Sài Gòn mùa dịch – Tản văn của Thiện Khoa

863

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hôm nay Sài Gòn trở lạnh, sáng sớm mây đen vần vũ, những hạt mưa bắt đầu rơi hạt đan xen vào nhau tạo nên những tia nước loang loáng, rớt xuống đường phố, tạo nên những âm thanh làm xao xuyến lòng người.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Bên cửa sổ, nhâm nhi ly cà phê tận hưởng buổi sáng bình yên đến lạ. Những ngày thành phố áp dụng lệnh phong tỏa, đường phố như dừng lại, phố xá vắng vẻ đến lạnh lùng, thi thoảng có vài chiếc xe gắn máy vội vã chạy qua, những con đường không ồn ào náo nhiệt như mọi khi.

Không gian như lắng đọng, giọng hát Khánh Ly được phát ra từ đĩa than với những ca từ da diết… “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao, nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ, đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…” Mấy hôm nay Sài Gòn tĩnh lặng, nhịp sống chậm lại. Đường dài hun hút… cho mắt thêm sâu… cuối những con đường ở Sài gòn thời giản cách không một bóng người như mọi khi, thấp thoáng một vài xe gắn máy chạy vội vã giao hàng hay ai đó có việc cấp thiết cần phải ra ngoài. Vậy đó, Sài Gòn năng động, ồn ào như vốn có, nay còn đâu.

Những ngày này thông tin dồn dập cho biết bà con các tỉnh xách xe máy lũ lượt đèo nhau về quê, gia đình con cái lớn bé đi từng đoàn như vượt lũ, cố chạy thoát cơn dịch bùng phát ngày càng dữ dội. Ngoài đường vắng lặng, các chốt chặn được lập ngày càng nhiều, khu cách ly quá tải, khu phong tỏa “thắt trong, chặt ngoài” thành phố và các tỉnh căng mình chống dịch… Kỳ vọng những ca nhiễm sẽ đi ngang và giảm dần trong thời gian tới.

Ngày thứ 21 trôi qua giãn cách xã hội, thành phố lại thông báo  tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày nữa. Chính quyền thành phố tập trung việc kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục triệt để giãn cách xã hội, phát huy vai trò Nhân dân tự quản tại các khu phố, tổ dân phố, khu dân cư theo tinh thần Chỉ thị 12. Lượng Vaccine ngày về càng nhiều nhằm tiêm chích cho người dân thành phố để đạt ngưỡng miễn nhiễm cộng đồng.

Sài Gòn nơi cưu mang những người dân tứ xứ, cứ khó khăn là khăn gói về Sài Gòn để làm ăn sinh sống với đủ các thành phần từ lao động phổ thông hoặc người có tay nghề, các em sinh viên đến để học tập và lao động, nhằm tìm kiếm môi trường học tập và sống tốt hơn nơi chôn nhau, cắt rốn… Họ đến với Sài Gòn háo hức như được đến vùng đất hào nhoáng, ồn ào và náo nhiệt.  Nhưng không phải vậy, họ đến đây để làm việc, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, lao động cật lực để kiếm miếng ăn. Dịch bệnh bùng phát miếng ăn chỗ ở là nỗi lo thường trực khi thành phố phong tỏa, giãn cách nhiều nơi, việc làm không có thì họ lần lượt về quê để giúp thành phố giãm bớt áp lực chống dịch đang bùng lên dữ dội. Nhưng cũng giãm bớt áp lực cho thành phố, cũng là tăng áp lực cho tỉnh nhà phòng chống dịch.

Những người con xa xứ chỉ muốn sống bình yên, vì cuộc sống vốn quá vất vả, vượt bao khó khăn với những đoạn đường dài hàng ngàn cây số, họ lũ lượt về đến gần nhà, thì một số địa phương lại không tiếp nhận, mời họ quay đầu về nơi xuất phát. Thiết nghĩ các địa phương nên tạo cho họ cơ hội về với gia đình, tự cách ly tại nhà và tuân thủ các qui định về phòng chống dịch với sự giám sát của địa phương nơi cư ngụ “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”.

T.K