Võ Thị Như Mai
Thạc sĩ giáo dục – dịch giả Võ Thị Như Mai.
(Đọc tập thơ “Những mùa hoa anh nói” – Thơ Trương Anh Tú – NXB Hội Nhà văn 2018)
Giấc mơ tuổi thơ – “Chỉ có bầu trời là mãi mãi trong xanh”
Hãy nhắm mắt lại vài giây trong tĩnh lặng, nhớ về một ký ức tuổi thơ. Tuổi thơ của tôi là ngôi trường làng bé nhỏ sau rặng tre, vài viên phấn trắng, tấm bảng đen, tiếng giảng bài sang sảng. Tuổi thơ là giờ đọc truyện tranh, khi rong ruổi làng trên xóm dưới suốt mùa hè, là khám phá mộng mơ, rơi vào mọi rắc rối chỏng chơ để rồi tự giải thoát oai phong hùng dũng.
Tuổi thơ bây giờ là cơ hội chơi đùa giảm đi, là chiếc cặp nặng trĩu với mười hai giờ học văn cho một tuần, là những câu chuyện lê thê, những bài thơ ngôn từ không dễ hiểu. Tuổi thơ bây giờ là buổi tối mẹ đánh vật cùng con ráp âm, đánh vần, nét viết.
Giấc mơ về một tuổi thơ trong lành của Tú, là chiếc thuyền giấy, cánh sen, những gam màu; khi vi vu trên đồng thả cánh diều bay vào bầu trời xanh trong; là tiếng chổi tre bà quét, món quà đêm Noel, ông sao tháng tám và những lễ hội.
Tuổi thơ cần được nuôi dưỡng. Bởi vì khi trẻ chơi với nhau, chúng tự thỏa hiệp, tự hình thành kỹ năng và giải quyết vấn đề. Khi chơi đùa, trẻ sẽ tự sáng tạo.
Cả tập thơ “Những mùa hoa anh nói” gồm 7 phần là dòng chảy tuyệt vời mà rất nhiều bài có thể đưa vào sách giáo khoa, sách tham khảo trong nhà trường, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ, để sáng tạo của các em từ đó mà nảy nở. Những bài thơ gãy gọn, từ vựng trong sáng, quen thuộc, nhịp điệu thanh thoát, dễ đọc và có thể cảm nhận được ngay.
Bìa tập thơ “Những mùa hoa anh nói” của Trương Anh Tú.
“Ngàn năm hoa vẫn nở/ Biển có cạn bao giờ/ Những con đường không ngủ/ Sáng lên bằng giấc mơ”.
“Ánh trăng mỏng như dải lụa/ Trong veo mặt nước ao nhà/ Chú ếch giật mình sợ ngã/ Vào lòng mùa thu bao la”.
“Bà đi nơi chín suối/ xa xôi nơi chín đèo/ nhớ bà gầu giếng khóc/ im lìm nước trong veo”.
“Mặt trời đỏ như quả gấc/ như xôi mẹ nấu những ngày/ như chiếc lá bàng em nhặt/ tuổi thơ xếp tận trời xanh”.
Giấc mơ tuổi thơ mang tính giáo dục cao (1). Trẻ em cần có một tuổi thơ vui chơi đùa nghịch. Khi lớn lên, ký ức tươi đẹp luôn hiện về. Trên mỗi chặng đường người trưởng thành đi qua, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng chúng ta sẽ lấy lại được nguồn năng lượng và năng lực xây dựng được từ những ngày thơ ấu để làm bước đệm cho thời kỳ trưởng thành.
“Hôm nay, khi xa mẹ/ Tôi nhặt được cả những chiếc lá đổi màu/ Những khuôn mặt sáng, tối, lẫn lộn/ Những gam màu nhạt phèo trên phố/ Chẳng thấy màu xanh của cây/ Màu hồng của lửa/ Những gương sắc tuyệt vời/ Mẹ tôi vẫn âm thầm sau giá vẽ”.
