Nhận diện thêm một góc của đời qua thơ Bùi Phan Thảo

653

  Nguyễn Vũ Tiềm

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một thái độ dấn thân cần thiết của người nghệ sĩ: “lấy máu mà đốt”, “cạn bấc tim”. Thơ ta nhiều năm nay thiếu vắng tiếng nói của những khát vọng lớn. Bùi Phan Thảo đã hình tượng hóa khát vọng khá sinh động mà không bị “lên gân” và còn đạt mong muốn “sáng được đôi điều”. Một sự điềm tĩnh của trải nghiệm khiến câu thơ có chiều sâu tư tưởng.

Nhà thơ Bùi Phan Thảo

Dấu ấn nghề báo trong thơ Bùi Phan Thảo thấy rõ ở những bài thuộc các đề tài về sự kiện xã hội và các chuyến đi. Bài “Ba tấm ảnh” nói về một quan chức: trong phòng làm việc của ông treo hai tấm ảnh lớn: khởi công và cắt băng khánh thành công trình. Riêng tấm ảnh thứ ba: “Ngày công an đến đưa ông đi… hôm sau tràn đầy các trang báo”. Anh sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản và đối lập rất khá nhưng vẫn rõ chất thông tấn (Bùi Phan Thảo hiện làm việc tại Báo Người Lao Động, Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh). Đến bài  “Điệu ru buồn của phố” thì đã khác nhiều:

Đêm tôi rời Ban Mê chỉ có những vì sao tiễn đưa

và đám mây sũng nước.

Tác nghiệp của nhà báo trên những miền xa xôi, đến và đi đâu có cần người đón và đưa nhưng các anh vẫn có “những vì sao tiễn đưa và đám mây sũng nước” thì đã thấy chất thơ lấp lánh trên trang viết. Nội dung thì vẫn là thông tin bình thường: “tôi rời Ban Mê lúc nửa đêm, trời sắp mưa to”. Mới biết thơ và không thơ chỉ cách nhau “bằng sợi tóc” nhưng vượt qua khoảng cánh này là cả một thách đố ghê gớm và thực tế cho thấy nhiều người không vượt được. Các nhà báo làm thơ có thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn không nhỏ.

Cũng trong bài thơ trên, Bùi Phan Thảo có câu rất thơ:

Sợi tóc bay về phía hồ xa trắng cả màu chiều

Chất thơ ẩn hiện suy tưởng và siêu thực. Có một thời siêu thực bị “kết tội” nặng nề nhưng thực ra siêu thực là sự phát triển ở tầm cao của hiện thực. Nếu hiện thực là gốc rễ thì siêu thực là phấn hương… Thơ Bùi Phan Thảo nhiều bài hài hòa được hai mặt này, một nỗ lực rất đáng hoan nghênh.

Trong bài “Guitar 2”:

Nhặt thời gian rơi vãi

gom về cho mai sau

đo buổi chiều bằng ngón tay đau

rải thanh âm gọi đêm về tĩnh tại

“Đo buổi chiều” thì trừu tượng, “ngón tay đau” thì cụ thể. Một sự kết hợp tinh tế và rất hiệu quả. Lại nhớ “Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay” (Kiều – Nguyễn Du), đau hơn nhiều. Thơ Bùi Phan Thảo đổi mới mạnh mẽ nhưng rất có ý thức trong sự tiếp nối các giá trị truyền thống.

Tôi không đốn cây hoài nghi

mặc nó bên đời

bên những đóa hoa chân thật.

(Bên cây hoài nghi)

Hoài nghi và chân thật là hai khái niệm trừu tượng nhưng tác giả hình tượng hóa bằng cây và hoa thì bỗng dưng chúng có hình khối màu sắc, sống động lạ lùng. Nhưng điều này còn đáng quý hơn, ấy là thấp thoáng một triết lý đời sống đáng suy ngẫm: tôn trọng sự chân thật nhưng đừng ngại hoài nghi phản biện, cả hai mặt đều cần thiết cho cuộc đời.

Quan sát đời sống là công việc quan trọng nhất của người cầm bút:

Anh nhận diện thêm một góc của đời

con xúc xắc may rủi.

(Guitar 3)

Vâng, “nhận diện thêm một góc của đời”, một góc hay nhiều góc càng tốt. Lâu nay nhiều người vẫn kêu là thơ ta thiếu chất đời sống mà thừa chất hoang tưởng hão huyền. Rất mong các nhà báo nhà thơ đi nhiều, quan sát nhiều hãy đưa vào trang viết nhiều chất liệu của đời sống ngoài kia đang rùng rùng chuyển động, sục sôi từng phút từng giờ.

Và hình như trong cái chén úp con xúc xắc may rủi kia lại chỉ có bóng đêm và  ảo tưởng:

Đêm

han rỉ tế bào

mục ruỗng suy tưởng.

(Đêm gạt tàn đầy)

Ảo tưởng hay hoang tưởng, đôi khi điểm xuyết chút xíu cho cuộc sống thêm gia vị, nhưng để nó trở thành căn bệnh thì sẽ hỏng từ tế bào cho đến suy tưởng. Nhà thơ cảnh báo như thế cũng là cần thiết chăng? Thủ pháp nghệ thuật cụ thể hóa cái trừu tượng và ngược lại cùng những kết hợp từ mới lạ độc đáo kiểu như “han rỉ tế bào”… thường được Bùi Phan Thảo sử dụng khá nhiều và tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ thú vị.

