. Cái mồm to lớn tưởng chừng nuốt trọn một con heo năm sáu mươi ký mở ra, một luồng gió phà đến làm tôi cảm nhận được cùng với âm thanh rền rền, lay động cả cỏ cây:
– Ar My, Ar My, Ar My…!
Tôi chỉ tay về phía ông ta, hét lên thật to:
– Ngài là Ar My, chiến binh Ar My phải không?
Người khổng lồ gục gật cái đầu đen bóng, vẻ mặt dãn ra khoái trá. Tin chắc ông ta không hại mình, tôi bình tĩnh trở lại lấy máy ảnh đưa về phía ông bấm máy chục phát:
– Tôi khao khát được hiểu ngài, muốn kể về ngài trên báo. Cả thế giới sẽ bàng hoàng điều này!
Ngài cho phép nhé!
Tôi cố gào thật to với giọng run rẩy, khàn khàn vì quá căng thẳng, sợ hãi. Người khổng lồ đến gần hơn, ông ngồi lên tấm khiên đặt úp dưới đất, hai tay chống thanh gươm nhìn tôi, ánh mắt toát lên nỗi buồn sâu xa. Bất ngờ ông đưa tay phải ra tóm lấy tôi, tôi hoảng vía hét toáng lên. Ông đặt ngực tôi ép vào ngực ông. Qua lớp áo giáp dày cộp, cứng như đá, nghe rõ nhịp đập mạnh mẽ của trái tim ông, nó bừng bừng như những hồi trống trận. Tôi bỗng thấy mình nhẹ tênh, trôi lạc bềnh bồng vào hồi trống trận dồn dập, hào hùng, bất tận…
Hình minh họa
*
Ma Y Cổ Tỳ là một tiểu quốc, phía Đông giáp biển, phía Bắc có đường biên giới chung với vương quốc Hoàn vương (tiền thân của nước Chiêm Thành), phía Tây và Nam được bao bọc bởi đế quốc Phù Nam. Ma Y Cổ Tỳ có dân số khoảng chín mươi vạn, thuộc chủng tộc Nam Đảo với dáng người rắn rỏi, da ngâm, tóc xoăn, đàn ông đóng khố cởi trần, đàn bà quấn sà rông, ngực để trần. Chỉ những phụ nữ quý phái mới có khăn choàng và vải quấn trên ngực. Hàng trăm năm trước khi Ma Y Cổ Tỳ lập quốc, đạo Bà La Môn từ Thiên Trúc (Ấn Độ) đã lan tỏa dần xuống các quốc gia Đông Nam Á. Thế nhưng ở Ma Y Cổ Tỳ, các tu sĩ Bà La Môn vẫn phải hoạt động lén lút vì bị cấm đoán. Vương triều Dic Ta To trị vì tiểu quốc này rất sợ tư tưởng ẩn chứa trong các bộ kinh Vệ Đà ca ngợi thần thánh và đặt đấng quân vương (Sát Đế Ly) xuống thứ hạng thấp hơn so với các giáo sĩ. Đầu công nguyên, bộ binh Phù Nam từ phía Tây và Nam tràn vào lãnh thổ Ma Y Cổ Tỳ. Ở phía Đông, đoàn chiến thuyền địch khống chế cửa biển, đổ bộ hàng vạn thủy binh tiến vào đất liền. Ba mũi giáp công của quân xâm lược đã dồn tiểu quốc nhỏ bé này vào nguy cơ bị tiêu diệt. Quốc vương Dic Ta To cùng hoàng tộc, tùy tùng, binh lính từ kinh đô ở trung tâm đất nước, bỏ chạy về phía Đông. Song đường ra biển đã bị thủy quân Phù Nam chặn, cả đoàn bèn trốn vào một cánh rừng giữa những đồi núi thấp phía Đông Bắc đất nước. Đây là thung lũng Di Hồn – theo truyền thuyết là vùng đất thiêng, nơi những người Ma Y Cổ Tỳ được gặp tổ tiên qua những nghi lễ cầu tế hàng năm. Quân xâm lược rất tàn ác, cả dân tộc khiếp hãi chạy loạn. Từng đoàn người dài dặc ở các miền đất nước kéo nhau chạy theo vua và hoàng gia. Đến một đêm trăng tròn, thung lũng Di Hồn tràn ngập những con người đói khát, rách rưới, hoảng loạn. Dưới tán rừng đen mờ ánh trăng, hàng vạn số phận đang thoi thóp rên rỉ… Quốc vương Dic Ta To mập ú ngồi khóc trên kiệu bọc nhung, gấm, sơn son thiếp vàng, đặt bên bờ suối. Dưới ánh trăng và giữa bể đời đau khổ này, chiếc kiệu quý giá cùng bộ hoàng bào nạm kim cương, vàng bạc lấp lánh trên người ngài trông thật diêm dúa, lố bịch. Thế nhưng ngài không dám cởi bỏ nó…
