Sóng ngầm vỗ nhịp yêu thương

602

07.10.2017-19:30

 Nhà thơ trẻ Đặng Tường Vy

 

Sóng ngầm vỗ nhịp yêu thương

 

QUANG HOÀI  

 

NVTPHCM- Với Đặng Tường Vy, tình yêu chân chính vì nhau và cho nhau thật sự không bao giờ chấp nhận, hoặc cam chịu cảnh cá chậu, chim lồng, sự tự do trong cầm tù, tự do trong giả hiệu…

 

Tôi có một bài thơ viết cách đây hơn chục năm muốn gửi cho một người mà chưa tìm được địa chỉ. Đó là bài “Lục bát con đò” gồm 5 khổ như sau:

 

Lần này đò chửa sang sông

Liệu đò có biết tôi mong tôi chờ…

 

Đã từng qua một lần đò

Sợ gì sóng cả mà lo dập dềnh.

 

Có đêm tôi khóc một mình

Trách đò sao nỡ vô tình với tôi.

 

Con sông bên lở bên bồi

Đò nằm bên lở tôi ngồi khóc ai?

 

Lẽ nào tôi khóc bên bồi

Để đò bên lở cho người ta thương…

 

May mắn thay, đầu tháng 7 vừa qua, trong dịp vào dự một lễ cưới ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi có cuộc hội ngộ với một số nhà thơ, trong đó có Đặng Tường Vy – một nữ tác giả có khuôn mặt dịu dàng, rất dễ mến, dễ gần. Qua tiếp xúc tôi có cảm giác như mình đã tìm được địa chỉ gửi bài thơ trên với một niềm tin chắc chắn sẽ nhận được sự sẻ chia và đồng cảm. Dự cảm đó quả không sai, nhất là khi tôi vừa nhận được bản thảo tập thơ “Sóng ngầm” của Đặng Tường Vy với những cảm xúc tươi mới, khiến tôi không thể không viết đôi lời cảm nhận của mình về tập thơ này.

 

“Sóng ngầm” là tập thơ thứ 4 của Đặng Tường Vy (tên thật là Đặng Thị Lụa) kế sau 3 tập thơ đã xuất bản: “Giọt sương khuya”, “Lá thu phai” và “Sóng tình”, được viết chỉ trong vòng 5 năm sau sự tan vỡ của một mối tình không thể ngờ tới, để từ đó kết duyên mặn mà và sâu đậm với nàng thơ như một cơ duyên. Có thể khẳng định rằng, qua 4 tập thơ, Đặng Tường Vy đã thực hiện một cuộc vượt thoát ngoạn mục trước sự trớ trêu của số phận, trước nỗi đau thấu tim mà mình phải gánh chịu, để tự khẳng định bản ngã của mình với tình yêu thương nồng nàn cuộc sống và cất cánh bay cùng thi ca. Nói như thi sĩ Chế Lan Viên là “từ thung lũng đau thương đi ra cánh đồng vui”, cánh đồng của những chân trời rộng mở đón đợi và hy vọng. Tôi nghĩ, tiếng thơ của Đặng Tường Vy là một tiếng thơ như vậy.

 

Đây là nỗi đau đè nặng lên vai người thiếu phụ đang độ xuân thì, để Đặng Tường Vy phải bật thốt lên những lời xé ruột:

 

Trăng chưa từng vàng rỡ

Dưới trời đêm ba mươi

Ta một lần lầm lỡ

Nghẹn mây mà vẫn cười.

 

Đó là nụ cười “nghẹn mây”, nụ cười ra nước mắt, nụ cười đắng cay trước mịt mùng “đêm ba mươi”, bởi “Trăng chưa từng vàng rỡ” của một trái tim đa cảm và khao khát tình yêu. Và hệ quả tất yếu của mối tình đó sẽ phải dẫn tới một kết cục: “Gió bay theo đời gió/ Ta bước đi đường ta” mà một người phụ nữ thực sự yêu đời, khát khao cuộc sống tốt đẹp không bao giờ mong muốn. Nhưng Đặng Tường Vy không gục ngã trên đường đời, chị đã đứng dậy mạnh mẽ và quyết liệt với một phẩm chất người mang giá trị nhân bản như chị đã từng giãi tỏ: “Sau bao lạnh lẽo u tối sau lưng, tôi đã tìm được mùa xuân cho riêng mình. Xếp lại quá khứ…, tiếp tục hành trình tìm kiếm hạnh phúc, tự tay vun trồng hạt từ tâm chai sạn bởi phong ba, mong sao chúng lên mầm tươi tốt…”. Đó là tâm nguyện của chị. Và đó cũng là khởi nguồn của thi ca trong tâm thức chị, khởi nguồn của “Sóng ngầm” dào dạt trong đại dương yêu thương mênh mông.

