(Vanchuongphuongnam.vn) – Sài Gòn giãn cách cấm chúng ta ra đường sau sáu giờ tối, là một biện pháp hữu hiệu. Xin cảm ơn Sài Gòn đã cưu mang những người con tứ xứ trong đó có tôi đến đây trong những tháng năm làm ăn khốn khó. Dù dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn chưa có cơ hội dừng, nhưng tôi vẫn tin dịch covid-19 sẽ được đẩy lùi. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn muôn thuở tươi đẹp…
Tác giả Vũ Khắc Tĩnh
1. Đang nắng nóng, đột nhiên trời dông gió, rồi một cơn mưa trái mùa ào ào trút xuống đường phố. Lúc đó khoảng năm giờ chiều đường vắng lại càng trở nên quạnh quẽ. Một vài người tất tả chạy xe nhanh để kịp về nhà trước sáu giờ tối, múi giờ nhà nước cấm tất cả nhân dân thành phố ra đường mùa dịch covid-19. Siêu thị đóng cửa, người phục vụ bắt đầu dọn dẹp, họ hối thúc tôi hày về đi chứ sau sáu giờ ra đường là bị phạt tiền mấy triệu đồng đó. Tôi nói với họ không sao đâu, đường vắng vẻ chạy xe nhanh lắm, ngó tới ngó lui tôi vẫn thấy mình là vị khách sau cùng ra khỏi siêu thị. Tôi dẫn bộ chiếc xe Honda ra đường, đề công tắc cho xe nổ, rồ ga xe chạy, trên đường lúc đó cũng có một vài người cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng để kịp vế nhà trước sáu giờ tối.
Trên đường giờ này mưa đã tạnh hẳn. Thời tiết mấy ngày gần đây hay mưa vào buổi chiều, có khi buổi tối không chừng chỉ một hai tiếng đồng hồ rồi tạnh hẳn mới lạ lùng chứ. Nói cơn mưa trái mùa bất chợt cũng không đúng cho lắm, trái mùa chi chiều nào cũng mưa, mùa mưa dai dẳng thì chưa đến. Hình như chỉ còn một tháng nữa thôi mùa mưa mới bắt đầu.
Tôi đến Sài Gòn hơn hai mươi mấy năm rồi để tìm kế sinh nhai. Tôi hòa mình vào cuộc sống chung với người dân Sài Gòn, dần dần tôi cũng quen với nếp sống ở đây và thích nghi với sự xô bồ, phức tạp, ồn ào trong nhịp chảy nhộn nhịp vốn có lâu nay, nên đi ra đường lúc nào cũng thấy tấp nập người đi và xe chạy loạn xa trong cái nắng nóng chóng mặt.
Những năm tháng đầu tiên xa quê nhà, tôi gần như rơi vào trạng thái bất an vì cảm thấy không thể sớm hoà nhập với công việc làm ăn buôn bán một cái nghề còn quá mới mẻ, bon chen cạnh tranh nhau với những con người từng trải đầy những kinh nghiệm, họ là những con người làm ăn sinh sống lâu năm ở đây, có rễ má dây mơ dắt díu nhau qua từng thế hệ buôn bán. Tôi thèm được nói tiếng Sài Gòn sao cho thanh thoát, vì tôi là dân xứ Quảng, nên thường hay bị những con người chính cống Sài Gòn nhại tiếng nói của tôi mỗi lần tiếp xúc với họ. Tôi thèm ra phố đi thong dong cùng với những người bạn chí cốt.
Cuộc đời lang bạt của tôi nơi đất khách quê người không nhiều niềm vui, nhưng rất lắm sự lo nghĩ phiền muộn. Trong khi những người bà con họ hàng hay bạn bè vào sinh sống ở Sài gòn lâu năm, đã có một cuộc sống ổn định, họ làm ăn khấm khá, nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn, còn tôi dậm chân tại chỗ chưa đạt đến mục đích tốt nhất, có lẽ chưa có nguồn cảm hứng trong môi trường buôn bán, một cái nghề bất đắc dĩ, nhưng đó lại là cái nghề luôn đem lại cái ăn cái mặc bền bĩ lâu dài mới lạ chứ, thành ra tôi phải chấp nhận con đường dấn thân vào môi trường cố hữu đó, ông cha ta thường nói “Phi thương bất phú“ cứ theo đó mà đi vì trên đời này có gì hơn buôn bán đâu. Sự thế tất phải như vậy, nhưng lại có đôi lần ngẫm nghĩ ra tôi cũng không biết quyết định này của mình có đi đúng hướng không. Khi tôi còn sống ở quê nhà, sau khi đi làm rừng một thời gian dài, rồi về lại quê quán làm đủ ngành nghề để kiếm sống, dù sao cũng tìm được chút hứng thú với công việc. Tôi cảm thấy mình không khác gì một bộ phận nào đó của máy móc. Mỗi buổi sáng dậy sớm đi ra chợ chào hàng các sạp bán áo quần, họ có lấy hàng để bán không, một ngày đi hết các chợ Sài Gòn như thế, chạng vạng tối mới về đến nhà nghe mệt lử người. Tắm rửa ăn uống xong, ngồi nghỉ ngơi hay đi lòng vòng giúp cho việc tiêu hoá dễ dàng, tranh thủ đi ngủ sớm, thành ra cái thói quen không bỏ được.