Đất nước đang teo tóp theo bước chân quân xâm lược. Dân tộc đang đau đớn, phân ly và có nguy cơ bị tịch diệt. Vương triều háo danh, xa hoa, diêm dúa sắp đến giờ cáo chung… Trong thời khắc định mệnh đó, dưới ánh trăng sáng trưng, lạnh lẽo; một bóng người nhỏ bé quấn khố, choàng khăn qua vai, râu tóc bờm xờm xuất hiện trên một tảng đá to. Cả vương triều rũ rượi, cả dân tộc đang bế tắc gục đầu, đều được đánh thức bởi giọng nói như sấm rền:
– Hỡi giai cấp Sát Đế Ly (vua chúa, tướng lĩnh), hỡi các giai tầng Vệ xa (thương gia, chủ điền), Thu Đà La (tiện dân), Ba rị a (siêu nô lệ)… ta là sứ giả của đấng Phạm Thiên! Vương quốc này, dân tộc này đang trả giá cho sự bất kính đấng Phạm Thiên. Các người từng hành quyết giáo sĩ Bà La Môn, từng đốt thánh kinh Vệ Đà, tội lỗi ngút trời này đang được trả giá! Các người sẽ bị tận diệt nếu không sớm tìm về con đường chính đạo. Đêm nay là cơ hội cuối cùng…
Nhiều người nhận ra giọng nói đó là của thượng sư Kiều Chân Như (có sử liệu gọi ông là Kaudinya hoặc Hỗn Điền), cầm đầu nhóm giáo sĩ Bà La Môn từ nước Thiên Trúc xa xôi, theo thuyền vượt biển đến sống trong rừng rậm. Họ luôn bị quân triều đình truy sát, nhưng vẫn lúc ẩn lúc hiện ở các làng mạc để truyền đạo lén lút. Họ thuộc lòng các kinh điển Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư và các bài thánh ca dài dằng dặc. Họ nói rằng có một đấng thiêng liêng đã sinh ra và cai trị cả vũ trụ này, được gọi là Phạm Thiên. Ngài là “tam vị nhất thể” gồm ba ngôi: “Đấng sáng tạo” (Brahman), “đấng bảo tồn” (Vishnu) và “đấng hủy diệt” (Shiva). Con người lầm lạc, vô minh có thể được giải thoát khỏi kiếp nạn, luân hồi nếu kiên trì tu tập. Theo con đường đó, mỗi cá nhân (tiểu vũ trụ hay tiểu ngã) sẽ được hòa đồng vào Phạm Thiên (đại vũ trụ hay đại ngã) để đạt đến trạng thái vô biên, vĩnh hằng… Đó là lý thuyết duy thần rối rắm với rất nhiều những thuật ngữ mơ hồ, lạ lẫm. Nhưng những người nghèo khổ thất học lại rất thích thú, ngưỡng mộ sức mạnh, quyền uy của các vị thần qua kinh thư, thánh ca và nghệ thuật tuyên truyền của các thượng sư. Họ âm thầm theo đạo bất chấp sự ngăn cấm, trừng phạt của triều đình. Các thượng sư đã tồn tại lâu dài ngoài vòng pháp luật cũng nhờ vào sự chở che, nuôi dưỡng của các tín đồ bí mật.
Khi Thượng sư Kiều Chân Như vừa ra lời kêu gọi, lập tức trong đám đông muôn vạn người đó, những tín đồ bí mật của Bà La Môn giáo đồng lọat đứng dậy hô vang: “Tôn kính Phạm Thiên, tôn kính Phạm Thiên…”. Hàng nghìn bó đuốc nhanh chóng được đốt lên làm cả khu rừng âm u bừng sáng. Khí thế hừng hực đó đã lôi cuốn cả đám đông đang tuyệt vọng đứng dậy, nhập vào đội ngũ tín đồ Bà La Môn. Quốc vương Dic Ta To còn hoảng loạn hơn lúc bị quân Phù Nam truy đuổi. Ngài cùng đám tùy tùng mong manh co rúm lại trước biển người sục sôi đang hướng về đức tin mới… Bỗng từ trời cao mênh mông, một đám mây đen trôi tới che khuất mặt trăng.
