Nhiều khán giả biết tới NSND Hoàng Cúc qua các vai diễn trên sân khấu, phim truyền hình nhưng ít ai biết có một Hoàng Cúc đầy gai góc, giằng xé khi viết truyện, làm thơ.
30 năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Hoàng Cúc đã có những vai diễn để đời trong các vở kịch như: Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh, Thầy khóa làng tôi, Mắt phố… Nhưng ít ai biết được ở địa hạt văn chương cũng có một Hoàng Cúc đầy gai góc cho tới khi truyện ngắn Về nhà của chị giành giải tư trong cuộc thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập do báo Nông thôn ngày nay tổ chức. Cuộc thi thu hút hơn 1.000 truyện ngắn của rất nhiều tác giả thuộc nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau, duy chỉ có Hoàng Cúc là diễn viên.
Bên ngoài vẻ dịu dàng nữ tính là một Hoàng Cúc đầy dữ dội, giằng xé nội tâm ở địa hạt văn chương.
* Nhiều người bất ngờ khi biết NSND Hoàng Cúc còn có tài năng ở lĩnh vực văn chương, chị bắt đầu viết từ khi nào?
Nếu không có nhà thơ Vi Thùy Linh, chắc các tác phẩm của tôi sẽ mãi để tôi lưu giữ hoặc đưa lên Facebook cho vui, cho thoả đam mê viết lách. Lúc đầu khi được Vi Thuỳ Linh bảo có cuộc thi viết truyện ngắn đề tài nông thôn, tôi cũng chỉ nghĩ mình tham gia cho vui chứ không hề nghĩ mình sẽ đoạt giải. Thật sự khi biết tin tôi được giải và truyện của tôi được chọn in trong sách Thổn thức gió đồng, tôi vui lắm, cảm hứng dâng trào.
Ngày xưa đi học, tôi được chọn vào lớp năng khiếu hát chứ không phải là văn. Nhưng tôi rất yêu văn học. Năm 13 tuổi, tôi đã tiếp cận với văn chương thế giới với nhiều tác phẩm vĩ đại của Puskin, L. Tolstoy, Dostoyevsky… Những tác phẩm ấy đã định hình và hòa trộn vào tư duy lẫn nghề diễn của tôi.
Yêu thích văn chương, tôi bắt đầu tập tành viết lách, chủ yếu lưu lại cảm xúc cá nhân. Tôi thường viết tản văn về những gì mình bắt gặp trong cuộc sống. Những tản văn đó không đầu không cuối nhưng lại giải tỏa được cảm xúc cuộn trào trong tôi. Tôi viết nhiều lắm, cũng cất giữ cẩn thận nhưng rồi sau nhiều lần chuyển nhà, những tác phẩm ấy đã thất lạc mà không tìm lại được. Sách cũng thế, nhiều vô kể nhưng ai xin tôi cũng cho nên giờ còn lại rất ít.
Thích viết tản văn, truyện nhưng đam mê lớn nhất của tôi lại là thơ. Đam mê là thế nhưng ngày nhỏ, việc thể hiện cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ của thơ với tôi lại khó khăn. Tôi rèn luyện mình bằng cách chép thơ. Tôi đã mài ngòi bút máy và mực tàu để chép lại những bài thơ hay mà mình yêu thích, nhất là các bài thơ tình.
* Vẻ ngoài rất nữ tính, đằm thắm của chị trái ngược hẳn với những con chữ chị viết ra, nó đầy gai góc, giằng xé nội tâm khiến người đọc ám ảnh?
Bạn cảm nhận lúc nào nó cũng như tràn ứ ra, đúng không? Bi kịch cổ đại Hy Lạp có sự đau thương trong số phận mỗi con người, mỗi dân tộc. Tôi thích bi kịch cổ đại. Với tôi, thơ tình yêu mà chỉ thấy yêu chan chứa thì chưa đủ. Không có gì trên đời này đạt được mà không phải trả giá. Trên thực tế, không ai không có bi kịch trong cuộc đời, chỉ có điều người ta cứ cố quên nó đi và không chấp nhận. Chả thế, mỗi ngày bạn đều thấy xung quanh bạn, người người đều xin an lành, an nhiên. Nếu đã thảnh thơi, an lành rồi thì cần gì xin?
Tôi cũng có những truyện ngắn rất dữ dằn. Ở thời điểm nào đó, tôi thích viết những thứ khá đời nhưng cũng phải phá cách một chút. Chẳng hạn trong truyện ngắn Về nhà vừa đoạt giải, có giấc mơ mà ai tinh ý một chút sẽ thấy cô bé lạc vào Quốc Tử Giám, có những cụ rùa bò lổm ngổm. Tôi thích chi tiết ấy, khiến bản thân cũng thấy ám ảnh, thăng hoa, vượt ra khỏi hiện thực của câu chuyện. Và chi tiết này phóng ra tầm nhìn rằng những người có học, có đam mê, nghị lực sống người ta sẽ có tín hiệu nào đó cho cuộc đời của họ.
* Chị thần tượng những tác giả nào?
