Phương Trà & Chỗ nghẽn trong tim

729

27.02.2018-06:30

 >> Thư viện nhà văn Phương Trà

 

 

 Chỗ nghẽn trong tim

 

 

TRUYỆN NGẮN CỦA PHƯƠNG TRÀ

 

NVTPHCM- Đặt cái valy to kềnh lên băng chuyền, Hoàng mở hộp thư điện tử, chìa ra cho cô gái áo đỏ ở quầy thủ tục xem mã đặt chỗ cùng với chứng minh nhân dân. Những ngón tay có móng dài một cách bất thường, được sơn và vẽ hoa rất tỉ mỉ lướt trên bàn phím máy tính. Cô in ra ba mẩu giấy, trông chẳng khác nào hóa đơn mua hàng ở siêu thị.

 

– Vé của nhà mình đây ạ.

 

Hoàng nhận vé rồi trao một cái cho vợ. Chị mỉm cười: Cuối cùng thì cũng thoát.

 

Anh biết vợ muốn nói điều gì. Chuyến đi Tây Bắc này, hai vợ chồng lên kế hoạch từ nhiều năm trước, khi chưa có cu Bin, nhưng anh không thể nào dứt ra khỏi công việc. Khoa Tim mạch can thiệp – Cấp cứu hãy còn non trẻ, và Hoàng là bác sĩ duy nhất ở bệnh viện có khả năng thông tim cấp cứu nên anh chẳng thể đi đâu. Sau gần 10 năm, Hoàng mới thu xếp được để nghỉ phép, đưa cả nhà đi xa một chuyến.    

 

Điện thoại đổ chuông. Ông già gọi.

 

– Con nghe đây ba.

– Con đang ở sân bay phải không?

 

– Dạ, tụi con đang làm thủ tục. Về quê vui không ba?

– Ừ, vui. Hoàng à, có việc này…

 

Có điều gì đó nặng trĩu trong giọng nói của ông già. Hoàng áp sát điện thoại vào tai:

 

– Chuyện gì vậy ba?

– Liệu có thể dời chuyến đi sang một ngày khác được không con?

 

Đứng ngay bên cạnh, vợ Hoàng chăm chú nhìn anh, trong khi cậu nhóc vẫn lướt iPad.

 

– Ba ơi, gần chục năm rồi con mới được nghỉ phép. Cu Bin rất háo hức với chuyến đi này. Mà, có chuyện gì vậy ba?

 

– Một người bạn của ba bị nhồi máu cơ tim, vừa được đưa tới bệnh viện.  

 

– Bác sĩ Minh phó khoa sẽ phụ trách ca này. Nếu cần hỗ trợ, sếp Thành sẽ gọi bác sĩ Tuấn bên bệnh viện C. Con đã thu xếp đâu vào đó trước khi nghỉ phép.

 

– Bác sĩ Minh chưa có nhiều kinh nghiệm can thiệp cấp cứu. Mà, nghe người nhà kể, ba nghĩ ca này nặng đó con. Lỡ có…

               

Ông già tắt máy hoặc mạng di động trục trặc sao đó. Hoàng thả người xuống chiếc ghế dài. Cậu nhóc đã rời khỏi iPad, ngước mắt nhìn anh; mẹ cậu bé cũng nhìn anh.

 

Điện thoại lại đổ chuông. Giám đốc gọi.

 

– Hoàng à, cháu vẫn chưa bay phải không? Có một ca nhồi máu cơ tim cấp, rất nặng. Chú đã gọi bác sĩ Tuấn đến hỗ trợ cho Minh, nhưng mẹ cậu ấy vừa bị tai nạn sáng nay, cậu ấy phải về quê.

 

– Dạ, cháu hiểu rồi. Chú bảo anh em chụp mạch vành. Hai mươi phút sau cháu có mặt.

 

Hoàng cúp máy, quay sang nói với vợ:

 

– Em à, anh phải trở về bệnh viện gấp. Hai mẹ con đi trước nhé! Xong việc anh đi sau.

 

Vợ Hoàng lặng thinh. Anh xoa đầu cậu con trai đang xị mặt rồi bước ra ngoắc một chiếc taxi.

 

– Vui lòng đưa tôi đến bệnh viện T.

 

Trên đường đi, có một câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu: Người bệnh là ai mà ông già lo lắng đến vậy? Lẽ nào lại là bà ấy?