Thượng sư Kiều Chân Như đứng trên hòn đá to, rú lên mừng rỡ:
– Đấng Phạm Thiên lâm trần theo lời cầu xin của ta! Tất cả quỳ xuống cầu nguyện!
Trong khối mây khổng lồ đó xuất hiện những tia chớp lóe sáng trên bầu trời đen đặc. Tiếng Kiều Chân Như lại vang lên:
– Đấng Phạm Thiên là tam vị nhất thể, cả ba khuôn mặt của ngài đang huớng xuống trần gian…
Hãy nhìn vào đám mây để thấy sự linh thiêng, mầu nhiệm.
Cả đám đông trong trạng thái cuồng tín đồng loạt la ó:
– Thấy rồi, thấy rồi… kính lạy đấng Phạm Thiên!
Qua ánh chớp, khối mây to lớn hiện lên mặt người với bộ râu xuể xồm xoàm. Kiều Chân Như hét lên: “Đấng sáng tạo Brahman”! Sau đó hình bóng này tan biến để xuất hiện trên bầu trời đen kịt một khuôn mặt vểnh râu và vầng trán cao. Kiều Chân Như giải thích đó là: “Đấng bảo tồn Vishnu”. Cuối cùng là chân dung một vị thần mặt mũi phương phi, không có râu, đang mỉm cười, được thượng sư gọi là: “Đấng hủy diệt Shiva”
Cả đám đông bây giờ đã hoàn toàn “tâm phục khẩu phục” Kiều Chân Như. Ông dẫn dắt họ đi tiếp vào một câu chuyện thần thọai. Ông kể:
– Từ hàng ngàn năm trước, dân tộc Ma Y Cổ Tỳ có một chiến binh khổng lồ bất khả chiến bại tên là Ar My. Sau khi đánh tan tác tất cả các đạo quân xâm lược, Ar My đã hóa thân vào đất mẹ và vào máu huyết của mỗi người dân Ma Y Cổ Tỳ. Đêm nay trước họa xâm lăng, cả dân tộc Ma Y Cổ Tỳ phải đồng lòng hợp sức đưa Ar My từ quá khứ trở về phục vụ quốc gia…
Kiều Chân Như giao cho các giáo sĩ Bà La Môn hướng dẫn nhân dân lấy đất đắp thành một hình người khổng lồ. Với lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí bảo vệ đất nước, quê hương, hàng vạn người Ma Y Cổ Tỳ đã hăng say, nô nức dùng đất đắp thành một chiến binh nếu đứng lên có thể cao như núi. Kiều Chân Như phê phán, gọi cách làm đó là chủ quan duy ý chí. Ông bắt họ phải làm lại nhỏ hơn, ông nói:
– Làm tái sinh chiến binh khổng lồ không khó. Cái khó là nuôi được nó. Đất nước nhỏ bé, kiệt quệ vì chiến tranh này chỉ có thể nuôi được một Ar My tinh gọn, thô sơ. Không cần Ar My to lớn như núi, chỉ cần Ar My trung thành và dũng cảm…
Hình hài chiến binh với kích cỡ phù hợp tình hình kinh tế đất nước được đắp xong, theo hướng dẫn của thượng sư Kiều Chân Như, từng người dân xếp hàng lần lượt đến cắt tay, lấy máu của mình rưới lên hình nộm. Khi trời vừa tảng sáng, máu đã thấm đẫm xuống lớp đất ấm áp quê hương. Mặt trời nhô lên, ánh sáng rực rỡ chan hòa chiếu vào hình nộm làm máu của cả dân tộc sôi sùng sục, tỏa khói nghi ngút, mù mịt. Khói tan, đám đông reo lên sung sướng khi mặt đất xuất hiện một người khổng lồ bằng xương bằng thịt. Ar My nằm thõng thượt, thân thể to lớn, cường tráng với đôi mắt mở to. Kiều Chân Như bước đến, nói với người khổng lồ:
– Ngươi đã hồi sinh, nhưng muốn đứng lên và thành một chiến binh thực thụ, ngươi phải thề trung thành với Bà La Môn giáo, với đấng Phạm Thiên tam vị nhất thể, với thánh kinh Vệ Đà… Hãy thề đi rồi ta sẽ cho ngươi một nghi lễ cuối cùng. Không có nghi lễ đó, khi mặt trời lặn, ngươi sẽ tan rã trở về hư vô!