Các tác giả nổi tiếng thế như: Heinrich Heine, Pushkin… là những thần tượng lớn mà tôi yêu thích từ bé. Với các tác giả trong nước, tôi yêu thích Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… Có những bài phân tích những bài thơ của Chế Lan Viên hoặc chùm thơ của các nhà thơ trên thế giới, tôi thuộc đến mức độ có thể trích lược luôn mà không có trong bài giảng khiến các thầy rất ngạc nhiên.
Khi làm về nhạc kịch, tôi đặc biệt thần tượng tình yêu và tài năng của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh viết về tình yêu với những điều rất hiện thực, giản dị, chân chất nhưng vô cùng thiêng liêng. Tình yêu trong thơ ca của họ rất gần và rất xa. Nhiều khi cứ ngỡ đó chính là tình yêu mình đang có hoặc sẽ chạm tới nhưng cũng lại là thứ rất xa, vượt ra khỏi tầm tư duy của một người bình thường.
Mà ngày đó, sách vở khan hiếm lắm chứ không như hiện tại, chỉ có vào thư viện mới có sách đọc. Tôi ngồi thư viện đến nỗi mà trở thành “hiện tượng” của trường vì ngày nào cũng có hình ảnh của cô gái với cây đèn dầu và cứ ngồi trong đó đọc sách. Nhưng lúc đó tôi chẳng nghĩ mình tạo nên hiện tượng làm gì, chỉ đơn giản vì tôi thích đọc quá, tôi có thể sẵn sàng ngồi đọc cho xong một cuốn tiểu thuyết hàng ngày hàng đêm. Nhưng có cuốn, đọc xong tôi đã chết lặng trong một tháng không đọc được gì thêm, thế nhưng khi “hoàn hồn” trở lại, tôi lại mê đắm đọc tiếp.
* Đọc sách giúp gì trong chặng đường làm nghệ thuật của chị?
Tôi yêu sách, mê đọc sách, tôi vẫn đi tìm những cuốn sách đa dạng nhiều khía cạnh, nhiều bài học về luân thường đạo lý để đọc. Tôi cũng mê phim, sách và phim ảnh giúp tôi nhiều lắm trong chặng đường làm nghệ thuật.
Tôi thích xem phim Mỹ. Tôi có thể ngồi “cày” phim cả ngày. Thật sự mất rất nhiều thời gian dành cho phim. Xem nhiều, tôi cảm thấy họ có những “tần sóng” vượt xa mình khi họ làm nghề.
Sau này làm phó giám đốc của Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi là người chọn kịch bản cho Nhà hát, cho nên ngoài ý tưởng, nội dung, tính nhân văn của tác phẩm bao giờ tôi cũng chọn tác phẩm của các nhà văn. Vì những nhà văn bao giờ cũng có văn phong, bút pháp khi dàn dựng nhân vật, câu chuyện. Có thể tiết tấu của xung đột kịch khô cứng nhưng những nhà văn họ có cách sống dày dặn bao giờ văn phong của họ rất giàu tính văn học.
NSND Hoàng Cúc an yên đón nhận mọi việc đến và đi trong cuộc đời.
* Xuất thân là diễn viên kịch, lại mang thêm nghiệp văn chương, chị sẽ chuyển thể các tác phẩm của mình thành phim, thành các vở kịch?
Tôi được đào tạo từ biên kịch, đạo diễn, tổ chức sự kiện rồi mới đến diễn viên. Cho đến bây giờ tôi chưa thử sức viết kịch bản sân khấu hoặc phim ảnh nhưng tôi hay viết về chân dung nghệ sĩ. Tôi nhận ra rằng, khi mình viết chân dung nghệ sĩ, mình cũng có văn phong của người viết lách. Hơn nữa, tôi cũng có lợi thế là đã quá biết họ, cho nên ai đọc lời bình khi tôi viết về nghệ sĩ sẽ nhận ra đó là giọng văn của Hoàng Cúc.
Hiện tại, gần như lúc nào tôi cũng viết, tôi thường viết thơ và chia sẻ trên Facebook. Tôi có gửi cho người bạn truyện mình viết và họ hay nói những câu kiểu: Sao chị không in nhỉ? Sao phí thế nhỉ?… Thật ra tôi không có mơ ước gì ghê gớm, có lẽ nghệ sĩ biểu diễn là quá đủ rồi.
* Có quãng thời gian 10 năm chiến đấu với ung thư vú, đọc sách giúp chị an yên?
Tôi đang đọc cuốn Biết đủ là phải. Trong cuộc sống có nhiều bi kịch xảy đến với rất nhiều người, trong nhiều hoàn cảnh nên tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chiến thắng bản thân mình. Ở tuổi này tôi cũng xác định cuộc đời là “sinh lão bệnh tử”, cái chết cũng là một điều hiển nhiên, nhẹ nhàng.
Tôi đã chiến đấu với ung thư 10 năm. Những gì có thể làm cho mình, cho con thì tôi cũng đã làm hết rồi. Trong một cuốn tiểu thuyết tôi từng đọc có câu “trông chết cười ngạo nghễ”, cho nên tôi xem cái chết không có gì đáng sợ. Cứ sống vui hôm nay đi, chuyện ngày mai tính sau. Ngày nào mình còn cảm thấy vẫn vui được thì cứ vui.
Hiện tại, tôi vui mà!
Theo Tình Lê/Vietnamnet