Những ồn ào xung quanh cuốn ‘Vua Hàm Nghi’ của Phan Trần Chúc

577

Các tranh cãi liên quan đến cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc đã thu hút sự chú ý của dư luận báo chí và giới văn sĩ khai thác các đề tài lịch sử trong sáng tác của mình. Hệ quả của vụ tranh luận này làm nảy sinh ra những vấn đề khác, tác động có phần tích cực cho văn học Việt Nam, nhất là các tác phẩm viết về chủ đề lịch sử…

Truyện vua Hàm Nghi

Tháng 9/1935, Édition Nam Ký (Hà Nội) xuất bản cuốn truyện lịch sử “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc. Trước khi in thành sách, truyện này đã được đăng nhiều kỳ trên Hà Thành Ngọ Báo – tờ báo do Phan Trần Chúc làm chủ bút – từ ngày 11/6/1935.

Khi giới thiệu cuốn sách này trên Ngọ Báo, Phan Trần Chúc cho biết, mục đích ông viết cuốn “Vua Hàm Nghi” là để lấp vào những đoạn sử “chép rất lờ mờ” về giai đoạn này. Nhà văn cũng khẳng định: “Nhà làm sử dù có vì lẽ riêng mà che phủ nó đi thì người sau cũng tìm ra. Vì, người ta có thể đổi một chế độ, có thể xửa (sửa) lại một bức địa đồ, nhưng không ai có thể thay đổi lịch sử của một dân tộc” (Ngọ Báo ra ngày 31/5/1935).

Truyện “Vua Hàm Nghi” phục dựng bối cảnh thời vua Tự Đức cuối thế kỷ thứ XIX, triều đình nhà Nguyễn liên tiếp thất bại trước sự xâm lăng của quân Pháp. Khi vua Tự Đức lâm bệnh, triều đình trở nên rối ren. Trong triều mọi việc lớn nhỏ do hai nhóm chủ chiến (Nguyễn Văn  Tường và Tôn Thất Thuyết) và chủ hòa (Trần Tiễn Thành) chia nhau quản lý. Sau cái chết của Tự Đức, triều đình càng hỗn loạn. Vua Dục Đức lên ngôi chưa lâu lại bị phế lập. Vua Hiệp Hòa lên thay. Phan Đình Phùng vì mâu thuẫn với Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nên bị tống giam rồi bỏ về Hà Tĩnh chiêu mộ nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa. Quyền hành trong triều lúc này đều nằm trong tay “con hùm xám” Tôn Thất Thuyết.

Tháng 8/1883, Pháp tấn công và chiếm được cửa biển Thuận An. Triều đình Nguyễn buộc phải ký bản “Hiệp ước trên vũng máu”, thừa nhận sự bảo hộ của người Pháp. Tuy ép được triều đình nhà Nguyễn nhưng quân Pháp cũng hiểu rằng chừng nào để Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường ngoài vòng cương tỏa thì chưa thể bình định được nước Nam. Về phía các ông Tường- Thuyết cũng có ý đồ chuẩn bị cho việc đánh Pháp.

Chỉ trong vòng 3 năm, ngai vàng liên tiếp đổi chủ, từ Dục Đức đến Hiệp Hòa rồi Kiến Phúc. Ngày 1/8/1884, hoàng tử Ưng Lịch khi đó 14 tuổi đang sống vùng ngoại ô kinh thành bị bắt mặc long bào lên ngôi hoàng đế, hiệu là Hàm Nghi. Sau cuộc tấn công quân Pháp ở Kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết hộ tống vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Đôi lần vua Hàm Nghi cũng muốn quay về Huế nhưng Nguyễn Văn Tường kiên quyết ngăn cản. Nhưng sau khi chạy đến làng La Chữ thì Nguyễn Văn Tường lại trốn chạy, đến gặp Giáo sĩ Gaspar nhờ giúp đỡ để giao thiệp với Pháp (đây chỉ là chi tiết trong sách “Vua Hàm Nghi”, còn thực tế lịch sử không phải như vậy). Sau Tường bị Pháp đầy ra đảo Tahiti và mất ở đó.

