Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Người Nam Bộ chịu chơi

711

Phạm Sỹ Sáu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hai mươi năm đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và gần 10 năm là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bằng sự cởi mở của mình đã tạo nên một không khí văn học thật thoáng đạt. 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Ông cầm tinh con dê (Tân Mùi) nhưng sinh tháng Giêng năm 1932, nên khi đắc cử chức Tổng thư ký Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ đầu (1981-1986) ông mới vừa bước qua tuổi 49. Vào thời đó, ở tuổi đó, không ai cho rằng ông quá trẻ để đảm đương một chức vụ như vậy. Có lẽ cái vốn tham gia kháng chiến chín năm, tập kết ra miền Bắc rồi trở về miền Nam khá sớm với cái tên Nguyễn Sáng, và sau 30-4-1975 trở thành cán bộ Hội Văn nghệ Sài Gòn – Gia Định rồi đổi tên thành TP. Hồ chí Minh, đủ bảo đảm cho cái tuổi đời và tuổi nghề của ông. Và chính Chiếc lược ngà, đặc biệt là bộ phim Cánh đồng hoang được đạo diễn Hồng Sến dựng với kịch bản của ông, sau khi trình chiếu đã gặt hái được nhiều tiếng vang trong lẫn ngoài nước đã phần nào tạo được uy tín nhất định để ông đảm đương chức vụ đứng đầu Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh mà không có điều tiếng gì.

Trước tháng 11-1988, tôi chỉ biết ông qua tác phẩm và qua một vài lần gặp gỡ thoáng qua với vài ba câu trao đổi ngắn gọn, chưa cho tôi cái nhìn đầy đủ về ông, ngoại trừ cái dung mạo luôn cười vui vẻ trong một chiều cao khiêm tốn. Mãi đến khi từ báo Quân khu 7 chuyển ngành về công tác tại Hội Nhà văn TP Hồ chí Minh, đảm đương chức vụ Chánh văn phòng Hội, tôi mới có dịp gần gũi, chuyện trò, trao đổi công việc, tôi mới dần hiểu về ông.

Khi ấy cơ quan Hội còn ở trên lầu căn biệt thự 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3 (gọi là ở ké trụ sở Hội Văn nghệ TP, không như Hội Âm nhạc TP có cơ ngơi riêng, dù cùng chung địa chỉ). Thời gian đó, cùng với phong trào bung ra làm kinh tế, mà ngôn ngữ thời thượng lúc ấy là làm “ba lợi ích” để cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên, Hội còn có cả một xí nghiệp đời sống, hoạt động nhiều thứ có… trời mà biết. Xí nghiệp này do nhà văn Hoàng Xuân Huy phụ trách. Công việc của Hội lúc đó thật đơn giản, chỉ lo lương hướng cho số cán bộ biên chế của Hội (đâu gần cả hai chục người), lo đưa đoàn đi, đón đoàn đến và… hết. Công việc chẳng có gì phải bận tâm lo lắng nên hầu như công việc chính của Tổng thư ký là chủ trì phiên họp thường kỳ của Ban Thư ký (3 tháng một lần), Ban Chấp hành (6 tháng một lần), sáng tác và… nhậu. Nhiều khi mấy ngày ông mới vào cơ quan một lần. Mỗi lần vào thì lại cà phê cà kê ở quán trước Hội Âm nhạc với nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền, đôi khi có cả nhạc sĩ Ngô Huỳnh, Hoài Mai, Huỳnh Thơ. Nói chung là khu vực dưới sân rất vui và rất ồn ào. Còn ở trên lầu thì thường mỗi người một phòng, ít trò chuyện, thi thoảng mới trao đổi công việc. Nhà thơ Viễn Phương, đặc biệt là nhà văn Anh Đức dường như ít lân la trò chuyện cùng người khác, kể cả người trong cùng cơ quan.

Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, có một loạt các nhà văn nhà thơ lần lượt được giải quyết hưu trí theo chế độ như Khương Minh Ngọc, Trang Thế Hy, Nguyễn Hải Trừng, Lê Giang, Sơn Nam, Thanh Giang, rồi chuyển công tác nhà văn Trần Thanh Giao từ tạp chí Văn qua báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Có thể nói thời gian ở 81 Trần Quốc Thảo là giai đoạn cơ quan Hội Nhà văn TP tự lột xác để dần thích ứng với cơ chế năng động của một thành phố đang từng ngày, từng giờ đổi mới. Thu dọn bên trong cho tinh gọn là một công việc chẳng dễ dàng gì, nhưng bằng cách chỉ đạo không tốn nhiều sức, ông đã thu xếp được một cơ quan đủ sức để đảm nhiệm nhiều công việc sắp tới.

