11.11.2017-20:45
Nhà thơ Đặng Bá Tiến
Tây Nguyên trong thơ Đặng Bá Tiến
NGUYỄN MINH KHIÊM
NVTPHCM- Chưa có tập thơ nào tôi được đọc trước tập “Hồn cẩm hương” của Đặng Bá Tiến (NXB. Hội Nhà văn 2017) mà chất Tây Nguyên lại đậm đặc, ngồn ngộn, sâu rộng đến thế. Trang nào trong “Hồn cẩm hương” cũng Tây Nguyên. Bài nào cũng Tây Nguyên. Dòng nào cũng Tây Nguyên. Những bài viết ngoài Tây Nguyên vẫn hiển hiện Tây Nguyên.
Từng con chữ hiện lên thiên nhiên bao la hùng vĩ núi rừng trùng điệp của Tây Nguyên. Cội nguồn tâm linh phong tục tập quán văn hóa giàu có của Tây Nguyên hiện lên. Sự hồn hậu trong sáng đẹp đẽ nhân ái giản dị chân chất của Tây Nguyên hiện lên. Đời sống tinh thần phong phú mãnh liệt kiêu hùng của Tây Nguyên hiện lên. Tây Nguyên là rễ, là thân, là cành, là lá, là hoa, là quả, là hương vị làm nên hồn thơ, sức sống, sự lôi cuốn hấp dẫn đặc biệt của thơ Đặng Bá Tiến. Nó tràn trong máu ông, trong tâm trí ông, trong nhịp đập trái tim ông, trong tâm khảm, ký ức ông, trong hơi thở của ông. Nó đầy căng, thăng hoa bung ra mặt chữ thành tình đất, tình người, tình đời, tình yêu, tình nghĩa, tri âm, tri kỷ trong thơ ông. Tám mươi mốt bài thơ trong “Hồn cẩm hương” có gần một nửa tên bài thơ là tên người, tên đất, sản vật, văn hóa Tây Nguyên : Tiếng tù và Ma-Kông, Sê-rê-pốc mơ và thực, Lời chiêng từ đất, Ea Súp, Khúc xuân chép ở Bản Đôn, Nước mắt tượng nhà mồ, Chuyện của Ma-Té, Chuyện về Hồ Lắk, Yang Prông, Nét xuân Tây Nguyên, Bo Heng, Về M’Đrắk, Viết trên đồng Ea-Kar, Hương cà phê, Ama Kông, Mùa hái cà phê, Lời con voi Bản Đôn… Phải yêu đến cháy bỏng, da diết đến cháy bỏng, dâng hiến đến cháy bỏng, mê đắm đến cháy bỏng con chữ của Đặng Bá Tiến mới đầy ắp Tây Nguyên, dạt dào Tây Nguyên đến thế. Tập thơ được chia thành hai phần “Nỗi rừng”, “Nỗi người” nhưng cô lại, dồn nén lại trong Đặng Bá Tiến chỉ có một nỗi, đó là Nỗi Tây Nguyên.
Lý giải tại sao Tây Nguyên lại choán toàn bộ tâm tư tình cảm, nhiệt huyết, khát vọng của mình, ông viết “Sê-rê-pốc trong ký ức tôi/ có ba mươi mùa buồn vui/ ba mươi mùa với những đêm mơ đầy lá xanh, đầy tiếng chim reo trộn lẫn những đêm mơ chập chờn vũ điệu cánh đen bầy quạ đói/ …/ những bầy công trong nắng mai xòe xiêm y ngũ sắc lượn bay với bạn tình/ những thảm có xanh trưa vàng có chú nai con nằm day vú mẹ/ tiếng gà rừng chiều lung linh dập dờn trong khóm lá/ ai hú gọi đến uông mật ong rừng” (Sê-rê-pốc mơ và thực). Ta biết ông có “ba mươi mùa buồn vui” với Sê-rê-pốc. Đó là một đời thơ trọn vẹn với Tây Nguyên. Ông gắn bó với Tây Nguyên, tắm cái gió Tây nguyên, tắm cái nắng Tây Nguyên, đau khổ với Tây Nguyên, hạnh phúc với Tây Nguyên. Từ cành cây, chiếc lá, con suối, dòng sông, pho tượng nhà mồ, đến tiếng cồng chiêng đều là sự sống, cơ thể sống, có tâm hồn, có hơi thở, có giao cảm trong ông “Đêm tôi nghe tiếng chiêng ngân lên âm…âm…u…u từ dưới chỗ tôi nằm, tiếng chuông như đất thở, như gió rên, như tiếng