Người khổng lồ im lặng suy nghĩ. Thật lâu sau đó ông mới mím môi, gật đầu. Khi Kiều Chân Như đặt lên ngực ông bộ kinh điển Vệ Đà, ông đưa tay trái lên ép pho sách vào ngực mình, đôi mắt to lớn linh họat của ông ứa ra hai dòng nước mắt…
Kiều Chân Như mãn nguyện và an tâm. Thượng Sư cho múc nước dưới con sông chảy từ Tây sang Đông qua thung lũng Di Hồn đổ vào miệng người khổng lồ. Thượng sư nói:
– Con sông này chảy từ quá khứ đến tương lai của dân tộc Ma Y Cổ Tỳ. Ngươi sẽ đa cảm, nhân hậu hơn khi có một phần đau thương và hạnh phúc của đồng bào mình trong tâm hồn. Không có nó, dù ngươi đã đầy đủ xương thịt, máu huyết vẫn chưa được gọi là người, mà chỉ là cỗ máy chiến tranh tàn bạo. Quân thù đã đến, hãy ra trận đi chiến binh!
Quân Phù Nam đến từ ba hướng mù mịt bụi, chúng đóng khố, cởi trần nhanh nhẹn và thiện chiến, vung giáo mác hò reo xông trận… Cả biển người Ma Y Cổ Tỳ hoảng sợ co cụm lại dưới thung lũng Di Hồn. Bỗng một tiếng thét vang động, kinh hồn, cây rừng thi nhau gãy đổ, các khối đá nổ, nứt ra. Ar My khổng lồ vươn vai đứng dậy. Cơ thể ông trần trụi và trong tay không có vũ khí. Nhưng tiếng gầm của ông tạo ra dông bão và vóc dáng siêu nhân đã làm quân Phù Nam kinh hồn bạt vía. Chúng lùi lại, sau đó đồng loạt bắn tên, phóng lao vào ông. Nhưng những vũ khí ấy chỉ như gãi ngứa cho lớp da thô dày, cứng cáp của ông. Ông bốc một tảng đá to như một thớt voi, ném vào đội quân tiên phong. Tảng đá lăn dài, nghiền nát không biết bao nhiêu người ngựa. Cả ba cánh quân xâm lược kinh hãi tháo chạy tán loạn. Quân dân Ma Y Cổ Tỳ dồn dập gióng trống xông lên hò reo truy đuổi. Xác giặc vương vãi khắp khu rừng, máu giặc lênh láng bốc mùi tanh nồng…
*
Vương quốc Hoàn vương ở phía Bắc tiểu quốc Ma Y Cổ Tỳ. Vua nước này là Rị Thi Ân Điền – một người theo Bà La Môn giáo, vừa chiến thắng trong cuộc chiến tranh với người anh em cùng phả hệ với mình nhưng khác tôn giáo. Hay tin ở tiểu quốc Ma Y Cổ Tỳ, lực lượng tôn thờ thánh kinh Vệ Đà đã nắm vương quyền lẫn thần quyền, vua vui mừng lắm, liền cử sứ sang kết bang giao. Lúc bấy giờ ở Ma Y Cổ Tỳ sau khi lật đổ vua cũ, Kiều Chân Như đã thành lập Hội đồng thượng sư do ngài đứng đầu để điều hành quốc gia tiếp tục cuộc kháng chiến chống Phù Nam. Kiều Chân Như không xưng vương, chỉ khiêm tốn nhận mình là “người bảo vệ thánh kinh Vệ Đà”. Không mặc hoàng bào, chỉ đóng khố và sống đời của một tu sĩ khổ hạnh. Nhận được tín hiệu liên minh từ người anh em Bà La Môn ở phương Bắc, Kiều Chân Như lệnh cho người khổng lồ Ar My phá vòng vây của quân Phù Nam, mở đường Bắc tiến. Ar My vẫn trần trụi như ở trận đầu, vẫn phải vác đá, nhổ cây ném vào quân xâm lược. Nhưng khi đến được biên giới, vua Rị Thi Ân Điền chuẩn bị sẵn cho người khổng lồ nước bạn các chiến cụ cần thiết. Một bộ giáp bằng da tê giác và da voi, khố bằng da cọp và khiên, kiếm bằng