 

***

               

Bệnh án được đặt sẵn trên bàn bên cạnh phòng thông tim. Nguyễn Đức Thiện. Là nam. 68 tuổi, nhập viện lúc 9g20 trong tình trạng tức ngực, tụt huyết áp, choáng tim, chân tay lạnh. Kết quả đo điện tim: Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên vùng dưới, biến chứng rối loạn nhịp  blốc nhĩ thất cấp 3…

 

Hoàng bước nhanh vào phòng điều khiển. Bên kia tấm kính trong suốt, Minh, Ngân cùng hai điều dưỡng khẩn trương chuẩn bị can thiệp cấp cứu. Thoáng nhìn thấy Hoàng, Minh cúi xuống, tiếp tục làm việc. Ngân bước ra. Mũ xanh trùm đầu, khẩu trang che kín mặt chỉ chừa đôi mắt, “áo giáp” chì ngăn tia X chỉn chu. Minh đã cài ống thông (catheter) vào động mạch vành và Ngân bơm thuốc cản quang chụp hệ thống mạch vành cung cấp máu nuôi dưỡng quả tim bằng hệ thống DSA – thiết bị chụp mạch máu xóa nền sử dụng tia X.

 

Sau những tiếng click của bàn đạp tia và tiếng máy phát xạ tia, mạch vành của bệnh nhân lần lượt hiện ra trên màn hình. Hoàng lẩm bẩm: Tổn thương khá nhiều nhánh. Hình ảnh chụp mạch vành DSA cho thấy tổn thương thủ phạm ở bên phải. Một mảng xơ vữa đã vỡ ra tạo huyết khối, gây tắc cấp động mạch vành phải. Nếu không kịp thời tái thông dòng máu, bệnh nhân có thể tử vong.

 

Hoàng hỏi Ngân: “Bác sĩ Minh đã giải thích cho gia đình bệnh nhân chưa?”. “Rồi ạ”. Vậy thì bắt đầu thôi!

 

***

                                                               

Nhà có bốn người, hết ba làm việc ở bệnh viện nên ít khi đủ mặt trong những bữa cơm. Vì vậy mà bà mẹ cảm thấy vui khi chiều muộn hôm đó, cả chồng lẫn con gái, con rể đều ngồi vào bàn ăn. Canh cua rau đay, đọt su su xào… – những món mà mấy cha con rất thích. Con gái dạo này hơi gầy và xanh. Trong gia đình có một bác sĩ đã thấy cực lắm rồi, thế mà lớn lên con bé nhất quyết theo nghề y, đâm đầu vào bệnh viện.

 

– Hôm nay công việc tốt chứ con? – Bà mẹ vừa gắp thức ăn cho con gái vừa hỏi.

 

– Tốt mẹ ạ. Chúng con can thiệp cấp cứu thành công, và thêm một ca can thiệp thường quy nhưng rất phức tạp về kỹ thuật.

               

– Ngôi sao sáng của bệnh viện có mặt thật đúng lúc, dù đã xin nghỉ phép – chồng Ngân góp lời.  

               

– Bố gọi và cậu ấy trở về từ sân bay đấy. Con chưa có kinh nghiệm xử lý những ca như thế này. Chẳng may có sự cố gì…  

 

– Bố đúng mà – Anh con rể nói.

               

Không khí nặng nề lướt qua bàn ăn. Bà mẹ tự trách mình bỗng dưng lại hỏi chuyện ở bệnh viện. Rồi bà kín đáo nhìn con gái. Nét hào hứng vừa bừng lên trên gương mặt đã lập tức tan biến, trông con bé khá mệt mỏi.

               

Sau bữa cơm, Ngân đi bộ đến nhà sách. Đêm rất trong. Từ khoảng sân nhỏ của một ngôi nhà bên đường, cây ngọc lan thả xuống từng dòng hương ngây ngất. Buổi tối sẽ nhẹ nhõm biết bao nếu Minh không buông lời mỉa mai trong lúc ăn cơm. Từ ngày Hoàng bước vào Khoa Tim mạch can thiệp – Cấp cứu, Minh chưa bao giờ thấy thoải mái. Ngân có cảm giác như Hoàng càng thành công với những ca thông tim cấp cứu thì cảm giác không thoải mái càng tăng lên ở chồng cô. Khi Hoàng được bổ nhiệm trưởng khoa, Minh khó chịu ra mặt, cứ như Hoàng cướp mất thứ lẽ ra sẽ thuộc về Minh – người thi thoảng vẫn được đồng nghiệp tâng bốc là phò mã của giám đốc.     

