Phan Minh Thông mua và chơi tranh – Kỳ 2

818

27.12.2017-07:00

 Tác giả Phan Minh Thông ký tặng sách cho bạn đọc tại buổi ra mắt

tác phẩm Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh

 

>> Mua và chơi tranh – Kỳ 1

>> Người đi tìm gia vị cuộc sống

>> Tâm tình qua trang sách

 

Mua và chơi tranh

(Kỳ 2)

 

PHAN MINH THÔNG

 

NVTPHCM- Với nghệ thuật, dù anh là ai, ở tầng lớp nào, một khi đã gắn bó và thật sự say mê với nó, sẽ không thử thách nào tách anh rời xa nổi…

 

Sau khi tôi chơi tranh, nhiều bạn bè thường đến nhà tôi ngắm tranh, họ trông rất đẹp, giàu có và sang trọng. Nhưng khi hỏi về giá cả, rất nhiều người nói tôi… có vấn đề vì bỏ ra nhiều tiền mua tranh như vậy! Cũng như vậy, có người nhìn tranh và nói: Trời, bức này mà đắt vậy à! Trong khái niệm về sự xa hoa của họ, không có chỗ cho TRANH! Chỉ có túi xách, giày, xe và quần áo hàng hiệu! Họ có thể bỏ ra hàng ngàn đô mua một cặp đèn, salon, xe ôtô hay một bồn tắm sang trọng nhưng họ không bao giờ bỏ ra vài ngàn đô la mua một bức tranh. Theo họ nếu ai làm điều đó thì đầu óc người đó quả là không bình thường.

 

Có hàng trăm hàng vạn ngôi nhà đẹp, từ căn hộ đến biệt thự. Tuy nhiên chủ nhân chỉ ra mua tranh chép treo hay treo poster. Tranh chép hay poster đều đẹp tuy nhiên nếu bỏ tiền mua tranh thật thì đẹp hơn nhiều, sống động hơn nhiều. Căn nhà đẹp mà treo tranh gốc vào nhìn khác hẳn, nó gợi cảm giác chủ nhân căn nhà có tri thức và hiểu biết.

Sáng chủ nhật – tranh Đào Hải Phong, sơn dầu, 80x130cm, sưu tập của Phan Minh Thông

 

Tranh giả và nghề bán tranh

 

Khi đi mua tranh nhiều, các chủ phòng tranh và bạn chơi tranh cảnh báo tôi, cẩn thận tranh giả. Họ kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện như chủ phòng tranh khá nổi tiếng và bán được rất nhiều tranh cho người nước ngoài, lòng tham nổi lên thế là mượn họa sĩ sao chép tranh, rồi dựng các họa sĩ không có tên sao chép tranh và lăng xê bán, v.v… Tuy nhiên sự giả dối không tồn tại lâu, nếu người mua phát hiện thì hậu quả rất nặng: Chẳng những họ không đến mua tranh của gallery đó mà họ cũng nghi ngờ các gallery khác và nghi ngờ tranh của Việt Nam nói chung.

 

Một hôm tôi đến một gallery mà ngày xưa vô cùng nổi tiếng, nhìn thấy hai bức của Trần Lưu Hậu tôi muốn mua ngay. Sau 30 phút xem những bức tranh ở đó, tôi đã trả tiền và mang chúng về. Bạn tôi đến chơi, nhìn thấy hai bức tranh mới của Trần Lưu Hậu thì thích quá. Nhưng sau khi biết tôi mua tại gallery đó, đã cảm thấy vô cùng hồi hộp, đứng ngồi không yên. Gallery đó có nhiều chuyện trong quá khứ nên khó tránh bạn tôi nghi ngờ hai bức là giả. Bạn thấy đấy khi ta có một quá khứ không tốt, ta sẽ phải trả giá! Nhiều khi cái giá phải trả là bị phá sản hay bằng chính sự nghiệp của ta! Dù ta có làm tốt trở lại về sau thì tỷ lệ người tin cũng không còn nhiều! Tôi nghe cũng rất hồi hộp và muốn gửi tranh đi thẩm định. Tranh Trần Lưu Hậu có rẻ đâu!