 

Như vậy, “Sóng ngầm” chính là sự bộc lộ tâm thức, tâm cảm một cách thành thực sau những đau thương mất mát của cuộc đời, mà nếu không nâng niu vun trồng thì thông thể có được sự tròn đầy, viên mãn.

Tập thơ “Sóng ngầm” của Đặng Tường Vy

 

Chính vì thế, bài thơ “Sóng ngầm” được Đặng Tường Vy chọn làm tiêu đề cho tập thơ thứ 4 của mình như một tuyên ngôn tâm cảm:

 

Anh đi rồi, chim trời im tiếng

Vắng anh rồi, cá biển biệt tăm

Tròn thu thiếu bóng trăng rằm

Trong hơi thở biển, sóng ngầm dội vang

 

Anh đi rồi, thiên đàng đóng cửa

Thu chưa tàn đỏ lửa mùa sang

Người đi lạc gói hành trang

Bỏ con suối nhỏ vắt ngang mảnh sầu.

 

Sự hiện diện của “Anh” là sự viên mãn của tình yêu, của tình người, tình đời, kết nên gia đình, đất nước, Tổ quốc và nhân loại. “Sóng ngầm dội vang” “trong hơi thở biển” chính là sóng lòng vỗ nhịp yêu thương trong sự thiếu vắng “Anh”, trong niềm khát khao đợi chờ “Anh”. Cảm thức đó là cảm thức nhân thế đầy nữ tính như một đòi hỏi nữ quyền mang tính phổ quát nhân loại. Chính từ điểm nhìn và sự cảm nhận này, ta có thể đồng cảm và sẻ chia sâu sắc hơn với những cung bậc cảm xúc của Đặng Tường Vy trong “Sóng ngầm”.

 

Với Đặng Tường Vy, tình yêu bắt đầu thức dậy từ những “Lời thì thầm”. Đó là lời trái tim, lời mùa xuân, bởi “Mùa yêu thương còn đó/ Lá tình vẫn gạch son”, và còn bởi “Hai đứa mình đừng vội/ Mùa dậy thì còn xanh”, với những “Giả dụ” rất đậm đà và khoáng đạt, thậm chí cả khi “lửa cháy nhanh/ Chỉ một lần rồi tắt”, thì cũng chỉ nên coi “Đó là lần sống thật/ Đừng trách chuyến đò ngang” một cách vô tình.

 

Với Đặng Tường Vy, tình yêu chân chính vì nhau và cho nhau thật sự không bao giờ chấp nhận, hoặc cam chịu cảnh cá chậu, chim lồng, sự tự do trong cầm tù, tự do trong giả hiệu: “Em sợ loài cá cảnh/ Khóc ngục tù trăm năm”“Thương chim lồng bặt tiếng/ Nơi gác tía lầu son”, bởi chính cái đó đã làm cho tình yêu mòn mỏi và chết mòn khát vọng.

 

Với Đặng Tường Vy, tình yêu vững bền phải là thứ tình yêu biết bao dung, đùm bọc, che chở cho nhau, thương yêu nhau trong sự xoắn bện khăng khít như măng và tre: “Bao giờ măng biết thương tre?/ Còng lưng cõng gánh trưa hè nắng oi/ Liêu xiêu hứng ngọn bão đời/ Nào sương, nào gió, nào bời bời mưa”. Bởi, trong chị, luôn cháy bùng mơ ước: “Ước gì em suối mát trong/ Anh là sỏi đá cũng không lạc rời”,“Em có là đá sỏi/ Vẫn khát giọt mưa tuôn”. Đó cũng chính là niềm khát khao vươn tới sự vi diệu của tình yêu: “Một lần/ môi chạm đỉnh trời/ Một lần/ xin khắc ghi đời tên anh”.