Ở Tân Sở một thời gian, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết hộ tống ra châu Mường Mahasay. Trong lúc đó, ở triều đình, Thống soái Decourcy đưa Đồng Khánh lên ngôi vua, Nguyễn Hữu Độ được đứng đầu Viện Cơ Mật. Vua Hàm Nghi vượt đèo Quy Hợp về đất Hương Khê- Hà Tĩnh nơi phong trào kháng Pháp của Phan Đình Phùng đang rất mạnh. Tại đây, vua Hàm Nghi phát chiếu Cần Vương.

Dưới ngọn cờ Cần Vương, các cuộc chống Pháp nổ ra khắp nơi như Lê Trực ở Thanh Thủy; Đinh Nho Hạnh ở Vu Quy; Tống Duy Tân và Đinh Công Tráng khởi nghĩa ở Bắc Trung Kỳ…Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa đều bị quân Pháp dập tắt. Năm 1889, do Trương Quang Ngọc làm phản, vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đạm tuẫn tiết. Sau đó vua Hàm Nghi bị đày sang Phi châu.

Cuốn “Vua Hàm Nghi” được Édition Nam Ký in xong vào ngày 25-9-1935 với 2.100 bản, giá bán 0$70 (7 hào). Sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh cuốn sách này.

Nguyễn Triệu Luật: Ông Phan Trần Chúc bôi nhọ Quốc sử…

Sau khi “Vua Hàm Nghi” ra mắt, ngoại trừ một số tờ báo được tác giả tặng sách nên  theo phép lịch sự đăng giới thiệu với dăm ba lời tán dương nhợt nhạt, cũng có những ý kiến khen ngợi tỏ ra thành thực. Trên tờ Thanh Nghệ Tĩnh ra ngày 8/11/1935, tác giả Thúc Tề viết:

“… Khác hẳn với sách vở vua ta và của Pháp chép về đoạn sử từ vua Tự Đức đến vua Hàm Nghi chỉ một mực mạt sát Thuyết và vin vào sự thất bại của Thuyết mà hạ lời chê, ông Phan Trần Chúc, trong quyển “Vua Hàm Nghi” đã minh oan một cách hùng hồn cho Thuyết…

… Đối với sự phê bình trên lịch sử, ông Phan Trần Chúc đã dám đánh đổ những quan niệm mơ hồ, phù phiếm xưa.

… Với một lối văn lưu loát, ông viết ra những trang kiệt tác, vẽ lên những cảnh nhuộm máu của đoạn sử Tự Đức- Hàm Nghi. Sử ta chưa có quyển nào kể rành rọt bằng và tài liệu rồi rào (dồi dào) bằng.

… Đành rằng ông Phan Trần Chúc cũng tốn công bới lại đống sách nát, nhưng không phải chuyện ai cũng có thể làm được.”

Tờ L’oeuvre Indochinoise ra ngày 28/10/1935 cũng dành những lời khen ngợi nồng nhiệt:

“Công cuộc khảo cứu rất kỹ càng đó giựa (dựa) vào những tài liệu rồi rào (dồi dào) và viết bằng một lối văn lưu loát và linh hoạt đã đăng trong Ngọ báo, được độc giả rất hoan nghênh”.

Tuy nhiên, tác phẩm “Vua Hàm Nghi” cũng nhận không ít chỉ trích, thậm chí vô số “gạch đá” của một số người trong giới văn sĩ.

Một trong những người công kích kịch liệt nhất là nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Trên tờ Công Dân tháng 10/1935, Nguyễn Triệu Luật cho rằng Phan Trần Chúc- qua cuốn “Vua Hàm Nghi”- đã “bôi nhọ Quốc sử”. Thậm chí, những bài viết phê phán cuốn “Vua Hàm Nghi” của Nguyễn Triệu Luật trên báo Công Dân được in thành sách, xuất bản ngay trong năm đó (1935). Việc in hẳn một cuốn sách chỉ với nội dung phê bình một cuốn sách khác cũng là chuyện hiếm thời bấy giờ.

Nguyễn Triệu Luật đã phê phán cuốn “Vua Hàm Nghi” như thế nào?

