Nguyễn Đình Chiểu – Nhân cách lớn một nhà thơ yêu nước

1940

Hoài Thư

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với tấm lòng kỳ vọng mong được chở đầy đạo lý làm người và tinh thần son sắt thủy chung dùng văn chương làm vũ khí đấu tranh chống kẻ thù chung của dân tộc, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho hậu thế những vần thơ nồng cháy ngọn lửa đấu tranh chan hòa đạo nghĩa.

Chân dung nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

Trong không khí tưng bừng của thầy trò trường lớp, năm học đầu tiên (1975) sau ngày thống nhất đất nước hồ hởi bắt đầu. Khi dạy các lớp Phổ thông Trung học tại trường Cấp 3 Thành phố Cần Thơ (nay là trường PTTH Châu Văn Liêm), tôi được soạn thêm một bài đọc vốn là một đoạn thơ lục bát khá thú vị trong sách giáo khoa để giảng cho học sinh vào buổi ngoại khóa môn Văn. Tên đoạn thơ được chọn làm tiêu đề là “Trong tổng tiến công, đọc thơ Lục Vân Tiên” của nhà thơ Hưởng Triều (1) trong đó hai câu mở đầu là: “Trong hầm đọc Lục Vân Tiên/ Bỗng nghe vó ngựa bình Phiên thuở nào…”. Tập thơ  Lục Vân Tiên được nhắc lại khiến tôi trong khoảnh khắc chợt lắng đọng miên man trong tim bao điều suy nghĩ về tác giả Nguyễn Đình Chiểu – một nhà thơ yêu nước lớn của đất Nam bộ thành đồng trong thời kỳ gian khổ đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc.

Tục gọi là Đồ Chiểu vì suốt đời làm nghề dạy học, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ra tại quê mẹ ở Gia Định nhưng nguyên quán là người Thừa Thiên (Huế). Ông xuất thân từ một gia đình Nho học, cha là Nguyễn Đình Huy vào làm Thư lại tại Văn Hàn ty cho Tổng trấn Gia Định – Tả quân Lê Văn Duyệt. Mẹ là bà Trương Thị Thiệt, vợ thứ của cha có với ông Huy được bảy người con (4 trai, 3 gái) mà Nguyễn Đình Chiểu là con trai đầu lòng. Lúc còn nhỏ ở nhà, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ dạy dỗ; lên 6, 7 tuổi theo học chữ Hán với một ông thầy đồ trong làng. Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời (1832), vì bất mãn với triều đình, con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi làm cuộc nổi dậy ở Gia Định rồi chiếm cả Nam Kỳ. Cha Nguyễn Đình Chiểu trốn ra Huế, bị cách hết chức tước, phải gởi con tiếp tục việc học cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế. Nguyễn Đính Chiểu sống ở Huế từ năm 11 tuổi (1833) đến năm 18 tuổi mới trở về Gia Định. Khi ông đỗ Tú Tài tại Gia Định (1843) có nhà họ Võ hứa gả con gái cho. Năm 1847, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế cùng đứa em trai là Nguyễn Đình Tựu (10 tuổi) để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Nhưng năm 1848, được tin mẹ mất ở quê nhà, vì quá thương mẹ, Nguyễn Đình Chiểu phải bỏ thi, cùng em trai trở về Nam chịu tang mẹ. Trên đường về xa xôi, gặp thời tiết khắt nghiệt, ông bị bệnh nặng, phải ở chữa trị tại nhà một thầy thuốc vốn là dòng dõi. Dù bệnh nặng không hết và sau đó bị mù nhưng tại đây, với lòng hiếu học, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã học thêm được nghề thuốc. Lâm cảnh mù lòa, ông bị hôn thê bội ước, nhà cửa sa sút… Gặp lúc hoạn nạn dập dồn, Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa nhà, chịu tang mẹ cho đến năm 1851 thì mở trường dạy học, bốc thuốc ở Gia Định. Tác phẩm đầu tiên Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có thể bắt đầu được sáng tác vào thời gian này. Tính tình hiền lành dễ mến nên dù bản thân và hoàn cảnh trong cảnh ngặt nghèo, nhà giáo – thầy thuốc Nguyễn Đình Chiễu vẫn sống với tấm lòng nhân ái với mọi người chung quanh, ai nấy cũng thương ông… Năm 32 tuổi (1854), anh học trò Lê Tăng Quỳnh cảm phục, thương tình cảnh thầy, đã xin gia đình tác hợp với thầy em gái mình là Lê Thị Điền (1835-1886), người Cần Giuộc – Long An.

