Nhà văn Văn Thành Lê: Để thế giới chú ý là cả chặng đường gian nan

773

Hồ Sơn thực hiện

Với lịch sử hơn 550 năm tính từ sự kiện mua bán bản thảo đầu tiên được mở vào năm 1454, Hội chợ sách Frankfurt năm 2019 vừa kết thúc sau 5 ngày diễn ra. Phóng viên có cuộc trò chuyện với nhà văn Văn Thành Lê (NXB Kim Đồng), người trở về từ Hội chợ sách Frankfurt để hiểu thêm về hội chợ sách lâu năm và lớn nhất thế giới hiện nay.

Nhà văn Văn Thành Lê tại Hội chợ sách Frankfurt 2019

Pv: Đây là lần đầu tiên anh đến với Hội chợ sách Frankfurt. Ấn tượng của anh về hội chợ sách năm nay? 

Nhà văn Văn Thành Lê: Tôi ngỡ ngàng về tầm vóc của nó. Theo ban tổ chức, hội chợ sách năm nay ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng người tham gia: Tổng số khách tham quan là 302.267 người, trong đó 47% là khách thương mại (người trong ngành xuất bản) và 53% là khách vãng lai; số nhà triển lãm là 7.450 đơn vị đến từ 104 quốc gia.

Vé vào cửa hội chợ sách là 75EUR/ngày. Đây quả thực là một số tiền không nhỏ. Khách tham quan sẽ thu được những gì khi tham dự? 

Chỉ 2 ngày cuối ban tổ chức mới bán vé cho khách tham quan, trước đó là để cho các đơn vị giao dịch bản quyền. Dân số Frankfurt hơn 700.000 người, theo số liệu trên thì có 160.000 người, tương đương 1/4 người dân đến với hội chợ sách. Đây là con số mà nhiều nơi mơ ước. Tôi nghĩ, đây là nét đẹp trong văn hóa của người dân sở tại. Như một độc giả chia sẻ với chúng tôi, năm nào chị cũng đến hội chợ sách, để tìm những cuốn sách cũ hoặc mua sách mới mà sau khi trưng bày, các gian hàng bán giảm giá để khỏi phải đưa về.

Trong những ngày này, đặc biệt là 2 ngày cuối, trên tàu điện hay các phương tiện công cộng hầu như đều gặp người đeo thẻ vào hội chợ. Rất đông những người trẻ hóa trang thành các nhân vật trong truyện, khiến mình ngỡ như lạc vào lễ hội hóa trang. Dường như với người dân, đây là những ngày hội, đến hẹn lại lên và hội chợ sách cũng vui như lễ hội… uống bia.

Điểm nổi bật nhất về sách của hội chợ sách lần này là gì? 

Dòng sách về môi trường với những đề tài có tính thời sự như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa, sống xanh – sống sạch… được nhiều NXB triển khai với các hình thức phong phú. Một số NXB còn nhanh nhạy đến mức đã kịp xuất bản sách về Greta Thunberg, nhà hoạt động vì môi trường 16 tuổi mới nổi lên trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, sách tôn vinh nữ quyền nói riêng và các nhân vật truyền cảm hứng nói chung cũng xuất hiện nhiều, với hình thức kiểu Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính mà NXB Kim Đồng đã và đang khai thác. Xu hướng sách đẹp, sách tranh đầu tư mạnh về mỹ thuật vẫn đang được giới làm sách quan tâm và đầu tư; các ứng dụng dựa trên công nghệ được nhiều đơn vị làm sách thực hiện; chuyển đổi số mở ra cho ngành xuất bản và các lĩnh vực sáng tạo hướng tiếp cận mới về bán lẻ và phân phối.

Năm nay, Việt Nam tham gia Hội chợ sách Frankfurt bằng gian hàng Hà Nội – Việt Nam rộng 140m2, và có sự tham gia của 12 NXB, đơn vị. Từ sự quan sát của mình, anh thấy độc giả của Frankfurt quan tâm đến gian hàng của Việt Nam ra sao?

Phải thành thật với nhau, là khu vực các gian hàng châu Á trầm lắng hơn các khu vực khác, nhất là so với châu Âu; dù cho gian hàng của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc quy mô hơn nhiều nước lớn khác. Việt Nam chúng ta và các nước Đông Nam Á cũng tương tự, là một phần ở khu vực này. Tuy nhiên, sách và các hoạt động tại gian hàng của Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm nhất định của độc giả, giới nghiên cứu, dịch giả và kiều bào ở Frankfurt, nhất là hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian.

Ở Việt Nam hiện nay, độc giả cũng đang dần quen với những hội sách. Liệu chúng ta có thể học được gì từ Hội chợ sách Frankfurt? 

Về tính chất, các hội sách ở ta thiên về phát hành, tôi hay đùa là đứng về phe… xả kho và giảm giá; còn ở Frankfurt, hội chợ sách thiên về gặp gỡ, trao đổi, giao dịch bản quyền. Dẫu vẫn gặp nhau ở một số hoạt động giao lưu, quảng bá tác phẩm và trao đổi học thuật, nhưng để nói học hỏi được gì, chắc phải dành câu trả lời cho đại diện ban tổ chức các hội sách ở Việt Nam sẽ sát hơn.

Indonesia, một đất nước trong khu vực cũng đã trở thành Khách mời danh dự của Hội chợ sách Frankfurt. Trong tương lai Việt Nam có thể có được vinh dự này? 

Tôi chưa kịp tìm hiểu các quốc gia cần phải đáp ứng những yêu cầu/tiêu chí cụ thể như thế nào mới được trở thành Khách mời danh dự của Hội chợ sách Frankfurt. Tuy nhiên, ở góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ các loại hình nghệ thuật dân gian và ẩm thực cùng các nghệ nhân của chúng ta chắc chắn đủ sức thuyết phục độc giả quốc tế. Khó nhất là thực lực của văn chương và giới xuất bản Việt Nam. Vì với sách, chúng ta vẫn chủ yếu “khắc nhập” chứ chưa “khắc xuất” được bao nhiêu. Để trở thành trung tâm ở hội chợ sách thì phải có các cá nhân, tác giả đủ khả năng đối thoại, trao đổi ở các diễn đàn chuyên môn về văn học, chính trị, xã hội bằng tiếng Anh, đây là yêu cầu bắt buộc.

Vừa rồi nhà văn Hồ Anh Thái cùng đại diện một vài đơn vị xuất bản tham gia các diễn đàn tại Hội chợ sách Frankfurt, cho thấy chúng ta đã phát đi những tín hiệu tốt với ban tổ chức. Nhưng chúng ta cần nhiều hơn một nhà văn Hồ Anh Thái, để có thể trao đổi sòng phẳng, tự tin với bạn bè quốc tế. Quả là, giờ bước một bước là ra thế giới, nhưng để thế giới chú ý đến mình thì còn cả chặng đường gian nan và bao việc phải làm. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể.

(Theo SGGP)