Nhà văn Ngô Thảo: Người trẻ mới bứt phá trong nghệ thuật được

568

Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo chia sẻ với Dân Việt về thực trạng già cỗi của những người làm nghệ thuật hiện nay. Nhà văn đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ.

Đào tạo nghệ thuật với lớp trẻ không phải là cầm tay chỉ bảo

* Thưa nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo, ông có nhận xét gì về đội ngũ những người sáng tác văn học hiện nay?

– Tôi cho rằng nhận xét về họ không khó và không phải riêng tôi, tất cả những ai quan tâm đến văn học nghệ thuật lúc này cũng có thể nhìn ra được nhiều vấn đề còn tồn tại. Có điều tôi nghĩ nhiệm vụ cấp bách của nhà nước và những người làm quản lý văn hóa, nghệ thuật lúc này là phải đầu tư và bồi dưỡng được một đội ngũ những người làm sáng tác một cách bài bản, khẩn trương hơn nữa.

Họ được coi là con đẻ của cuộc sống ngày hôm nay, hiểu được đầy đủ những nhu cầu, mong muốn của xã hội hiện tại. Chúng ta phải cảm thấy đau lòng là hiện nay Hội nhà văn Việt Nam có hơn một ngàn người thì trong đó có đến hơn 700 nhà văn đã ở độ tuổi 65 trở lên. Những người trẻ như 12, 15 đến 20 không có ai. Có lẽ cũng vì thế mà đội ngũ những người làm nghệ thuật đang có vẻ già cỗi đi.


Nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo.

* Nói như vậy có nghĩa đội ngũ những người làm nghệ thuật luôn cần những người trẻ và rất trẻ phải không, thưa ông?

– Đúng như vậy! Bởi vì nhìn lại trước Cách mạng tháng Tám, chúng ta đã có một thế hệ nhà văn viết các tác phẩm có giá trị khi tuổi đời chưa đến 20. Chúng tôi vừa tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày công bố những tác phẩm của họ. Nhà văn Tô Hoài viết “Dế mèn phiêu lưu kí” năm 15, 16 tuổi, Tố Hữu viết “Từ ấy” năm 17 tuổi, Chế Lan Viên viết tập “Điêu tàn” năm 16 tuổi, Nguyên Hồng viết “Thời thơ ấu” năm 16 tuổi… Vậy mà ngày hôm nay chúng ta nhìn vào sân khấu và các loại hình nghệ thuật toàn những người hơn tuổi 40, 50 cả.

* Hầu hết nhân lực ở các ngành nghệ thuật hiện nay ra làm nghề sau khi đã được đào tạo tại các trường chuyên nghiệp nên sớm nhất cũng đã ngoài 20 tuổi. Phải chăng đây cũng là một sự bất cập?

– Tôi không phủ nhận vai trò của đào tạo. Đối với các môn nghệ thuật yêu cầu kỹ thuật thì chúng ta không có cách nào khác là cho các em học và luyện tập một cách bài bản. Thế nhưng đã là nghệ thuật thì phải có sự bứt phá mà chỉ những người trẻ tuổi mới có thể làm được. Vì vậy phải tạo điều kiện để các em thành công ở độ tuổi sung sức nhất.

Tác phẩm được làm ra bởi những tâm hồn trẻ trung bao giờ cũng sẽ tươi mới và hấp dẫn. Bởi những người lớn tuổi hiện nay không thể nào có sự nắm bắt tinh nhạy và sự biểu đạt mới lạ được như các bạn trẻ! Đào tạo cho lớp trẻ không có nghĩa là cầm tay chỉ bảo là họ cần phải làm gì mà ngược lại là mở ra cho họ những hành lang thông thoáng nhất. Cung cấp những điều kiện cần thiết để họ sáng tác và tự do thực hiện các ý tưởng mới mẻ của mình.

* Tuổi trẻ là độ tuổi của sáng tạo nhưng cũng ở trong giai đoạn còn mông lung chưa định hình về công việc trong tương lai, như vậy có cần phải có điều kiện để giữ chân họ không, thưa ông?

– Lớp trẻ ngày nay có học thức, được tiếp cận với vốn văn hóa rộng của nhiều dân tộc trên thế giới. Tài năng của người trẻ ngày nay cũng rất đa dạng, có nhiều bạn giỏi rất nhiều thứ chứ không phải nhà văn chỉ biết viết văn, diễn viên kịch nói thì chỉ biết diễn kịch. Thế nhưng để hướng họ đi vào con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, có ý thức thành những “Nhà” tử tế thì công việc đó phải đảm bảo cuộc sống cho họ.

Nếu không họ chỉ coi nghệ thuật là sân chơi, khi chán khi bí thì bỏ để tìm công việc khác có nguồn thu nhập cao hơn! Giờ lớp trẻ đến với văn học nghệ thuật nhiều khi như là để xả năng lượng. Số những người chọn đi đường dài sẽ đối diện với nhiều khó khăn mà thành công cầm chắc cũng không phải là nhiều. Vì vậy tôi nghĩ việc định hướng và bảo trợ cho họ cũng là điều cần thiết!