2.
Vào một buổi chiều chủ nhật, Tư Yên đến nhà rủ tôi đi uống cà phê, tôi từ chối, nhưng nghĩ đi nghĩ lại bạn bè lâu ngày mới gặp lại nhau không lẽ không đi, vì bản thân tôi cũng muốn đi đây đi đó cho biết Sài Gòn, đã là con người Sài Gòn mà không nắm bắt được những lạc thú vui chơi thì không phải là con người Sài Gòn hào phóng.
Đến đó Tư Yên uống cà phê hút thuốc lá, không lẽ tôi không hút, từ ngày tôi vào lại Sài Gòn tôi đã bỏ hút thuốc lá, không còn mơ màng chi đến nó nữa dù là nửa điếu thuốc, nhưng hôm nay thì lại khác, tôi thấy Tư Yên hút thuốc một cách chí thú tự nhiên tôi cảm thấy thèm, châm lửa điếu thuốc phì phà, nhả khói bay vòng vo rồi tan biến vào hư không.
Lâu rồi tôi không có dịp nghe nhạc tiền chiến, có thì giờ rảnh rỗi đâu mà nghe, tối mặt tối mày với cơm ăn áo mặc. Hôm nay nghe lại bản nhạc Hoài cảm của nhạc sĩ Cung Tiến, với tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu nghe hay và xúc động. Tôi thả hồn vào mênh mông, nghe hồn bay bổng rất khó tả. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa, bạn ta thằng Tư Yên sành điệu quá, tâm hồn còn lãng mạng quá. Mấy mươi năm sống ở Sài Gòn coi như dân Sài Gòn hào phóng là ở chỗ đó, vì tôi biết họ có chí thú làm ăn tối mặt tối mày đến cỡ nào, tâm hồn họ lúc nào cũng rung động, dầy những cảm xúc hài hoà trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Tôi chơi thân với một vài người dân Sài Gòn chính cống là người hàng xóm láng giềng với nhau, mấy con người đó chỉ đi làm thuê bốc vác hàng hoá thôi, nhưng mỗi buổi chiều đi làm về, làm gì thì làm cũng ghé lại quán rượu vỉa hè, uống một, hai ly rượu thuốc khi nghe máu chạy rần rần trong người, hát vài câu vọng cổ rồi mới đi về nhà ăn cơm với vợ con, họ khẳng định không sa đà rượu chè be bét đâu, rất là khí khái. Tôi rất ngưỡng mộ.
Tư Yên nãy chừ ngồi ngã người trên chiếc ghế
– Mày nghe bản nhạc vừa rồi có hay không? Quán này là quán cà phê hạng sang đó mày, giá cả có đắt đôi chút, nhưng lúc nào cũng có đông khách ra vào. Cô chủ quán là một người ở Đà Lạt xứ sương mù, trẻ đẹp, nắm bắt được sở thích của khách thích thưởng thức loại nhạc nào, cũng như khách thích chiêm ngưỡng những bức tranh thuỷ mặc hay tranh cổ điển Pháp cô đều treo trên tường. Quán cà phê cô chủ thoáng đãng chìm trong không gian hài hoà chân thực, vừa lòng khách đến cũng như vừa lòng khách đi. Đến uống cà phê, nghe nhạc êm dịu, giá cả có đắt hơn chỗ khác, nhưng cũng không sao chấp nhận được.
– Nhạc hay lắm, ru hồn lắm…
Tư Yên nghe tôi nói vậy sướng quá, ngồi rung đùi có vẻ ưng cái bụng
– Mày đồng cảm với sở thích của tau là vui rồi. Chìm đắm trong âm nhạc là tạo thêm rung động tâm hồn, tụi mình giờ đâu còn trẻ nữa… còn vui chơi được thì cứ việc vui chơi cho thỏa thích lòng đam mê.