Trong cuốn “Ô.Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử” (Phụ trương báo Công Dân tháng 10/1935), Nguyễn Triệu Luật chỉ ra hàng loạt những sai lầm, những “cái dốt” của Phan Trần Chúc như:

– “Dốt” về Quốc văn: trình bày văn phạm lủng củng, không rõ nghĩa (ví dụ như: “bảo vệ cho một ông vua” thì nên bỏ chữ “một”, hoặc “người trong thời thường chê Thuyết” thì nên thay bằng “người đương thời”..v..v..);

– “Dốt” về chữ Hán: sử dụng chữ Hán-Việt không đúng, tùy tiện không hiểu nghĩa (ví dụ như dùng chữ Mân Định, Mân Trinh, Bửu Lân là không đúng, phải là Miên Định, Miên Trinh, Bảo Lân…v..v..;

– “Dốt” dịch thuật tiếng Pháp ( Nguyễn Triệu Luật đưa ra nhiều ví dụ về việc Phan Trần Chúc dịch sai tiếng Pháp).

Bằng những lời lẽ châm biếm, mỉa mai sâu cay, Nguyễn Triệu Luật cho rằng tác giả Phan Trần Chúc tài học thuộc dạng “văn sĩ rốc bị” và không biết phương pháp viết sử, không biết sưu tầm tài liệu cũng chẳng biết dịch thuật. Nhiều chi tiết, sự kiện trong cuốn “Vua Hàm Nghi” được cho là chép sai so với chính sử cũng bị vạch ra như việc Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường mai phục bắt Phan Đình Phùng; quyền của Từ Dũ Thái Hậu không to như Từ Hi Thái Hậu; kể sai so với chính sử về cái chết của Trần Tiễn Thành hoặc “tầm bậy” trong cách dùng từ gọi Vua Hàm Nghi là “cậu bé” và bôi nhọ vua Hàm Nghi khi nói vua “ăn mặc rách rưới đang nô với lũ trẻ ngoài đường” và “run lẩy bẩy” khi sứ giả đưa áo hoàng bào cho vua mặc..vv..

Sau khi vạch hàng loạt các lỗi của cuốn “Vua Hàm Nghi”, Nguyễn Triệu Luật dè bỉu:

“Tôi nghe như ông Phan Trần Chúc có nói với anh em thân ông rằng: “Cái món sử dễ ăn lắm! từ nay cứ thỉnh thoảng tôi lại làm cái món ấy kiếm tiền tiêu”

“Cái ý định ấy, tôi xin can ông.

Trước hết món ấy không dễ ăn. Sau nữa Quốc sử không phải món ông đem ra buôn. Nếu ông muốn từ nay vục đầu kiếm tiền để mưu phú quý thì tôi xin ông buôn món khác.

Ông tha cho sử của nước xấu số này.”

Kết thúc bài viết, Nguyễn Triệu Luật hạ bút:

“…Ông Phan Trần Chúc, người đã bôi nhọ Quốc sử bằng cuốn “Vua Hàm Nghi”.

Hạng văn sĩ ấy- Hạng văn sĩ mà ông Phan Trần Chúc là một cái mẫu (un prototype)- họ có cái tật là: chưa vỡ bọng…đã đòi bay bổng. Đáng lẽ họ còn phải cắp sách đi học mươi năm nữa rồi mới viết văn mới phải. Đằng này không, họ muốn nổi danh ngay. Nếu họ chỉ vì miếng cơm manh áo mà muối mặt làm liều, điều đó ta còn dung được. Nhưng họ nên biết sức họ. Họ cứ viết trăng viết cuội, chẳng ai trách chi. Đàng này không, họ cũng nghiễm nhiên thấy họ là “học giả”, cái đó mới lộn tiết chớ! ….

…Năm xưa có nhà cách mệnh nói: “Tôi mà đã là chí sĩ thì thật vô phúc cho nước Annam”. Nối lời tiền bối, tôi cũng muốn nói rằng: “Tôi mà còn trông thấy người dốt trong văn học báo giới thật cũng vô phúc cho nước Annam”.

Quả là những lời phê lạnh tựa nước đá và buốt như kim châm! Người chả liên quan khi đọc những lời công kích này còn cảm thấy mặt đỏ rần như kiến bò huống chi là tác giả cuốn sách- ông Phan Trần Chúc.

Phan Trần Chúc: Không tranh luận với kẻ vô ý thức!

Đối diện với những lời công kích nặng nề, ông Phan Trần Chúc nói gì?

Trong bài viết “Tại sao chúng tôi không trả lời” đăng trên Ngọ Báo ngày 17-11-1935, Phan Trần Chúc trích dẫn nhận xét của một số tờ báo về cuốn “Vua Hàm Nghi” và bày tỏ lòng cảm ơn thành thực đối với những bài phê bình “có thái độ trung lập”.

