Elizabeth Gilbert là một nhà văn sáng giá người Mỹ mà có lẽ tên tuổi không còn xa lạ với những người am hiểu văn học hiện đại. Những cuốn sách của bà mang nhiều ý nghĩa sâu sắc nhưng vẫn luôn dung dị và dễ hiểu đối với những độc giả bình dân. Có lẽ vì vậy mà những tác phẩm của Elizabeth ngày nay luôn trở thành sách bestseller thực sự. Nhưng ít người biết được rằng nhiều chi tiết trong các tác phẩm nổi tiếng của bà từng diễn ra trong đời thực của nữ văn sĩ Mỹ xuất chúng này.
Tuổi thơ
Elizabeth Gilbert sinh ngày 18/7/1969 tại thị trấn nhỏ Waterbury nằm ở trung tâm Connecticut. Mẹ cô là một y tá giản dị, người cha là kỹ sư hóa học. Elizabeth còn có một người chị gái là nhà văn Catherine Gilbert Murdoch cũng chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến định hướng văn học và khát vọng sống của Elizabeth.
Nữ văn sĩ Mỹ Elizabeth Gilbert.
Elizabeth là một nữ văn sĩ đương đại nổi tiếng. Khi cô còn nhỏ, cả gia đình đã chuyển từ quê hướng đến phía Tây Bắc của bang và định cư tại một trang trại nhỏ, xung quanh trống vắng nên họ trồng những cây đặc biệt. Ngôi nhà của gia đình không có các thiết bị ti vi, hay máy tính, vì thế mà thứ giải trí duy nhất của Elizabeth luôn là văn học và luôn được chị gái của mình hỗ trợ rất nhiều. Cô gái đã viết những vở kịch nhỏ, truyện ngắn và sách của riêng mình, sau đó họ đọc cho nhau nghe. Từ đó, tính yêu văn học mãi đọng lại trong tâm hồn nhà văn tương lai cho đến ngày nay.
Elizabeth thường viết nhiều bài luận khác nhau, ghi nhật ký và “sưu tầm hồi ký”. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp cấp II, cô gái trẻ đã chọn cho mình một số con đường khác. Năm 1986, cô học tại khoa Khoa học Chính trị tại Đại học New York và tốt nghiệp 5 năm sau đó. Năm 1991, với bằng cử nhân Khoa học Chính trị, Elizabeth không xin được việc làm đúng chuyên ngành, cô không muốn dựa dẫm vào cha mẹ nên đã đi làm đầu bếp và sau đó làm phục vụ bàn. Trong vài năm làm việc tại các cơ sở phục vụ ăn uống ở Mỹ, cô đã viết được một số truyện ngắn về những khía cạnh khác nhau của nghề nấu bếp hiện đại. Sau này, một số câu chuyện từ trải nghiệm làm đầu bếp của cô cũng được đưa vào cuốn sách “Người Mỹ cuối cùng” (còn được gọi là “Người lãng mạn cuối cùng”).
Những sáng tác văn học của Elizabeth Gilbert đã tạo điều kiện giúp cô đến tòa soạn của một tờ báo Mỹ. Cô đã làm việc với tư cách là một nhà báo trong một số năm. Cũng trong thời gian đó cô đã viết nên tập truyện ngắn đầu tay “Người hành hương” được xuất bản vào năm 1993 trên tạp chí Esquire. Đáng chú ý là nữ nhà văn Mỹ đã trở thành tác giả trẻ đầu tiên có tác phẩm được công nhận trong nhiều năm bởi tạp chí có uy tín và nổi tiếng này. Giới báo chí có phần ngỡ ngàng bởi Esquire chưa bao giờ xuất bản tác phẩm của những nhà văn mà tên tuổi chưa được công chúng biết đến. Tác phẩm đầu tay đã mang lại cho Elizabeth sự thành công vang dội. Từ đó, cô được mời làm việc như một nhà báo tự do trong một thời gian dài với các nhà xuất bản như GQ, Allure The New York Times Magazine, Real Simple, SPIN, Travel – Leisure và một số ấn phẩm khác.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Ăn. Cầu nguyện. Yêu” của nhà văn Elizabeth Gilbert.
Những sáng tác văn học xuất sắc
Với vai trò trên, Elizabeth đã tạo nên một sự nghiệp xuất sắc và một số sự kiện đó đã được phản ánh trong những cuốn tiểu thuyết tự thuật huyền thoại sau này. Năm 1997 bài báo “The Muse of the Coyote Ugly Salon” của cô đã được chỉnh lại để làm cơ sở cho kịch bản của bộ phim chuyển thể nổi tiếng “Coyote Ugly”. Một năm sau, cuốn sách “Người lãng mạn cuối cùng” của nhà văn, được tạo ra từ bài báo trước đó của cô cho tạp chí GQ, đã được đề cử cho một trong những Giải thưởng Quốc gia Mỹ – “Cuốn sách phi hư cấu hay nhất”. Cũng thành công không kém là bài báo tự thuật “Bóng ma” được viết cho cùng một ấn phẩm của GQ. Bài báo này đã được đưa vào danh sách “Những bài báo hay nhất trên tạp chí Mỹ” năm 2001. Sau đó 2 năm, nữ văn sĩ đã được đưa vào danh sách tương tự, sau khi bài báo “Jim may mắn” được đăng tải.