Giấc mơ tuổi thơ là để chúng ta chiêm nghiệm, thưởng thức, để có cái nhìn thấu đáo hơn, vị tha hơn; biết quan tâm và kết nối với người khác về mặt cảm xúc; hợp tác thay vì cạnh tranh; tự giải quyết vấn đề thay vì lo lắng luẩn quẩn và rối loạn tinh thần. Tuổi thơ trong veo là nơi ta sẽ tìm về, sẽ nương vào và tập đứng lên cho một khởi đầu mới.
“Tôi giàn giụa bên những giọt sương/ những giọt nước mắt ấm nồng của đất/ Chỉ có bầu trời là mãi trong xanh”.
Đôi mắt – “Trong lặng im hạt cát/ Đã bao lời biển khơi”.
Rồi thì tuổi thơ êm đềm trong vòng tay ấm của mẹ cha cũng dần trôi qua. Hành trang lên đường là đôi mắt, là những ưu tư trở trăn giữa thế giới lồng lộng kiếp người. Tự hỏi ta là ai, ta sẽ đóng góp những gì, cho đi những gì và đâu là ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Nơi này bình yên nhưng ở đâu đó trên trái đất vẫn còn nước mắt. Chỉ có lòng nhân hậu và vị tha mới có thể đem lại hòa bình cho nhân thế. Những thông điệp ấy lấp lánh trong các câu thơ đầy triết lý của Trương Anh Tú, hòa giữa cảnh với tình, giữa cái tâm thánh thiện và lòng yêu thương. Ta không chỉ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt mà bằng cả trái tim nhân hậu. Điều đó làm nên độ nhân bản (2) của thơ Tú.
“Bao nhiêu mùa lá đổ/ Bao nhiêu mùa lá rơi/ Bao nhiêu năm không ngủ/ Hay bao nhiêu năm cười”.
“Con ơi khó lắm/ Hai tiếng Con Người/ Câu ca cha đọc/ Con mang theo đời”.
“Hoa hậu là khi em biết/ Cất lên tiếng nước non mình/ Hoa hậu là khi em biết/ Tỏa hương như cánh hoa xinh”.
“Lũ quét mặt đất/ Bao nhiêu cuộc đời/ Vượt qua cơn lũ/ Là trời xanh thôi”!
“Còn một đôi mắt nữa/ Lặng trong trái tim tôi/ Mai sau dù nhắm mắt/ Vẫn long lanh lệ trời”.
Mặt đất và bầu trời – “Anh hóa bầu trời/ Anh cũng là mặt đất”.
Từ cái nhìn khách quan về cuộc sống đa chiều nhà thơ trở về với chính mình, đặt những câu hỏi. Tú “bay qua thân phận” để hóa bầu trời, hóa mặt đất, hóa chiếc lá, hóa mùa thu, hóa cánh hoa quỳnh “trắng đêm cùng đêm trắng“. Tú tìm thấy câu trả lời trong chính vẻ đẹp chân thành của đời sống, với niềm tin về một điều kỳ diệu cuối cùng sẽ đặt chân, khai mở và xây nên mảnh đất tình người (3).
“Lặng im/ Lặng im/ Khi đời gõ cửa/ Nhà thơ/ Nhà thơ/ Anh còn một nửa!/ Bao nhiêu nước mắt/ Giấu trong hoa rồi/ Chào anh lần cuối/ Cái ác lên ngôi”!
“Ngày ngày tôi soi mình trong nước/ Khuyết đâu một nửa hồn tôi!/ Ngày ngày tôi soi mình trong nước/ Đau đau/ Bóng vỡ tan rồi!/ Ngày ngày tôi soi mình trong nước/ Long lanh/ Tôi sũng bóng tôi”.
“Nghe một nốt nhạc xanh/ Trong hạt sương buổi sớm/ Trái tim như trẻ lại/ Tan ra thành ban mai”!
Lời tình yêu – “Tình yêu như cánh chim/ Bay đi phía cuối trời”.
