Sức sống của trường ca Việt: trường hợp Nguyễn Minh Khiêm

607

Tôi quen nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã khá lâu, ngày gặp anh lần đầu cách đây hơn 20 năm trong cuộc gặp gỡ cộng tác viên báo Văn hóa thông tin (Thanh Hóa). Thời gian không ngừng nghỉ, những chuyển động đi qua ghi lại bao cảm xúc của người làm thơ viết văn như anh không phải ai cũng có được. Riêng với thể loại trường ca, Nguyễn Minh Khiêm đã để lại dấu ấn của mình với nguồn cảm hứng mãnh liệt về lịch sử, truyền thống của quê hương mà rộng hơn là của đất nước qua tháng năm kiêu hùng, bi tráng.

Cho đến nay anh đã xuất bản bốn trường ca. Khi tôi đang viết những dòng này thì trường ca Lê Lợi mài gươm vừa xuất bản đến tay bạn đọc. Sắp tới, anh chuẩn bị ra mắt trường ca Tiếng dương cầm Đại tướng (trước đó là Bầu trời màu hoa gạo – 2015, Ba mươi tháng tư – 2017). Nguyễn Minh Khiêm có hàng nghìn bài thơ với nhiều đề tài khác nhau và hàng chục đầu sách nối nhau ra đời.

Nhắc đến trường ca hiện đại Việt Nam, người ta thường khởi đầu danh sách với Huy Thông cùng bản tráng ca Tiếng địch sông Ô (1935), sau đó là Xuân Diệu với Ngọn quốc kỳ (1945) và Hội nghị non sông (1946). Dẫu các tác giả này không định danh tác phẩm của mình là trường ca, nhưng cảm xúc và suy tư trên bình diện kì vĩ, hùng tráng gắn với những biến cố trọng đại của đất nước, lịch sử đã cho thấy mạch nguồn và đặc trưng thể loại của trường ca. Bước vào cuộc kháng chiến trường kì với thực dân, đế quốc, cuộc thử lửa vĩ đại là bối cảnh cho những trường ca điển hình ra đời, phản ánh tư thế, hình tượng con người, đất nước Việt Nam trước bão táp lịch sử.

Phải nhắc đến ở đây các trường ca ra đời từ những năm 50-70 của thế kỉ XX như Từ đêm mười chín của Khương Hữu Dụng (1951), Bài thơ Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi (1959), Du kích sông Loan của Xuân Hoàng (1963), Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn (1964), Theo chân Bác của Tố Hữu (1970), Bác của Lê Đạt (sáng tác từ 1970), Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm (1974)… Sự thực, trong quãng 1954-1975, dù hội tụ đầy đủ các yếu tố khách quan để làm phông nền, bối cảnh, gợi hứng cho sáng tác, nhưng trường ca Việt Nam chưa thực sự tỏa bóng mạnh mẽ, mới ở dạng từng bước định hình. Tại sao lại như vậy? Điều này thuộc về tâm lí sáng tạo.

Trước các sự kiện gây xúc động hay nghĩ suy, sức lay chiếm của tinh thần, trí tưởng như hòn than trong đống rơm đang ủ nóng mà chưa bùng lên thành ngọn lửa. Sáng tạo bao giờ cũng cần một sự giãn cách, một trạng thái bước ra, rời xa sự kiện để bao quát và chiêm ngẫm về sự kiện. Chính vì thế, sau 1975, khi chiến tranh đã tạm lắng xuống, cuộc trường chinh kéo dài 30 năm mới thực sự trở thành nguyên liệu, thành kí ức, thành cảm xúc, suy tư, với độ chín đằm và thôi thúc trổ mầm. Trường ca bùng lên như lửa đỏ với hàng loạt tác phẩm, tác giả đình đám, làm nên diện mạo sinh động, kì vĩ nhất của thể loại.