 

Khi tôi in bưu thiếp năm Giáp Ngọ gửi khách hàng bằng tranh Trần Lưu Hậu, 300 bức bưu thiếp gửi đi và sau đó rất nhiều khách hàng đã hồi âm cảm thán khiến tôi rất vui mừng. Sau đó có nhiều người hỏi tôi chơi tranh lâu chưa và muốn xem những tranh tôi nắm giữ. Đặc biệt hơn có người muốn tôi cho họ xem một vài bức tranh Việt Nam và muốn mua tranh. Sẵn máu kinh doanh, tôi đến phòng tranh chụp một loạt và gửi cho họ các ảnh tranh tôi nắm giữ và các tranh ở phòng tranh. Họ hỏi giá và đàm phán. Tôi đã bắt đầu nghề bán tranh như vậy. Có ngày tôi bán được 3 đến 4 bức tranh, toàn tranh đắt tiền hàng nghìn đô-la. Các chủ và bạn chơi tranh bảo sao chỉ qua email mà tôi bán được tranh? Tôi thấy đơn giản là do tôi làm ăn uy tín với khách hàng. Vì vậy mà họ tin. Chỉ cần ảnh qua điện thoại, họ thích và cảm được là họ có thể mua được, không cần phải đi thẩm định lại như trường hợp của hai bức Trần Lưu Hậu bên trên.

Hoa của ngày trăng – tranh Đặng Xuân Hòa, sơn dầu, 60x80cm, sưu tập của Phan Minh Thông

Hoa hồng – tranh Đặng Xuân Hòa, sơn dầu, 70x80cm, sưu tập của Phan Minh Thông

 

Tôi cũng được nghe kể có nhiều họa sĩ khi đã có tên tuổi và bán được tranh giá cao, sẽ sản xuất hàng loạt và từ đó không giữ được phong độ của mình. Tôi được xem bộ sưu tập mới của một họa sĩ già mà tôi mua nhiều tranh của ông. Bộ sưu tập mới của ông quá khác lạ, rất xấu so với tranh cũ của ông! Nhiều lời dị nghị cho rằng đây là tranh không phải ông sáng tác, mà do con của ông, ông chỉ ký hay con ông làm giả chữ ký luôn! Thực hư không biết thế nào nhưng chỉ riêng việc không giữ phong độ của họa sĩ xói mòn danh tiếng và niềm tin! Trong hội họa, xây dựng được tên tuổi vô cùng khó, cưỡng lại được ham muốn của cuộc sống xem ra càng không dễ gì!

 

Thích thú chơi tranh và việc bán tranh, chúng tôi quyết định thuê 50m2 sàn gần văn phòng để mở gallery cho riêng mình. Thiết kế và lắp đèn rất lộng lẫy. Chúng tôi treo tranh ở đó, thỉnh thoảng qua ngắm và đó là nơi để khách hàng của công ty, khi tham quan công ty thì tham quan phòng tranh luôn. Và nếu thích bức nào thì chúng tôi bán. Hôm khai trương phòng tranh, chúng tôi tổ chức rất vui vẻ với nhân viên của mình và có tiền thưởng nếu nhân viên nào bán được tranh. Mọi người vô cùng hào hứng, ai cũng nghĩ mình sẽ bán được vài ba bức. Tuy nhiên bán tranh là cả một ngành kinh doanh khắc nghiệt, có lẽ còn khó hơn bán hàng tiêu dùng ở các phân khúc cao cấp. Nó yêu cầu dịch vụ và sự hiểu biết của người bán về văn hóa, nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng.

 

Sau 6 tháng bán tranh nhiệt tình, tôi thấy mình khó đi theo con đường này vì mất quá nhiều thời gian, nhưng điều đó tất nhiên cũng không làm giảm đi niềm vui sưu tập tranh. Với nghệ thuật, dù anh là ai, ở tầng lớp nào, một khi đã gắn bó và thật sự say mê với nó, sẽ không thử thách nào tách anh rời xa nổi. Vì vậy mà tôi có thể tự tin khẳng định rằng: Với hội họa, thật sự không có chuyện tầng lớp. Chỉ có chuyện làm thế nào để thắp lên niềm say mê đó, trong mỗi người chúng ta!

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…