Tản mạn những ngày cuối năm

901

25.12.2017-08:45

NVTPHCM- Hôm qua gặp bạn, bạn bâng quơ rằng chẳng biết một đời người có bao nhiêu lần cuối năm cho đến khi “trở về cát bụi”. Tôi giật mình, chợt nhận ra những ngày cuối tháng mười hai sắp hết, lốc lịch cũ trên tường mỏng tang. Điều đó có nghĩa là một năm nữa sắp qua, chuyến đò thời gian lại quay về cái thời khắc mới – cũ – cũ – mới nhịp nhàng lặng lẽ một cách tự nhiên vốn là quy luật của tạo hóa.

 

Một năm trôi qua, không đơn giản là cứ hết 365 ngày, từ sáng tới tối, 24 tiếng đồng hồ điểm nhịp là từng ấy ngày với bao bộn bề công việc, lo toan cuộc sống. Càng về những ngày cuối năm lại càng thấy gấp gáp, vội vội vàng vàng. Ngoài kia công trường đang ngổn ngang vôi vữa, đất cát, doanh nghiệp đua nhau chạy kịp chỉ tiêu, hoàn thành quý cuối cùng. Còn những người nông dân thì miệt mài với ruộng đất, rau màu, cấy dặm… Chẳng ai bảo ai, người người nhà nhà ngược xuôi như nước cuốn lao vào công việc.

 

Con phố nơi tôi đang ở, vốn được coi là một trong những khu phố yên bình nhất trong thành phố, ấy vậy mà những ngày này, nó cũng náo nhiệt không kém. Dăm ba điểm bán hàng về quần áo tự phát, vài chỗ lại thấy bán nồi niêu xoong chảo, các đồ dùng thiết yếu dịp Tết, hệt như một góc chợ thu nhỏ. Chỉ đi trên vỉa hè của phố những ngày này thôi cũng đã thấy sự đông đúc, chật chội và gấp gáp khó có thể tin được.

 

Bạn bảo suy cho cùng thì cái cốt yếu của sự gấp gáp vội vã ấy xuất phát từ “miếng cơm, manh áo, gạo tiền”. Xã hội thay đổi, suy nghĩ của con người vô tình cuốn theo. Ngẫm lại lời bạn tôi gật gù. Ừ nhỉ, Tết sắp đến chẳng ông bố bà mẹ nào lại không muốn sắm cho con mình thêm bộ đồ mới cho chúng vui mừng, và cũng chẳng gia đình nào muốn “muối mặt” hay “bị người khác chê cười” khi trong nhà mâm cỗ không được đủ đầy, chu đáo. Và còn hàng trăm thứ chuyện trên đời, chuyện ra Giêng, chuyện học hành của con cái đầu năm, chuyện lì xì vốn dĩ đã thành một thông lệ. Tự nhiên tôi thấy thương những người nghèo khổ. Ngày cuối năm có khi là những ám ảnh khôn nguôi của họ, những áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của những ông bố bà mẹ nghèo, rồi cả những người tha phương cầu thực. Thắt lòng khi đó đây trên mạng xã hội đọc được tin anh công nhân nọ, chị công nhân kia không được về Tết để sum họp vì không đủ tiền mua vé xe…

 

Những ngày cuối năm, trong phút giây ngắn ngủi cuối ngày tôi thường “ngẫm” lại bản thân. Một năm, chừng ấy ngày, có ngày tôi đã sống một cách vô ích, có ngày lại sống quá vội vã. Mục tiêu này tới mục tiêu nọ cứ dài đầy trang giấy trong ngày đầu năm mới nhưng đâu có thực hiện được hết. Lại nuối tiếc, dằn vặt bản thân mà đâu biết rằng nếu cứ sống tốt mỗi ngày, tạo niềm vui cho mình là đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Tuổi trẻ xông pha, nhiệt huyết rốt cuộc đã làm gì được cho gia đình, cho người thân? Ngày cuối cùng của năm, chợt chạnh lòng khi thấy tuổi của ba mẹ dần một nhiều thêm. Mái tóc xanh ngày nào của những bậc sinh thành đã nhuốm màu mây trắng. Cuộc đời ba mẹ tảo tần, hy sinh, bươn chải cũng chỉ vì tương lai của con cái… Ấy vậy mà, hôm nay đây, tôi chạm ngõ tuổi ba mươi vẫn chưa làm được gì cho ba mẹ.

 

Những ngày cuối năm như một lời nhắc nhở, tâm tình để tôi biết trân trọng thời gian đang có, biết nhớ về quá khứ và biết hướng đến tương lai, biết góp nhặt yêu thương, rũ đi ghét bỏ. Và nhẹ nhàng thực hiện lời bạn nói bên tai “Những thất bại, tiếc nuối và nỗi buồn cũng đang khép lại. Một năm mới sẽ về, may mắn, hạnh phúc và vui vẻ hơn. Nếu có thể hãy tha thứ cho lỗi lầm của những người đã gây đau khổ, bao dung hơn để nhẹ lòng hơn. Để ngày mai lại bắt đầu với một ngày mới năm mới với những điều mới mẻ hơn và ngập tràn hy vọng. Ta sẽ viết tiếp, thắp lên ngọn lửa yêu thương. Sẽ hân hoan để đón chào những điều tuyệt vời nhất của năm mới!”.

 

VIỆT HOÀNG

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…