Phải kể đến Thanh Thảo như một tượng đài của trường ca Việt Nam sau 1975 với Những người đi tới biển (1977), Trẻ con ở Sơn Mỹ (1978), Những chiến sĩ Cần Giuộc (1980), Bùng nổ của mùa xuân (1981), Đêm trên cát (1982), Trò chuyện với nhân vật của mình (1983), Cỏ vẫn mọc (1983), Khối vuông Rubic (1984), Những ngọn sóng mặt trời (1994), Trường ca Metro (2009), Trường ca chân đất (2012).

Cùng với Thanh Thảo, không thể không nhắc đến Hữu Thỉnh với Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1994) và gần đây là Trăng Tân Trào (2019); Nguyễn Đức Mậu với Trường ca sư đoàn (1980); Nguyễn Trọng Tạo với Con đường của những vì sao (1981); Trần Mạnh Hảo với Mặt trời trong lòng đất (1981); Anh Ngọc với Sông Mê-kông bốn mặt (1988); Thi Hoàng với Gọi nhau qua vách núi (1995); Trần Anh Thái với Đổ bóng xuống mặt trời (1999), Ngày đang mở sáng (2007); Hoàng Trần Cương với Trầm tích (1999); Mai Văn Phấn với Người cùng thời (1999),… (theo khảo sát và công bố chưa đầy đủ của nhà nghiên cứu Đỗ Quyên ở Canada, tính từ mốc 1951 đến thời điểm hiện tại, trường ca Việt Nam hiện đại có tới hàng ngàn tác phẩm của hơn 600 tác giả. Quả là con số khổng lồ!). Do dung lượng và vấn đề chính của bài viết, chúng tôi điểm danh ở trên một số tác giả, tác phẩm, làm nền cho sự hiện diện của một tên tuổi đang có những định hình mạnh mẽ là Nguyễn Minh Khiêm.

Nguyễn Minh Khiêm với 4 trường ca như đã nói, dẫu không hoành tráng về số lượng như Thanh Thảo nhưng ở mặt bằng chung, con số ấy không nhỏ. Mặt khác, xét ở bình diện chất lượng, trường ca của Nguyễn Minh Khiêm xứng đáng được khảo sát như một trường hợp độc lập, tiêu biểu cho một sắc thái của trường ca Việt Nam hiện đại. Phối cảnh chung thuộc về diễn tiến của trường ca có thể hình dung ở hai sắc thái: một là những trường ca bảo lưu tính chất hùng tráng, kì vĩ, cao cả với cảm thức sử thi khi cả dân tộc đối đầu với kẻ thù xâm lược; hai là những trường ca có xu hướng dịch chuyển sang khía cạnh trữ tình gắn với những câu chuyện, cảm xúc, suy tư về thế sự, thời cuộc, con người, trong đó hiện diện những thân phận cá nhân, gia đình gắn với biến động của lịch sử hay kiến tạo đời sống trong không gian đương đại. Nguyễn Minh Khiêm ở đâu trong bức tranh đời sống thể loại trường ca Việt Nam?

Nếu nhìn lại 4 trường ca đã có của Nguyễn Minh Khiêm, có thể nhận thấy anh bám rễ khá sâu vào mạch sử thi hùng tráng với niềm hứng khởi mãnh liệt về quê hương xứ sở, con người. Sắc thái xứ Thanh như một căn cước để Nguyễn Minh Khiêm trải lòng cùng non sông, khắc tạc dáng hình, tư thế của con người – như là mẫu hình, trong các biến cố trọng đại của quốc gia, dân tộc, lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là trường ca Ba mươi tháng tư, Hát nơi cửa sóng và Lê Lợi mài gươm.

Ở trường ca Ba mươi tháng tư, cảm thức chính của Nguyễn Minh Khiêm vẫn là con đường ra trận, là non sông đất nước và con người trên hành trình thống nhất non sông. Ở đây, ta thấy rõ dưỡng chất của một thời hào hùng bi tráng thấm đẫm trong từng câu chữ: Khi bom đạn kẻ thù biến những cánh rừng Trường Sơn thành biển lửa/ Anh đã mơ thấy cửa ngõ Sài Gòn/ Lá cờ ấp bao năm trong lồng ngực/ Sáng bừng lên kiêu hãnh (Ba mươi tháng tư).