người than từ nấm mồ sau hàng trăm năm bỏ mả” (Lời chiêng từ đất). Ông thả hồn ngây ngất cùng“Ea Súp suối trong ôm bóng tháp chàm/ thần Si-va gửi hồn trú ngụ/ vũ nữ biết kể khan bên bếp lửa/ cây quanh nhà, voi trước cửa cũng mê khan” (Ea Súp). Đọc câu thơ mà thấy nhà thơ đang bay lên. Ấy là tâm trạng ông thăng hoa. Ông đắm đuối mê cảm bởi “sóng chiêng cuộn trào/ voi thậm thịch thay người giã gạo/ a-ma thả vào chiều tiếng sáo/ lũ sóc nâu quấn quýt quanh người/ những mái tranh thơm khói cá nướng trui/ cô gái E-đê gọi trăng lời ay-ray ngọt lịm/ chàng trai Gia-rai chờ bên gốc kơ-nia bịn rịn/ mùi tóc em thơm lẫn hương rừng” (Ea Súp). Quả là lòng ông, tình ông đang mở hội. Tây Nguyên như bông hoa bung nở trong ông, tỏa hương trong ông. Tây Nguyên hệt người con gái đẹp hiện vào thơ ông rõ từng chân tơ kẽ tóc. Nếu hời hợt, cưỡi ngựa xem hoa, ngọn gió qua rừng không bao giờ Tây Nguyên chi tiết thế, tất cả hiện lên như thước phim quay chậm “chiếc gùi tre bóng đen mồ hôi/ cứ ngày ngày bám vào lưng người đàn bà Ê đê, bám vào lưng người đàn bà M’nông, bám vào lưng người đàn bà Gia-rai như một phần thân thể họ” (Người đàn bà mang gùi). Ông cùng “hạt mưa đi ngủ trong ngôi nhà Sấm của Giàng/…/những triền núi dã quỳ, những lối mòn dã quỳ/…/cả đất trời ngợp trong màu dã quỳ rực rỡ” (Khúc xuân chép ở Bản Đôn). Ai cũng biết dã quỳ, pơ lang, bụi đỏ là biểu tượng cho sắc vàng nắng gió Cao Nguyên. Nhưng dã quỳ, pơ lang, bụi đỏ ăn sâu vào tiềm thức, tâm khảm người Ba na, Ê đê, Gia rai, nếu không đọc thơ Đặng Bá Tiến thì không phải ai cũng hiểu “pơ lang lóe lên như ngọn lửa cho ánh mắt người già nhận ra đã đến mùa ăn năm uống tháng, mùa đàn bà con gái xắn váy lòi mông trắng như cây chuối lột bẹ ngoài, giã lúa, giã bắp suốt đêm, ủ rượu cần, đàn ông lang thang vào rừng tìm chỗ ngủ/ ấy là mùa cái chiêng…cất lời mời Giàng trên cao xanh, mời thần Cây Đa đầu buôn gần, thần Bến Nước cuối buôn xa, đến ăn cái gan con dê, ăn cái đầu con gà, uống rượu ủ ba năm trong bếp/…ấy là mùa những sàn nhà ngồi chật mông đàn ông đàn bà dự lễ mừng lúa/… cột rượu buộc khít xà nhà/…/ấy là mùa con người sống như gió như mây, sống như cây như lá, không có cánh mà như biết bay, không có nhựa mà biết dính vào nhau, không có lửa mà người hừng hực, không có nước mà trong hồn cuồn cuộn sục sôi” (Khúc xuân chép ở Bản Đôn). Thơ ấy là thơ từ ruột mà ra, từ tim mà ra, từ lồng xương ống máu mà ra. Nó không nhập khẩu được. Không dùng bột màu lòe loẹt câu chữ đánh lừa người đọc được. Đó là những câu thơ phồn sinh phồn thực. Thơ tuôn ra, trào ra, cuộn xoáy. Tây Nguyên long lanh sáng. Tây Nguyên cổ sơ. Tây Nguyên bản thể. Tây Nguyên nguồn cội. Sống động. Đặng Bá Tiến đang hát về Tây Nguyên, ngây ngất với Tây Nguyên, hừng hực với Tây Nguyên. Thiên nhiên, con người, cảnh vật, phong tục tập quán, huyền thoại, cổ tích, sử thi chằng chịt trong hồn thơ Đặng Bá Tiến, hệt như rễ cây rừng chằng chịt