               

Nhà sách tối nay khá đông. Thật tốt khi người ta dành thời gian cho sách nhiều hơn là dõi theo các gameshow. Ngân lướt qua các kệ sách văn học rồi dừng lại trước kệ có gắn biển “Sách mới xuất bản – tái bản”. Quyển Đèn không hắt bóng đập vào mắt cô. Trông thật khác với quyển sách mà Ngân đang giữ ở nhà, nhưng đúng là nó, với nỗi cô đơn và tình yêu câm lặng, với ranh giới mong manh giữa sáng và tối của những người mặc blu trắng. Ngân khẽ chạm vào bìa sách và nghe tim mình nhói lên.

               

– Trong ngực anh thứ gì đang đập vậy? Anh giữ gần một tỷ đồng từ thiện, vậy mà nghe người nhà bệnh nhân nói phải bán bò mới có tiền mua stent, anh không hề chớp mắt lấy một cái! 

 

Người-mới-đến rời mắt khỏi bệnh án, ngước lên nhìn Ngân. Mắt hơi nheo lại, anh ta nói rất từ tốn:

 

– Thưa quý cô, họ còn có bò để bán là được rồi, nên tôi sẽ không nói với họ: Đây, stent đây, hoàn toàn miễn phí. Cô muốn tôi rải stent như rải truyền đơn cho những người nghèo bị tắc mạch vành? Mà cô có biết chỉ riêng cái thành phố nhỏ như bàn tay này có bao nhiêu người nghèo không? Hơn 2.200 người đấy. Đó là chưa kể người nghèo ở vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh xa xôi. Gần một tỷ đồng thật ra có nhiều nhặn gì? Rồi đến lúc gặp những bệnh nhân không một đồng xu dính túi, không có lấy một con bò, con heo để bán, cũng chẳng còn cái stent tài trợ nào nữa, chúng ta sẽ nói gì với họ?

 

Cô bác sĩ mới ra trường “đứng hình”, còn người-mới-đến gấp bệnh án, từ tốn đứng lên và rời khỏi phòng trực. Ánh mắt anh ta lướt qua gương mặt vẫn chưa hết ngỡ ngàng của Ngân, có chút gì như là giễu cợt.

 

Ấn tượng đầu tiên quả là rất tệ. Nhưng rồi Ngân nhận ra, người-mới-đến không lạnh lùng, cũng không mắc bệnh ngôi sao như cô vẫn nghĩ. Dường như anh ta không có nhu cầu chia sẻ suy nghĩ của mình với bất kỳ ai, trừ trường hợp cần thiết. Hết ngày này qua ngày khác, anh ta chúi mũi vào công việc. Và anh ta thật sự giỏi nghề.

 

Khi Ngân đem chuyện này nói với bố trong một bữa cơm thì ông bật cười:

                ­

– Bố từng này tuổi rồi, khả năng nhìn người phải hơn con nhiều chứ.

 

Ngân trề môi trêu:

 

– Đấy, bố lại tự tin thái quá nữa rồi. Hóa ra bố biết anh ta từ trước khi về viện?

 

– Cậu ấy là con của một người quen học ở bên Nga. Về nước thì mất liên lạc suốt một thời gian dài. Rồi bố gặp lại bác ấy trong hội thảo tim mạch.   

 

– Đấy nhé, lần này thì bố đưa người quen của mình vào viện nhé.

 

Ông lắc đầu:

               

– Nói cho đúng là đưa một người giỏi về. Ngay từ khi xây dựng đề án thành lập Khoa Tim mạch can thiệp – Cấp cứu, bố đã nhắm đến cậu ấy. Lúc đó cậu ấy làm việc tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Bố phải mất nhiều công sức thuyết phục đấy, vì môi trường làm việc trong đó rất tốt.

 

– Cuối cùng bố cũng “dụ dỗ” được anh ta trở về miền Trung.

 

– Cũng nhờ bố mẹ cậu ấy tác động. Lợi ích của phòng thông tim đối với bệnh nhân ở địa phương là vô cùng to lớn. Mà, bố mẹ cậu ấy vẫn sống ở đây.