Có lẽ không ai trong chúng ta quên được những năm tháng đã làm nên dáng hình đất nước, bằng máu xương lớp lớp đoàn quân ra trận. Nguyễn Minh Khiêm đã viết về những năm tháng ấy bằng trải nghiệm của một người con xứ Thanh, như bao người con nước Việt khác băng mình vào lửa đạn, viết tiếp bản tráng ca từ khai thiên lập địa. Điều rất đáng ghi nhận ở Nguyễn Minh Khiêm trong trường ca Ba mươi tháng tư chính là phát hiện về phẩm chất chiến binh trong mỗi người dân bình dị.

Có lẽ, lịch sử đã luôn thử thách người dân nơi đây, khiến dòng máu của họ, hơi thở của họ, dẫu quen với ruộng đồng nương rẫy, dẫu muốn an cư sau lũy tre làng vẫn không ngừng cảnh giác trước họa xâm lăng. Dân-binh là hai trạng thái song hành của con người Việt Nam, như là định mệnh bởi cục diện, tình thế đất nước trước triền miên khói lửa: Sự man rợ của kẻ thù đã ép anh trở thành bao nhiêu dũng sĩ/ Dũng sĩ diệt Mĩ/ Dũng sĩ diệt nguỵ/ Dũng sĩ diệt xe tăng/ Chúng ép anh phải làm một anh hùng (Ba mươi tháng tư).

Quả thật, như một nhà phê bình đã nhận định, nếu chỉ viết về con người xứ Thanh, con người Việt Nam trong thế đứng hiên ngang, trong thế tiến công hào hùng ra trận, thì Nguyễn Minh Khiêm khác gì những tuổi tên đã đóng đinh vào lược đồ trường ca đất Việt? Cái khác của Nguyễn Minh Khiêm là dẫn chiếu những hình dung ở hiện tại vào thẳm sâu lịch sử, mở ra những liên tưởng rộng dài vào ngàn năm đất nước với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, nếp ăn nếp nghĩ của người dân nông nghiệp.

Không những thế, Nguyễn Minh Khiêm đã tỏ ra khá bén nhạy với khí hậu thời đại và văn chương khi tiếp nạp thêm trường thẩm mĩ, trường văn hóa từ cái nhìn thế sự đời tư. Sự hào hùng bi tráng, hình tượng người anh hùng và non sông bất tử được nối cuống nhau vào làng quê xứ sở, vào bầu sữa ân cần, bao dung của nhân dân, của ruộng đồng, của mẹ. Từ Ba mươi tháng tư đến Hát nơi cửa sóng và Lê Lợi mài gươm, chúng ta nhận ra nhịp chuyển động ấy.

Có thể nói, nhờ thế mà trường ca của Nguyễn Minh Khiêm có thêm sức nặng, có thêm dưỡng chất, tạo dựng một sắc thái khá riêng biệt trên lược đồ thể loại. Nguyễn Minh Khiêm lí giải sức mạnh của con người xứ Thanh, con người Việt Nam có từ tiền sử, được nuôi dưỡng từ đất nâu với nắng cháy lưng trên áo nâu bạc màu của mẹ. Và những điều bình dị như thế được vươn xa hơn bởi sự lớn khôn và lòng dũng cảm. Từ cội rễ bền sâu ấy, người dân nơi đây biết dệt tinh túy đại ngàn vào hoa văn thổ cẩm, chạm khắc nét đất nét trời vào kí ức nghìn năm, múa võ đua thuyền, khúc dân ca rực sáng mắt rồng, ánh trăng khuya hơn lịch sử, những âm thanh bí ẩn sâu hơn màn đêm, hồn sông mất ngủ dắt triệu năm đi, mái chèo ngẩng đầu hát nơi cửa sóng.

