(Vanchuongphuongnm.vn) – Sau ngày thống nhất đất nước, tại Hồ Chí Minh, khán giả mộ điệu sân khấu cải lương từng ấn tượng với giọng ca líu lo như tiếng hót chim chìa vôi của nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ, giọng hát dập dồn như hành khách “sợ trễ tàu” của Châu Thanh, Phượng Hằng,… Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, công chúng mê ánh đèn màu lung linh sau bức màn nhung, cũng không thể nào quên được nghệ sĩ Trọng Hữu, một giọng ca mộc mạc miệt vườn đầy cá tính, tiêu biểu cho một giai điệu đồng bằng.
Nghệ sĩ Trọng Hữu.
Nghệ sĩ Trọng Hữu (sinh năm 1952), tên thật là Đặng Trọng Hữu, nguyên quán tại huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang). Trọng Hữu xuất thân từ một gia đình yêu nước có truyền thống văn nghệ thời kháng Pháp. Ông nội là Bảy Cò Điển, nghệ nhân đàn cò nổi tiếng và là bạn thân của danh cầm Văn Vĩ. Thân phụ Trọng Hữu là nhạc sĩ Cải lương Tư Sang chuyên đàn guitar phím lõm. Lớn lên trong chiếc nôi ấm áp của văn nghệ, Trọng Hữu sớm tỏ ra đam mê ca nhạc tài tử, cứ ngồi ca theo ông nội rồi còn muốn học đàn, khiến cha ông phải băn khoăn: “Con cứ ham ca hát, lớn lên làm gì mà ăn hả con”. Trọng Hữu nhìn cha, lễ độ: “ Con sẽ giống ông nội và cha là đi đờn ca để kiếm sống”. Lên 10 tuổi, mỗi năm sau mùa gặt, Trọng Hữu theo ông nội đi hát phục vụ đám tiệc, hội hè, liên hoan và cũng bắt đầu học đàn. Từ đó, cuộc đời Trọng Hữu coi như gắn kết keo sơn với sân khấu và ca nhạc. Năm 16 tuổi, Trọng Hữu theo cha vào đoàn Văn công Tây Nam bộ, trở thành bộ đội thuộc tiểu đoàn Thông tin. Trưởng thành từ trong kháng chiến, sau khi đoàn Văn công Tây Nam bộ hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Trọng Hữu được phân công về làm Trưởng Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang và hoạt động trong suốt 20 năm. Sau đó Trọng Hữu về công tác lần lượt ở đoàn Cải lương Tây Đô, Đoàn Văn công Thành phố Hồ Chi Minh, Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang 1… Sau năm 1975, nghệ sĩ Trọng Hữu được coi là giọng ca nổi tiếng trên đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi ca diễn chung với những nghệ sĩ nổi tiếng đủ mọi lứa tuổi: Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên, Minh Vương, Minh Cảnh, Thanh Tuấn, Thanh Ngân, Thanh Thúy,Vân Khánh, Thanh Thanh Hiền… So với đa phần nghệ sĩ sân khấu từ trước đến nay, Trọng Hữu được xem là một nghệ sĩ có nhiều hạnh phúc bên cạnh vợ con trong tổ ấm gia đình. Hiền nội của Trọng Hữu là cô y tá quân y Nguyễn Tuyết Mai xinh đẹp, cũng vốn là nghệ sĩ nên rất dễ cảm thông với người chồng tài hoa lắm người ngưỡng mộ dù trong đó có không ít người đẹp tơ tưởng nghệ sĩ như thần tượng. Hai con của Trọng Hữu – Tuyết Mai là Trọng Vũ (ca sĩ tân nhạc) và con gái là diễn viên sân khấu (đã rời sàn diễn sau khi lập gia đình) đều là những đứa con ngoan. Hiện tại, nghệ sĩ nhân dân Trọng Hữu cùng gia đình đang sống tại thành phố Cần Thơ, riêng nghệ sĩ dù đã nghỉ hưu vẫn vui vẻ đi hát các nơi khi có yêu cầu.
Ngoài một Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nghệ sĩ Trọng Hữu được truy tặng Nghệ sĩ Ưu tú (1996) và Nghệ sĩ Nhân dân (2016).