Bôn ba trên những ngả đường nhiều lối rẽ, nhiều lựa chọn, nhưng với tình yêu chỉ có một con đường trong trái tim cháy bỏng. Tú định nghĩa, tình yêu “cho đi không lấy lại/ như ngọn lửa trong đời”; tình yêu là cánh chim, là ngọn núi, là “một yếm trăng đầy”, là ánh sáng “chẳng bao giờ chịu tối”… Tình yêu trong thơ Tú có linh hồn, thần thái, có cảm xúc trong tư tưởng, nhịp điệu trong ngôn từ, đủ quyến rũ mà tinh tế, đủ giản dị mà rung động, đủ mới và đầy nội lực. (4)
“Trái tim nhỏ nhoi/ trái tim lặng lẽ/ mới được chào đời/ từ phút/ hôn em”!
“Tình yêu là ánh mắt/ nghiêng trên mặt hồ xanh/ gieo vào muôn con sóng/ nổi giông bão trong anh”.
“Những người đàn bà đi ngang qua cuộc đời/ chỉ giữ lại riêng mình nước mắt/ họ như giọt sương/ long lanh bao đời/ cho đất nở hoa thôi”.
“Anh vẽ em màu nắng/ Anh vẽ em màu mây/ Bằng bao nhiêu màu nhớ/ Từ tháng ngày thơ ngây”.
“Tôi dùng ngôn ngữ riêng/ Thứ ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt/ Trò chuyện với cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái”.
Những mùa hoa anh nói (Một mẩu đối thoại)
Như một thước phim quay chậm, một mẩu đối thoại, có thể ở đâu nhỉ, một tiệm hoa nhỏ bên đường, vị khách dừng lại và chọn một bó hoa thích hợp nhất, để tặng người tình, dự một buổi lễ hoặc nhân dịp sinh nhật. Đặc biệt ngày hôm nay, sau một chặng đường phấn khởi nhưng mệt nhoài, một chặng đường khổ đau có, hạnh phúc có, ta bỗng nhớ lại hương tuổi thơ, con diều, cánh đồng, ngày ta một mình “tha thẩn trong không gian của mình như con kiến dại khờ”, ta nhớ “bóng bà bên bậu cửa”, ta nhớ mẹ “âm thầm sau giá vẽ”. Ta suy tư, bay bổng với những sắc màu biến hóa. Ta ngẫm nghĩ về đời sống, ta liên tưởng, ta hướng thiện, ta bao dung.
“Tôi yêu những mùa hoa/ Nhựa căng từ lòng đất/ Hương được hong từ gió/ Sắc được hái từ mây/ Cả hoa và cả lá/ Từ giọt sương vơi đầy// Cô bán hàng tư lự/ Chợt buồn rồi xa xôi/ Những mùa hoa anh nói/ Phải tự trồng anh ơi”!
Tú đã từng nói, chúng ta phải trồng nên lòng vị tha và khoan dung, nếu chúng ta không làm thì ai làm? Bổn phận và sứ mệnh của những nhà văn chân chính, của những người lương thiện là thế. Phải là người có tâm hồn, có đôi mắt thật sự nhân hậu thì người ta mới có thể nghe hết mọi thứ, kể cả những điều tưởng như là khó khăn, nên bạn tôi ơi, hãy làm theo cái cách của một bông hoa nở. (1, 2, 3, 4)
Ngẫu hứng sông Hồng – “Hát đi em như tiếng dòng sông”.
Ta đã đi rất xa, mùa tiếp mùa, bánh xe thời gian quay tròn trong hành trình vô tận. Ta vịn vào tuổi thơ tươi đẹp một thời, để bắt đầu một đường mây. Đường mây của người con xa xứ có nhiều khoảnh khắc tĩnh lặng về thời gian và không gian để suy ngẫm, để hướng về nguồn cội, là mạch thanh xuân gắn bó, đính vào từng thớ thịt như hơi thở đất trời, là “sen nở trong ngần”, là “chân trần, áo vải”, là “tre trúc, rừng thiêng”, là hương, là mật và “đồng xanh bát ngát”. Trong suối nguồn uyên nguyên ấy (Hoàng Thụy Anh), ký ức quê hương và giá trị văn hóa được thơ Tú giữ gìn, nâng niu, mài dũa rất sáng, rất trong, gọn gàng và súc tích. (1, 2, 4)
“Trở về ký ức/ tôi như cánh chuồn bay trên sông/ chạm phải vai mình/ trên những cánh buồm/ khát gió”.
