Phong Điệp viết văn không chờ sung rụng

732

09.6.2018-20:20

 Nhà văn Phong Điệp

 

Nhà văn Phong Điệp:

Viết văn không “chờ sung rụng”

 

HOÀNG LAN ANH

 

NVTPHCM- Nhà văn Phong Điệp cho rằng nếu không lao động, không tự tạo ra cảm xúc cho mình thì sẽ không thể đi đường dài với văn chương…

 

* Tháng 4-2018, nhà văn Phong Điệp gây chú ý với độc giả bằng tập truyện ngắn “Những mối tình câm”. Tháng 5-2018, chị lại khiến người đọc ngạc nhiên vì “Tình trạng không phủ sóng”, một tập truyện ngắn khác. Văn đàn Việt Nam hiện tại rất hiếm người có sức sáng tạo như vậy. Tôi rất tò mò là chị lấy đâu ra nhiều năng lượng như vậy cho hành trình bền bỉ của mình?

 

Nhà văn Phong Điệp: Tôi luôn tâm niệm rằng sáng tạo là một hành trình bền bỉ và không có chỗ cho sự lười biếng hay tự mãn. Vì vậy tôi duy trì việc sáng tác thường xuyên. Hoạt động sáng tác không chỉ đơn thuần là ngồi viết ra một truyện ngắn, một tản văn hay đầu tư dài hơi cho một cuốn tiểu thuyết. Nó đòi hỏi người viết phải lao động thực sự. Tôi luôn chú trọng việc “nạp nhiên liệu” cho quá trình sáng tạo. “Nhiên liệu” thì nhiều lắm: từ thực tế, từ sách vở,…

 

Tôi luôn tranh thủ đi mỗi khi có điều kiện. Việc đọc sách duy trì thường xuyên, ít nhất một tuần đọc một cuốn sách. Rồi dõi theo mỗi diễn biến của đời sống trên sách báo và đặc biệt là mạng xã hội. Từ đó, những ý tưởng sáng tạo được hình thành.

 

* 42 tuổi, tác giả của 23 cuốn sách, Phong Điệp đưa người đọc đi qua rất nhiều đề tài, ngõ ngách của cuộc sống. Nhưng hỏi thật, một cách chủ quan, đâu mới là nơi chị viết dễ dàng nhất, tự tin nhất?

 

– Tôi luôn thấy mọi đề tài đều đặt ra những thử thách, không cho phép sự chủ quan ở người viết. Ví dụ như đời sống đô thị, tôi đã đắm mình vào không gian đô thị từ bé đến lớn, tưởng có thể hiểu chân tơ kẽ tóc chăng? Nhưng không hề! Đô thị ngồn ngộn chất liệu và cũng ẩn chứa vô vàn điều bí ẩn, thách thức người viết khám phá. Hay viết cho thiếu nhi, tưởng rất dễ dàng khi ký ức tuổi thơ còn đầy ăm ắp, khi có hai con gái đồng hành là chất liệu sinh động nhất, khi cơ hội làm việc thường xuyên với trẻ nhỏ cho mình thêm năng lượng. Nhưng viết để chinh phục được các độc giả nhỏ tuổi lại không đơn giản, đó chưa kể tâm thức thế hệ, cách tiếp nhận và xử lý vấn đề mỗi lứa tuổi mỗi khác. Chia sẻ như vậy để thấy rằng với cá nhân tôi, không có đề tài nào là dễ dàng để có thể tự tin rằng mình viết hay, viết giỏi. Song chính những thách thức đặt ra ở những mảng đề tài khác nhau buộc người viết phải lao động nghiêm túc mới có thể cho ra mắt những tác phẩm chất lượng.

 

* Cảm giác của chị thế nào khi khám phá mình ở những góc cạnh khác nhau, hoặc chinh phục được một đề tài mới mẻ mà chị nghĩ là rất khó mỗi khi “đâm đầu” vào?

