Phùng Hiệu – Rét cong từng ngọn lửa tàn

862

 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phùng Hiệu tên thật; Phùng Văn Hiệu SN 1976 tại Đà Nẵng, lớn lên tại Phú Ngọc – Định Quán – Đồng Nai. Sống và làm việc tại TPHCM. Tốt nghiệp Đại Học Kỹ Thuật TPHCM, Hiện đang công tác tại Tạp chí MT&ĐT Việt Nam, Chủ biên trang Văn Chương Phương Nam – Diễn đàn Văn học của Hội Nhà văn TPHCM, Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM. Đã xuất bản 4 tập thơ: Tình Không Dám Ngỏ – Tập Thơ – NXB Văn Học 2008, Thức Giấc – Tập Thơ – NXB Thanh Niên 2010, Trong Thế Gioi Ngụy Trang – Tập thơ – NXB Trẻ 2013, Dấu chân biển cả – Tập thơ – NXB Văn hóa – Văn nghệ. Vanchuongphuongnam.vn trân trọng giới thiệu chùm thơ anh đến với bạn đọc.

Phùng Hiệu

Tiếng nấc trong khu rừng cao su

 Trong khu rừng già cỗi những cơn đau

Những tán lá cao su ngủ quên trên mái nhà tạm bợ

Nơi vách tường bằng đất

Rét cong từng ngọn lửa tàn

 

Người đàn bà cựa mình rát buốt cơn đau

Chôn chặt tháng năm trong túp lều lạnh cóng

Tiếng gió mùa đông thét gào tuyệt vọng

Những vết thương  khô

Vỡ vụn giữa đêm tàn

 

Giải pháp nào cho hơi thở tàn đông

Khi cơn đau bật thành tiếng nấc

Tiếng nấc cuối cùng theo quy luật tử sinh

 

Người đàn bà thoát kiệp mưu sinh

Khu rừng cao su

 Trút đầy tiếng lặng!

 

Sự Thật

Ngài khẳng định rằng,
Không có thế giới siêu hình cho những người tín ngưỡng
Không có chuyện phơi bày ngôn ngữ tự do
Không có xúc cảm nào để hình thành quan điểm
Cho những lập trường mâu thuẫn chủ trương

Tôi đi tìm phép thử từ phía đại dương
Từ nơi xa xôi nửa vòng trái đất
Và tìm thấy được sự đồng cảm của tâm linh
Được giao cảm bên ngoài không gian bí mật

Khi sự thật không thể nào bị giết chết
Thì phải giết người dám nói lên sự thật mà thôi!

 

Biên bản thặng dư

Suốt hành trình ngã giá mưu sinh

Những bước chân hướng về vô thực

Họ đi suốt chiều dài thế kỷ

Những trang đời đổ xuống lại trồi lên

***

Chị rã bời rời khỏi xưởng may

Và bước vội bước chân về sáng

Đêm đã lắng tiếng đời đã cạn

Phố sang ngày

Trăng ngã phía tăng ca

 

Chị ký vào tập giấy thặng dư

Tờ biên bản được ghi bằng nước mắt

Bảng chấm công những đêm dài rát mặt

Những đôi tay định mức dây chuyền

 

Chị mang về hơn một  tháng lương

Chỉ thừa ra bữa cơm lao động

Sau những đêm cày ải đến không giờ

 

***

“Anh lê những bước chân về phía công trường

Và lót bụng bằng nửa nấm xôi lên giá

Anh không dám châm vào chiếc xe cà tàng những giọt xăng đắt đỏ

Đành đi bộ mỗi ngày đến trước bình minh

 

Dự án cần – tiến độ tên anh

Vẫn mẫu bánh mì dai nhách

Đêm chỉ còn một nửa

Trong anh không có thế giới ban ngày

 

Anh run tay nhận việc ngoài giờ

Sáu tiếng thặng dư được tính tròn ngày chẵn

Và kiệt sức sau mười bốn giờ căng thẳng

Sau từng ngày

 

Anh chợt thấy những đứa con của mình được đến trường

Trên chiếc xe đạp

Một căn nhà vách đất

Một tô phở bò thơm ngát bình minh

Anh đi về hướng đó

Nhưng tiếng kẻng công trường bỗng nhiên báo động

Anh giật mình đánh rớt một cơn mơ” (1)

 

 ***

Em cầm cái tuổi mười lăm

Bước vào nhà máy

Theo chế độ lao động

Dành cho kẻ trưởng thành

Không thể là một kẻ vô danh

Em được ngụy trang bằng tuổi tên lạ hoắc

Được canh gác giữa môi trường độc hại

Được bảo vệ giữa vòng vay khí thảy

Đươc nhân danh là người thợ trung thành

Được tặng bằng  chiến sĩ tăng ca

Được phân ra thành đội hình công nhân hạng nhất

Được xếp loại “người hùng gan dạ”

Được kí vào văn bản …thặng dư

****

Cụ trét vào vách tường những giọt mồ hôi

Bằng chiếc bay của người công nhân thợ mỏ

Giữa bầu trời nắng đỏ

Những đôi tay rướm máu công trình…

 

 

 Thặng dư!

Thặng dư!

Thặng dư!

Gía trị lợi nhuận lao động

Gía trị làm giàu vật chất

Gái trị lũy thừa ngoại tệ

Cho những tập đoàn kinh tế vỹ mô

Từ những vòng tay lao động

Theo một quy trình

Biên bản…thặng dư!

Phùng Hiệu