Thói háo danh thời hội nhập và những “thánh nổ” hiện đại

702

Tâm Huyền

(Vanchuongphuongnam.vn) – Câu chuyện ông Lê Hoàng Anh Tuấn tự xưng “nhà báo quốc tế” với những hoạt động khoa trương, đã khiến dư luận một phen dậy sóng. Không thể làm ngơ trước biểu hiện bất thường ấy, Hội Nhà báo VN đã xóa tên hội viên đối với ông Lê Hoàng Anh Tuấn, đồng thời Hội Luật gia VN cũng tạm đình chỉ chức vụ Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu của ông Lê Hoàng Anh Tuấn. Đó là bài học không chỉ cho riêng ông Lê Hoàng Anh Tuấn vì trong xu hướng hội nhập đang xuất hiện ngày càng nhiều những “thánh nổ” ở nước ta!

Mọi thông tin bất lợi về ông Lê Hoàng Anh Tuấn bắt đầu xuất hiện từ lễ về trường mà “nhà báo quốc tế” muốn ra oai ở nơi mình từng học là Trường THPT Nghi Lộc 3, tỉnh Nghệ An. Tại đây, ngoài những chức danh hoành tráng, ông Lê Hoàng Anh Tuấn còn mời được nhiều quan chức cùng tham dự để gây thanh thế. Đáng tiếc, mèo lại hoàn mèo khi nhiều đơn vị bị ông Lê Hoàng Anh Tuấn lợi dụng danh nghĩa đã lên tiếng phản đối. Cụ thể, người được giới thiệu là đại diện Học viện Cảnh sát Nhân dân đã lên khán đài tặng hoa chúc mừng cho ông Lê Hoàng Anh Tuấn, được xác định là giả mạo. Công văn của Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết: “Học viện không có bất kỳ liên hệ nào với ông Lê Hoàng Anh Tuấn, không tham dự cũng như gửi lẵng hoa chúc mừng”.

Sự huênh hoang quá lố của ông Lê Hoàng Anh Tuấn đã phơi bày thói háo danh đáng sợ. Chủ tịch Hội Luật gia VN đã ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra về trách nhiệm Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu, để làm rõ tính pháp lý của các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hồ sơ cá nhân của ông Lê Hoàng Anh Tuấn, cũng như một số vấn đề có liên quan khác mà truyền thông phản ánh. Chưa hết, chiếc xe hơi biển số 80A mà ông Lê Hoàng Anh Tuấn thường xuyên sử dụng, cũng bị nghi ngờ về tính hợp pháp. Bởi lẽ, biển số 80A và 80B chỉ cấp cho các cơ quan trung ương, còn Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư Châu Âu là một tổ chức xã hội hóa, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về nhân sự, tài chính. Ngụy trang từ danh phận đến phương tiện, ông Lê Hoàng Anh Tuấn không thể nào che đậy thói độ lừa bịp đối với cộng đồng.

Sai trái của ông Lê Hoàng Anh Tuấn, đã có pháp luật chế tài. Riêng câu chuyện ông Lê Hoàng Anh Tuấn tự xưng “nhà báo quốc tế” để đi giao lưu nhiều nơi, khiến nhiều diễn đàn xã hội dậy sóng vì thói háo danh đang hoành hành dữ dội. Sự thật, chưa cần nói đến những lời tố cáo khác, thì ông Lê Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn là một gã vô danh trong giới truyền thông nước ta. Cái danh “Tổng Biên tập” của cái tạp chí “Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế” như nhằm trợ lực cho “nhà báo quốc tế” cũng chẳng có giá trị gì. Ở nhiều nước trên thế giới, ai muốn ra báo hay muốn thành lập đài truyền hình, đều được chấp nhận dễ dàng, miễn là có tiền. Quan trọng nằm ở vị thế của nhà báo và tờ báo, chứ không phải gắn chữ “quốc tế” thì có đẳng cấp liên quốc gia. Do tự biết thực chất vớ vẩn của cái danh xưng “nhà báo quốc tế” nên ông Lê Hoàng Anh Tuân mới tìm cách gia nhập Hội Nhà báo VN, như chính ông tự thú: “Về vấn đề này tôi thừa nhận bản thân mình đã sai khi chưa đủ điều kiện mà vẫn xin được làm hội viên Hội Nhà báo. Tôi chỉ là thỉnh giảng, không phải giảng viên chính thức tại Học viện Báo chí Tuyên truyền nên chưa đủ điều kiện để làm hội viên Hội Nhà báo. Tôi có trình bày với lãnh đạo Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và lãnh đạo Hội Nhà báo rằng: Do tôi là “nhà báo quốc tế” nên khi đi ra các hội thảo hay hoạt động báo chí quốc tế nếu giới thiệu là Hội viên Hội Nhà báo thì cũng là một cách quảng bá cho hình ảnh của Hội. Và tôi đã được chấp thuận đề xuất này”.

