Nếu hơn mười năm trước, tác phẩm của các tác giả đoạt giải Nobel Văn chương thường trong tình trạng… ế hàng vì quá kén độc giả; thì giờ đây làn sóng tìm về những giá trị văn chương này đang dần trở lại, và được dự đoán có thể nở rộ trong những năm tiếp theo. Nhưng việc từ những lí do khác nhau mà những ấn phẩm Nobel có giá trên trời vô tình đã tạo nên những rào cản cho những người yêu văn chương và thực sự muốn tiếp cận tác phẩm.
Nhìn lại quá khứ
Việc thử sức của các công ty sách trong việc chuyển ngữ và xuất bản các tác phẩm có giá trị nói chung cũng như của tác giả đoạt giải Nobel nói riêng, không chỉ xuất hiện gần đây, mà từ rất lâu về trước đã tồn tại. Dạo lướt qua một loạt những tựa sách cũ, có thể thấy thời xưa những nhà xuất bản đã rất cố gắng mang đến các tác phẩm giá trị, dẫu có thể không nhiều hay đi theo văn nghiệp, nhưng là sự giới thiệu cần thiết.
Thập niên 2000- 2010 cũng chứng kiến sự trở lại này. Khác với trước kia, việc in lúc này đã dần theo văn nghiệp, khi các công ty lần lượt cho ra mắt các tựa sách nổi tiếng. Có thể kể ra như Orhan Pamuk với một loạt tác phẩm như Tuyết, Pháo đài trắng, Những màu khác, Istanbul…; J.M. Coetzee với Người chậm, Đợi bọn mọi, Thời sắt đá, Ruồng bỏ, Giữa miền đất ấy… hay José Saramago với bộ ba vang danh Mù lòa, Mọi cái tên và Hang động.
Có thể thấy ở giai đoạn này bên cạnh những tên tuổi có phần “dễ đọc” như những nhà văn kể trên, thì các nhà phát hành cũng thử nghiệm những nhà văn có lối viết… trúc trắc hay đánh đố hơn, như Cuốn sổ vàng (Doris Lessing), Thành phố và lũ chó, Trò chuyện trong quán La Catedral (Mario Vargas Llosa) hay Cọ hoang, Âm thanh và cuồng nộ (William Faulkner)…
Bộ đôi tác phẩm vừa tái bản của nhà văn Peru Mario Vargas Llosa.
Thế nhưng có thể thấy lúc này sự đón nhận của độc giả không còn như những năm trước. Các tác phẩm này khi ra mắt luôn trong tình trạng bán không chạy, một phần vì khó đọc, phần khác vì lúc ấy một nền văn hóa đọc cũng như sự chia sẻ giữa các cá nhân với nhau thông qua nền tảng mạng xã hội chưa thật sự lớn mạnh.
Thế nhưng chỉ mười năm sau, lần lượt độc giả lại… tìm về những tác phẩm này, và lúc này những tựa sách trên đã trở nên… hiếm hoi. Những tác phẩm đời đầu của Orhan Pamuk, Mạc Ngôn… được những người sưu tầm nâng giá trị có khi lên đến gấp 2 – 3 lần giá bìa; trong khi một số khác thì gần như tuyệt tích, như sách của Mario Vargas Llosa, J. M. G. Le Clézio, Imre Kertész…
Thị trường tiềm năng
Giờ đây trước sự lớn mạnh của truyền thông giúp thông tin kịp thời truyền tải cũng như mở ra những cuộc trao đổi không biên giới, các giá trị văn chương này dần dần trở lại. Mỗi độ tháng 10 hàng năm, độc giả trên các hội nhóm mạng xã hội đã kịp cập nhật những tên tuổi được nhà cái dự đoán, cùng với đó là những phân tích tình hình địa – chính trị quan trọng hay các sự kiện nổi bật trong năm… để dự đoán ai sẽ được xướng tên.
Từ đó, các công ty sách cũng như nhà xuất bản có thể biết được độc giả giờ đây không còn hoàn toàn thỏa mãn với những tác phẩm đơn giản, dễ đọc và ít độc đáo. Nắm bắt được tình hình đó, hàng loạt các tựa sách được nối tiếp ra mắt chỉ trong những năm gần đây, cho thấy đây hoàn toàn là một thị trường tiềm năng. Nhã Nam theo đó mới đây đã cho ra mắt một loạt những Xa lạ trong tôi (Orhan Pamuk), Bitna dưới bầu trời Seoul (J. M. G. Le Clézio), Tàn ngày để lại (Kazuo Ishiguro)… NXB Phụ nữ thì có Bieguni, Những người không ngừng chuyển động (Olga Tokarczuk), Những cậu bé kẽm (Svetlana Alexievich)…
Có thể thấy nếu đa phần những tác giả – tác phẩm kể trên có lối viết đơn giản, gần gũi; thì những công ty – nhà xuất bản hiện nay cũng rất cố gắng thử thách với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, dẫu cho có thể là khó tiếp cận và lạ lẫm với độc giả trong nước. Công ty sách Tao Đàn nối tiếp Mattia Pascal quá cố, cho ra mắt tiếp tục vở kịch Sáu nhân vật đi tìm tác giả và Đi tìm nhân dạng của nhà văn người Ý Luigi Pirandello. Ngoài ra tác phẩm của các nhà văn như Saul Bellow, Herta Muller… cũng sắp sửa ra mắt công chúng
Bên cạnh việc chuyển ngữ và giới thiệu mới, thì việc tái bản lại các tác phẩm cũng được chú trọng. Theo đó, công ty sách Bách Việt hé lộ dự án tái bản các tác phẩm của nhà văn Nam Phi J.M. Coetzee là Người chậm, Ô nhục và Đợi bọn mọi; cũng như trước đó là Âm thanh và Cuồng nộ của Williams Faulkner hay bộ ba tác phẩm của José Saramago. Các tác giả độc đáo như Mario Vargas Llosa (Trò chuyện trong quán La Catedral, Thành phố và Lũ chó), Knut Hamsun (Phúc lành của đất)… khi được in lại cũng tạo ra những phản ứng đặc biệt.
