Sương khỏi quê nhà (kỳ 6) – Truyện ngắn Võ Anh Cương

667

(Vanchuongphuongnam.vn) – 8. Đường Minh Mạng là một con dốc khá cao và ngắn, con đường được đặt tên một vị vua của triều đình Huế từ hồi thị xã vừa mới hình thành. Những biệt thự kiểu Pháp được xây hai bên đường với khoảng cách khá gần nhau tạo cho người ta cảm giác gần gũi và ấm cúng. Tuy là đường dốc nhưng tại đường Minh Mạng lại có hai đoạn đường nhánh dẫn vào con đường chạy quanh Hội trường Hoà Bình, tiền thân là chợ Cây nổi tiếng một thời được gọi tên là đường Marché.

Trần Hành cho xe vào bến, bến xe lam Cây số sáu nằm trên một đoạn đường nhánh bằng phẳng tạo với đường Minh Mạng một góc vuông. Khi khách xuống xe hết, Trần Hành cũng bỏ xe nằm đó anh lân la tới xe của các đồng nghiệp chuyện trò.

Ông Hồ Hải là một người nhỏ con, ông để bộ râu dê trên chiếc cằm nhọn càng khiến khuôn mặt ông lúc nào cũng mang một nét hài hước vui vẻ. Thấy Trần Hành ngồi ghé một bên băng trước là một chiếc ghế dài theo đúng bề rộng của xe dành cho bác tài ngồi lái nhưng nếu thiếu chỗ ở thùng xe phía sau, tài xế sẽ tận dụng hai vị trí cạnh mình để chở thêm khách. Đôi khi trong thùng xe còn trống chỗ, nhiều người mà đa số là nam thanh niên cũng leo lên ngồi cạnh bác tài, họ thích chỗ đó vì sẽ ngắm được phố xá qua tấm kính chắn gió. Khi Trần Hành vừa ngồi xuống ông Hồ Hải liền hỏi:

– Sao, xe chạy tốt chớ?

– Cảm ơn chú, máy mạnh mà lại “dọt” nữa. Cũng nhờ chú chỉ cho cháu may mắn mua được chiếc xe còn tốt quá!

Chiếc Lambretta mà Trần Hành mua để hành nghề chở khách còn rất mới, xe màu vàng nhạt, hai bên hông hàng chữ Lambro 550 dập nổi tạo cho người ta cảm giác chiếc xe cứng cáp và dũng mãnh. Bên trong thùng xe đặt hai băng ghế bọc da simili, nhiều khi khách này chạm đầu gối vào khách đối diện là chuyện thường tình. Chiếc xe này Trần Hành mới mua hồi tháng trước thay thế cho chiếc xe Lambretta già nua anh mua lại của một bác tài khi mới ra nghề.

Ông Hồ Hải cười:

– Chú mày được như vậy là khoẻ hơn tao hồi trước nhiều, khi mới ra nghề bọn tao chỉ có chiếc xe ngựa chớ đâu dám mơ tới chiếc xe lam!

Từ ngã ba đến chợ, trước đây là chợ Cây và nay là chợ Mới đều có khoảng cách chừng hơn 5 ki lô mét, nếu tính tới cây xăng Kim Cúc nằm trên đầu dốc Nguyễn Trường Tộ thì khoảng cách này vừa đúng 6 ki lô mét nên Ngã ba còn có tên là Cây số sáu. Trước kia thông thường muốn ra chợ người ta phải đi bộ, ai khá hơn thì sắm chiếc xe đạp là bảnh lắm rồi.

Thuở sơ khai, dân làm vườn phải gánh rau ra chợ bán, những đôi dóng gánh bằng mây tre kẽo kẹt trên vai họ mỗi sớm mai, lúc mặt trời vừa rạng da cam ở phương đông như một khúc nhạc vui ngày mới. Nhưng gánh rau như vậy thì chẳng được bao nhiêu, không ai đủ sức gánh hơn nửa tạ đi những năm, sáu cây số xuyên qua đồi cao lũng thấp, đến khi chiếc xe ngựa kéo xuất hiện làm thay cho sức người trong chuyện vận chuyển hàng rau từ vườn ra chợ, dân vườn thở phào nhẹ nhõm. Đây là loại xe dùng bánh xe hơi bằng cao su có hai cái càn buộc vào con ngựa dùng để chở hàng hoá hay hành khách đều được, sự có mặt của xe ngựa làm giảm đáng kể sự khổ cực của dân vườn.

