Với tôi, mảnh đất Quận 5 giàu truyền thống đã kịp “bén duyên” ngay từ lần đầu đặt chân đến Sài Gòn vừa giải phóng. Vào đầu năm 1978, khi đang là sinh viên thực tập tốt nghiệp ở Phan Rang, tôi đã đánh liều một mình nhảy xe đò vào Thành phố Hồ Chí Minh xa lạ để tìm thăm ông chú họ bên ngoại. Ông là nhân viên Cảng Sài Gòn từ trước 1975, có nhà ở đường Trịnh Hoài Đức, rất gần Bưu điện Chợ Lớn lâu đời và chợ Kim Biên danh tiếng. Vì thế, sẽ là không hề cường điệu khi nói rằng, tôi biết đến Sài Gòn hoa lệ bắt đầu từ Chợ Lớn, từ Quận 5.
Sau khi kết thúc đợt thực tập kéo dài hơn một năm, tôi được phân công làm giáo viên tại một trường chuyên nghiệp của Bộ Thủy lợi lúc bấy giờ ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Vậy là từ năm 1979, nhà ông chú ở Quận 5 mặc nhiên trở thành cái “trạm giao liên” của tôi những năm 198x. Trong các chuyến đi “Thành phố” quãng thời gian này, việc tôi nán lại Quận 5 một vài ngày là chuyện thường xuyên. Năm 1986, sau khi trúng tuyển nghiên cứu sinh của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tôi được triệu tập tham dự khóa bồi dưỡng tiếng Nga, và nơi đến học lại chính là Trường dự bị đại học trên đường Nguyễn Chí Thanh, Quận 5. Tôi lại có thêm một năm vừa rèn luyện thứ tiếng Nga rối rắm, vừa làm quen với cuộc sống phong phú và thú vị của cộng đồng người Hoa ở khu vực này.
Năm 1994, sau khi từ Moscơva về nước, tôi trở thành cư dân Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 5 càng trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với tôi. Nơi đây không chỉ là địa chỉ của khu ẩm thực mà nghệ thuật chế biến các món ăn ngon đã được tôn là tinh hoa; không chỉ là trung tâm du lịch văn hóa – tâm linh với hàng chục di sản có giá trị, mà còn là cửa ngõ giao thương với các tỉnh miền Tây Nam bộ trù phú và giàu bản sắc. Hẳn là bất kỳ một người dân miền Tây nào cũng biết và còn nhớ tới bến xe Chợ Lớn nhộn nhịp một thời, nơi mỗi ngày có hàng ngàn chuyến xe đi về như con thoi giữa Sài Gòn và các vựa lúa và cây trái miền Tây… Nhưng với tôi không chỉ có thế. Nơi đây còn rất nổi tiếng bởi Phố Đông y lâu đời và độc đáo, bao gồm một phần các đường Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông trên địa bàn Phường 10. Loại hình dịch vụ kinh doanh tại Phố Đông y khá phong phú với 129 cơ sở bán buôn, bán lẻ các loại dược liệu và thuốc đông y, 5 cơ sở sản xuất thuốc đông y, 53 phòng chẩn trị y học cổ truyền và một siêu thị đông y. Mật độ các nhà thuốc đông y ở Quận 5 với những con số nêu trên quả là ấn tượng.
Với những người am hiểu thì không khó để nhận ra rằng, Phố Đông y Quận 5 chính là Trung tâm đông y lớn nhất ở Việt Nam. Với lợi thế và đặc trưng của vùng Chợ Lớn là trung tâm thương mại trên bến dưới thuyền, nơi đây rất thuận lợi cho việc tiếp nhận và phân phối dược liệu theo cả đường thủy và đường bộ. Thuốc dược liệu do người dân nuôi trồng, khai thác từ các tỉnh miền Tây và từ nước Campuchia láng giềng, như hạt sen, hoa xứ, bạc hà, kinh giới, ích mẫu… cùng nhiều loại dược liệu quý khác với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Các phương tiện vận tải đường bộ đảm bảo việc vận chuyển từ Cao nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ các loại dược liệu quý, như atisô Đà Lạt, sâm Ngọc Linh, quế, hồi, hạt đười ươi, ý dĩ, nhân trần, nghệ với sản lượng vài chục ngàn tấn mỗi năm. Từ các tỉnh phía bắc thì người ta vận chuyển theo đường tàu hỏa vào đây các loại: đại hồi, hoa hòe, thảo quả, thảo quyết minh… Có thể nói, mọi loại dược liệu từ các vùng miền trong cả nước đều được tập trung về Phố Đông y Quận 5, rồi từ đây sẽ được các cơ sở kinh doanh phân phối đi các nơi hoặc xuất ra nước ngoài. Sản phẩm xuất khẩu có thể dưới dạng thô hoặc đã được chế biến, như trà giảm béo và các loại gia vị…
