Nhà Thơ Ngã Du Tử
Tiệc Thơ
Nghiêng vai chào hạt nắng rơi,
Tiếng chuông thăm thẳm chiều vơi mắt ngày
Đôi rèm trinh nữ mơ say
Hoàng hôn khép cửa trăng bày tiệc thơ
(Nguyên Hải)
Bất ngờ, với dòng thơ lạ của Nguyên Hải đăng trên trang trannhuong.com, tôi thích thú đọc và cảm nhận, thì ra trong bất cứ con người nào sự đa diện cắt lớp của từng mảng đời sống vô cùng sống động trong từng cá nhân trước cõi nhân sinh tự cổ nầy, tùy duyên, tùy cảnh mà cảm thức của đời sống qua cái nhìn lăng kính tâm hồn phản chiếu lại bằng ngôn ngữ vô ngần lung linh, ảo diệu .
Bài Tiệc thơ là một dẫn chứng của Nguyên Hải chỉ tứ tuyệt lục bát mà nhiều chiều ngữ nghĩa nếu người đọc suy luận theo chiều cảm nhận của mình, và chiều nào cũng lý thú.
Nghiêng vai chào hạt nắng rơi
Mỗi ngày, mặt trời thức giấc chúng ta trân quý vì ta còn hiện hữu, còn biết chúng ta đang dự tiệc trần gian, ‘chào hạt nắng’ là chào sự sống còn tồn sinh, thân ta còn thì ý thức còn dù cuộc sống cá nhân có thể nào đi nữa vũ trụ vẫn không ngừng hoạt động và đời sống luôn tiếp diễn với biến động tích cực.
Tiếng chuông thăm thẳm chiều vơi mắt ngày
Tiếng chuông là tiếng gì mà thăm thẳm thế? Có thể là tiếng chuông tụng niệm nhà bên dội lại, cũng có thể tiếng chuông chùa ở đâu đó ngân nga, cũng có thể là tiếng chuông nhà thờ nào vọng qua, trong cung bậc nầy, mọi đối đải trong tâm thức hình như không còn nữa, trả lại sự rỗng rang tâm hồn cho nên đó phải chăng là tiếng chuông thần duyệt, tiếng gọi của đời sống, hay tiếng gõ của tâm linh trong thăm thẳm nghìn trùng nghìn xưa vọng về của tư tưởng triết lý sống phương đông đa sắc, đa tầng, nói đến đây tôi chợt nhớ đến Phạm Tường trong ‘Gõ Thức Chân Mây’ câu thơ ‘hồn chuông thần duyệt nghìn xưa vọng về’ khi người ta lắng lòng để lắng nghe, có thể nghe được ngay cả hồn của tiếng chuông ngân, và có thể hiểu được cây lá .
Vì vậy, Con người mãi mê tìm tòi hết thế hệ nầy đến thế hệ khác vẫn chưa tìm thấy chân lý thực thể của nó, càng thú vị hơn khi đáp số cứ ẩn hiện như thực mà chưa phải là thực rồi biết bao thức giả nổ lực, say sưa tìm kiếm rồi ngày vơi dần, đời người đã được tạo hóa định đoạt vẫn chưa thấy đích đến, thì ra ‘chiều vơi mắt ngày’ là vậy phải không ? Mỗi ngày qua đi chúng ta cứ miên man suy nghiệm những gì đã qua, thực tế mang vác với cõi người, cõi đòi đầy cam go nhất là đối với người chính chuyên viết lách – thi nhân, cuộc sống bao giờ cũng khó về vật chất, có một điều rất thực rằng : ‘cán cân giữa vật chất và tinh thần, nếu thấp về vật chất thì tinh thần cao, và ngược lại’ vì vậy văn, thi nhân còn thấy niềm đam mê trong cuộc hành trình không đoạn kết với con chữ có hồn của nó.