Hát nơi cửa sóng, hát với đồng làng, hát dưới ánh trăng đổ tràn lên bờ bãi chính là nơi tinh thần và cảm xúc của người dân lao động được thăng hoa. Hát đấy, hẹn hò giao duyên đấy, cuốc cày lam lũ đấy, để dệt nên sự sống và cũng để hiến dâng tất cả bảo vệ sự sống: những ngôn từ thước tấc, những câu thơ hăng mùi đất, những câu thơ ủ chín mùa đông, từ tình yêu lươn chạch, từ những con đường dày bước chân trâu già cỗi… (những hình ảnh trong Hát nơi cửa sóng).

Cứ thế, họ đi thành lịch sử ngàn năm, vạn năm, thành truyền thống, thành văn hóa, văn minh: Hạt lúa ngân lên từ nhã nhạc cung đình/ Hạt lúa ngân lên từ mái cong chùa cổ/ hạt lúa ngân lên từ thành quách ngai vàng/ hạt lúa ngân lên thành tượng đồng bia đá/…/ mạch giếng nhà ai cũng là mạch nước thiên/ thả dây gầu là chạm vào muôn thuở/ giọt nước chạm môi là chạm kiếp người/ hồn cốt bao đời chuông đất rung lên (Hát nơi cửa sóng).

Nguyễn Minh Khiêm say sưa trong dòng sữa linh thiêng ấy, đắm đuối với hình hài cha ông đã cho từ muôn kiếp trước: Thấp thoáng bóng một con thuyền cổ tích, đi dọc cánh đồng ca dao tìm dấu cha mẹ/ Từ chiếc que cời than đến chiếc áo tơi mòn mưa nắng, chiếc đòn gánh chưa một lần duỗi thẳng (Hát nơi cửa sóng).

Nguyễn Minh Khiêm đã lấy cảm hứng sáng tạo từ mạch sữa kì diệu ấy, để kể một vệt cổ tích dài qua những trầm tích, những giai thoại, truyền thuyết, như tiếng vọng trầm thiêng của trống đồng vang ngân từ thuở Hùng Vương. Đâu chỉ có thế, ở một sắc diện khác, trường ca Nguyễn Minh Khiêm chạm sâu vào một đời khó nhọc của người dân xứ Thanh: Âm âm mấy chục điệu hò, đáy sông lòng bến vọng qua đời người, thác ghềnh vật vã ngược xuôi, thịt da lửa bỏng nước sôi trăm miền, bao nhiêu sóng dựng mũi thuyền, bấy nhiêu xương máu hiện lên đất này, nghiêng trời một tiếng dô huầy (Hát nơi cửa sóng). Đấy có phải cũng là bản mệnh của người dân trên dải đất thiêng liêng mà nhọc nhằn này?

Cái khó nhọc hằn vào câu hát, hằn lên nhịp điệu, tỏa thấm vào đời sống, mỗi ngày kiến dệt nên tâm thức, hình hài con người xứ sở: Vọng lên dô tả dô tà/ muôn đời gia phả ông bà truyền nhau/ Lưng trần một khúc ca nâu/ phía trước là bể, phía sau là rừng/ Đắng cay làm lạt bện thừng/ thả lên chồi biếc nỗi mừng nỗi lo/ Cầm hơi mấy chục điệu hò/ làm câu thần chú vượt qua đời mình/ Thấp cao nhịp thác nhịp ghềnh/ mà thành nghĩa nặng mà thành ơn sâu/ Dô huầy một khúc ca nâu/ Núm nhau khúc ruột muôn sau tìm về (Hát nơi cửa sóng).