Tôi thả lòng
– Mi hay đến đây uống cà phê nghe nhạc hả?
– Tau rất ít đi đến đây, có mày tau mới đến chỗ này, lâu nay tau thường lui tới quán cà phê mộc mạc gần nhà, cà phê không ngon nhưng rẻ tiền.
– Khi nãy mi đưa tau đến đó cho gần nhà, đi đến chỗ này quá xa, ở quận nhứt phải không?
Tư Yên ngồi cười hì…hì… có vẻ rung cảm.
– Tau đưa mày đến đây cho biết cà phê Sài gòn giá đắt nhưng ngon đến cỡ nào, không những cà phê ngon, mà còn được nghe nhạc nữa. Mày lo buôn bán không biết được chỗ này đâu?
Tư Yên bạn thân của tôi giờ là một con người khác, hồi hắn còn học với tôi ở ngôi trường tỉnh lẻ, quê hắn ở biển, gia đình hắn làm nghề đánh bắt cá, tính cách hắn nửa quê mùa nửa thành phố, nhưng nói đến con đường học vấn, hắn học rất giỏi.
Đậu đại học Nông lâm súc Sài Gòn. Sau biến cố lớn vào năm bảy lăm hắn không về lại quê biển, ở lại bám trụ và làm việc ở Sài Gòn, nhờ vào cái lý lịch trong sáng, gia đình hắn không nợ nần ân oán giang hồ chi với ai, lại có trình độ đại học nên tiến thân rất nhanh. Vợ con nhà cửa khang trang. Hắn có đủ điều kiện tất yếu để đi thong dong đây đó, chơi kiểu nào cũng được tuỳ theo sở thích của mỗi người hợp gu với hắn trong môi trường làm ăn có qua có lại với nhau, có phúc cùng hưởng có lợi cùng chia. Biết đâu được trong tận cùng sâu thẳm thâm cung ấy. Tôi không có cung cách ăn chơi của người lắm tiền bạc nhưng hiểu ra được mọi vấn đề nhân tình thế thái trong cõi nhân sinh này. Tư Yên bạn tôi cũng không nằm ngoài những cung bậc tiềm ẩn phù phiếm phù du, đầy những bất trắc và rủi ro. Nhưng tôi vẫn khẳng định Tư Yên vẫn là người bạn tốt sống rất mực chân tình.
3.
Tư Yên ngó chằm bằm tôi, không tỏ ra ngạc nhiên về thằng bạn vong niên của mình
– Mi thật thà, hiền lành như thuở nào? Có khác chi mô.
– Ừ, mấy mươi năm rồi tôi cũng chứng nào tật nấy, không cải thiện được một chút nào hết.
Tư Yên giờ mới lên giọng:
– Con người mi như vậy, làm sao buôn bán cho lại những tay tầm cỡ có máu mặt ở đây, máu mặt ở đây không có nghĩa là dân giang hồ cốt cán, mà họ buôn bán lâu năm có đường dây chung chi mới sống nổi, miệng lưỡi nhất thiết phải nhanh nhảu, lẻo mép, mới hòng tạo dựng một bước ngoặc, một ngã rẽ theo lộ trình của riêng mình thì mới điều phối một cách trơn tru. Con đường buôn bán hàng hoá ở đây phần nhiều lấy hàng của Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc. Muốn mau giàu có chỉ có buôn lậu, nếu xui xẻo bị bắt coi như trắng tay. Tau có thằng bạn buôn bán hàng Trung quốc có mấy năm mà giàu sụ, mi mà thấy cơ ngơi nhà cửa nó là mê liền. Buôn bán như mi may ra dư dã chút ít thôi, nhưng được có cái là lâu bền.
Tôi nhìn Tư Yên cười… chẳng biết nói lời gì? Vì Tư Yên có cái nhìn thấu tình đạt lý theo lộ trình có sẵn trong ba rem. Tôi biết cặn kẽ đường đi nước bước, nhưng không có gan lớn nên không làm giàu được.
Hôm ấy tôi ngồi co ro trong quán cà phê, ngoài trời vẫn còn mưa bay bay. Tư Yên ngồi đốt thuốc liên tục, tôi không biết bạn buồn vì chuyện gì, chuyện gia đình hay làm ăn thua lỗ, hắn có nói đâu mà biết. Tư Yên là thằng bạn rất kín miệng dễ gì thổ lộ tâm tình ra giữa ban ngày ban mặt, mà tôi biết để làm gì? Chẳng giải quyết được…
Tôi say khói thuốc hay quay cuồng trong cơn lốc làm ăn buôn bán nơi đất khách quê người. Nếu không có bản lĩnh vững vàng dễ bỏ cuộc nửa chừng như chơi.