Dù không nêu đích danh nhưng ngầm đáp trả Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc nói:

 “trong báo giới có kẻ- đứng vào số rất kém – nhân cơ hội cuốn “Vua Hàm Nghi” ra đời mà công kích cá nhân chúng tôi. Họ không phê bình sách: họ công kích người. Vì họ tin rằng với một vài khuyết điểm nhỏ nhặt trong cuốn “Vua Hàm Nghi”, họ có thể đánh đổ cái địa vị chúng tôi trong báo giới và trong văn học giới.

Ghen ghét là tính chung của rất nhiều người. Chúng tôi không trách.

Nhưng mấy ông văn sĩ đó dùng nhiều câu nói thô bỉ quá, không những không xứng đáng với nhà cầm bút đứng đắn, mà nó cũng không khi nào thốt ra ở ngòi bút của người mà chúng tôi dám nhận là kẻ thù. Họ tự đắc như người vừa tìm thấy Châu Mỹ…”

Ngoài việc giải thích một số câu hỏi của Nguyễn Triệu Luật như “Tại sao chép sử không theo phương pháp” và “Tại sao không dịch đúng các sách Tây”, những công kích và câu hỏi “ỡm ờ” khác, Phan Trần Chúc bỏ qua, không đếm xỉa.

Chua cay đối đáp chua cay. Cuối bài viết, Phan Trần Chúc không quên ném một câu bỏng rát vào đối thủ:

Chúng tôi chỉ tiếc là phải làm một việc bất đắc dĩ trong khi viết bài này. Vì đáp lại những câu hỏi ỡm ờ trên kia, tức là tranh luận với kẻ vô ý thức. Một cái tủi của ngòi bút”.

Thực ra Phan Trần Chúc lên án Nguyễn Triệu Luật “bỏ bóng đá người” không phải không có lý. Thông thường khi phê bình, người trung lập đánh giá mặt tốt và những khuyết điểm của cuốn sách một cách khách quan và công tâm. Tuy nhiên, xuyên suốt 28 trang sách “Ô.Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử”, Nguyễn Triệu Luật không có một dòng nào đánh giá đóng góp của cuốn sách. Ngoài việc chỉ ra một số lỗi dịch thuật hoặc sử dụng quốc văn lủng củng thì Nguyễn Triệu Luật dồn hết bút lực trong việc lục bới, bôi đen cá nhân như cho rằng Phan Trần Chúc là dạng “văn sĩ rốc bị” (ý là ví văn của Phan Trần Chúc đi cóp nhặt như bị thằng ăn mày), sức học không đáng bằng học trò của học trò Trần Trọng Kim hoặc nói đến “nhà học giả Phan Trần Chúc là hết thảy phải ôm bụng cười lăn”..vv..

Trong cuốn “Người xưa” (Nhà in Ngày Nay– Hà Nội), tác giả Việt Thường cũng không đồng tình với công kích có phần cá nhân của Nguyễn Triệu Luật, ông viết:

“Ông Phan Trần Chúc mới xuất bản cuốn “Vua Hàm Nghi”, ngoài những nhà phê bình thành thật ngợi khen hay chỉ dẫn một vài chỗ khuyết điểm, cũng có người nắm lấy một nhược điểm trong sách lên tiếng công kích om xòm như người ấy tìm ra Tân Thế Giới.”

Phan Trần Chúc cáo buộc Ngô Tất Tố “ăn cắp văn”

Tranh cãi giữa Nguyễn Triệu Luật và Phan Trần Chúc cũng chỉ dừng lại ở việc công kích nhau trên một số tờ báo mà chả đi đến đâu. Nhưng chuyện lùm xùm quanh cuốn “Vua Hàm Nghi” chưa vì thế mà chấm dứt. Lần này liên quan đến chuyện Phan Trần Chúc tố nhà văn Ngô Tất Tố “ăn cắp văn” của mình.

Chuyện là, cùng thời điểm Phan Trần Chúc ra mắt cuốn “Vua Hàm Nghi”, một cuốn sách khác có cái tên tương tự cũng xuất hiện. Đó là cuốn “Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ” in bởi Nhật Nam Thư Quán (102 Hàng Gai- Hà Nội). Tác giả cuốn sách này là hai cái tên ghi tắt, nửa kín nửa hở là N.t.tố và N.V. Sinh.