 

Dường như nói bao nhiêu cũng không bộc lộ được hết lòng mình, Đặng Tường Vy còn hoá thân thành một người con trai để bày tỏ nguyện ước sâu kín: “Xin em một chút đàn bà/ Cho anh được rót thật thà trăm năm/ Cho anh sống kiếp giam cầm/ Chung thân với ánh trăng rằm… trinh nguyên”. Bởi, với chị, chỉ “một lần đò lỡ” đã “nắng chia lạc cung đường”, để lại bao xa xót, bao ẩn ức: “Quên nhớ nào có dễ/ Bởi nơi bờ ngực đầy/ Còn in sâu cội rễ/ Bồng bềnh… bồng bềnh say”, trong cuộc kiếm tìm “lời trăm năm” không ngừng nghỉ: “Đêm nay gió thổi ngang đồi/ Hỏi chăng cỏ rối còn lời trăm năm?”.

 

Có thể nói, những đợt “Sóng ngầm” càng đầy lên trong biển tình yêu, thì nỗi đợi chờ càng trở nên da diết và khắc khoải. Không phải là một ảo vọng, mà “Anh” với tư cách một người tình lý tưởng, một người tình của “lời trăm năm” vẫn luôn hiện hữu trong mơ ước, trong khát vọng. Cho nên em vẫn hằng đợi hằng chờ:

 

Sương rơi thấm ngọn cỏ mềm

Nhớ anh đá cũng già thêm tuổi đời

 

Gió bay, sóng cuộn, mây dời

Yêu anh em ngắm mấy đời trăng qua

 

Đợi anh Cuội tuổi thêm già

Tóc thêm sợi bạc điểm qua mái đầu

 

Anh ơi! Nhắn vội một câu

Trăng bên thềm cũ tím màu nhớ thương.

Bởi vì, chỉ có “Anh về” thì giấc mơ em mới đơm hoa kết trái:

Anh về nơi đá đơm hoa

Uống từng hơi thở cuộn qua môi mềm

 

Con sông tình ái êm đềm

Trăm năm khắc nhớ những đêm trăng tròn

 

Anh trèo lên đỉnh chon von

Vượt qua núi núi con non điệp trùng

 

Anh về xây mối tình chung

Dốc hết tận cùng nói tiếng yêu em…

 

Nhưng cuộc đời của một người con gái, nhất là với một thiếu phụ “Đã từng qua một lần đò”, thì một người “tình trăm năm” như thế đâu phải dễ kiếm tìm! Sau những đợt “Sóng ngầm” xoáy xiết, để thoả nỗi chờ mong, Đặng Tường Vy trở về với lòng mình bằng một phác hoạ người “tình trăm năm” trong tưởng tượng:

 

Vẽ anh, bức vẽ tuyệt vời

Nắng Vàng tô điểm soi đời Lụa êm

 

Vẽ anh qua bức màn đêm

Vàng trăng ánh Lụa trầu têm cánh hồng

 

Vẽ anh, chén rượu cay nồng

Say rồi, say nữa, bềnh bồng trăm năm.

 

Với Đặng Tường Vy, đó thực sự là một hạnh phúc, dù là hạnh phúc trong tưởng tượng, bởi nó không chỉ là khao khát mà còn là một bản năng, một đòi hỏi của bản thể. Đúng như nhà triết học Nietzsche đã nói: Chừng nào cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và bản năng là đồng nhất, bản năng tạo ra hấp lực cho mọi vẻ đẹp.

 

Chắc chắn, bức hoạ đó sẽ chắp cánh thơ cho Đặng Tường Vy – Đặng Thị Lụa trên hành trình thơ của mình, với “Sóng ngầm” khẳng định một bước tiến mới hứa hẹn triển vọng tốt đẹp của một tiếng thơ trẻ trung và đằm thắm, dào dạt tình yêu.

 

Phố Vương Thừa Vũ – Hà Nội ngày 31.7.2017

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh

>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường

>> Về mái nhà xưa tìm thời đã mất – Phan Hoàng

>> Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt – Lưu Khánh Linh

>> Khuynh hướng LLPBVH ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam- Trần Hoài Anh 

>> Nhỏ mà không nhỏ – Phạm Đình Phú

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

>> Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – Huỳnh Như Phương

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…