Từ giữa những năm 2000, một cuộc khủng hoảng tinh thần bắt đầu và kéo dài trong đời tư của Elizabeth Gilbert. Những cuộc cãi vã với người chồng đầu tiên là Michael Cooper được tiếp nối bằng việc ly thân kéo dài và cuối cùng dẫn đến ly hôn. Sau sự kiện này, nữ văn sĩ đã một mình thực hiện một cuộc hành trình dài đến Italy, Ấn Độ, Indonesia, từ đó viết nên cuốn tiểu thuyết tự truyện “Ăn. Cầu nguyện. Yêu” mô tả một phần cuộc sống đời thực của tác giả.
Từ những câu chuyện của chính mình, Elizabeth muốn cho thấy rằng, ngay cả khi có tất cả mọi thứ, bạn vẫn có thể không được hạnh phúc. Nhưng bạn không nên sống trong một thế giới mà ở đó không có điều gì khiến cho mình hứng thú. Mọi phụ nữ đều có quyền được hạnh phúc, và có lẽ vì điều đó mà cô đã vượt đại dương, phải đi hàng nghìn kilomet để tìm kiếm nó. Cuốn tiểu thuyết này đã nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên khắp nước Mỹ. Các sự kiện chính và ý tưởng triết học của nó đã được giới thiệu trên nhiều chương trình truyền hình khác nhau, trong số đó có hai show trò chuyện của người dẫn chương trình huyền thoại Mỹ Oprah Winfrey.
Cho đến nay, cuốn tiểu thuyết “Ăn. Cầu nguyện. Yêu” vẫn là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong dòng văn học đương đại, nó có giá trị như một chiếc thẻ thông hành của nữ văn sĩ. Năm 2010 cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim. Hai vai chính do các ngôi sao Julia Roberts và Javier Bordern đảm nhận. Tham gia vào sản xuất phim có diễn viên nổi tiếng Brad Pitt, người tự nhận mình là một fan cuồng nhiệt của bộ phim.
Trong cuộc đời của Elizabeth Gilbert, năm 2010 còn được đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng khác. Việc phát hành cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nữ văn sĩ Mỹ ở thời điểm đó “Hôn nhân hợp pháp” cho độc giả biết lý do vì sao Elizabeth quyết định tái hôn với Jose Nunes, là hình ảnh của nhân vật nam Felipe trong cuốn sách. Theo tác giả, bà đã cố gắng nghiên cứu thể chế của hôn nhân, nhìn nhận cuộc sống vợ chồng theo quan điểm của khoa học và tìm hiểu lý do vì sao phụ nữ lại không muốn đăng ký kết hôn.
Câu chuyện về cuộc đời của nữ văn sĩ được hé lộ chi tiết trong các cuốn tiểu thuyết “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” và “Hôn nhân hợp pháp”. Câu chuyện đầu tiên kể về cuộc hôn nhân đầu tiên đã thất bại, tuy nhiên cũng cho biết nhân vật nữ chính sau đó đã gặp được tình yêu đích thực. Theo tuyên bố của chính nữ văn sĩ, bà cũng giống như nhân vật nữ chính trong cuốn sách của mình, lúc đầu bà không có kế hoạch tái hôn với người yêu mới người Brazil là Jose Nunes. Tuy nhiên, tình thế đã được thay đổi bởi thủ tục lập pháp: Để được ở lại Mỹ, bạn trai của bà cần có chứng thực về pháp lý. Đó là lúc Elizabeth nghĩ đến hôn nhân. Cuối cùng thì tình thế này đã được giải quyết bằng việc nữ nhà văn và bạn trai mới đã ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân. Kết quả của tất cả những điều này chính là sự ra đời của cuốn sách mới của Elizabeth Gilbert “Hôn nhân hợp pháp”. Cả hai tác phẩm trên đều mang ý nghĩa đề cao các giá trị của cuộc sống gia đình.
Ba năm sau khi xuất bản cuốn “Hôn nhân hợp pháp”, nữ nhà văn này đã hoàn thành một cuốn sách mới “Nguồn gốc của vạn vật”. Rồi 2 năm tiếp theo đó, cuốn “Ma thuật lớn” đã được ra đời. Một lần nữa, tác giả cố gắng truyền tải đến người đọc thông điệp rằng mọi thứ hoàn toàn nằm trong khả năng của mình. Bên trong mỗi con người, bạn có thể tìm thấy những kho báu đã được thiên nhiên ban tặng cho mỗi chúng ta và mục đích chính của cuộc sống là tìm kiếm và hoàn thiện chúng.
Hơn thế, vào năm 2012, Elizabeth Gilbert đã được đưa vào danh sách 100 nhà lãnh đạo tinh thần có ảnh hưởng nhất của thời đại.
Theo Bích Nguyễn/Vanvn