Gió từ đất sâu âm u

vì sao tắt ngúm

lấy máu mà đốt lên cho ấm

cạn bấc tim cũng sáng được đôi điều.

(Ngã)

Một thái độ dấn thân cần thiết của người nghệ sĩ: “lấy máu mà đốt”, “cạn bấc tim”. Thơ ta nhiều năm nay thiếu vắng tiếng nói của những khát vọng lớn. Bùi Phan Thảo đã hình tượng hóa khát vọng khá sinh động mà không bị “lên gân” và còn đạt mong muốn “sáng được đôi điều”. Một sự điềm tĩnh của trải nghiệm khiến câu thơ có chiều sâu tư tưởng.

Mở đầu bài “Xanh suốt thiên thu” Bùi Phan Thảo có câu thơ khá gần với cách ngôn:

Ngày cứ mới

nên tình rồi cũng cũ

trong mắt người đã dựng một non cao

Ý thơ không mới nhưng một sự đúc kết vào thơ như thế hơi bị hiếm nên đọc vẫn thấy lý thú nhất là dòng thơ thứ ba, anh dùng hình ảnh “non cao” trong mắt khá ấn tượng.

Vẫn cảm hứng ấy, ở một bài khác:

Nếu vực sâu không vọng lại tiếng chim đập cánh

không còn lời nguyền trên phiến đá xanh.

(Viết từ thị trấn trong cơn mê sảng)

“Lời nguyền trên phiến đá” thì hơi cũ, nhưng “tiếng chim đập cánh vọng từ dưới vực sâu” thì mới. Chi tiết nghịch lý này khiến câu thơ đa tầng đa nghĩa khá mới lạ. Nói chung, muốn có được chút thành quả sáng tạo, người viết phải tìm tòi khám phá khổ công tu luyện nhiều lắm, dễ dãi buông xuôi là thơ bị non lép xanh xao èo uột ngay.

Trong bài “Có thể, một ngày”, một bài thơ hơi khó hiểu nhưng dư âm:

Nhưng anh sẽ không chờ những giấc mơ

anh chỉ chờ người đến bên chiếc ghế phía sau tay phải

dán dấu niêm phong một thánh đường

và chôn chiếc chìa khóa nhỏ xuống dưới đất sâu.

Có giấc mơ, có người vắng mặt, có thánh đường, có chìa khóa chôn dưới đất sâu… nhưng để nói lên điều gì? Câu hỏi này đặt ra hình như vô nghĩa với thơ. Hãy cứ thưởng thức vẻ đẹp của thơ cái đã, chuyện khác tính sau, như xem tranh trừu tượng, nghe nhạc không lời vậy. Đừng bắt thơ phải giải đáp tất cả… Có phải thế chăng?

Tương tự như thế ở bài “Vết xước”:

Quờ tìm viên thuốc giấu trong ký ức

dỗ dành chiêm bao

những viên sỏi không chịu vụn vỡ

đủ làm đau một vết chai.

Những ẩn dụ: viên thuốc, viên sỏi, vết chai… chả xa lạ gì trong đời sống thường nhật và thực ra đoạn thơ cũng không khó hiểu lắm đâu, chỉ có điều mình quen đọc mãi thơ dễ hiểu mà thôi. Nghệ thuật nói chung, nhất là thơ cần đa dạng, phong phú, tránh đơn điệu.

Thơ Bùi Phan Thảo thuộc loại kén độc giả, tinh ý một chút sẽ bắt gặp nhiều khúc thơ khá và hay. Đôi khi anh cũng mạo hiểm, đi xa hơn vào cõi huyền bí hư vô:

Thò tay mượn đỡ vì sao

soi đọc lâm râm một hàng mộ chí…

Tôi dùng chữ mạo hiểm e chưa thỏa đáng nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật, từ một hệ quy chiếu nào đấy, mạo hiểm là một “giải cứu” cho sáng tạo, nó kích hoạt sự tìm tòi khám phá làm nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo chưa từng có. Tôi thuộc lòng và rất thích đoạn văn ở sách giáo khoa từ hồi tiểu học: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên nghiệp lớn cũng nhờ có gan mạo hiểm…”

Đọc thơ Bùi Phan Thảo hơi mệt, có cảm giác như lạc vào khu rừng thâm u, nhiều khi hoang mang không biết đâu là lối chính lối phụ, rất dễ lạc đường. Bù lại đôi khi gặp những bất ngờ thú vị, đó là những câu thơ, đoạn thơ hay, bỗng dưng cái sự “mệt” kia tan biến ngay. Một số dẫn chứng trên đây đã đủ minh chứng cho điều này chưa nhỉ? Hình như thơ đương đại, hậu hiện đại bây giờ có chung dạng thức như vậy!

Nhưng thà mệt như thế còn hơn là đọc những bài thơ giản đơn toàn những lối mòn đến nhàm chán. Có phải vì thế không mà thi đàn ta rơi vào tình trạng bị độc giả thờ ơ quay lưng lại từ vài chục năm nay? Hy vọng Bùi Phan Thảo và các bạn làm thơ trẻ khác khắc phục mặt yếu này để góp phần tạo nên những mới mẻ khởi sắc cho thơ ca của chúng ta hiện đang bị trì trệ. Và tất nhiên là loại thơ khó hiểu kiểu “đánh đố, tắc tị” không có trong danh mục này.

N.V.T