Về sự nghiệp ca hát, nghệ sĩ Trọng Hữu đã: + Đóng vai chính trong các vở tuồng: Lan và Điệp (tác giả Trần Hữu Trang), Hàn Mặc Tử, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Ân oán giang hồ, Tình yêu và tướng cướp, Trần Quốc Tỏa ra quân.,
+ Các bài vọng cổ, tân cổ: hơn 22 bài, tiêu biểu là : Chợ Mới (tác giả Trọng Nguyễn), Dáng đứng Bến Tre, Ga chiều, Lan và Điệp, Quán nửa khuya, Mồ em Phượng (Viễn Châu), Nhớ mẹ (Viễn Châu), Bạch Thu Hà (Viễn Châu), Chuyến tàu hoàng hôn (Hoài Linh-Minh Kỳ và Loan Thảo…)
Nhìn lại cuộc đời của nghệ sĩ nhân dân Trọng Hữu, ta nhận thấy ông lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ ở miền quê có truyền thống yêu nước, riêng bản thân Trọng Hữu cũng sớm vào bộ đội, tham gia cách mạng. Là một nghệ sĩ tài tử cải lương đã có nhiều công trạng trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng Trọng Hữu trong thâm tâm, chỉ muốn công chúng biết tới ông đã thành công đỉnh cao chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật bằng tất cả nhiệt huyết và tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính yêu hòa bình.
Do vậy, bạn bè và giới truyền thông không bao giờ được nghe ông tỏ ra thích thú và tự hào nhắc lại công trạng như huân chương kháng chiến hạng nhất của cả ông và vợ là chị Tuyết Mai – vấn đề nhạy cảm với những tâm hồn nghệ sĩ – mà hai vợ chồng nghệ sĩ Trọng Hữu có được từ trong quá trình hoạt động trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Mọi người chỉ ngạc nhiên phát hiện ra những hiện thực mang dấu ấn lửa binh tang tóc ấy mà nghệ sĩ muốn lờ đi, khi họ có dịp đến tận nhà riêng gia đình nghệ sĩ tại Cần Thơ. Phải chăng trong lòng nghệ sĩ đã ngao ngán vi chiến tranh nên giọng ca Trọng Hữu luôn mang một âm hưởng ngậm ngùi… Ngay cả cách mở đầu bản vọng cổ, ai nấy đều nhận rõ ông sở hữu một phong cách rất riêng, rất lạ mà cũng rất hiền lành dễ yêu.
Những nam nữ nghệ sĩ cải lương tài danh khác như Út Trà Ôn, Thanh Tuấn, Châu Thanh, Thanh Hương, Phượng Hằng, Diệu Hiền,… đều cùng khuynh hướng giữ hơi, kiềm giọng để kéo dài giai điệu, luyến láy đôi khi dồn dập để câu mở đầu bản vọng cổ cho tới chữ hò… mùi mẫn đã tai. Nghệ sĩ Trọng Hữu khác biệt, độc đáo hơn, vì cách ca của ông có vẻ bình thản, không sợ mất thời gian bắt đầu bài ca vua. Ông ung dung, nhẹ nhàng vào câu 1, không kéo dài âm xang (chữ không dấu) trước chữ có dấu huyền (âm hò)… cuối nhịp như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác mà giọng ca vẫn không giấu được chất trầm buồn và trữ tình, luôn gây triền miên bao nỗi u hoài cho khán giả bốn phương.
Với bài hát “Thương em nhiều qua lá thư xuân” (sáng tác Ngô Hồng Khanh), viết về tâm tình của anh bộ đội “Rừng vào xuân, rừng thay áo mới, lá đổ rơi nhiều, phủ lối quân đi”, khán giả chỉ nghe giọng hát lâm ly như tiếng khóc gây bao da diết ngậm ngùi của ông vừa cất lên, không cần nghe giới thiệu người hát, ai cũng đủ biết là giọng ca của NSND Trọng Hữu. Trong gặp gỡ với anh em khán giả thân quen, với tiếng cười sảng khoái, dễ gần, chất giọng trầm ấm và đôi mắt buồn rười rượi, Trọng Hữu thoáng nét tương đồng với NSƯT Thanh Sang. Có dịp gần NSND Trọng Hữu, người hâm mộ và bạn bè ông được hiểu thêm: bài hát “Con sáo sang sông” (tác giả Diệp Vàm Cỏ) là bài ca ông yêu thích nhất. Và vở tuồng “Hàn Mặc Tử” do Trọng Hữu đóng vai chính một cách xuất thần, đã để lại trong tâm khảm ông nhiều ấn tượng với lý do: “yêu thơ ca nên dễ đồng cảm với Hàn Mặc Tử”. Lại nữa, khi gặp vua soạn giả vọng cổ – NSND Viễn Châu, Trọng Hữu được nghe người soạn giả tài danh bộc lộ chân tình với mình: “Sau nghệ sĩ Hùng Cường, Trọng Hữu đã tạo thêm được một sức hút đặc biệt qua cách ca diễn về đoạn trường bi ai trong tình đời của nhà thơ bất hạnh này”.