Một cách nhìn khác, ngày sắp hết- một quãng đường thời gian, một quãng đường đời người mà chúng ta chưa nhận diện được giá trị đích thực của đời sống ở khoảng tần suất nào. Thì ra ta vẫn còn u mê lầm lủi đi trong sa mạc mù khơi cứ hối hả, vội vã băng băng những bước chân thoăn thoắt mà chưa biết đi về đâu, nói như kiểu ‘Phụng hiến’ của thi sĩ họ Bùi : ‘ngày sẽ hết, ta sẽ không ở lại/ ta sẽ đi và chưa biết đi đâu’ hóa ra trú ngụ trần gian nầy cứ trách nhiệm kiếm sống để tồn tại, ảo tưởng rằng ta đi đúng với sơ đồ đã chọn, nào hay chọn lựa cũng từ phía nào đó của nhân duyên, định phận để ta dính mắc với nhân gian, cùng thế gian, một chút tự tại cũng khó có được vì đời sống cứ lẫn quẫn lặp đi, lặp lại đều đều có khi nhàm chán mà đôi khi ta muốn hét la cho ngôn ngữ tuôn trào trong ‘hố thẳm tư tưởng’ bừng dậy như tiếng ‘sư tử hống’ thuở nào, nhưng chúng ta chưa đủ lực bèn gửi vào thi ca ngôn ngữ ảo diệu chút thần lực khiêm hòa.
Đôi rèm trinh nữ mơ say
Sự khép mi của người trinh nữ để cảm nhận, để suy tư về cuộc đời còn trinh nguyên, đời sống còn trinh trắng chưa bị vẫn đục của con người vốn tham lam và ích kỷ trước dung nhan đang tràn trề ý sống qua lăng kính của đôi mắt mình với bao kỳ vọng cho một tương lai tươi tắn, xán lạn huy hoàng bởi ‘mùa xuân là mùa của tuổi trẻ’ ồn ào và sinh động, náo nhiệt và nông nổi, người trinh nữ ấy có quyền mơ giấc mơ về đời mình thật đẹp khi ‘chiều vơi mắt ngày’ trời bảng lãng buông hoàng hôn, cũng thơ mộng và thi vị đấy chứ ; hay là, ở một cách nhìn khác: – dáng chiều đã buông mành lá trinh nữ khép lại mơ say một hoàng hôn đang dần về trong ánh trăng lung linh mà người thơ cảm nhận được trong cõi đời, cõi người thậm chí trong cõi vật như bức tranh trác việt của tạo hóa ban tặng, hà cớ gì thi nhân không bày tiệc thơ để thưởng ngoạn:
‘hoàng hôn khép cửa trăng bày tiệc thơ’
Ở đây trăng bày tiệc hay ta bày tiệc thơ, có lẽ cả hai, thi nhân vừa thọ lãnh vừa thụ hưởng.
Tóm lại, đây là bài thơ vỏn vẹn 4 câu thế nhưng thi tâm, thi tứ, thi cảnh, thi ngôn vô cùng thú vị, thậm chí nhiều giai tầng mà ai đứng chiều nào nhìn cũng cảm nhận được, thậm chí những người có tâm hồn khi thưởng ngoạn trăng đang soi rọi vạn vật, xuyên qua cành cây kẻ lá hình như tác giả đã nói giùm mình trong hoàn cảnh ấy.
Về hình thức là thể loại lục bát tứ tuyệt, lục bát là thể loại rất dễ làm nhưng lại khó hay, song nhờ ngôn ngữ và hình ảnh rất mới, lạ như chiều vơi mắt ngày, hoàng hôn khép cửa’. Riêng tôi câu thơ ‘tiếng chuông thăm thẳm chiều vơi mắt ngày’ như có thần lực hình như bậc thánh thi nào nhập thần váo tác giả để tác giả viết vào. Hình ảnh thơ lạ ‘chiều vơi mắt ngày, hoàng hôn khép cửa’ ai cũng hiểu được không phải nhào nặn để đánh đố ngữ ngôn như những tác giả khác cố gồng lên dùng những ngôn ngữ lạ, kiêu kỳ ở từng chữ nhưng thành câu thành thơ thì chẳng thể nào hiểu nổi họ muốn nói điều gì dù đã cố gắng chiêm nghiệm .
Thơ là tình, cảm xúc của trái tim – cung bậc ấy được nâng lên thành thi ca thì sức cảm nhận của mỗi độc giả, mỗi người mỗi cách chẳng ai giống nhau, càng đọc càng chiêm nghiệm càng thấy lung linh, bát ngát trong cánh đồng văn chương vô tận, vô biên. Cho nên thi ca vẫn muôn đời tồn tại bất kỳ ở tình trạng nào, hoàn cảnh nào trong cõi nhân gian.
N.D.T