Ông Hồ Hải khi ra nghề cũng cố tìm mua một con ngựa kéo dưới Đơn Dương về đóng chiếc xe chở khách hay bất kỳ hàng hoá gì khi có người kêu. Ban đầu nghề xe ngựa đáp ứng được nhu cầu của cư dân nhưng dù sao ngựa cũng là súc vật, dù nó khoẻ hơn con người nhưng lượng hàng hoá nó kéo cũng chỉ có chừng. Mỗi khi lên dốc, mà dốc ở thị xã này nhiều lắm, người xà ích phải xuống xe, phụ với con vật đẩy xe tiến lên phía trước. Gặp đoạn dốc được rải nhựa đường thì dễ thở, nếu con dốc là một đoạn đường đất mà đụng phải trời mưa thì đúng là cảnh xe bị sụp lầy, tiến thoái lưỡng nan. Lúc đó hàng hoá được giở xuống hết, con ngựa như thoát được cực hình hí một tràng trước khi bậm mõm gồng mình tiến tới thoát khỏi đám đất đỏ sình lầy dẽo quánh cứ như giữ rịt bánh xe khiến con vật bực mình.

Rau xứ lạnh mang xuống xứ nóng bán được giá, dân tình ưa chuộng nên nghề vườn ngày một khá. Bây giờ đã có những chiếc xe vận tải chạy bằng dầu cặn, mỗi xe chở năm, sáu tôn (tấn) là chuyện thường, dân buôn cho xe đến tận vườn chở thẳng rau về đất Sài Gòn nên nghề xe ngựa đi vào bế tắc. Nói như vậy vì cùng lúc với những chiếc xe Thames chở rau đưa hàng hoá vùng đất lạnh đi tứ xứ, những chiếc xe của hãng Lambretta chở khách cũng xuất hiện với dòng xe Lambro 550 dũng mãnh. Đến đây thì người ta bỏ đi xe ngựa như một chuyện hiển nhiên, với mấy đồng bạc, ngồi trên xe chừng mười lăm phút người ta đã đến chợ thì ai mà không dùng xe lam chứ?

Ông Hồ Hải cũng phải theo thời như bao người xà ích khác, ông thả bầy ngựa bây giờ đã bốn con cho chúng “tự túc lương thực”. Ngựa thích gặm thứ cỏ xanh thường mọc rất mạnh ở nơi đất ẩm mà người làm vườn gọi là cỏ bờ hay bất cứ nơi nào chúng tìm thấy thức ăn miễn là đến chiều tối bầy ngựa trở về chuồng, thường được cất ở miếng đất sau nhà, để ngủ. Loài ngựa chuyên ngủ đứng, khi con ngựa nào đã nằm xuống nền chuồng nghĩa là con ngựa đó sắp chết. Nhưng khi còn sống nhiệm vụ của chúng tại nhà ông Hồ Hải giờ đây là “ị” cho thật nhiều phân để mẹ con bà Hải làm vườn. Nói cho cùng, thứ phân ngựa màu đen, to như hai tán đường gộp lại, chẳng tốt bao nhiêu. Chúng ăn cỏ, mà đa số là cỏ đồi xác xơ thì phân chúng thải ra tốt nỗi gì?

Khi đã nghĩ chín về dự tính mua chiếc xe lam thay xe ngựa, ông Hồ Hải hối vợ về nhà ngoại hỏi mượn số vàng ông bà cất làm của với lời hứa trả lại trong vòng ba năm, lời năm phân cho đủ số tiền mua một chiếc Lambro mà ông tích góp được bấy nay. Ngày đón chiếc xe, ông Hồ Hải run run đứng quay lưng về phía trước, tay trái nắm tay ga, chân trái đạp cần khởi động…giống như lời hướng dẫn của một người bạn đồng nghiệp, là ông Năm Thỷ, hướng dẫn. Phải đến lần đạp thứ tư, chiếc xe lam mới chịu nổ, tiếng nổ dòn tan của nó phá tan cái không gian yên tỉnh của buổi chiều xóm vắng như một tràng pháo làm bầy trẻ nhỏ đứng chung quanh coi vỗ tay rần rần. Chúng hít thật sâu thứ khói màu xanh xám từ chiếc ống pô của xe thải ra rồi bỏ chạy tứ tán với tràng ho sặt sụa.