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn tự xưng “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự” nhằm mục đích gì, ở đây chưa cần bàn đến. Chỉ rõ ràng nhất, đó là biểu hiện của thói háo danh. Khi mở cửa ra thế giới, thì người Việt càng thấu hiểu thêm nhiều sự bon chen và chụp giật. Không ít tổ chức rất hào phóng phong tặng “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự” để mưu sinh. Cái thẻ “nhà báo quốc tế” khoảng 400 USD còn cái bằng “tiến sĩ danh dự” thì vài ngàn USD. Mua nhanh chóng, mua dễ dàng như mua rau muống ở siêu thị! Thế nhưng, dùng “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự” để lòe bịp ở nước ta thì cũng khối người… hãi hùng, vì thiếu thông tin. Khi được hỏi đến việc phong tặng “tiến sĩ danh dự” cho ông Lê Hoàng Anh Tuấn, Trường ĐH Leeds ở Anh đã trả lời một cách sửng sốt là không hề biết đối tượng nào là Lê Hoàng Anh Tuấn! Và sự thật, ông Lê Hoàng Anh Tuấn cũng chưa từng đặt chân đến ĐH Leeds, mà chỉ tình cờ hoặc cố ý “xin” được cái bằng “tiến sĩ danh dự”. Ông Lê Hoàng Anh Tuấn giải thích: “Chúng tôi là người được Hiệp hội đề nghị bằng mối quan hệ của họ sang bên đó để được trao bằng. Trường Leeds không gửi bằng cho chúng tôi mà gửi về Hiệp hội, sau đó, Hiệp hội đại diện trao cho tôi. Do đó, liên quan đến vấn đề này, tôi phải liên hệ với Hiệp hội và họ thông báo sẽ kiểm tra lại thông tin rồi báo lại. Hiện tại Hiệp hội không đồng ý cung cấp bất kỳ thông tin gì. Họ đang chờ xác minh lại thông tin từ trường đại học và có kết quả sẽ thông báo”. Thì ra vậy. Thử hỏi, cái Hiệp hội đối ngoại châu Âu mà ông Lê Hoàng Anh Tuấn đang dựa hơi có biên độ hoạt động như thế nào? Xin thưa, ở các nước phương Tây, muốn thành lập Hội hay Hiệp hội rất đơn giản. Một người cũng đứng ra xây dựng và lãnh đạo một cái hiệp hội, như một thú vui tao nhã. Do đó, cái gọi là Hiệp hội đối ngoại châu Âu không thuộc đơn vị nào của Liên minh châu Âu – EU và càng không có nhà ngoại giao nào ở châu Âu thèm “đối ngoại” với nó!

Thói háo danh không phải đến trường hợp “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn mới hình thành. Trong cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” xuất bản năm 1938, học giả Đào Duy Anh đã nhận xét “người Việt ta hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh”. Và tự bệ phóng háo danh đã sản sinh ra những… “thánh nổ”. Ông Lê Hoàng Anh Tuấn có thời gian làm ăn ở nước ngoài nên rành rọt phương thức sở hữu “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự”, cũng thật bình thường. Ngay cả những người sống trong nước cũng cực kỳ sốt ruột với các loại chứng nhận vớ vẩn khoác áo “quôc tế”. Ví dụ, ông Lê Văn Tuấn tự in sách giới thiệu bản thân bằng một loạt danh hiệu “nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc” và oách hơn cả là… “nhà khoa học thế giới”. Lý do gì ông Lê Văn Tuấn ngạo nghễ như vậy? Ông khoe thành tích “với những tác phẩm bất hủ được lưu trữ vĩnh viễn trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc”. Hình dáng “tác phẩm bất hủ” của ông Lê Văn Tuấn thì không ai biết, còn khái niệm “kho tàng di sản văn hóa dân tộc” thì càng mù mờ hơn. Háo danh như ông Lê Văn Tuấn thì đúng nghĩa “vẽ bùa tự đeo” để huyễn hoặc chính mình.
Sống ở đời, không có danh thì cũng buồn. Tuy nhiên, thèm khát cái danh đến mức điên loạn thì càng đáng buồn hơn. Những người thực sự có danh thì không cần chú thích cái danh. Ở tầm quốc gia hay tầm quốc tế đều có cách định danh giống nhau. Chỉ cần nhắc Pele hoặc Maradona thì thiên hạ biết kỳ tài bóng đá. Chỉ cần nhắc Mozart hoặc Beethoven thì thiên hạ biết kỳ tài âm nhạc. Cho nên, cái thói háo danh để trở thành “thánh nổ” chỉ nhằm đánh bóng sự kém cõi, đồng thời che dậy sự mặc cảm thấp hèn mà thôi. Các “thánh nổ” càng gióng trống khua chiêng “vươn tầm nhân loại” hoặc “đỉnh cao vũ trụ” càng bộc lộ sự tự ti, sự khoác lác và sự dối trá. Thời hội nhập, các loại “nhà báo quốc tế” hoặc “nhà khoa học thế giới” giống hệt mảng miếng sân khấu của một vở tấu hài danh phận trớ trêu./.