“Tiếng sáo thiên lương vút trên đồng nội/ Quê hương tôi”.
“Tan về đường xưa thuở tiếng bom rơi/ Ầm rung những mái nhà/ Lửa rực trời Hà Nội”.
“Hồng Hà song sánh/ Những cánh buồm nâu/ Chở mùa xuân đến/ Mặc đời bể dâu”!
“Hà Nội đã cho tôi những bước làm người/ Cho tôi cơn mưa mùa xuân/ Chiếc lá mùa thu/ Tiếng ve mùa hạ/ Thương những mùa đông hun hút gió mùa”.
Hát với trời xanh – “Ta ngồi bạc áo phong trần/ mai sau còn lại trong ngần trẻ thơ”.
Điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc, ta được sinh ra trọn vẹn rải những dấu chân thênh thang trên cõi đời này, ta lang bạt phiêu du trên những con đường khác nhau, những chân trời phương viễn. Nhưng ta luôn hướng về nguồn cội và thơ ấu trong ngần. Tôi không còn nhìn thấy Tú với cây đàn guitar mà tôi thấy một vẻ đẹp trí tuệ về ngôn ngữ, về những thông điệp mang tính giáo dục cao. Tôi thấy một “Mạch nguồn uyên nguyên”, một “Trái tim còn thức” và lời tình trần tha thiết “Hãy nở cùng tôi”. (Hoàng Thụy Anh). Tú không ích kỷ giữ những vần thơ đẹp long lanh cho riêng mình hay đánh bóng bản thân mà muốn vẻ đẹp lan tỏa trong nhân gian.
“Hãy nhìn trời cao/ Mây không biên giới/ Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ”!
“Trái đất này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm bầu trời/ Bầu trời này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm mây trôi”.
“Tôi có ngôi nhà nhỏ/ Cửa mở khắp phương trời/ Sáng nghe mặt trời dậy/ Đêm vàng ánh trăng rơi“.
“Thênh thang trong cõi vô thường/ Lẫn trong dâu bể … con đường màu xanh“.
Là một nhà giáo hơn hai mươi năm, tôi học được nhiều từ “Những mùa hoa anh nói“. Tôi mong ngày nào đó, một số bài trong tập thơ với hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ trong sáng, giản dị sẽ có thể dẫn dắt, là người bạn đồng hành và đối thoại với các em học sinh, để các em khám phá thế giới không chỉ qua nhận thức mà còn biết trân trọng giá trị thẩm mỹ, sáng tạo; gieo lòng nhân ái giữa người với người; gieo mầm xanh tình yêu với thế giới xung quanh; để các em đạt được mục tiêu chính là phát triển ngôn ngữ phong phú mạch lạc.
Với phạm vi hẹp của bài viết, tôi chỉ là chiếc cầu nối nho nhỏ, còn lại bạn phải tự cảm nhận khi đến với tập thơ “Những mùa hoa anh nói“. Bạn có thể ghép từ, tạo ngữ, chắp câu, nối vần để sản xuất ra hàng loạt bài gọi là thơ, nhưng sẽ không thể là những bài thơ có giá trị biểu cảm và có sức ảnh hưởng lớn nếu thiếu tính giáo dục (1), độ nhân bản (2), bản sắc dân tộc (3) và chất nghệ thuật (4) [Đỗ Quyên]. Tôi liên tưởng thơ Tú với một ngôi nhà tối giản Nhật Bản có giếng trời đưa ánh sáng tự nhiên từ tầng thượng xuyên suốt mọi ngóc ngách, với thế giới bao la của ngôi nhà thơ ca. Thơ Trương Anh Tú tối giản nhưng sang trọng, không đao to búa lớn mà lặng lẽ mở ra những chân trời.
V.T.N.M