Cuốn sách này được báo Khoa Học ngày 15/8/1935 quảng cáo như sau:

“Sách mới: Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta đến ngày nay.

Có đủ hình ảnh như Vua Hàm-Nghi mặc triều phục hồi mới lên ngôi và ngày nay. Vua Tự Đức, Đồng-Khánh và Thành-Thái. Duy-Tân cùng các tướng Pháp Nam như Tôn-Thất Thuyết? Nguyễn Văn Tường. v.v…lại có nhiều tranh đẹp. Danh sĩ N.T.Tố soạn. NHẬT-NAM THƯ-QUÁN 102 Hàng gai Hanoi xuất bản. 16 trang lớn, giá 3 xu đã có số 6. Đã trọn bộ LỊCH SỬ ĐỀ-THÁM cả bìa 0$25.”

Sau khi biết xuất hiện một cuốn khác liên quan đến vua Hàm Nghi cùng thời điểm với cuốn sách mới ra của mình và có giá bán rất rẻ chỉ có 2 hào, chưa bằng 1/3 giá cuốn sách của mình,  Phan Trần Chúc vô cùng giận dữ. Trên tờ Ngọ Báo ngày 29/10/1935, nhà văn này ầm ĩ:

“Ai là thủ phạm trong việc đánh lận sòng cuốn “Vua Hàm Nghi”?

Chỗ các độc giả muốn biết.

Chỗ chúng tôi phải tìm kiếm.

Nhưng cũng như trong các vụ ăn cắp xe đạp, ví da, về vụ “ăn cắp văn” này, hung thủ chẳng nấp trong xó tối được lâu. Chúng tôi đã tìm ra căn cước thủ phạm:

N…T…Tố

Ngô Tất Tố.”

Phan Trần Chúc cho rằng Ngô Tất Tố cố tình lấy tên “Vua Hàm Nghi” để đặt trong tựa đề cuốn sách mới ra là sự “đánh lận sòng”, cố ý làm độc giả nhầm lẫn với cuốn “Vua Hàm Nghi” của văn sĩ họ Phan. Chưa hết, ông văn sĩ này còn khăng khăng cho rằng Ngô Tất Tố đã “ăn cắp tài liệu, ăn cắp cả tư tưởng”, thêm thắt, cắt xén so với bản gốc cuốn “Vua Hàm Nghi” để “làm thành cuốn sử què quặt, thiếu thốn, rồi in vội vàng mang ra bán”.

Chứng minh cho việc Ngô Tất Tố đã “ăn cắp văn” của mình, Phan Trần Chúc viện ra các tình tiết trùng nhau trong hai cuốn sách như sau:

“Ngô Tất Tố thuật chuyện Tôn Thất Thuyết, Tân Sở, Ba Đình..v..v..

Vì trong sách của chúng tôi đã thuật chuyện Tôn Thất Thuyết, Tân Sở, Ba Đình..v..v..

Về đoạn Vua Hàm Nghi bị giam cầm ở Ái Nhĩ Liệt, Ngô Tất Tố viết: “Hiện nay, vua và vợ con vẫn xum vy trên mảnh đất nóng nực, chờ coi cuộc tang hải trên bể Địa Trung”.

Vì trong sách của chúng tôi có câu: “ Ngồi trên bao lơn Địa Trung Hải, vua Hàm Nghi đã nhìn thấy sự thất bại của Maroc, cuộc chinh phục Sirye và nhất là cuộc Âu chiến vừa qua. Những cuộc đảo lộn ấy giúp cho nhà vua hiểu rõ cuộc hưng vong của các quốc gia. Bị cầm, nhà vua đứng hẳn ra ngoài cuộc tranh đấu của loài người. Nhưng dưới vẻ mặt thâm trầm của ông già ấy đã không hẳn không có một ý nghĩ: hi vọng. Vì chỉ có hi vọng mới đủ làm sức mạnh cho sự sống.”