 

– Thế ạ? Còn bác sĩ Minh thì sao? Cũng do bố đưa về ạ? Anh ấy có phải trải qua kỳ thi như con của bố không?

 

– Con hỏi nhiều quá rồi đấy. À, bố thấy dạo này Minh có rất nhiều lý do để đến nhà ta. Hình như cậu ấy có “âm mưu” gì đó với con gái bố thì phải.

                                                               

***

                                                               

Mẹ cắm cúi đan khi Hoàng bước vào nhà. Bà ngẩng lên, kinh ngạc:

               

– Ủa, con không đi Tây Bắc sao? Hai mẹ con cu Bin đâu?

– Mẹ con cu Bin đi trước, con sẽ đến sau mẹ à. Vừa có một ca nhồi máu cơ tim cấp.

 

– Cấp cứu thành công chớ?

– Dạ, bệnh nhân khỏe lại rồi. – Hoàng đến ngồi bên cạnh. Mẹ anh đặt kim đan xuống, cầm tay con trai, mỉm cười.

 

Nếu không có sự quyết liệt của bà thì gia đình sẽ có một kỹ sư chứ không phải bác sĩ tim mạch. Hoàng sẽ không mặc áo chì nặng trĩu, đứng nhiều giờ liền trong phòng thông tim, dán mắt vô màn hình và luồn ống thông vào từng ngóc ngách động mạch vành nuôi trái tim người bệnh. Năm này qua năm khác, Hoàng cũng không phải để điện thoại suốt đêm và mỗi khi nghe chuông đổ liên hồi giữa khuya thì người lại căng lên. Anh cũng sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đưa một người bệnh thập tử nhất sinh trở lại với cuộc sống…

 

Trong gia đình, mẹ là người có ảnh hưởng lớn đến các con. Dưới sự rèn giũa của mẹ, hai chị em Hoàng trở thành những học sinh nổi bật ở trường tiểu học, trường phổ thông và cả khi lên đại học. Nhưng rồi người chị đầy cá tính của Hoàng “nổi loạn”. Sau khi lấy bằng đỏ về quản trị kinh doanh đúng như mong muốn của mẹ, chị bắt đầu rong ruổi đường xa theo những dự án… phim tài liệu. Mẹ giận, mẹ nói cứng nói mềm thế nào cũng không tách được chị ra khỏi những bộ phim. Sau này cả nhà mới biết, trong 4 năm học quản trị kinh doanh, chị đã kịp ghi tên vào những khóa đào tạo ngắn hạn về quay phim, dựng phim và cả đạo diễn. Hèn chi chị thường xuyên kêu thiếu tiền, dù gói viện trợ mà ba mẹ gởi hàng tháng cũng tương đối.

 

Hoàng thì khác, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ anh không cãi lời mẹ bao giờ. Điều này không chỉ xuất phát từ tình yêu thương anh dành cho mẹ mà còn có một nguyên nhân sâu xa khác. Hoàng luôn nghĩ rằng mẹ không trọn vẹn hạnh phúc khi có một người đàn bà trong quá khứ vẫn chen vào cuộc sống của gia đình anh.

 

Một buổi chiều hơn 20 năm trước, Hoàng và mẹ đứng bên hàng rào nhà bà ấy. Mùi hoa sử quân tử trở nên khó chịu. Chẳng biết do nắng quái chiều hay mùi hoa khiến gương mặt mẹ nhợt nhạt. Cũng chẳng biết bằng cách nào mà hai mẹ con đã “bám đuôi” ba từ trung tâm thành phố ra tới ngoại ô. Mà tại sao lại phải đi theo, thập thò lén lút như thế này, cậu học trò lớp 11 đầy một bụng thắc mắc.

 

Mẹ Hoàng hít một hơi thật sâu rồi dắt tay con trai băng qua khoảng sân đầy rêu. Bước chân của mẹ vừa gấp gáp vừa run rẩy đặt lên bậc thềm. Và kìa, chính là ba, đang ngồi trên chiếc ghế cũ trong phòng khách, tay cầm quyển sách. Ông đang đọc gì đó cho một phụ nữ nhỏ bé đang nằm trên phản. Hoàng biết đấy là phụ nữ, vì mái tóc dài của bà ta che kín khuôn mặt.

