Thanh Lương với tập thơ “Qua những mùa giông”

1132

Phạm Văn Hoanh  

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Thanh Lương tên thật là Phạm Thanh Lương, quê cha ở Bình Mỹ, Bình Sơn, Quảng Ngãi nhưng sinh ra và lớn lên ở quê mẹ Phổ Văn, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Anh là Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi, hiện đang công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi. Anh vừa trình làng tập thơ thứ năm “Qua những mùa giông” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 1 năm 2020.

Nhà thơ Thanh Lương

Tập thơ có nhan đề khá hay: “Qua những mùa giông”. Nhà thơ Thanh Lương rất khéo, rất tinh tế trong việc lựa chọn nhan đề cho tập thơ. Cơn giông bao giờ cũng đối lập với hình ảnh con người nhỏ bé, cô đơn. Trong cơn giông con người thấy mình lẻ loi, mất mát, bơ vơ: “Giông/ Những cơn mưa lấn át cả mùa đông/ …Giông/ Cha đứng đợi dáng mẹ về lấp loáng/ …Giông/  Ngày lấy chồng cô gái bỏ dòng sông/ Trai quê khóc trống làng im tiếng gõ/ …Giông/ Nỗi buồn đi hoang về phía cánh đồng/ Hoa lục bình dáo dác ngóng trông/ Chiều ai đứng thẫn thờ sông vắng/ Thả nỗi niềm theo gió lững lờ trôi.” (Giông). “Giông tố đi qua nặng trĩu nỗi giày vò/ Cọ sát dòng sông nơi bến bờ khô cháy” (Tìm giấc mơ nơi cơn giông)… Cơn giông trong thơ Thanh Lương còn là hình ảnh ẩn dụ chỉ những biến động của ngoại cảnh. Ngoại cảnh đã làm cho tình yêu lứa đôi tan vỡ hay cuộc đời của Thanh Lương phải trải qua nhiều biến cố? Có lẽ cả hai.

Tập thơ “Qua những mùa giông” có hơn 70 bài thơ với hơn 100 trang, thì dường như nhà thơ đã dành hơn ba phần tư cho cảm xúc tình yêu lứa đôi. Tình yêu lứa đôi trong thơ anh luôn gánh chịu nhiều vỡ nát, u buồn, cay đắng: “Ngày nắng dại mặc gió cứ lang thang/ Dang dở nụ hôn ngỡ ngàng phím trễ/ Đau nhói kiếp người chứa chan dòng lệ/ Để bây giờ ta mãi khất nợ nhau.” (Khất nợ). Có lúc tình yêu đổ vỡ đã kết lại, lắng đọng trong anh đưa anh đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Ta ngồi đây nghe tiếng dế trăm chiều/ Mà rệu rã nỗi mong chờ không dứt/ Trái tim đau rung vạn lần rất thực/ Hơi thở ngắn dài trầm tích riêng ta.” (Riêng ta). Từ nỗi đau đó đã khiến anh ngao ngán: “Bạn và ta trải một thời ngao ngán/ ngán chữ tình/ ngán chuyện đã qua/ ngán sự xấu xa của dối trá lọc lừa/ Người chưa trọn giấc mơ nồng đã lui về trong thất bại” (Va vấp). Bài thơ “Va vấp” với những ngôn từ mạnh mẽ nhưng không hề kém đi phần mượt mà đã khiến người đọc xót xa về những cuộc tình éo le. Nỗi éo le ấy còn được thể hiện trong nhiều bài thơ như: “Rát nửa tim tôi”, “Những chuyến hành trình”, “Ngột ngạt”, “Chôn cất nỗi đau”, “Vỡ đôi”, “Không thể”, “Giận”… “Ngả nghiêng/ lối cũ một mình/ Nghe mưa dang dở/ mối tình vỡ đôi” (Vỡ đôi ). “Em qua sông bỏ lại gã thuyền tôi/ Ngồi hoang vắng giữa gió mùa giục giã/ Chim rã cánh vùi mê trong rơm rạ/ Cả một thời rát tận đáy tim côi.” (Rát nửa tim tôi). Và anh cố chôn vùi những kỷ niệm buồn đau nhưng vẫn không thể: “Biết từ nay ta chẳng thấy được nàng/ Chôn ngày tháng vùi nơi bờ hoang phế/ Rồi ta biết trái tim ta không thể/ Quên một mối tình để khác hơn xưa.” (Không thể). “Trả người một nợ trăm năm/ Cuộc vui chưa dứt đêm nằm nhớ thương” (Giận)…

Bên cạnh nỗi ray rứt về tình yêu lứa đôi là nỗi suy tư về cuộc sống thường nhật, suy ngẫm về tình bạn và nỗi ray rứt về phận làm con với người mẹ kính yêu, phận làm vợ với người vợ yêu dấu của tác giả: “Ngày con về/ năm tháng hóa mồ côi/ Tiếng mẹ ngày xưa xa rồi bên giấc ngủ/ Dịu vợi thẫn thờ đau lòng con trú ngụ/ Đâu cất nỗi thành lời thương lắm mẹ ơi!” (Ngày về), “Mẹ gánh gồng một thời cò lả/ Giờ em cũng thành kẻ đa đoan” (Đêm đợi ngày)…

Đọc tập thơ “Qua những mùa giông” ta thấy vừa quen, vừa lạ. Quen ở mạch thơ, nhịp thơ và vần điệu. Lạ ở sự cô đọng của ngôn ngữ, sự hàm ngôn của câu chữ, là cách dẫn dăt người đọc liên tưởng nhiều chiều khác nhau khi bài thơ khép lại.

Có thể nói rằng “Qua những mùa giông” là cái nhìn của nhà thơ Thanh Lương về cuộc đời, về sự mong manh của tình yêu lứa đôi, một tình yêu không có bóng hình của hạnh phúc đích thực mà chỉ là những hoài niệm, những nuối tiếc đớn đau không bao giờ lặng tắt của tác giả.

             P.V.H