Nhằm tăng tính khách quan trong cáo buộc của mình, trên Ngọ Báo ngày 8-11-1935, Phan Trần Chúc dẫn ý kiến của hai tờ báo tiếng Pháp là L’oeuvre Indochinoise và L’Annam Nouveau:

“ Báo L’oeuvre Indochinoise đề ngày 28 Octobre 1935 viết:

…Công cuộc khảo cứu rất kỹ càng đó giựa (dựa) vào những tài liệu rồi rào (dồi dào) và viết bằng một lối văn lưu loát và linh hoạt đã đăng trong Ngọ báo, được độc giả rất hoan nghênh, chứng cớ là đã có một cuốn giả vừa xuất bản cũng dùng nguyên đầu đề ấy. Nhưng chẳng phải nói độc giả cũng biết là giá trị còn kém cuốn sách của ông Phan Trần Chúc nhiều.

 Báo L’Annam Nouveau ra ngày Octobre 1935 thuật lại vụ “Ngô Tất Tố” một cách rõ ràng hơn:

…Anh Ngô Tất Tố nào đó đã dùng lối bất nhã là ăn cắp văn. Bất nhã hơn nữa là hắn đã không nề hà gì mà ăn cắp luôn cả đầu đề. Vì thế mà khách qua đường trông vào sau lớp tủ kính của các hàng sách, ngay bên cạnh cuốn “Vua Hàm Nghi” của ông Chúc bán bảy hào, có một cuốn Vua Hàm Nghi số hai ra thành nhiều tập nhỏ, bán mỗi tập có 3 xu. Người ta hoan nghênh ông mà ăn cắp văn của ông tuy có làm cho ông dễ chịu thật, nhưng không ai có thể nhịn được khi thấy một kẻ nào đó lợi dụng công việc ông làm và tệ nữa là lại cạnh tranh với ông một cách không chính đáng.”

Để tăng thêm sức nặng cho lời nói, Phan Trần Chúc đưa ra ba dẫn chứng cáo buộc Ngô Tất Tố không chỉ “ăn cắp văn” ở cuốn “Vua Hàm Nghi” mà trước đó nhà văn này đã nhiều lần làm như vậy với các cuốn sách khác:

 “1) Bộ Đông chu liệt quốc của Nguyễn Đỗ Mục và Đào Hùng dịch và xuất bản, Ngô Tất Tố mang xửa (sửa) lại chút ít- nhiều chỗ để cả nguyên văn- mang xuất bản thành tập, bán 3 xu cạnh tranh với sách của các ông Mục và Hùng. Bộ Đông Chu liệt quốc số 1, vì bán đắt hơn mà không chạy, dịch giả bị thiệt hại lớn.

2) Tập “Cầu vồng Yên Thế” của Quan Viên đăng trong Ngọ Báo, Ngô Tất Tố sưu tập lấy rồi thêm thắt vào những câu nói không bằng cứ vào đâu hết mà xuất bản thành tập, cũng bán ba xu, cướp một số độc giả của Quan Viên, trước khi truyện này ra thành sách.

3) Tập “Nguyễn Huệ” của Ngô Đình Chiên đăng Ngọ Báo tới số 5, Ngô Tất Tố đã vội đăng quảng cáo trên một tờ báo ở Hà Thành, nói nay mai sẽ ra sách “Vua Quang Trung Nguyễn Huệ”, nhưng sách 8 xu của Tố hiện nay vẫn chưa ra đời, vì “Nguyễn Huệ” Ngọ Báo đăng chưa hết, Ngô Tất Tố còn thiếu chỗ để…khảo cứu.”

Nghe tin Ngô Tất Tố sẽ kiện mình vì “tội phỉ báng”, Phan Trần Chúc mỉa mai:

“..Ngô Tất Tố cho là chúng tôi đã phạm đến danh dự hắn mà muốn kiện chúng tôi về tội phỉ báng để lấy món bồi thường.

Nhưng….danh dự! Tiếng ấy chúng tôi tưởng chẳng nên thốt ra, do cửa miệng một người như Ngô Tất Tố.”

Ngô Tất Tố: Phan Trần Chúc nói hỗn!

Trước cáo buộc của Phan Trần Chúc, tất nhiên nhà văn Ngô Tất Tố không im lặng. Ông nói: “Tôi ở quê nhà ra, thấy nói ông Phan Trần Chúc viết ở Ngọ báo rằng, tôi đã ăn cắp văn của ông mà soạn một cuốn sách gọi là “Vua Hàm Nghi”. Lạ! Tôi không viết một cuốn sách nào gọi là “Vua Hàm Nghi”, sao lại có chuyện như vậy?”[1].