Thời gian này thực hiện sự hợp tác giữa hai thành phố kết nghĩa Leningrad và TP Hồ Chí Minh, Hội cũng đã tổ chức đưa hai nhà văn Sơn Nam và Nguyễn Chí Hiếu đi Liên Xô và thăm Leningrad. Đối với nhà văn Sơn Nam, có lẽ đây là chuyến xuất ngoại duy nhứt của ông trong cuộc đời. Đối với Hội Nhà văn thành phố thì đây cũng là chuyến đi cuối cùng sang Liên Xô theo tinh thần trao đổi hợp tác, vì trong chuyến đi được chuẩn bị cho năm 1990 gồm hai nhà văn trẻ Lý Lan và Phạm Sỹ Sáu đã không được thực hiện.

Có thể nói, trong thời gian công tác tại Hội Nhà văn TP, nhiều nhà văn đã tạo ra rất nhiều hoạt động để lại những dấu ấn khó quên trong lòng hội viên và độc giả thành phố. Căn nhà số 62 đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, lúc đầu như một nơi xa vắng, tưởng hội viên không thèm ghé qua vì ở khá xa trung tâm, nhưng chỉ sau vài năm trở thành cái địa chỉ quen thuộc của những hoạt động văn học của thành phố. Ở đó là nơi phát động hai cuộc thi văn học mà sau nầy trở thành những giải thưởng văn học có giá trị của thành phố và của cả nước. Đó là cuộc thi viết cho thiếu nhi “Vì tương lai đất nước”, phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ, và năm 1994 là cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi 20”, Hội cùng làm với báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.

Tưởng cũng nên nhắc lại cái thời ở Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh. Bởi ở đó bên cạnh công tác đối nội là tiếp đón các nhà văn trong nước, thì số nhà 62 còn là địa chỉ của những buổi thăm và làm việc của các đoàn nhà văn, nhà báo nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp… Lãnh đạo thành phố đến Hội Nhà văn TP không phải vì công tác mà đôi khi là tư tác. Nhưng những chuyến tư tác như thế luôn được anh Năm Sáng tận dụng tối đa để tranh thủ những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho Hội. Không lãnh đạo nào đòi hỏi Hội phải làm việc này, việc kia, mà đòi hỏi chưa chắc anh Năm thi hành. Chỉ có trao đổi một cách bình đẳng, anh Năm sẽ có cách biến những điều băn khoăn trăn trở của lãnh đạo thành phố thành những hành động thiết thực của hội viên thông qua tác phẩm và thông qua nhiều hoạt động khác.

Trong thời gian công tác ở Hội, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chưa bao giờ xem văn phòng Hội là một cơ quan công quyền, cơ quan hành chính. Anh động viên cán bộ nhân viên Hội tham gia học tập, làm quen, chăm sóc các nhà văn theo khả năng giao tiếp của bản thân và khả năng chăm lo của Hội. Thật ra lúc đó, Hội cũng có một số vốn nho nhỏ thu từ nguồn quản lý phí của tạp chí Kiến thức ngày nay. Khả năng tổ chức vận động tài trợ của một số mạnh thường quân mà trong đó không ít người là bạn bè và người hâm mộ anh Năm Sáng.

Hai mươi năm đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và gần 10 năm là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bằng sự cởi mở của mình đã tạo nên một không khí văn học thật thoáng đạt. Ông làm bạn với rất nhiều người với rất nhiều chính kiến khác nhau, với ông họ luôn luôn là bạn, dù trên diễn đàn có thể người này không đồng tình với người kia, nhưng tất cả là bạn Năm Sáng. Có người xem sự thoải mái của anh là một sự giễu cợt. Còn anh, anh đối đãi hết mình với bạn cũng như với hội viên. Với anh không có khái niệm nhà văn lớn, nhà văn nhỏ, bởi cái sự lớn hay nhỏ là do tác phẩm và do mối quan hệ mà hình thành.

Ông sinh ra vào trước Tết với những lo toan cho một mùa xuân mới và ông ra đi khi mùa xuân vừa mới về. Âu cũng là một chuyến đến và đi khỏi cuộc đời mà nhiều người mong ước.

P.S.S