Tư Yên nhìn tôi như có hảo ý:
– Đi cùng tau đến chỗ này uống thêm một ly rượu thuốc cho tâm hồn bừng khí thế rồi về, chứ đi về nhà sớm làm gì.
– Cảm ơn bạn, đường về chung cư Thanh Đa quá xa, uống rượu ít thì chưa đã mà uống nhiều thì sợ say, vì lâu rồi tôi không uống một giọt rượu nào.
Thật ra tôi từ chối cho hung sùng vậy thôi, cuối cùng tôi cũng đi, đi cho hết ngày Chủ nhật. Đến đó Tư Yên uống hai ly rượu nhỏ, tôi uống hai ly rượu nhỏ cho ấm cái bụng
Từ lần đó, tôi không còn gặp mặt Tư Yên một lần nào nữa, vì công chuyện làm ăn, nhà ở chung cư Thanh Đa quá xa, lại trái ngã đường qua lại.
4.
Tôi rời quán rượu, đi tha thẩn qua mấy ngã đường, cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu. Sài Gòn đẹp và mênh mông quá.
Bỗng nghe rượu thấm chạy rần rần trong từng mạch máu. Tôi dừng xe lại một quán nước giải khát ở ven đường gần cầu Thị Nghè, uống ly nước chanh cho tỉnh táo mặt mày. Tôi cũng chưa muốn về nhà sớm làm gì. Hôm nay là ngày Chủ nhật mà. Ngồi nhìn đường phố Sài Gòn muôn màu muôn vẻ lung linh trong lớp hào nhoáng bề ngoài cho đã con mắt.
Quán nước giải khát thắp sáng nhẹ nhàng ánh đèn nê-on màu vàng nhạt, mùi hoa dã quỳ vàng lẫn với hương thơm thoáng nhẹ trên mái tóc của cô gái ngồi bên làm cho tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi luôn thích những quán nước giải khát nhỏ nhắn toả chút hương thơm dịu dàng như thế này, đôi khi chỉ cần một chút thanh thản chúng ta có hể quên hết mọi chuyện đời vun vặt và tẻ nhạt không cần thiết để vướng chân, đén vài ly rượu thuốc nhỏ âm ỉ trong đầu cũng không còn làm tình làm tội ta nữa. Tôi nhìn quanh quán một lượt, không thấy gì rườm rà cho lắm, tất cả mọi thứ được bày biện sắp xếp một cách gọn gang ngăn nắp đâu ra đó hẳn hoi. Ngoài lọ hoa hồng để trên một cái bàn nhỏ trong góc quán.
Trong ánh sáng màu vàng nhạt, tôi có cảm giác như mình đang ngồi trong một thước phim nhiều tập vào thập niên 90 của thế kỷ về trước nói về một gã si tình. Cô gái mặc một chiếc áo trắng hở ngực, quần jean, mang đôi giày đen cao gót cũ. Phía mũi giày hơi sờn và nhiều vết trầy. Cô gái quay sang nhìn tôi và cúi đầu chào lịch thiệp. Tôi gật đầu chào lại. Cô chủ quán tất bật làm ly đá chanh và một ly yaourt đá cho tôi và cô gái.
Bằng một giọng nói nhẹ nhàng:
– Hình như chú là người ở đâu mới đến đây? Nghe giọng nói của chú khó nghe nhưng đoán không ra ở miềm nào.
– Chú là người xứ Quảng, chọn Sài gòn làm nơi buôn bán tìm kế sinh nhai.
– Sài gòn
– Ừ đúng rồ, sao chú có vẻ ngạc nhiên?
– Chú mới đến đây thấy cái gì cũng lạ, Sài Gòn hoa lệ quá làm cho chú hơi choáng ngợp.
Cô gái tay vân vê cái muỗng, như muốn hỏi câu gì đó, nhưng đôi môi vẫn còn ấp úng…
Tôi muốn khơi chuyện để lấp đi cái khoảng trống…
– Cô là dân Sài Gòn hả?
– Dạ… em là người Đà Lạt, sống và làm việc ở Sài Gòn, một công ty cổ phần nhà nước.
Cô gái quay sang nói chuyện thân mật với cô chủ quán nước rất tâm đầu ý hợp. Không biết hai cô gái đó nói chuyện gì với nhau, tôi chỉ nghe tiếng cười giòn tan.