Trên tờ Công Dân năm 1935, trong bài viết: “ Phan Trần Chúc nói hỗn”, Ngô Tất Tố mắng:

“Hắn bảo tôi là văn sĩ ăn cắp. Đó là quyền riêng của hắn, nói cho đúng là quyền riêng của kẻ thất giáo, tôi không oán trách gì. Phải, đối với những lời nói hỗn của một kẻ còn phải tốn nhiều giáo dục nữa mới đáng kể là văn sĩ như ông Phan Trần Chúc, tôi có hơi đâu mà cãi nhau với hắn trên báo làm gì”.

Đối với việc Phan Trần Chúc nói cuốn “Vua Hàm Nghi” của Ngô Tất Tố là cuốn sử “què quặt, thiếu thốn”, Ngô Tất Tố nói thêm:

“Lầm rồi! Ông Phan Trần Chúc! Thủ phạm trong việc bôi nhọ quốc sử là cái sức học non nớt của ông, chứ không phải tôi. Vì cái sức học “chưa biết gì” ấy nó làm cho ông phải lòi cái dốt ra, rồi ông Nguyễn Triệu Luật mới có chỗ mà phê bình chứ! Ông có thù thì thù cái sức học độc địa của ông. Ông muốn báo thù thì tốt hơn là ông hãy… cố học rồi viết hẳn cuốn Hàm Nghi khác, thì còn ai nói vào đâu được nữa. Bây giờ ông cố nói bậy cho tôi, cố ý vận động mấy người viết báo Tây đặt chuyện để nói xấu tôi, mà không chịu học thêm thì chẳng những tôi vẫn không xấu mà cái dốt của ông cứ theo đuổi ông mãi. Anh em nói thật” (bài Tôi lại phải nói đến ông Phan Trần Chúc– báo Công Dân, 1935).

Vậy cuốn “Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ” (tạm gọi là cuốn “Vua Hàm Nghi” của Ngô Tất Tố) nội dung thế nào? Có phải “ăn cắp văn” như tố cáo của Phan Trần Chúc không?

“Vua Hàm Nghi” của Ngô Tất Tố là một cuốn sách được trích trong bộ “Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang đến nay”. Cuốn sách này cũng viết về các sự kiện lịch sử trong 4 năm, từ khi vua Tự Đức băng hà đến khi Hàm Nghi lên ngôi và bị bắt đày đi Phi châu. Về cơ bản, các sự kiện lịch sử tương tự như cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc.

Tuy nhiên, cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc được viết theo lối “tiểu thuyết hóa” lịch sử. Dựa trên tài liệu của Pháp thu thập được, tác giả Phan Trần Chúc kể lại một giai đoạn lịch sử với những sự kiện và nhân vật, đồng thời bày tỏ quan điểm, tình cảm của tác giả đối với những sự kiện và nhân vật đó. Đọc “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc, người đọc bị cuốn hút bởi các câu chuyện về tính cách của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và các nhân vật khác một cách sống động.

Còn cuốn “Vua Hàm Nghi” của Ngô Tất Tố được viết theo lối hợp soạn, dựa vào các tài liệu để thuật lại câu chuyện lịch sử theo lối “sử hóa”. Ngô Tất Tố không đi vào phân tích sự kiện, phân tích nhân vật cũng như không bày tỏ chính kiến rõ ràng đối với sự kiện và nhân vật. Ông đóng vai người kể chuyện bằng tư liệu để bạn đọc hình dung các sự kiện diễn ra trong giai đoạn lịch sử này.

Giữa hai cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc và Ngô Tất Tố có nhiều chi tiết khá giống nhau như: số lượng 25 sĩ quan Thủy bộ và 160 quân lính Pháp vào dự lễ phong vương cho Hàm Nghi (Tr.3 cuốn của NTT và tr.63 cuốn của PTC); Vua không có mặt, để đai lên ngôi (Tr.4 cuốn của NTT, tr. 63 cuốn của PTC) hoặc sự kiện bắn 19 phát thần công và 21 phát đại bác… Có thể do những chi tiết, số liệu giống nhau này mà Phan Trần Chúc đã buộc Ngô Tất Tố tội “ăn cắp tài liệu”.