 

Ba sững sờ khi hai mẹ con bước vào. Quyển sách run run trên tay ông. Hoàng nghe rõ tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường, trong khi người đàn bà nhỏ bé vẫn nằm im trên phản một cách bất nhã.

 

Cuối cùng, mẹ là người lên tiếng trước. Mẹ nói nhỏ, như chỉ để cho ba nghe thấy:

 

– Anh à, về với mẹ con em đi!

               

Ba đặt quyển sách xuống ghế, đứng lên và dè dặt đi về phía mẹ:

 

– Hai mẹ con về trước, lát nữa anh về.

– Không!

               

Hoàng giật mình khi nghe tiếng gằn của mẹ. Người đàn bà đang nằm một cách bất nhã cũng giật mình, ngồi dậy. Hất mái tóc dài ra sau, bà ta nhìn hai mẹ con Hoàng, nhìn ba, lúc lắc cái đầu rồi bật cười khanh khách.

 

Mẹ đứng chôn chân khi tiếng cười man dại vây bủa căn phòng. Người  đàn bà cười một thôi một hồi rồi nhìn ba, nhìn mẹ, hỏi: Con tôi đâu?

 

Lúc này, ba mới quay sang nói nhỏ với mẹ: Thi đó.

 

Trước khi đến với mẹ, ba đã yêu thương sâu đậm một người. Ngày khăn gói sang Đông Âu du học, ba hỏi người đó có thể đợi ba được không. Người đó im lặng.

 

Bảy năm sau, ba về nước thì người đó đã có nơi có chốn. Rồi ba gặp mẹ. Chuyện cũ ba không giấu, nhưng chuyện hiện tại thì chưa nói ra. Mẹ đã không biết rằng ba vẫn hỏi thăm tin tức về người đó. Và ba biết nhiều năm sau khi kết hôn, người đó có một đứa con trai, cùng tuổi với Hoàng. Năm học lớp 10, cậu theo bạn bè đi tắm biển và chết đuối. Sau cái chết của con, người đó phát điên.

 

Trong gần một năm trời, những buổi chiều không trực ở bệnh viện, ba ra ngoại ô, đến nhà người đó. Chỉ để ngồi trên chiếc ghế gỗ và đọc vài trang sách mà ngày trước người đó rất thích. Ba cố gắng đánh thức một điều gì đó từ trong ký ức mịt mù. Riết rồi những buổi chiều vắng nhà của ba khiến mẹ sinh nghi.

 

Vậy nên mẹ mới cất công làm thám tử, trầy trật mấy lần cho đến khi cùng con trai có mặt trong căn nhà ở ngoại ô phảng phất mùi hoa sử quân tử, để rồi không biết nói gì, làm gì khi người thương ngày xưa của ba ngơ ngác hỏi: Con tôi đâu?

 

***

 

Điện thoại dồn dập đổ chuông. Ngân và Minh choàng tỉnh. Gần 4 giờ sáng. Những cuộc gọi như thế này chỉ đến từ nơi duy nhất: bệnh viện. Và cũng chỉ có nội dung duy nhất: Can thiệp cấp cứu. Minh vừa xỏ tay vào áo sơ mi vừa làu bàu: Sau này, nhất định không cho con mình theo nghề y, chí ít là tránh xa phòng thông tim! Ngân lặng im, không hưởng ứng mà cũng không phản đối.

 

Ê kíp can thiệp cấp cứu có mặt. Phó giám đốc trực cũng đến. Bệnh nhân 45 tuổi, đã hôn mê, đang được bóp bóng nội khí quản. Người nhà kể rằng một ngày trước, anh tức ngực, không thở được, gia đình cấp tốc đưa đến một bệnh viện. Anh nhanh chóng tụt huyết áp, hôn mê. Các bác sĩ đã sốc điện khử rung tim, đặt ống nội khí quản và dùng thuốc vận mạch nhưng hầu như không cải thiện được nhiều. Biết rằng chồng mình khó qua khỏi, vợ anh gạt nước mắt đưa về nhà và chuẩn bị hậu sự. “Khi tôi thay quần áo cho ảnh thì thấy ảnh chớp chớp mắt nên vội đưa tới bệnh viện. Còn nước còn tát, xin các bác sĩ giúp chồng tôi, con của chúng tôi còn quá nhỏ…” – vợ bệnh nhân nghẹn ngào trong khi cậu nhóc chừng 5 tuổi ngơ ngác níu tay mẹ.

