Công khai thi tuyển tìm người tài

659

25.12.2017-09:00

Vừa qua, sau kỳ thi tuyển chọn chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ của Bộ Nội vụ, 2 người thuộc bộ này đã trúng tuyển vào chức danh Phó Vụ trưởng. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý theo chủ trương của Ban Bí thư.

 

Trong kỳ thi tuyển, bà Phạm Thu Hằng, chuyên viên cao cấp Vụ Hợp tác quốc tế trúng tuyển chức danh Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Trần Trung Kiên, chuyên viên chính Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trúng tuyển chức danh Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

 

Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành hướng dẫn triển khai thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở và phòng trên toàn quốc, với 36 bộ, ngành và địa phương tham gia. Theo hướng dẫn, khi tổ chức thi phải từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào một chức danh. Hội đồng thi tuyển sẽ tổ chức thi viết và nghe thí sinh trình bày đề án với các nội dung đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn, chỉ ra nguyên nhân; đề xuất kế hoạch, giải pháp; trả lời các câu hỏi liên quan… Thực hiện hướng dẫn này, vừa qua Ban Tổ chức Trung ương cũng đã tổ chức thi tuyển vụ trưởng các Vụ Chính sách cán bộ, Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III. Đầu tháng 10, lãnh đạo ban đã trao quyết định bổ nhiệm cho 3 cán bộ trúng tuyển.

 

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết thi tuyển sẽ là phương thức, cách làm mới trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Bộ Nội vụ cũng khẳng định, việc thi tuyển sẽ giúp đảm bảo công khai, góp phần khắc phục những bất cập lâu nay. Tuy nhiên, đề án này không thay cho quy trình công tác cán bộ, mà là chọn nhân sự giỏi nhất trong những người đủ tiêu chuẩn. Bởi các trường hợp được thi tuyển lãnh đạo có thể là nhân sự nằm trong nguồn quy hoạch tại chỗ, hoặc quy hoạch chức danh tương đương ở các đơn vị khác. Trường hợp nhân sự không nằm trong quy hoạch, không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên, nhưng được đề cử thì cũng được tham gia thi tuyển.

 

Việc thi tuyển lãnh đạo không phải chủ trương mới. Trước đây, một số bộ ngành, tỉnh đã xây dựng đề án thí điểm căn cứ Nghị quyết về chiến lược cán bộ đến năm 2020, đơn cử chức danh Tổng Cục trưởng đường bộ cũng đã được thi tuyển vào tháng 4-2014. Cần thấy rằng, việc triển khai chủ trương thi tuyển lãnh đạo được dư luận xã hội ủng hộ tuyệt đối. Nhất là sau nhiều vụ lùm xùm về công tác cán bộ trong thời gian qua như bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, bổ nhiệm người nhà, hay bổ nhiệm theo kiểu “nâng đỡ không trong sáng”, dân rất bức xúc.

 

Điển hình là việc thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải tại Tổng Công ty Sabeco; vụ ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa “nâng đỡ không trong sáng” đối với “hot girl” Trần Vũ Quỳnh Anh; ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai mình…

 

 Ủng hộ đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo của Bộ Nội vụ, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tập trung vào tính cạnh tranh và công khai. Nếu trước đây việc lựa chọn cán bộ theo diện hẹp, thậm chí là giữ bí mật thì nay người dân sẽ phải được giám sát, chỉ khi đó năng lực cán bộ mới bộc lộ rõ. Thi tuyển công khai mới khắc phục được tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, nhưng quan trọng lại nằm ở khâu chấm tuyển. Nếu thi tuyển công khai nhưng chấm tuyển “có vấn đề” thì đề án thí điểm của Bộ Nội vụ mới chỉ thay bình, chứ chưa thay rượu.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến cần tổ chức thi tuyển với các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống, không giới hạn nhân sự trong hay ngoài quy hoạch thì mới chọn được người xứng đáng nhất; đồng thời, nên luật hóa các tiêu chí cho từng chức danh và quy trình thi tuyển. Phải xây dựng được tiêu chuẩn cho mỗi chức danh, gắn với trách nhiệm cụ thể, để ai thấy mình bất tài, thiếu đức thì không thể, không muốn và không dám làm quan. Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, đề cử cũng sợ lưỡi hái của pháp luật mà run, không dám làm xằng bậy. Do đó, quá trình và kết quả thi tuyển phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân cũng như các cấp có thẩm quyền có thông tin để đánh giá, so sánh xem ai nổi trội hơn và kết quả thi tuyển là thuyết phục. Đối tượng dự thi là bất cứ ai đủ đức, đủ tài có thể được đề cử hoặc tự mình ứng thí vào chức danh đó. Có cơ chế để đảm bảo không bè phái, chia rẽ cô lập nhân tài. Có như vậy mới mong tìm đúng người tài để thúc đẩy một ngành, một địa phương, hay một phòng chuyên môn phát triển.

 

Câu chuyện cán bộ luôn là vấn đề nóng hổi, bởi nó gắn với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm xây dựng một bộ máy công vụ liêm chính, vì dân phục vụ. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Công tác cán bộ rất quan trọng, con người là quyết định. Phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước, phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Mà để làm được điều đó, chỉ có thể  bằng cách thi tuyển cán bộ một cách công khai, minh bạch.

 

PHAN THẢO/SGGP

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…