 

– Bắt đầu những thử thách mới trong sáng tạo văn chương có nhiều điểm tương đồng với cảm giác chinh phục một đỉnh núi. Có háo hức, phấn chấn vì những điều mới mẻ; có mệt mỏi, nản lòng khi gặp trở ngại; có hoang mang khi đối mặt với cảm giác bị thất bại,… Nhưng sau tất cả, khi đã vượt qua được những thử thách ấy là giây phút thăng hoa, vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Mọi khó khăn, trở ngại trước đây bỗng trở nên có giá trị hơn bao giờ hết khi khám phá được chính mình trong văn chương, ở những cung bậc mới. Vì thế, mỗi khi khép lại một tác phẩm, tôi lại tiếp tục nung nấu những ý tưởng mới.

 

* Nghề viết, nếu chỉ trông chờ vào cảm xúc, người ta sẽ phải đối mặt với một thực tế là cạn cảm xúc, nghĩa là không thể viết được nữa. Chị đã bao giờ rơi vào trạng thái này và làm gì để vượt qua nó, một cách chuyên nghiệp nhất?

 

– Khi mới bước chân vào văn chương, tôi quả thực chỉ viết khi có cảm xúc. Nhưng sau đó tôi nhanh chóng hiểu rằng nếu chỉ đợi cảm xúc đến mới viết thì không khác nào anh chàng trong câu chuyện dân gian nằm há miệng dưới gốc cây chờ sung rụng. Nếu không lao động, không tự tạo ra cảm xúc cho mình thì sẽ không thể đi đường dài với văn chương. Việc duy trì sáng tác đều đặn và ra mắt sách thường xuyên là thành quả cho quá trình lao động không “chờ sung rụng”.

 

* Thế hệ 7X nhiều cây bút đi nửa đường là gãy, chuyển sang những công việc khác. Riêng chị vẫn bền bỉ gắn bó với công việc viết văn của mình. Có điều gì lôi cuốn chị lâu đến vậy?

 

– Tôi đam mê văn chương. Viết văn với tôi là cuộc sống. Ở đó, tôi được sống một cuộc đời không nhàm chán.

 

* Chị đánh giá thế nào về những cây bút trẻ hiện nay? Có ai khiến chị thực sự kỳ vọng?

 

– Các tác giả trẻ hiện nay tự tin, mới mẻ và giàu năng lượng sáng tạo. Không ít tác giả mà khi đọc họ, luôn khiến tôi ngạc nhiên, thích thú, thậm chí ngưỡng mộ. Họ có cách tư duy khác hẳn thế hệ trước. Những người tôi kỳ vọng nhiều lắm, có thể kể đến Đinh Phương, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Kim Hòa, Huỳnh Trọng Khang, Cao Nguyệt Nguyên…

 

Chấp nhận mọi lời trách cứ

 

Khi hỏi chị sắp xếp thế nào để vừa có thời gian nạp năng lượng, chăm sóc gia đình cũng như cho công việc yêu thích của mình, Phong Điệp nói: “Tôi tin nhiều người có ước mong thời gian mỗi ngày dài hơn, để có thể làm được nhiều việc hơn. Tôi hay nhận được những lời hờn trách, thậm chí mắng mỏ, rằng sao không chạy ra quán ngồi với nhau tí, đi ăn với nhau một bữa,… Tôi tiếc thời gian nên đành nhận mọi lời trách cứ. Vì tôi biết nếu tôi sa đà vào các lời hẹn hò, con tôi sẽ phải đợi mẹ thêm nhiều giờ ngoài cổng trường, bữa cơm gia đình sẽ đểnh đoảng hơn, công việc của tôi sẽ bị dồn ứ khiến tôi ngộp thở. Thường thời gian biểu của tôi là từ nhà đến trường con rồi đến cơ quan và ngược lại. Có người còn đùa rằng tôi sống nhàm chán quá. Nhưng tôi biết việc mình cần làm và nên làm. Thậm chí chấp nhận “có lỗi” để được sống là mình, chủ động và làm được nhiều việc mà mình mong muốn”.

 

Theo NLĐ

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…