– Cô bà con với cô gái đó hả?
– Ly con của cô chú bạn của ba em ở Đà Lạt, cô chú đó trước đây là giáo viên dạy cấp hai đã nghỉ dạy lâu rồi không biết lý do. Sau này được bạn bè mách nước làm ăn, cô chú vay tiền ngân hàng mua bán bất động sản, thời vận chưa tới, đất đóng băng không bán được, tiền lãi ngân hàng tháng nào cũng phải trả suốt bốn năm trời chịu không nổi, cô chú đành phải bán căn nhà ở Đà Lạt trả nợ ngân hàng, còn dư chút đỉnh, cô chú mua căn nhà này đây, nhỏ nhắn nhưng đẹp. Cô chú có con mắt thẩm mỹ nên trang trí trong nhà được hài hoà với nhau trông rất bắt mắt, ai vào đây uống nước đều khen ngợi. Quán nước giải khát ngày thường rất đông khách ra vào, lấy làm mừng cho cô chú. Ly là bạn học ở Đà Lạt chơi rất thân với em…
– À ra là vậy, vì chú thấy quán nước này có cái gì đó hơi lạ rất giống một quán cà phê, hay một ngôi nhà cổ xưa mà không cổ xưa một chút nào hết, tạo ra cái tò mò cho chú đó thôi. Nên chú đoán anh chị nhà này là người đam mê nghệ thuật không phải là tay vừa đâu?
Cô gái ngồi chăm chú nghe tôi nói chuyện sa đà, khi ngó lại đồng hồ đúng sáu giờ tối, trời chạng vạng tối. Tôi vội chào cô chủ quán, chào cô gái ra về. Lúc đó anh chị chủ nhà cũng vừa về tới.
5.
Đó là những năm tháng ăn nên làm ra, cuộc sống tạm ổn định không có dịch bệnh tác yêu tác quái như bây giờ và biết dựa vào tâm tư tình cảm bà con họ hàng, bạn bè, làm cầu nối trong môi trường sống để tồn tại.
Nhưng ở đời luôn luôn có những biến đổi lớn, khi thịnh khi suy, khi thành khi bại, không có được sự bình ổn yên vui. Thế sự thăng trầm là như vậy. Nhưng đó cũng là một quy luật tự nhiên ta còn chấp nhận được trong vòng luân hồi đến rồi đi. Có thăng thì phải có trầm.
Thế rồi, một cơn đại dịch covid-19 toàn cầu xảy ra, tức là trên phạm vi toàn thế giới, xuyên qua đại dương những con người bị lây nhiễm bệnh mang đến gieo rắc cho chúng ta, một hiểm hoạ nguy hại sâu sắc đến đời sống con người Việt Nam. Mọi ràng buộc ngành nghế làm ăn phải đối mặt với nguy cơ phá sản, không phá sản cũng lắm khó khăn. Một hiểm hoạ, nhưng vẫn còn có thuốc đặc trị đẩy lùi được dịch bệnh. Mong lắm thay…
Bây giờ ngồi lại tôi mới thấy thấm thía biết chừng nào, hơn hai mươi mấy năm đi lang bạt kiếm sống nơi đất khách quê người, có những lúc kiếm không ra một đồng xu nào, nằm nhà chèo queo mà cũng không hề nao núng, đói không thể làm cho ta chết một cách tức tưởi, mà còn sống mạnh mẽ hơn lên để đối mặt với tử thần. Nhưng hôm nay nghe đến loại virus biến chủng mới Delta lo sốt vó. Nếu lây bệnh dịch vào người là toi mạng, một cái chết không đáng để cho ta chiêm nghiệm…
Những ngày giãn cách xã hội, tôi ăn no ngủ kỹ, chờ ngày xã hội đẩy lùi được dịch bệnh, sẽ vươn vai đứng dậy đi làm ăn lại, chạy đôn chạy đáo trong cơn lốc buôn bán phục hồi cuộc sống để có cái cái mặc cũng chưa muộn.
Sài Gòn giãn cách cấm chúng ta ra đường sau sáu giờ tối, là một biện pháp hữu hiệu. Xin cảm ơn Sài Gòn đã cưu mang những người con tứ xứ trong đó có tôi đến đây trong những tháng năm làm ăn khốn khó. Dù dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn chưa có cơ hội dừng, nhưng tôi vẫn tin dịch covid-19 sẽ được đẩy lùi. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn muôn thuở tươi đẹp…
V.K.T