So với nhiều nghệ sĩ sân khấu cải lương nổi tiếng cũng thời, nghệ sĩ nhân dân Trọng Hữu thể hiện là một chân dung và phong cách ít có nét tương đồng về kỹ thuật ca diễn với đồng nghiệp. Vốn xem nhân cách, đạo đức là quan trọng hàng đầu, ông coi trọng nghề nghiệp, nên luôn giữ mình trong sáng về lĩnh vực tình cảm yêu đương, gia đình và trong quan hệ xã hội, đặc biệt với nghề nghiệp.
Nghệ sĩ Trọng Hữu, chân thành tâm sự với bạn bè đồng nghiệp những lời tốt đẹp: “có sống tử tế thì đời sẽ cho nghề những bài học cao quý”. Do vậy, công chúng hâm mộ nghệ thuật sân khấu đa phần ngưỡng mộ vợ chồng ông xem Trọng Hữu – Tuyết Mai như điển hình cho một cặp đôi nghệ sĩ hoàn hảo trong đời thực gia đình và trên sân khấu. Xã hội ca hát khá nhạy cảm, thường có vấn đề về chuyện tình ái và xì-căn-đan (scandale) để văn nghệ sĩ tự gây sự chú ý cho bản thân mình. Nhưng ở Trọng Hữu, trên nửa thế kỷ theo nghề, không nghe ai dư luận phiền ông có sĩ. Với con cái, vợ chồng nghệ sĩ tỏ ra khéo dạy chúng thành những đứa con ngoan và hai con của nghệ sĩ đã đi theo con đường nghệ thuật của cha mẹ. tai tiếng về chuyện yêu đương và cũng ít nghe người nào tỏ ra không hài lòng về nghệ thuật.
Bản thân là anh bộ đội của Bác Hồ, nghệ sĩ nhân dân Trọng Hữu được coi như một nghệ sĩ cách mạng chân chính, có tài năng, và đạo đức xã hội chủ nghĩa dù phong cách ca diễn có những ưu điểm khác biệt với các bạn diễn nổi tiếng cùng thời. Sự cống hiến của nghệ sĩ Trọng Hữu – cùng với vợ là nghệ sĩ Nguyễn Tuyết Mai – trong thời chiến tranh rất vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Nhưng do quan niệm riêng và lòng khiêm tốn, NSND Trọng Hữu không muốn được nhiều người biết đến công lao còn phảng phất mùi khói lửa đao binh đó. Ông chỉ nghĩ tài năng đạt đến đỉnh cao nghệ thuật trong đời là bằng sự cống hiến của mình trên con đường lao động nghệ thuật.
Cảm nhận về Trọng Hữu, các bạn diễn nghệ sĩ nổi danh và soạn giả uy tín đã có những đánh giá tốt về nghệ sĩ: “Cá tính Trọng Hữu thể hiện rõ qua giọng ca mộc mạc, nam tính, không thích sự phức tạp… Rất nhiều bài ca vọng cổ, tuồng cải lương do Trọng Hữu thể hiện đã đi vào lòng khán giả” (NSND Lệ Thủy). Nhà thơ – soạn giả nổi tiếng Kiên Giang Hà Huy Hà (1929-2014) đã đánh giá cao thái độ lao động nghệ thuật của ông. “Trong hoàn cảnh nào, Trọng Hữu cũng làm chủ bản thân, không để thị trường lôi kéo. Do vậy, anh đã có nhiều vai diễn hay”. Trong thực tế, Nghệ sĩ Trọng Hữu đã đóng góp lời ca tiếng hát tự trái tim mình trong quá nửa cuộc đời ở vùng sông nước Tây Nam bộ cả trong thời chiến lẫn thời bình. Khán giả của Trọng Hữu là những nông dân chân đất, đêm đêm đốt đuốc soi đường, đôi khi phải vượt qua những chiếc cầu khỉ chông chênh để xem tuồng cải lương. Do vậy, ta có thể nói: Nghệ sĩ nhân dân Trọng Hữu đáng được coi là một giọng ca miệt vườn mộc mạc, mang âm hưởng của giai điệu đồng bằng.
Tương Như