Tác phẩm “Người Chậm” được Bách Việt tái bản gần đây.
Chia sẻ về sự đón nhận của độc giả đối với các tác phẩm này, đại diện công ty sách Bách Việt chia sẻ: “Những giá trị văn chương đích sẽ luôn tồn tại và có sức sống mãnh liệt theo thời gian. Việc tái bản lại những đầu sách này có thể nói là tiền lệ cho cách cửa để đón nhận những tác phẩm mới. Giờ đây giải Nobel văn chương vẫn được nhiều người đón đợi và theo dõi mỗi năm. Dù cho nhiều người cho rằng giải thưởng chỉ như lớp áo đẹp bên ngoài thì phần nào đó, chúng vẫn góp phần tôn vinh giá trị của tác phẩm (khi những người chọn lựa đều là những người có chuyên môn)”.
Tồn tại nhiều bất cập
Bên cạnh việc trở lại nhằm mang đến những trải nghiệm thật sự đặc biệt, thì một vài vấn đề khác vẫn còn tồn tại trong dòng sách này. Theo đó, đi cùng với các phiên bản đặc biệt thì sách Nobel cũng đang bị… “làm giá”. Điển hình như Tủ sách Trăm năm Nobel của Đông A. Theo lí giải của công ty này rằng để tương xứng với tầm vóc tác phẩm, các ấn phẩm trong tủ sách này sẽ được làm mới như các phiên bản S “đặc sản”, khiến cho giá bán bị đội lên hơn 1 triệu đồng cho một tác phẩm.
Điều này có nghĩa rằng sẽ có những những độc giả không bao giờ tiếp cận được các tác phẩm này. Nếu là học sinh, sinh viên; điều này lại càng… bất lực. Điều đáng nói là tuy bán được kha khá lượng sách, thế nhưng tới nay vẫn không có một bài chia sẻ, điểm sách hay phê bình nào trên các nhóm chia sẻ văn chương, ngoài các bài khoe ngoại hình, vẻ ngoài; tức là nó đã không được đọc thực sự. Điều này càng làm tăng thêm nghi ngại về giá trị thực sự của văn chương là để trưng bày hay để đọc?
Một lí giải khác cũng được công ty này đưa ra khi chỉ phát hành duy nhất bản giới hạn là vì… e ngại sức mua của độc giả không mạnh. Có thể thấy lí do này hoàn toàn không xác đáng, bởi nhẽ theo như kế hoạch được công bố, thì một năm Tủ sách này sẽ có khoảng 2 tác phẩm được dịch mới và giới thiệu. Với số lượng “ít ỏi” này thì các công ty sách khác trong một năm đã có thể giới thiệu gấp 2 – 3 tác phẩm tương tự, nhưng họ vẫn đang tích cực khai thác nhiều thêm nữa.
Bộ đôi tác phẩm có phần thách thức người đọc của nhà văn người Ý Luigi Pirandello.
Ngoài bản S siêu đặc biệt, thì việc… nâng cấp bìa cứng cũng làm độc giả thêm phần e ngại. Giờ đây để đọc sách Nobel, người đọc phải chi cho những bản đặc biệt và siêu đặc biệt, trong khi các ấn bản phổ thông dường như… không tồn tại. Hai tác phẩm gần đây của nhà văn Peru Mario Vargas Llosa cũng được in trên giấy định lượng cao, đóng bìa cứng và đặc biệt hơn, chỉ in… 555 bản. Có nghĩa rằng, nếu không mua bây giờ, sẽ không biết đến khi nào độc giả mới có cơ hội trải nghiệm.
Được biết đây là sự đầu tư của các nhà kinh doanh sách tư nhân. Theo đó nếu các công ty sách e ngại sự thành – bại của tác phẩm mình giới thiệu, thì những nhà kinh doanh này sẵn sàng bỏ chi phí để thuê công ty sách làm những việc như mua lại bản quyền, biên tập những sai sót trước đó, in ra thành phẩm và sau cùng là giao cho họ đưa ra thị trường. Hẳn nhiên, với một số lượng giới hạn bản in cũng như được nâng cấp định dạng, giá bìa cũng không còn ở mức trung bình, khiến cho việc tiếp cận của bạn đọc ngày càng nhiêu khê.
***
Có thể thấy sự quan tâm trở lại với các tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel văn chương là điều đáng mừng, khi gần đây sự tương tác đó đã ở hai chiều, khi Uỷ ban Nobel mới đây đã đề nghị Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đề cử tác giả Việt để xét giải. Điều đó cho thấy sự lớn mạnh của văn hóa đọc không chỉ ở số lượng, mà giờ đây là cả chất lượng. Thế nhưng việc giữ độc quyền, tăng giá bán một cách phi lí có thể ngăn trở những giá trị tốt đẹp này lan tỏa. Bởi thế, những người làm sách nên cân đối để đưa đến những giải pháp hợp lí nhằm mang đến những giá trị văn chương đích thực cho bạn đọc rộng rãi, và để người yêu văn chương có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với những tác phẩm đã được khẳng định bằng giải Nobel danh giá.
Ngô Minh/VNQĐ