 

Nhiều ánh mắt hướng về phía Hoàng – người chỉ huy phòng thông tim. “Bệnh nhân bị rung thất, choáng tim, rối loạn huyết động do nhồi máu cơ tim cấp, lại có tiền sử tăng huyết áp. Giờ vàng can thiệp đã qua từ lâu, khả năng thành công rất ít… Nhưng… còn nước thì còn tát”. Nghe Hoàng nói, phó giám đốc trực khẽ gật đầu.

 

Người đàn ông hôn mê được đưa vào phòng thông tim. Minh sát khuẩn và nói ngắn gọn với điều dưỡng phụ trách dụng cụ “Sheath 7F”. Minh dùng kim chọc mạch mở đường vào động mạch đùi của bệnh nhân.

 

Không khí trong phòng thông tim như cô đặc lại. Đây là cuộc chạy đua, từng phút, từng giây. Minh đặt ống thông và Ngân chụp động mạch vành. Hình ảnh DSA cho thấy bệnh nhân bị tắc cả ba nhánh mạch vành. Nhập viện quá trễ, liệu phép màu có đến với người đã chìm vào hôn mê? Ngân tự hỏi khi kiểm tra bóng đối xung, lượng khí helium… Dụng cụ hỗ trợ tuần hoàn này sẽ giúp giữ huyết  áp và tuần hoàn, tưới máu cho các cơ quan sinh tồn trong những trường hợp suy tim nặng, choáng tim, chờ thông tim mở chỗ tắc nghẽn giúp tim phục hồi và hoạt động trở lại.

 

“Bóng 34”. Hoàng nói với điều dưỡng phụ trách dụng cụ. Anh luồn bóng đối xung vào dây dẫn và đưa đến vị trí bên dưới chỗ xuất phát của động mạch dưới đòn trái. Ngân chụp DSA để Hoàng kiểm tra vị trí chính xác của bóng rồi kết nối bóng với máy bơm và kích hoạt bơm theo áp lực động mạch…

 

“Được rồi” – Hoàng nói. Bằng động tác nhẹ nhàng thận trọng nhưng rất chính xác và nhanh, anh đưa bóng và nong rối lần lượt đặt ba stent vào đúng vị trí bị tắc ở ba nhánh động mạch vành. “Mười hai… mười bốn… mười sáu… mười tám… hai mươi…”. Giá đỡ động mạch vành nở ra áp sát vào thành mạch khi được bơm đến áp lực cao tối đa. Ngay lập tức, dòng máu được tái thông.

 

Ca can thiệp cấp cứu thành công, quả tim của người bệnh được tái tưới máu trước khi cơ tim chết. Các chỉ số cho thấy cha của cậu bé lúc nãy đã vượt qua cửa tử.

 

***

               

– Chúng ta đã làm rất tốt ca này – Ngân nói với chồng khi cả hai bước vào căn-tin bệnh viện. Căn-tin vắng hoe. Có lẽ họ là khách hàng đầu tiên trong buổi sáng sớm hôm nay.

               

– Ừ, nhưng rồi người ta sẽ kháo nhau: bác sĩ Hoàng vừa cứu sống một bệnh nhân nguy kịch. Chỉ mình bác sĩ Hoàng!  

               

– Thì anh ấy chỉ huy phòng thông tim, chỉ huy ê kíp can thiệp cấp cứu.

– Em đúng là khôn nhà dại chợ, toàn khen người ngoài!

– Sao anh lại nói vậy? Mà sao anh cứ so đo với anh Hoàng làm gì.

 

– Là bởi tôi không chịu được cái cách cô nhìn nó, nói về nó. Bao nhiêu năm nay, cô vẫn nhìn nó bằng ánh mắt đó, cô có biết không?

 

Minh nói xong thì xô ghế đứng lên, bỏ đi một mạch.  

 

Phía trong căn-tin, cách nơi Ngân ngồi đúng một bức vách, có người lặng đi khi nghe Minh nói những câu này. Ngụm trà vừa nhấp vào trở nên đắng chát.