Khi thực dân Pháp gây sự để xâm lược, nổ súng vào Đà Nẳng (1858), gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Việt Nam, chúng quay vào Nam đánh phá (1859). Thành Gia Định của nhà Nguyễn thất thủ, Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở quê vợ tại Cần Giuộc – Long An. Đau đớn trước sự bất lực của triều đình làm cho mất thành và thảm cảnh đồng bào điêu đứng chạy giặc, nhà thơ làm bài “Chạy giặc”. Khi những nghĩa sĩ nông dân dũng cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc (tháng 12/1861), Nguyễn Đình Chiểu xúc động, sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, và đọc tại lễ truy điệu các nghĩa quân đã hy sinh trong trận đánh này. Sau khi thực dân Pháp đánh lấy ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), theo phong trào tị địa, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình bỏ Cần Giuộc về Ba Tri (Bến Tre). Xa bạn bè yêu thương, nhà thơ làm bài “Từ biệt cố nhân” và ông vẫn tiếp tục dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ ca phục vụ cuộc đấu tranh của đồng bào Nam kỳ.

Một năm sau (1963), em trai út ông là Nguyễn Đình Huân theo theo nghĩa binh chống Pháp, hy sinh ở Cần Giuộc. Khi Trương Định, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp tại Gò Công, bị thương rồi tuẩn tiết (1864), nhà thơ xót xa làm bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn để điếu ông. Năm 1967, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản cùng Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông tổ chức đưa di hài nhà giáo Võ Trường Toản () từ Gia Định về Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu đã có mặt dự lễ. Cùng năm này, khi Phan Thanh Giản tuẩn tiết khi không giữ được thành Vĩnh Long, Nguyễn Đình Chiểu xúc động làm hai bài thơ thất ngôn Đường luật điếu ông. Một năm sau (1868), trước sự hy sinh của thủ lĩnh kháng Pháp là Phan Tòng tại Ba Tri, nhà thơ cũng đã làm mười bài thơ điếu. Tấm lòng kiên trinh trong sáng trước cảnh đất nước bị thực dân giày xéo và sự hy sinh cao đẹp của anh hùng nghĩa sĩ không chỉ phản ánh trong thi văn của kẻ sĩ yêu nước mà còn thể hiện khảng khái trong hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Không như Tôn Thọ Tường trắng trợn ra mặt làm việc với giặc, Nguyễn Đình Chiểu đã mạnh dạn từ chối lời mời hợp tác của viên tỉnh trưởng Bến Tre Michel Ponchon, thân hành đến tận nhà Nguyễn Đình Chiểu, với lời ve vản hứa trả lại cho nhà thơ ruộng vườn mà họ đã chiếm đoạt. “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có xá gì” – Nhà thơ khước từ mọi hứa hẹn giúp đỡ của chính quyền thực dân nhưng yêu cầu được tổ chức lễ tế vong hồn Nghĩa sĩ Lục tỉnh và được quan đầu tỉnh trưởng chấp thuận.

Sau khi vợ ông là bà Lê Thị Điền mất (1886), nhà thơ quá buồn rầu lại thêm đau đáu vì cảnh nước mất nhà tan, nên lâm bệnh nặng và qua đời vào năm 1888 tại Ba Tri, Bến Tre. Trong số 6 người con (ba trai, ba gái), nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và con trai Nguyễn Đình Chiêm đều có tiếng trong giới văn chương.

Sư nghiệp văn học quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu coi như được hình thành từ cuộc đời hết sức đặc biệt và nhân cách vô cùng đáng kính của một nhà thơ yêu nước. Tác phẩm của Đồ Chiểu có: + Lục Vân Tiên (truyện thơ chữ Nôm, viết theo thể lục bát, sáng tác khoảng 1851) gồm 2082 câu, được coi là tác phẩm chủ đạo của văn học Việt Nam trong giai đọan đầu của thời kỳ kháng Pháp được khắc in lần đầu tại Trung Quốc (trước 1864) và được các nhà văn như: Aubaret, Abel de Michels. Bajot… dịch ra tiếng nước ngoài; + Dương Từ Hà Mậu (truyện thơ chữ Nôm, viết theo thể lục bát xen lẫn với thơ Đường luật và các thể khác, sáng tác khoảng 1854) gồm 3.456 câu do Phan Văn Hùm soạn và hiệu đính (NXB Tân Việt, 1964 – Sài Gòn); + Ngư Tiều y thuật vấn đáp (viết theo thể lục bát, xen lẫn với một số bài thơ ca, phú… dẫn lại từ sách Trung Quốc, có thể soạn vào khoảng 1967). Đây cũng là một tập truyện thơ Nôm, chủ yếu dạy làm thuốc chữa bệnh nhưng rất có giá trị vì nhà thơ đã lồng tư tưởng yêu nước vào tác phẩm. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn để lại gần 40 bài thơ và văn tế, trong đó có bài nổi tiếng đã được đưa vào chương trình Văn học các lớp Phổ thông Trung học như: Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861)…; và nhiều bài khác như Văn tế Trương Định (1864), Thơ điếu Thanh Giản (1867), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh, Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, Ngọn gió đông, Thà đui mà giữ đạo nhà…. Riêng tác phẩm Lục Vân Tiên, cũng đã được giảng dạy ở lớp Đệ Ngũ (nay lớp 8) bậc Đệ Nhất cấp từ trước năm 1975.