Nếu đầu tư đúng mức chúng ta sẽ có một gương mặt văn hóa của riêng mình

* Vậy theo nhà văn Ngô Thảo, có quy chuẩn nào cho những tác phẩm của người trẻ không?

– Nội dung cập nhật, các hình thức thể hiện đa dạng khiến các tác phẩm ấy có sức sống, tôi thấy như vậy là đủ rồi. Khi tác phẩm phù hợp với thị hiếu, quan điểm thẩm mỹ của con người ngày hôm nay tự nó sẽ tạo ra đời sống lâu bền cho nó. Đừng có quá băn khoăn rằng họ sẽ viết ra sao mà quên rằng chỉ có khát khao thể hiện thì người nghệ sĩ sẽ tìm ra những hình thức biểu đạt phù hợp cho nó.

Tôi có thể dẫn ra như trường hợp của bộ sách và phim “Harry Potter”. Chính cái chất phiêu lưu kỳ lạ, sự hấp dẫn đến ma mị của nó đã “làm mưa làm gió” trên khắp toàn cầu ở cả bản sách và phim.

Người ta cứ nói rằng bây giờ phải viết sách phải làm phim theo lối hiện thực, bám sát những yêu cầu của cuộc sống hiện tại. Thế nhưng thật ra nghệ thuật không cần có khuôn mẫu nào. Chính sự sáng tạo sẽ dẫn đường cho người trẻ đi, mà điều đó thì các nhà văn già như chúng tôi không dạy được, các thày trong trường cũng không dạy được. Họ chỉ có thể học được từ sự trải nghiệm và vấp váp của mình.


Nhà văn Ngô Thảo (ngoài cùng bên trái) và các văn nghệ sĩ. 

* Nhiều người hoài niệm về thời kỳ hoàng kim đã qua. Họ lo lắng rằng đời sống văn học nghệ thuật hiện nay sẽ không thể đạt được những thành quả như thế nữa, ông nghĩ sao?

– Chúng ta không nên quá thương xót, quá ao ước để làm sao cái ngày huy hoàng ngày xưa trở lại. Sự huy hoàng ấy nó có ở ngày mai trong một vẻ đẹp khác trong một hình thức khác trong một bộ dạng khác và do một đội tuổi trẻ khác làm ra. Chúng ta bảo tồn các giá trị cũ chính là động viên các em rằng, chính các em sẽ là những người sẽ sáng tạo ra vẻ đẹp mới đó. Cũng như tiếng Việt ngày nay đã khác xưa rồi, cách tiếp cận, tình cảm con người cũng khác xưa rồi. Vì vậy tôi cũng muốn những người làm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hãy lưu ý rằng những tác phẩm thích hợp với đời sống hôm qua chưa chắc đã thích hợp trong đời sống hôm nay. Vì vậy chũng ta không nên quá hoài niệm về quá khứ nữa!

* Nhà văn Ngô Thảo quan niệm như thế nào về chức năng tuyên truyền của văn học nghệ thuật trong đời sống hôm nay?

– Tôi lấy ví dụ như hãng nước giải khát Coca-Cola họ dành 40% lãi suất của họ cho quảng cáo. Còn chúng ta thì sao. Đã có ai làm phép tính là đã chi cho đội ngũ những người làm văn học nghệ thuật bao nhiêu phần trăm tổng số chi cho các hoạt động mang tính công ích chưa. Những đơn vị làm nghệ thuật nếu phải tự làm, tự ăn, tự sống thì chắc hẳn là họ sẽ không thể có những tác phẩm tuyên truyền hay được. Vì vậy tôi nghĩ việc đầu tư để tăng tính hiệu quả cho mảng văn học nghệ thuật tuyên truyền cũng là điều mà tất cả những người làm văn hóa nên tính đến!

* Trong xu thế toàn cầu như hiện nay, theo ông, ưu tiên phát triển văn hóa có phải là một lựa chọn khôn ngoan đối với quốc gia không?

– Theo tôi một đất nước trong tương lai cũng như ở hiện tại khi đã giành được độc lập chủ quyền rồi thì gương mặt của anh chỉ có thể là văn hóa. Anh không thể mang kinh tế ra để so sánh với thế giới. Bởi nói cho cùng như đất nước ta nếu muốn chạy đua với thế giới thì chắc còn lâu lắm mới theo được. Cái ô tô thì mãi vẫn là cái ô tô, cái điện thoại thì mãi vẫn là cái điện thoại thôi, còn nếu đầu tư đúng mức cho văn hóa, chúng ta sẽ có một gương mặt văn hóa của riêng mình!

Theo Dân Việt