 

Trùng hợp đến mức khó tin, từ chiếc TV gắn trên tường, bản giao hưởng số 5 vang lên. Chương trình hòa nhạc kỷ niệm một sự kiện gì đó. Sao cứ phải là nhạc của Beethoven, cứ phải là bản giao hưởng định mệnh? Từng dòng âm thanh tuôn ra, hồi ức tràn về. Phòng đọc sách nhà Hoàng. Ngân bối rối đứng đó, trên tay cầm quyển Đèn không hắt bóng. Nỗi cô đơn và tình yêu câm lặng. Sự chênh vênh trên ranh giới mong manh. Em cứ giữ lấy mà đọc, khi nào chán thì trả, Hoàng mỉm cười. Rồi bản giao hưởng định mệnh vang lên. Những dòng âm thanh đầy kịch tính, dâng lên, dâng lên mãi. Ngân cảm nhận ánh sáng tràn ngập căn phòng, khi Hoàng ngồi đối diện, rất gần cô, trong phòng đọc sách nhà anh chứ không phải phòng thông tim, và cùng cô nghe nhạc.

 

Rồi mẹ Hoàng xuất hiện.

 

– Cháu chào bác – Ngân bối rối đứng lên.

 

– Mẹ ơi đây là Ngân, làm việc ở khoa. Cô ấy là con gái chú Thành. Chúng con tình cờ gặp nhau ở tiệm sách và con mời cô ấy đến nhà mình chơi.

 

– Chào cháu – Mẹ Hoàng mỉm cười. Trông bà thật giản dị nhưng vẫn có nét gì đó quyền uy – Các cô bác sĩ ở bệnh viện, cô nào cũng giỏi giang, duyên dáng.

 

– Cảm ơn bác đã khen – Ngân đỏ mặt. Nhưng có lẽ không được như vậy đâu ạ, bằng chứng là mãi mà anh Hoàng chẳng chọn cô nào – Không hiểu sao Ngân lại vuột ra câu đó. Cô đỏ mặt.

 

– Chọn gì nữa, bác đã sắp xếp đâu vào đó rồi – Mẹ Hoàng chậm rãi ngồi xuống bên cạnh con trai – Cháu biết đấy, công việc ở bệnh viện rất vất vả, phải làm ngày làm đêm. Sẽ tốt hơn nếu hai vợ chồng không cùng nghề, để mà còn thời gian chăm sóc con cái. 

               

– Mẹ lúc nào cũng lo xa – Hoàng cầm tay mẹ đặt trong lòng bàn tay mình.

               

Bản giao hưởng định mệnh đã dứt. Thứ ánh sáng huyền ảo cũng tan biến tự lúc nào, chỉ còn ánh đèn như đang cười cợt. Ngân lúng túng đứng lên xin phép ra về. Lúc Hoàng tiễn Ngân ra cửa, cô thấy có một chiếc lá chao nghiêng đậu xuống bậc thềm nhà anh.

                 

***

 

Trước khi bay đến với mẹ con cu Bin, Hoàng thăm hai bệnh nhân vừa được thông tim cấp cứu. Vừa từ quê ra, cha anh cũng có mặt đó, bên giường bệnh của người bạn vừa thoát khỏi bàn tay của tử thần do nhồi máu cơ tim cấp. Người bạn của ba rối rít cảm ơn Hoàng đã hoãn chuyến bay để cấp cứu ông, rồi “thòng” thêm một câu: Mới đó mà đã hơn 20 năm rồi!

 

– Thời gian trôi nhanh thiệt – cha anh gật gù.

– Hóa ra bác đã biết cháu từ rất lâu rồi. Vậy mà cháu không nhận ra bác – Hoàng áy náy.

               

Người bạn của cha anh lắc đầu:

 

– Làm sao mà nhận ra được, bao nhiêu năm đã trôi qua! Có một lần, hai mẹ con cháu đến nhà bác. Ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, cháu còn nhớ không?

               

Hoàng chớp mắt, lục lọi trong tâm trí. Ngôi nhà ở ngoại ô. Mùi hoa sử quân tử… Anh sững sờ.

 

– Bác là…

– Ừ, bác là chồng của bác Thi.