Nhớ lại tình cảnh hồi mình mới mua xe, bây giờ ngồi với người lối xóm lại là chỗ đồng nghiệp chạy cùng một bến, ông Hồ Hải cười hà hà nhắc lại chuyện ngày xưa:

– Chú mày biết không, tao gặp nhiều chuyện nhớ đời trên cái xe này. Hồi đó khi mới ra nghề, tao phải tập chạy cho cứng tay lái trên con đường từ nhà ra góc Sở. Chừng năm hôm tao nghĩ chắc là được rồi nên chạy ra ngã ba mở hàng. Ai dè đâu khi tập chỉ đi đường bằng mà muốn ra ngã ba phải xổ xuống một con dốc, lúc đó quên béng mấy lời dặn của ông Năm Thỷ là phải đạp thắng, tao thấy nó chạy mỗi lúc một nhanh hoãn quá mới dồn số về số một may mà không bể hộp số, cái thằng Ý sản xuất ra xe này tốt thiệt!

Ông cười một hồi rồi nói tiếp:

– Còn chuyện đẻ rớt trên xe tao phải làm bà mụ bất đắc dĩ đến những hai lần, cũng may hai lần đó đều mẹ tròn con vuông hết!

Ông Hồ Hải tiếng là ở vùng chuyên làm vườn nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông bước xuống vườn cầm cái nỉa, cái vá hay gánh đôi nước tưới. Điểm này ông rất giống Trần Hành, từ ngày ngoài xứ chân ướt chân ráo đến nhà chú Hai, anh chưa bao giờ phải đụng đến dụng cụ làm vườn, trừ chuyện phụ cuốc miếng đất trên dông khi mùa nắng bắt đầu, những cục đất to phơi cho thật nỏ chờ đến mùa mưa được đập ra thành thứ đất mịn và sốp rồi trỉa bắp, trồng khoai lang là hai thứ sản phẩm gắn bó với người nông dân mình dù ở nơi đâu.

Trần Hành nghe ông Hồ Hải nhắc lại chuyện ra nghề, anh cũng góp vô:

– Cháu thiệt là có duyên với cái nghề chạy xe này. Hồi mới vô xứ này cháu đi chẻ đá với chú Hai, đến khi đá ế chưa biết làm gì thì gặp chú chỉ cho nghề này, thiệt tình cháu mang ơn chú nhiều lắm lắm!

Ông Hồ Hải cười khà khà:

– Ơn nghĩa gì chú mày ơi, hồi đó ông Bốn bán xe về quê, tao không chỉ cho chú mày mua thì cũng có người khác mua thôi. Nhưng mà nè sống ở đời như chú mày cũng có ít người!

Trần Hành đưa mắt nhìn ông Hồ Hải lộ vẻ ngạc nhiên:

– Chú nói sao cháu chưa hiểu ý?

Ông Hồ Hải cười khà khà:

– Tao hỏi thiệt chú mày đừng giận, người ta đồn con nhỏ Lượm không phải con ruột của chú mày, đúng không?

Ông Hồ Hải nhìn sâu vào mắt Trần Hành, dường như ông muốn thăm dò sự thật qua ánh mắt của anh. Nhưng ông khá ngạc nhiên khi nét mặt Trần Hành không thay đổi, anh cười to:

– Người ta đồn đúng đó chú ơi, nhưng cháu coi nó giống y như con ruột của mình, mà con bé cũng thương cha nó lắm!

Ông Hồ Hải dường như có ý phục cách hành xử của Trần Hành:

– Chú mày đúng là dân xứ Quảng, tao chịu chú mày rồi. Nhưng sao bấy lâu nay tao không thấy vợ chú mày chửa đẻ gì hết, dù sao có được một thằng con của mình cũng có đứa đội khăn tang, quấn dây rơm mũ bạc khi mình chết chớ?

Là hàng xóm nên ông Hồ Hải không lạ gì cảnh nhà Trần Hành, ông nói huỵch toẹt ý nghĩ của mình giống như bao người lao động khác. Lần này Trần Hành sụp buồn:

– Chắc cái số vợ chồng cháu không có con, hai vợ chồng cũng đi cầu xin ơn trên ban cho một đứa con ở nhiều cảnh chùa nhưng đến giờ vẫn không được chú ơi. Mà cũng may có thằng cháu ruột con ông anh, thôi thì coi nó là con chớ sao hả chú?

Ông Hồ Hải nghiêm nét mặt, người ta không còn thấy vẻ bỗ bã trên nét mặt đượm chất hài của ông, ông nói:

– Thôi thì không có con cũng tốt, thời buổi bây giờ có con trai lớn lên là bị bắt đi quân dịch, biết sống chết ra sao với hòn tên mũi đạn?