Với những cống hiến to lớn và cao cả cho văn học và đất nước, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã được vinh danh một cách xứng đáng. Sau khi nhà thơ qua đời, toàn thể khu đền thờ và phần mộ tại Bến Tre đã được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa. Trong thời nhân dân chống Mỹ cứu nước, một giải thưởng văn học mang tên Nguyễn Đình Chiểu (1965) dành tặng cho những tác giả và tác phẩm nổi bật về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm trong lĩnh vực văn nghệ ở miền Nam. Ngoài ra, rất nhiều đường phố ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và Cần Thơ, Hải Phòng, Huế, Đà Nẳng, Đà Lạt… Ngay từ thời cộng hòa trước 1975, tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), một trường Trung học được mang tên ông và ở Sài Gòn, một trường học dành cho học sinh khuyết tật cũng mang tên Nguyễn Đình Chiểu.

Chủ đề bàng bạc trong suốt nội dung tác phẩm văn học thể hiện qua nhân vật và của từng chặng cuộc đời Nguyễn Đình chiểu, là chiếc lăng kính trong sáng đã phản ánh trung thực chân dung đường bệ cùng với nhân cách đĩnh đạc của một nhà thơ yêu nước lớn của dân tộc. Tư tưởng chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo nghĩa và đấu tranh cho chính nghĩa luôn nhất quán trong tác phẩm của ông: Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ… Trong cuộc đời nghiệt ngã, nhà thơ vẫn giữ vững khí tiết của bậc trượng phu: Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương. Giữa cảnh điêu đứng tóc tang do bọn xâm lược ngoại chủng gây nên, với lòng thương dân mến nước, tác giả không sao tránh khỏi chạnh lòng: Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim nháo nhác bay…/ Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây. Lòng yêu nước thương dân, tinh thần trung hiếu tiết nghĩa còn thể hiện trong các nhân vật chính diện: Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, Hớn Minh, Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên, ông ngư, ông tiều… theo đúng tinh thần đạo lý của tiền nhân. Nhân vật phản diện được thể hiện qua các nhân vật: Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Võ Thể Loan… trong tập truyện thơ Lục Vân Tiên, bài Văn tế nghĩa sĩ Cân Giuộc…  Với tấm lòng kỳ vọng mong được chở đầy đạo lý làm người và tinh thần son sắt thủy chung dùng văn chương làm vũ khí đấu tranh chống kẻ thù chung của dân tộc, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho hậu thế những vần thơ nồng cháy ngọn lửa đấu tranh chan hòa đạo nghĩa: “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”… thật gần gũi với nhà thơ liệt sĩ Trần Quang Long (1941-1968): “Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/ Xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài thơ thành kiếm sắt/ Chặt đầu văn nghệ tay sai” (Thưa mẹ trái tim). Ngần ấy điều đã minh họa được chất thép cần có trong trong thi ca chiến đấu của Hồ Chủ tịch: “Nay ở trong thơ nên có thép”. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã thực sự thể hiện được cái hào khí Đồng Nai của một miền Nam thành đồng tổ quốc. Trong tờ đặc san Xuân Nắng Mới (năm 1973) của trường Trung học Đệ nhị cấp Cái Răng (nay là trường PTTH Nguyễn Việt Hồng), Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Thành – giáo viên Văn chủ biên tạp chí – đã trân trọng bày tỏ niềm tôn kính Nguyễn Đình Chiểu trong một bài viết có nhan đề: “Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ yêu nước lớn, nhà giáo lý tưởng của dân tộc”.

Nhận định về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có ý kiến thật xác đáng khi đánh giá Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc: “Nguyễn Đình Chiểu là một người chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Nhân dân địa phương thường truyền lại: Trong ngày tiễn đưa Nguyễn Đình Chiểu đến nơi an nghỉ nghìn thu, cảnh bà con hiện diện, đã khiến cho cánh đồng An Đức, Bến Tre rợp trắng khăn tang, đã nói lên tấm lòng ngậm ngùi tiếc thương ngưỡng mộ một thi tài yêu nước lớn của dân tộc.

04. 2020

H.T

*(1)  Hưởng Triều, còn gọi Nguyễn Trương Thiên Lý, Nguyễn Trương Thiên Lý, Trần Bạch Đằng, Trần Quang… tên thật là Trương Gia Triều (1926-2007), là nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn, nhá báo… nổi tiếng cả hai thời kỳ trên nhiều lĩnh vực văn nghệ.