               

Hoàng ngớ người. Hơn 20 năm trước, khi mẹ anh đứng chôn chân trong ngôi nhà phảng phất mùi hoa sử quân tử, chưa biết phải làm gì khi giáp mặt với người đàn bà vẫn “chen” vào cuộc sống của gia đình mình, thì chẳng biết từ đâu ông ấy trở về, dựng chiếc xe cà tàng trước sân rồi bước vào nhà. Ngạc nhiên khi thấy hai người khách không mời mà đến, ông ấy đưa mắt nhìn sang cha Hoàng. Ông già nói gọn: Vợ và con trai tôi đó. Anh về rồi, thôi tôi về nhà đây.

 

– Bà ấy… bác Thi khỏe không ạ?

 

– Vợ bác mất hơn 3 năm trước. Bác sống một mình cũng buồn, dù nhà đứa em ở ngay bên cạnh. May mà có ông bạn già này thường đến chơi cờ.

               

Sao giống trong phim vậy ta? Làm sao mà hai người đàn ông, một là chồng, một là người yêu cũ, lại có thể làm bạn với nhau, lại còn lo sốt vó khi người kia lâm bệnh? Thấy Hoàng nghệch mặt ra, bệnh nhân đặc biệt của anh khẽ cười:

 

– Bác biết cháu đang nghĩ gì. Rồi có ngày cháu sẽ hiểu.

               

Có lẽ Hoàng khó lòng hiểu được thứ tình yêu mà ba anh, và sau này là người đàn ông kia, đã dành cho bà ấy. Những rung động thoáng qua ở tuổi học trò, một mối tình không đi đến đâu thời sinh viên. Sau khi ra trường, anh đắm mình trong công việc rồi kết hôn với một phụ nữ tốt và làm người chồng tốt. Tình yêu lớn của anh, trước kia, là những trang sách, sau này là công việc trong phòng thông tim. Cuộc sống của Hoàng bên ngoài phòng thông tim khá đơn giản. Thế nên có những điều, anh nhận ra khá muộn màng…

 

***

                                                                               

Ngân gõ cửa phòng trưởng khoa khi Hoàng chuẩn bị ra về. “Anh ạ, còn hai tuần nữa là bác sĩ Tâm hoàn tất khóa học và trở về, khoa không thiếu kỹ thuật viên. Vì vậy, em hy vọng anh sẽ đồng ý cho em đi tu nghiệp”.

               

Hoàng thừ người khi cầm lá đơn từ tay Ngân. “Bao nhiêu năm nay, cô vẫn nhìn nó bằng ánh mắt đó!”. Lời Minh nói trong buổi sáng sớm ở căn-tin dội lên tâm trí. Hoàng im lặng một lát mới có thể cất lời: “Em biết là anh luôn ủng hộ việc học, dù có thể sau khi học xong em sẽ không trở lại nơi này…”.

               

Khoảng lặng kéo dài giữa hai người. Có điểm chung nào không, ngoài phòng thông tim, bản nhạc đầy ám ảnh và quyển sách tràn ngập nỗi cô đơn? Ngân khẽ khàng đặt Đèn không hắt bóng lên bàn làm việc của Hoàng. Tình yêu câm lặng. Ranh giới mong manh giữa hai vùng tối – sáng. Tiếng cô rất nhẹ: “Em luôn nhớ nơi này. Với em, khoảng thời gian làm việc trong phòng thông tim là khoảng thời gian đẹp nhất”.

               

Gần 10 năm qua, Hoàng, Minh và cô đã thông cho biết bao người bị tắc nghẽn mạch vành. Riêng phần tắc nghẽn trong trái tim Ngân, không ai ngoài cô có thể thông được.

               

Nắng chảy tràn trên bãi cỏ phía trước, Ngân thấy mắt mình cay cay khi đi ngang căn phòng thấm đẫm mồ hôi của ê kíp can thiệp cấp cứu. Một cơn gió xô vào vòm cây ngoài cửa sổ, tấu lên khúc nhạc không lời.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Mùi của rác – Nguyễn Trí

>> Ông Tư Ngọc – Trương Tri

>> Con một – Lê Mỹ Ý

>> Về nhà – Chu Quang Mạnh Thắng

>> Chậu mai chiều 30 Tết – Ngô Đình Hải

>> Mỗi năm một lần – Trương Anh Quốc

>> Từ bỏ – Nguyễn Ngọc Tư

>> Bồng bềnh mây trắng – Ái Duy

>> Mắt sông – Phương Huyền

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…