A.I. đã xới lại những nghi ngờ về tính xác thực của một bức họa nổi tiếng trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Anh ở London.
Bức “Samson and Delilah” (1609-10) được cho là của Peter Paul Rubens nhưng bị nhiều học giả nghi ngờ độ xác thực trong nhiều thập kỷ.
Những người đã quá quen với những mức giá trên trời trên thị trường nghệ thuật ngày nay đến mức có lẽ không buồn chớp mắt. Nhưng khi Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia theo đuổi bức họa Samson and Delilah của danh họa Peter Paul Rubens với mức 5,4 triệu USD vào năm 1980 (khoảng 18 triệu USD hiện tại) – bức tranh đắt giá thứ ba phải trả tại một phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật.
Các nhà phê bình đã tranh cãi rất nhiều về việc tác phẩm đắt giá vẽ vào thế kỷ 17 này là giả. Những lo ngại này lại dấy lên khi công ty Thụy Sĩ Art Recognition loan báo là đã phân tích bức họa với công nghệ AI.
Thuật toán cho biết là xác suất tới 91,78% bức họa Samson and Delilah do ai đó vẽ, chứ không phải Rubens. Có thể so sánh, khi các nhà khoa học ứng dụng công nghệ AI để phân tích bức họa khác của Rubens có tại Bảo tàng quốc gia Anh, A View of Het Steen in the Early Morning (vẽ năm 1636), họ nhận thấy có xác suất 98,76% bức họa này đúng là do danh họa Bỉ này vẽ (Art Recognition tuyên bố là đã nghiên cứu tới 148 tác phẩm không thể bác bỏ được của Rubens để xác thực).
“Các kết quả này vô cùng lạ lùng”, Carina Popovici, đồng sáng lập Art Recognition và là người phụ trách này, nói với Observer. “Tôi hoàn toàn bị sốc… Chúng tôi đã làm lại các thí nghiệm và thấy nó hoàn toàn đúng. Chúng tôi không hề phạm phải sơ xuất lầm lỗi gì, kết quả luôn luôn ra một đáp án. Mỗi phần, mỗi chỗ đều ra kết quả là tranh không phải của Rubens với xác suất hơn 90%”.
Sáng tác của Rubens miêu tả Samson, người hùng của Kinh Cựu Ước, nằm sõng xoài lên váy của người chàng yêu là Delilah, người đã lừa lấy bí mật sức mạnh phi thường của người đàn ông đang lịm ngủ. Một kẻ đồng phạm cắt mớ tóc của người anh hùng theo lệnh của Delilah, qua đó tước bỏ sức mạnh của chàng– và ngoài cửa, những người lính đang chờ bắt giữ.
Theo ArtWatch U.K., các học giả nhìn chung đều thống nhất Rubens đã vẽ đã một phiên bản Samson and Delilah vào khoảng năm 1609 hoặc 1610 cho Nicolaas Rockox, một người bạn và nhà bảo trợ của ông ở Antwerp. Khung thời gian này có vẻ có lý bởi một bức vẽ trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Cincinnati do họa sĩ Frans Francken Trẻ “Banquet at the House of Burgomaster Rockox” (1630-35), cho thấy bên trong ngôi nhà treo đầy các tác phẩm nghệ thuật của Rockox, bức Samson and Delilah được treo trên lò sưởi.
Bức “Banquet at the House of Burgomaster Rockox” (1630–35) của Frans Francken Trẻ.
Sau khi Rockox qua đời vào năm 1640, bức vẽ về tích cổ trong Kinh Cựu Ước này đã biến mất khỏi hồ sơ lịch sử cho đến năm 1929, khi đó, bức họa – hoặc một bản chép của nó – đã tái nổi ở Paris. Học giả nổi tiếng người Đức Ludwig Burchard cho rằng đây chính là tác phẩm của Rubens thiên tài nhưng nhưng có lời chỉ trích về nhận định này – trong đó có học giả độc lập Euphrosyne Doxiadis – lập luận tác phẩm thực sự có thể đã biến mất và thế vào vị trí đó là một bản sao chép, theo thông tin từ tờ Das Spiegel vào năm 2005.
Trải qua nhiều thập kỷ, các học giả đã chỉ ra một số điều thiếu nhất quán trong bức họa này và chứng minh tác phẩm được cho là kiệt tác của danh họa thời kỳ Baroque là giả mạo. Theo những mô tả về bức họa Samson and Delilah vào thế kỷ 17 qua tác phẩm của Frans Francken Trẻ, bàn chân của Samson nằm vẹn nguyên trong khung tranh, gần rìa phía dưới tay phải của bức họa còn trong bản treo của Bảo tàng quốc gia Anh, cũng đôi bàn chân ấy lại bị mất một phần khỏi toan.
Nếu những phân tích mới của AI được xác nhận, nó có thể góp phần khẳng định tuyên bố của các học giả. Popovici nói với Observer rằng thuật toán mà họ sử dụng vẫn thường dùng để phát hiện các mẫu hình trong các nét cọ độc đáo của một họa sĩ cụ thể. Công nghệ AI này – “mạng thần kinh tích chập” phân tích các đặc điểm khác biệt trong tác phẩm của một họa sĩ, bao gồm cả những mẫu hình của nét cọ. Popovici cho rằng, “tất cả những gì không phải bằng đôi bàn tay của họa sĩ giả định (tác giả mà chúng ta đã biết) vẽ ra thì sẽ cho xác suất âm” và công nghệ này có thể cho chúng ta những kết quả chính xác, ngay cả họa sĩ thay đổi một cách đáng kể phong cách của họ trong suốt sự nghiệp vì mỗi họa sĩ đều có một cách đặt cọ độc nhất vô nhị”.
Phân tích này vẫn còn chưa được công bố một cách đầy đủ. Dẫu một số học giả, trong đó có Michael Daley của ArtWatch U.K., đều bị một số kết quả ban đầu này thuyết phục nhưng vẫn còn nhiều người cảm thấy nghi ngờ. Nhà sử học nghệ thuật Anh Bendor Grosvenor viết trên tài khoản Twitter của mình là “Điều duy nhất từ câu chuyện này có thể nói với chúng ta là những chiếc máy tính đến giờ vẫn chưa hiểu cách các họa sĩ sáng tạo. và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu”.
Grosvenor còn cho biết là theo một bản thông tin kỹ thuật vào năm 1983, nhà bảo tồn ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Anh Joyce Plesters đã kiểm tra lịch sử, màu vẽ, cấu trúc… của bức họa. Theo cái nhìn của In Grosvenor, phân tích của Plesters “cho thấy bức họa thật sự là của Rubens”.
Trong lúc này, một người phát ngôn của bảo tàng nói với Observer là bảo tàng “luôn luôn theo từng chữ của nghiên cứu mới” và cho biết thêm “chúng tôi luôn chờ được đọc đầy đủ nghiên cứu, vì vậy bất cứ bằng chứng nào đưa ra cũng đáng được đánh giá”.
Theo Tô Vân/Tia sáng