loại thép tốt nhất. Vua Rị Thị Ân Điền còn tặng thêm năm trăm heo và dê, năm ngàn đấu thóc, một trăm cỗ xe chở đầy lọai bánh khô chế biến từ ngũ cốc rất thơm ngon, để làm lương thực cho chiến binh khổng lồ. Sau trận thất bại ở thung lũng Di Hồn, quân Phù Nam đã chế tạo hàng loạt máy bắn tên. Những cỗ máy đồ sộ với cánh cung làm bằng gỗ dẻo, dây cung bằng da loài cá biển khổng lồ, phơi khô. Mỗi một mũi tên bọc sắt to như chày giã gạo, dài đến ba sải tay như thế được tẩm độc hoặc chất gây cháy để biến thành tên lửa. Đây là thứ vũ khí nguy hiểm khống chế được Ar My. Nhưng từ biên giới phía Bắc trở về, Ar My có giáp siêu bền, được ăn no và vũ trang bằng thép nên hiệu quả chiến đấu tăng lên bội phần. Quân Phù Nam lần lượt bị đẩy khỏi biên giới. Ngày cả nước Ma Y Cổ Tỳ tổ chức đại lễ mừng đất nước được giải phóng, vua Rị Thị Ân Điền cũng thân chinh qua dự và giao ước với thượng sư Kiều Chân Như: Hoàn vương quốc tiếp tục viện trợ lương thực và nghiên cứu cải tiến vũ khí cho Ar My của Ma Y Cổ Tỳ, để Ar My mạnh mẽ hơn nữa, tấn công qua biên giới tiêu diệt luôn quân đội Phù Nam, đưa những người Bà La Môn lên nắm quyền ở đế quốc này. Sau đó liên minh ba nước Bà La Môn sẽ thiết lập, hỗ trợ cho phong trào “biến thánh kinh Vệ Đà từ lý thuyết thành hiện thực”; xây dựng thiên đàng Bà La Môn cho thế gian u minh, tối tăm này. Hoàn vương Rị Thi Ân Điền còn tặng thượng sư Kiều Chân Như một bức tượng đấng Phạm Thiên “tam vị nhất thể” bằng vàng ròng. Kiều Chân Như hồ hởi đón nhận, nhưng nhíu mày khi nhận ra chân dung của thần hủy diệt Shiva có nét phương phi hao hao với khuôn mặt của Rị Thi Ân Điền. Ngài thầm nghĩ: “Ông vua này muốn lợi dụng máu của Ma Y Cổ Tỳ để làm thánh đây mà! Nhưng ta cũng cần hắn để phụng sự đức tin”
*
Người dân Ma Y Cổ Tỳ vốn hiền hòa, cần cù và yêu chuộng hòa bình. Họ chỉ đánh giặc để bảo vệ quê hương, phản đối chiến tranh phục vụ tôn giáo. Hội đồng thượng sư đã làm mọi cách vẫn không thuyết phục được dân nên Kiều Chân Như giao nhiệm vụ cho Ar My:
– Nếu cần cứ dùng đến thanh gươm!
Ar My to lớn, mang sức mạnh siêu phàm của một chiến binh bất khả chiến bại, đã quỳ dưới chân Kiều Chân Như nhỏ bé, mong manh, để cầu xin:
– Tôi được tái sinh từ máu huyết của bá tánh, được cấu thành xương thịt từ đất đai, được hấp thụ nhân ái từ sông nước Ma Y Cổ Tỳ… chính ngài đã dạy tôi như vậy, nay sao lại buộc tôi chĩa gươm vào đồng bào mình?
Thượng sư Kiều Chân Như lắc đầu, xua tay:
– Ngươi mang tư tưởng dân tộc cực đoan, hẹp hòi. Hãy nhớ mục tiêu chúng ta phải đạt được là “thiên đường Bà La Môn” trên toàn cõi nhân gian ô trọc này!
Bất ngờ khuôn mặt chân tu của Kiều Chân Như đanh lại, ông ta thả từng lời rít qua kẽ răng:
– Ở thung lũng Di Hồn, ngươi đã thề phục vụ và trung thành với ta, với thánh kinh Vệ Đà, với thánh giáo Bà La Môn… Nếu ngươi nuốt lời sẽ tự hủy diệt mình!