Tuy là giữa hai cuốn sách cùng chung chủ đề, chung sự kiện nhưng về cơ bản cuốn “Vua Hàm Nghi” của Ngô Tất Tố khác cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc không chỉ ở thể loại mà không trùng ở cách hành văn. Điều đó cho thấy việc lên án Ngô Tất Tố “ăn cắp văn” là không có cơ sở.

Cuộc tranh cãi “ăn cắp văn” giữa Phan Trần Chúc và Ngô Tất Tố cũng chẳng đi đến đâu bởi cả hai cũng chỉ “đấu khẩu” trên mặt báo chứ không đưa nhau ra tòa.

***

Cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc có điểm gì khiến nhà văn này bị công kích, mạt sát dữ dội vậy?

Điểm mới trong cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc là bênh vực Tôn Thất Thuyết, nhân vật được coi là tàn bạo, hiếu sát và lạm quyền nhất triều Nguyễn. Dù trong cuốn sách, Phan Trần Chúc cũng nói đến tính cách hiếu sát, lạm quyền của Tôn Thất Thuyết nhưng theo tác giả, tính cách đó bị chìm khuất bởi khí tiết cương cường, không sợ hãi trước quân Pháp: “Người Pháp đối với Thuyết chỉ có oán trọng, không có khinh”.

Biện giải về những thất bại của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường như ở Cửa Thuận hoặc các thất bại khác về sau này, Phan Trần Chúc cho rằng “là do kết quả của thời thế nhiều hơn là hai người vụng xử”.

Có người cho rằng, Phan Trần Chúc vì đi ngược xu thế, bênh vực Tôn Thất Thuyết nên cuốn “Vua Hàm Nghi” bị lên án. Nhưng đó chưa phải nguyên nhân duy nhất. Trong văn giới, có vẻ như Phan Trần Chúc không được quý mến thì phải. Tuần báo Ngày Nay số 32 ra ngày 1/11/1936, mỉa mai gọi Phan Trần Chúc bằng cái tên “ông mấy Phan Trần Chúc” (bởi nhà văn này hay đệm từ mấy khi nói chuyện):

“Ông mấy Phan Trần Chúc nói:

Năm 1873 ông J.Dupuis mấy ông Nguyễn Tri Phương, Pháp ký mấy Nam hòa ước…

Năm 1884 Hà Nội mấy nhiều nơi khác…

Ông “mấy Phan Trần Chúc” bỉnh bút báo Khuyến Học còn đợi gì không đi học lại cách dùng ba tiếng: mấy, mới, với..v..v..”.

***

Các tranh cãi liên quan đến cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc đã thu hút sự chú ý của dư luận báo chí và giới văn sĩ khai thác các đề tài lịch sử trong sáng tác của mình. Hệ quả của vụ tranh luận này làm nảy sinh ra những vấn đề khác, tác động có phần tích cực cho văn học Việt Nam, nhất là các tác phẩm viết về chủ đề lịch sử.

Có thể lấy trường hợp Nguyễn Triệu Luật làm ví dụ. Sau sự việc “phê” cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật quyết định viết truyện lịch sử như một cách thức “dạy” cho Phan Trần Chúc thế nào là Quốc sử. Bởi vậy, hậu thế mới được thưởng thức những tiểu thuyết lịch sử xuất sắc của Nguyễn Triệu Luật như: “Hòm đựng người” (lần đầu in trên báo Nhật Tân năm 1936, in thành sách năm 1938); “Bà chúa Chè” (Nhà xuất bản Tân Dân – Hà Nội, 1938); “Loạn kiêu binh” (Nhà xuất bản Tân Dân – Hà Nội, 1939); “Ngược đường Trường thi” (Phổ thông bán nguyệt san số 46, 1939); “Chúa Trịnh Khải”; (Nhà xuất bản Tân Dân – Hà Nội, 1940); “Rắn báo oán và Thiếp chàng đôi ngả” (in chung với Rắn báo oán, 1941)….

Theo Tạ Thu Phong/Viết & Đọc

____________

[1] Cao Đắc Điểm, Nhà văn Ngô Tất Tố và cách rút “tít” làm báo, Báo Công an Nhân dân (phiên bản điện tử) ngày 18/3/2010 (https://cand.com.vn/Nhan-dam/Nha-van-Ngo-Tat-To-va-cach-rut-tit-lam-bao-i312985/).