Trần Hành giật mình với lời cảnh tỉnh của ông Hồ Hải. Phải quá, thời buổi gì mà ngày càng rối ren, đêm đêm tiếng súng vọng về khiến cho tim mỗi người thót lên, vẻ bất an hiện rõ trên gương mặt mọi người.

Trần Hành nói:

– Cháu ráng chạy vài bữa nữa đủ tiền mua tạ gạo trữ trong nhà, không biết hôm nay gạo bà Sơn Hà có lên không nữa?

Sơn Hà là một đại bài gạo cung cấp cho các đại lý trong thị xã và các quận chung quanh, là các quán tạp hoá bán đủ thứ nhu cầu thiết yếu của cư dân.

Ông Hồ Hải đồng tình:

– Nhà tao tới chục miệng ăn, mỗi tháng “sực” hết gần tạ gạo, tháng trước bà xã mua hai bao bố chỉ xanh mà nay thấy hụt hơn một bao rồi.

Bao bố chỉ xanh được những hãng buôn dùng đựng gạo, bao loại nhỏ chứa chừng tám chục kí lô, bao lớn hơn thì khoảng một trăm ky lô gam. Đó là những bao được dệt bằng sợi bố, loại sợi to như cây kim đan áo len số 1 được đánh dấu bằng những sợi nhuộm xanh bên hông bao, người ta hay gọi là bao chỉ xanh và mặc nhiên bao chỉ xanh được dùng làm đơn vị đo lường.

Bây giờ xe tải chở hàng ngày càng xuất hiện nhiều, những chiếc xe Thames chở chừng năm, sáu tấn đã cho về vườn, hiệu xe Desoto chở tới, tám, mười tấn đang được người buôn rau ưa chuộng. Từ xứ rau, những chiếc xe này chở xuống đồng bằng loại rau có nguồn gốc ôn đới, khi về lại chở đủ thứ hằm bà lằng cho cuộc sống của cư dân. Dĩ nhiên gạo là một mặt hàng không thể thiếu, nhiều khi người ta mua phải bao gạo bốc mùi thum thủm của loại phân cá ủ, đó là do bác tài chở hai mặt hàng này cùng một chuyến xe!

Trần Hành và ông Hồ Hải tiếp tục câu chuyện, lần này là “chính sự”. Ông Hồ Hải bắt đầu:

– Tao tiếc cái thời ông Diệm, cuộc sống lúc đó không giầu có gì nhiều nhưng yên bình hết sức!

Lời nói của ông Hồ Hải lọt thỏm vào khoảng không im lặng. Cả hai người, một già một chưa già lắm nhưng cũng ngấp nghé tuổi xế chiều, không ai nói với ai thêm điều gì nữa. Thời ông Diệm đã qua, giờ ông tổng thống thân xác đã về với cát bụi cùng với bào đệ, ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Thời cuộc càng ngày càng rối ren, ban đầu dân thường cũng quan tâm đến chuyện “chính chị chính em” nên lo lắng lắm nhưng riết rồi cuộc sống với những diễn biến bất thường họ cũng quen dần. Đảo chính, chỉnh lý đó là việc các ông tướng trong quân đội làm, còn biểu tình, bãi thị, cảnh sát dã chiến bắn phi tiễn, sinh viên học sinh bãi khoá… là việc của người dân, họ đi biểu tình hay bãi thị ủng hộ học sinh, sinh viên bãi khoá, tất nhiên không phải ai cũng tham gia những việc này nhưng bầu không khí u ám bao trùm xã hội. Dường như tính tò mò của người dân được kích hoạt đúng lúc đúng nơi mang tính nghệ thuật lôi kéo đám đông mà người trong cuộc nào có hay. Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến những người làm việc tay chân như Trần Hành hay ông Hồ Hải lo lắng, họ phải lo cho sự an toàn của gia đình mình trong đó cái ăn là mối lo đứng đầu, và gạo bao giờ cũng là thứ lương thực ưu tiên được mua khi họ có tiền bởi họ biết rõ rằng nhiều khi có tiền cũng chưa chắc có gạo để mua!

Trần Hành mang cảm xúc đó về lại xe mình khi ông Hồ Hải đến tài, ông đạp nổ máy dù trên xe mới có 6 người, ông sẽ “lượm hoa rơi” dọc đường. Nhìn gương mặt sạm đen của anh người ta thấy dường như phảng phất một nỗi ưu tư truyền kiếp.

Tối đó Hai nói với chồng:

– Mình à… chắc em có nghén!

V.A.C