Ar My vẫn giữ vững lập trường:
– Thưa ngài! là một chiến binh tôi tôn trọng lời thề, nhưng chỉ phục vụ nhân dân, tổ quốc tôi. Ar My không chiến đấu vì tôn giáo, thánh kinh hay thiên đường ảo tưởng nếu điều đó trái với lợi ích, khát vọng của đồng bào minh. Xin ngài đừng ép tôi!
Kiều Chân Như cười gằn:
– Vậy thì… chỉ còn hai mươi ngày nữa là trăng tròn, theo lời nguyền của ta, ngươi sẽ tan biến vào hư vô, hãy đào huyệt mộ cho mình đi!
Người khổng lồ tức tối gầm lên:
– Thượng sư! nếu không vì lời thề ta đã bóp nát ông dễ hơn bóp một cục đất! Ông là kẻ ngoại bang xa lạ. Ông mang đến đây một tôn giáo cao ngạo, chất chứa bất công, hận thù. Trước đây ta phải theo ông vì trong thời khắc lịch sử đó không có lựa chọn khác. Nay Ma Y Cổ Tỳ đã hòa bình, tự chủ, cần một con đường phát triển chứ không phải cuốn Thánh Kinh huyền hồ. Nhưng ta trọng danh dự, sẽ tự xử!
*
Trăng lên, người khổng lồ đứng chống gươm ngắm công trình độc đáo vừa hoàn thành. Trên một dải đất cao ráo nằm phía Tây Bắc thung lũng Di Hồn, ông đã xây dựng xong “ngôi nhà vĩnh cửu” cho chính mình. Ông dùng gươm khoét thành một hố vuông vức, mỗi cạnh dài gấp đôi chiều cao cơ thể ông và sâu đến ngang thắt lưng khi ông đứng. Giữa chiếc hố ấy, ông xếp bốn phiến đá lớn hình chữ nhật làm đáy, hông và nắp quan tài. Hai phiến đá vuông nhỏ hơn bịt hai đầu. Trên mặt đất hai bên chiều dài quan tài đá, ông xếp hai hàng cột đá, mỗi hàng sáu trụ. Hai trụ đá cao hơn, gần bằng chiều cao của ông được cắm làm cột cổng và đặt trên đó một xà đá. Ông đã đi về hướng Tây Bắc xa xôi cách nơi lập mộ gần một ngày đường bằng bước chân khổng lồ để tìm một núi đá ưng ý. Ông dùng thanh gươm to lớn tách từng khối đá ra khỏi núi, đẽo gọt thành các bộ phận của công trình rồi vác về đây. Ông dồn tất cả thời gian, sức lực suốt hai phần ba mùa trăng để lập ngôi mộ đá kỳ vĩ cho chính mình. Người khổng lồ bách chiến bách thắng cô đơn giữa thung lũng hoang vắng, dưới ánh trăng sáng lạnh. Ông đã chiến đấu để đền ơn dân, trả nợ nước. Đêm nay sẽ làm nốt những gì cần thiết để giữ trọn danh dự của một chiến binh. Ông sẽ hóa mình nhỏ hơn, chui vào nằm trong quan tài đá, đóng nắp lại… Khi trăng tròn, ông sẽ đi vào vĩnh hằng, sức mạnh kinh hồn của ông sẽ tan hòa vào máu huyết lớp lớp thế hệ sinh ra, lớn lên, già đi trên đất nước này. Ông căm ghét chiến tranh, nhưng ao ước tổ quốc nhỏ bé, chịu nhiều đau thương, thua thiệt trong bang giao với nước lớn của ông sẽ có thêm nhiều người khổng lồ để bảo vệ biên cương, lãnh thổ; xây dựng Ma Y Cổ Tỳ hùng cường, dân chủ, trường tồn. Ông mỉm cười với ý nghĩ đó khi dùng hai cánh tay mạnh mẽ đỡ phiến đá nặng nề lên đóng nắp quan tài…
*
Khi tôi giật mình thức dậy thì trời đã xế chiều. Hoàng hôn trên vùng đất đỏ miền Đông thật đẹp. Tôi vội vã xếp võng vào ba lô và nôn nao quay xe trở về. Đêm nay tôi sẽ làm việc đến sáng để viết lại chuyện kể bi hùng của chiến binh khổng lồ, trung nghĩa…
TP. Hồ Chí Minh, 30-04-2012
L.V.L
Theo Báo Văn Nghệ số 23 ngày 9-6-2012