Trên thực tế, thị trường đông y rất rộng lớn và đông y đã hiện diện thường trực trong đời sống quanh ta, nhưng đôi khi ta không chú ý hoặc không nhận biết. Chẳng hạn, khi ăn một tô phở, ta đã sử dụng khá nhiều vị thuốc đông y; nếu không có quế, hồi, sa nhân, thảo quả… thì không thể có tô phở thơm ngon. Khi các quý ông muốn tắm hơi, khi các qúy bà cần spa làm đẹp…, các sơ sở phục vụ này đều phải sử dụng tới đông y. Nhiều người hiểu đơn giản rằng, ta chỉ sử dụng tới đông y khi khi phải uống thuốc thang hoặc thảo dược, và đó là cách hiểu phiến diện. Đông y đi sâu vào mọi ngóc ngách đời sống của con người, bất kỳ ai khi sử dụng một củ gừng hay một củ nghệ cũng đều sử dụng đông y. Và chính vì đông y có tầm quan trọng như thế nên thị trường đông dược Quận 5 đã tồn tại và phát triển liên tục qua hàng trăm năm nay…
*
Tôi tìm đến Công ty Đông dược Dược Phát, địa chỉ 45-47 Lương Nhữ Học, Phường 10 và đem nỗi băn khoăn trên đây chia sẻ với Dược sĩ Mai Ngọc Dược, Tổng giám đốc Công ty. Ông Mai Ngọc Dược cho biết, để có thể đứng vững với các sản phẩm đủ uy tín phân phối khắp 61 tỉnh thành trong cả nước, Công ty Dược Phát của ông đã phải nhiều năm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ thu mua nguyên liệu và tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn GMP-WHO (Tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành) áp dụng cho ngành sản xuất dược phẩm. Theo đó, Dược Phát phải đáp ứng đầy đủ và nghiêm ngặt các yêu cầu về nhân sự; yêu cầu về thiết kế, xây dựng, lắp đặt nhà, xưởng và thiết bị chế biến; yêu cầu kiểm soát vệ sinh nhà xưởng, môi trường; yêu cầu về kiểm soát quá trình chế biến; yêu cầu về kiểm soát quá trình bảo quản và phân phối sản phẩm.
“Khi anh không đảm bảo được chất lượng, sản phẩm không thể bán rộng rãi trên khắp các tỉnh thành mà không bị các đoàn kiểm tra “điểm mặt”. Nếu để bị phát hiện 3 lần vi phạm thì sản phẩm của anh sẽ bị rút giấy phép, nên doanh nghiệp thuốc không dám làm bậy đâu…” – Mai Ngọc Dược chia sẻ.
Tồng giám đốc Mai Ngọc Dược là người Cần Giuộc, Long An và từng trải qua 3 năm trong quân ngũ. Có lẽ vì vậy, cách tiếp chuyện của ông thẳng thắn, chân thành và cởi mở theo phong cách một người lính miền Tây. Dược Phát là một công ty gia đình quy mô vừa phải, không lớn như các công ty tây y, nhưng không phải vì thế mà coi nhẹ các quy định tại Tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc”. Thuốc đông y ở đây có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên và được sản xuất theo quy trình công nghệ tiên tiến, sử dụng máy móc hiện đại để chiết xuất những thành phần tinh túy của các loại thảo dược quý hiếm ở Việt Nam và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Đài Loan. Với việc áp dụng các dây chuyền công nghệ, Dược Phát đã chuyển sang tự động hóa một khối lượng đáng kể công việc mà trước đây được thực hiện bởi các lao động thủ công. Về nguyên liệu thảo dược cho sản xuất, với các chủng loại được nhập từ nước ngoài thì đều phải được sự cho phép của Bộ Y tế sau khi cơ quan này tổ chức kiểm tra thẩm định nguồn cung ứng.
Với slogan “Luôn luôn đồng hành cùng sức khỏe của bạn”, Dược Phát xác định cho mình nhiệm vụ cung cấp cho quý khách hàng các loại thuốc đạt tiêu chuẩn tốt nhất và an toàn nhất… Trả lời câu hỏi của tôi về việc quảng bá sản phẩm của Dược Phát, ông chủ doanh nghiệp này chân thành chia sẻ: “Chúng tôi không quảng cáo các sản phẩm thuốc của mình trên đài và báo chí, nhưng tôi tin khách hàng sẽ tìm mua chúng nhờ sự tín nhiệm của người dùng qua hơn 30 năm nay. Những sản phẩm thuốc đông y về cơ bản là các loại thuốc gia truyền từ đời trước sang đời sau, và việc sản xuất ra chúng để phục vụ cộng đồng là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi. Doanh thu và lợi nhuận về mảng kinh doanh này có thể không lớn, nhưng đó không phải là mối bận tâm chính của Dược Phát”.
Trong khi tiếp chuyện khách, vài lần tôi được nghe ông Dược trả lời điện thoại. Khi ông chỉ đạo cho nhân viên thay ông tài trợ cho giải bóng đá của một phường ngoại thành. Lần khác, ông yêu cầu cấp dưới tìm hiểu nhu cầu để hỗ trợ một đơn vị quân đội tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12 sắp đến… Dù chỉ là tình cờ, hay nói đúng hơn chỉ là người hóng chuyện bất đắc dĩ, nhưng thú thực tôi cảm thấy vui vui với suy nghĩ này: Hình như các doanh nhân đông y thường có trái tim nhân hậu và biết tìm những dịp thích hợp để chia sẻ lòng thơm thảo với quê hương, cộng đồng.
N.H
Theo Văn nghệ số 5/2021