Nếu trường ca hiện đại ngày càng có xu hướng khơi sâu vào mạch trữ tình với thân phận con người, gia đình, thế sự thì Nguyễn Minh Khiêm đã kết dệt một cách khá nhuyễn những chuyển động ấy vào mạch chủ lưu của mình là cảm thức bi tráng. Ở Nguyễn Minh Khiêm vừa có mạch sử thi, vừa có mạch thế sự, và thật đặc biệt, với Lê Lợi mài gươm, lịch sử đã được phục hoạt trong cái nhìn say đắm, thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi thân thuộc. Sẽ là bất ngờ nếu chúng ta đọc trường ca Lê Lợi mài gươm của Nguyễn Minh Khiêm.

Bởi lẽ, khi tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, kịch lịch sử hay phong cách cổ trang đang trở lại và bung nở, trường ca cũng nối mình vào đó như một hướng tìm về, một sự di dưỡng hay một kiếm tìm minh triết từ quá khứ. Nói rằng Nguyễn Minh Khiêm nhạy bén với khí hậu văn chương chính là chỗ ấy. Trường ca Lê Lợi mài gươm là một bản hòa tấu về người anh hùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn những ngày đầu gian khó nơi rừng núi xứ Mường.

Trước tội ác của giặc Minh, trước nỗi lầm than đau khổ của người dân nước Việt, từ những đêm sâu trong thung vắng, từ những con người ăn suối uống khe mà dáng nhìn bạt núi, nghĩa quân Lam Sơn đứng đầu là Lê Lợi đã minh chứng cho sự quật khởi và trường tồn của non sông Đại Việt: Biển đang gọi biển thét gào/ Núi đang gọi núi chất cao căm hờn/ Tiếng chim gọi đắng bồ hòn/ Lạch khe mỏm đá gọi hồn đất đai/ Lá rơi hú gọi hồn cây/ Giọt sương hú gọi trời đầy trăng sao/ Nỗi buồn hú gọi tìm nhau/ Góp thành gió bão lật nhào tối tăm/ Nén trong lồng ngực nghìn năm/ Nén trong lồng ngực hờn căm bạo tàn/ Bật tung chớp bể mưa ngàn/ Bật tung xiềng xích đập tan giặc thù/ Xé cho sạch bóng mây mù/ Đất quê lại ấm tiếng ru ngọt ngào/ Ta đi lại ngẩng cao đầu/ Nước non Đại Việt lại màu lửa thiêng (Lê Lợi mài gươm).

Với năm chương, trường ca Lê Lợi mài gươm là một thành công của Nguyễn Minh Khiêm khi dẫn cảm xúc, suy tư về phía lịch sử. Đây là một trường ca hay, giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật, như nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đã nhận định: “Lê Lợi mài gươm khởi phát từ ngọn nguồn thiêng liêng, hào hùng của dân tộc, đánh thức những suy tư – cảm xúc ở hiện tại nối kết vào lịch sử. Cùng với giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật ở mức khá cao đã đưa tác phẩm này vào danh sách những trường ca chất lượng không chỉ của năm 2020 mà trong lịch sử thể loại trường ca hiện đại Việt Nam”.

Trở lại với vấn đề đã mở ra từ đầu bài viết – sức sống của trường ca Việt Nam hiện đại từ trường hợp Nguyễn Minh Khiêm. Vấn đề có thể đã được hình dung từ những diễn giải ở trên. Trong bối cảnh của những vận động thể loại về hai hướng khá rõ như đã nói, Nguyễn Minh Khiêm đã kết hợp hai dòng mạch ấy, dẫn chiếu về lịch sử, văn hóa, đào sâu vào các trầm tích ngủ yên, đánh thức tiềm năng của những vọng âm quá khứ. Đó là một hướng đi đầy hứng khởi, mà tôi tin rằng, Nguyễn Minh Khiêm sẽ còn tiếp tục dấn bước, như dòng sông Chu, sông Mã không ngừng miệt mài bồi tụ cho quê hương xứ sở.

Trịnh Vĩnh Đức/VNQĐ