Truyện ngắn – Chất liệu của điện ảnh

1205

Lê Hương

(Nhân đọc cuốn “Những thế giới song hành: Từ truyện ngắn đến điện ảnh” của tác giả Nguyễn Văn Hùng, NXB Đại học Huế, 2020)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Luận bàn về mối quan hệ song hành giữa truyện ngắn và điện ảnh, TS. Nguyễn Văn Hùng đã có những kiến giải, lý lẽ thuyết phục và thú vị trong cuốn sách có tựa đề Những thế giới song hành: Từ truyện ngắn đến điện ảnh. Cuốn sách khá đầy đặn với hơn 500 trang, được NXB Đại học Huế ấn hành vào giữa năm 2020 vừa qua. Có thể nói, Những thế giới song hành: Từ truyện ngắn đến điện ảnh là một trong số ít những công trình nghiên cứu khá công phu và hiếm hoi về mối quan hệ giữa điện ảnh và truyện ngắn. Vì thế đây là nguồn tư liệu quý cho những người yêu văn học, các nhà biên kịch điện ảnh.

Tập sách “Những thế giới song hành: Từ truyện ngắn đến điện ảnh” của tác giả Nguyễn Văn Hùng

Mỗi chúng ta đều biết rằng, ngoài truyện ngắn thì nhiều thể loại khác cũng có những lợi thế nhất định khi chuyển thể thành kịch bản phim như tiểu thuyết, truyện dài, kịch bản văn học… Thế nhưng, nhờ tính “đa hình hài”, “đầy biến hóa”, “sẵn sàng cho mọi biến đổi”, “truyện ngắn trở thành một thể loại động và mở”. Chính đặc điểm ấy đã giúp truyện ngắn trở thành sự ưu tiên hàng đầu của các nhà làm phim. Không chỉ thống kê các khái niệm, chỉ ra đặc điểm của truyện ngắn, trong Những thế giới song hành: Từ truyện ngắn đến điện ảnh, Nguyễn Văn Hùng còn phối hợp các thao tác so sánh, đối chiếu, tổng – phân tích… để lý giải cặn kẽ và sâu sắc đặc tính tối ưu khi sử dụng truyện ngắn làm chất liệu cho điện ảnh. Tác giả không ngần ngại “bóc tách” phần lõi để “nàng lọ lem” xuất hiện với đầy đủ diện mạo của mình. “Nàng Lọ Lem” – truyện ngắn không chỉ chinh phục các nhà biên kịch bằng “những khoảng trống, độ mở”, mà còn bằng “sự hối hả, gấp rút, độ căng”- những thứ cần thiết cho một bộ phim. Vì thế, “nàng Lọ Lem” luôn được lựa chọn để chuyển thể/ cải biên thành kịch bản điện ảnh là điều hiển nhiên.

Tiến sĩ – Nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Văn Hùng, hiện là Giảng viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Khoa học Huế

Chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh là công việc đòi hỏi nhiều tâm sức của nhà biên kịch khi anh ta phải dịch liên kí hiệu: Chuyển từ kí hiệu ngôn ngữ sang kí hiệu điện ảnh. Trong Những thế giới song hành: Từ truyện ngắn đến điện ảnh, Nguyễn Văn Hùng đã vận dụng nhuần nhuyễn các lí thuyết: Lí thuyết liên văn bản, giải cấu trúc, phiên dịch học và văn hóa học… để soi chiếu, đào sâu, làm nổi bật đặc điểm của công việc chuyển thể/ cải biên, cũng như khai thác, mổ xẻ các vấn đề: Tái cấu trúc đường dây cốt truyện, cải tác chi tiết, cải biên nhân vật, chuyển dịch không gian, biến hóa phương thức trần thuật, tạo dựng ngôn ngữ điện ảnh… từ truyện ngắn đến điện ảnh. Với cái nhìn kép về chuyển thể, Nguyễn Văn Hùng đã phân tích, luận giải thấu đáo quá trình nhà làm phim xử lí, lựa chọn, tìm tòi, sáng tạo những yếu tố (cốt truyện, ngoài cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, hình thức kể chuyện, ngôn ngữ…) từ hệ thống kí hiệu ngôn ngữ sang hệ thống kí hiệu hình ảnh, âm thanh. Nguyễn Văn Hùng đã tìm tòi và thống kế 105 phim. Theo số liệu khảo sát của anh, trong số 44 phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học, thể loại truyện ngắn chiếm gần 64%. Kết quả khảo sát này cho thấy chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh đã và đang là hiện tượng phổ biến trong đời sống văn hóa nghệ thuật trên thế giới và ở Việt Nam. Cuối năm 1890, ở Việt Nam, môn nghệ thuật thứ 7 bắt đầu du nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần. Điện ảnh nước nhà đã trải qua chặng đường dài phát triển và có những bước khởi sắc đáng kể. Theo thống kê của Nguyễn Văn Hùng, có khá nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành phim như: Vợ chồng A Phủ (1961, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Tô Hoài), Cỏ lau (1992, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Châu), Thương nhớ đồng quê (1995), Những người thợ xẻ (1998), Tâm hồn mẹ (2011) (chuyển thể từ các truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp), Chị Dậu (1980, chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố), Đời cát (1999, chuyển thể từ truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương), Chuyện của Pao (2007, chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy), Cánh đồng bất tận (2010, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư)… Sau đổi mới, thể loại truyện ngắn đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều bình diện chủ đề, tư tưởng, giá trị thẩm mĩ, hình thức thể hiện. Những truyện ngắn ấy không chỉ là món ăn tinh thần của công chúng, mà còn là chất liệu để các nhà làm phim lựa chọn.

Nhìn chung, Những thế giới song hành: Từ truyện ngắn đến điện ảnh của Nguyễn Văn Hùng là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, bài bản về mối quan hệ song hành giữa truyện ngắn và điện ảnh. Cuốn sách thể hiện cái nhìn tinh tế, đa chiều, toàn diện và sâu sắc của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp; đồng thời cho người đọc thấy rõ ý thức trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của một người làm nghệ thuật: không ngại khó, dám tư duy tìm tòi khám phá những vùng  đất lạ.

L.H