trong đất. Hồn người và hồn núi rừng, hồn cỏ cây muông thú cộng hưởng tạo nên những vần thơ mang âm hưởng trường ca, anh hùng ca bất hủ của Tây Nguyên. Hình ảnh nào trong thơ thơ Đặng Bá Tiến cũng gợi, ấn tượng, khắc khảm, ám ảnh. Cảm sao hết được sự sung sướng, viên mãn khi đọc những câu thơ: “những đêm rượu cần mềm môi, ngả nghiêng vào ngực đàn ông, úp mặt vào bụng đàn bà, nhà sàn rung rinh, say đắm mê man/ trai gái ngủ vùi như đất thấm mưa đầu mùa hạ” (Nước mắt tượng nhà mồ). “Ma Té kể ngày xưa cồng chiêng nhiều bằng trăm buôn đem tới/ chiêng quý ở đây cất lời thì trời đất ngả nghiêng say/ thì thần sông thần núi cũng ngất ngây/ tụ về đây trên cây đa, khiến cây phải vặn mình răng rắc” (Chuyện của Ma Té). Những phong tục tập quán nguyên thủy, những mối tình nguyên thủy, những nét đẹp nguyên thủy mang đến cho Đặng Bá Tiến những vần thơ hiện sinh, hiện thực và hiện đại. Nói rộng ra, đó là cái phông văn hóa, cái nền tảng nhận thức văn hóa về Tây Nguyên của nhà thơ. Thơ Đặng Bá Tiến trong “Hồn cẩm hương” không có bài nào siêu hình, siêu thực, lập thể. Tất cả là hiện thực. Ông chỉ dựng lại, làm cho hiện thực Tây Nguyên sống lại trưng thực qua ký ức, tâm khảm, kỷ niệm, hoài niệm, nỗi nhớ và nỗi khắc khoải. Chất hiện thực ấy tuôn chảy trong ông như mưa, như gió, như lũ, như bão, tạo nên những câu thơ, trang thơ mang hình sông thế núi sức vóc ngổn ngang kỳ vĩ. Câu chữ, ý tứ, cấu trúc vậm vạp khỏe mạnh, tràn sức sống.
Rất dễ nhận ra cái bao la trùng điệp của đại ngàn hùng vĩ Tây Nguyên đã tạo nên không gian thơ của Đặng Bá Tiến. Cái sức sống mãnh liệt, kỳ diệu, huyền ảo, đầy chất thơ, đầy chất sử thi tạo nên âm hưởng thơ Đặng Bá Tiến. Có thể khẳng định, Tây Nguyên đã định hình thơ Đặng Bá Tiến, đã làm nên phong cách, bút pháp thơ Đặng Bá Tiến. Nếu bỏ những gùi, nhà mồ, a-ma, M’nông, Ma Té, Ama Kông, chiêng, Sê-rê-pốc, giàng, Ea Súp, Ea Nao, những mùa săn voi… có nghĩa là, nếu bỏ Tây Nguyên ra khỏi câu chữ, thơ Đặng Bá Tiến là con diều không có gió, là con thuyền rất lớn không buồm, không chèo, không nước. Sinh khí, hùng khí, nhân văn, nhân tâm của Đặng Bá Tiến chứa đựng trong đó, tỏa sáng trong đó, sinh sôi nảy nở trong đó, mê hoặc lòng người trong đó.
Xin mượn ý một câu thơ của Nguyễn Duy “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm” để nói về Đặng Bá Tiến với Tây Nguyên: Tây Nguyên bọc ông như kén bọc tằm. Tây Nguyên bọc ông như đất bọc rễ. Tây Nguyên trong ông như suối nguồn trong lá. Điều đó giải thích tại sao, ông đã đau dữ dội khi văn hóa Tây Nguyên bị xâm thực. Lòng ông bị vỡ ra, bị xát muối, bị lách nứa rạch xé khi cỏ cây hoa lá di vật, di sản Tây Nguyên đang bị biến dạng, nạo vét, tẩm ướp bằng một thứ màu ngoại lai, một âm hưởng ngoại lai. Những gì nuôi lớn ký ức ông, kỷ niệm ông, tâm hồn ông, tình yêu ông đang dần trôi về dĩ vãng. Không đau sao được khi “Buôn Kô sia ngày xưa chỉ còn trong chuyện kể/…/Chiêng Kná giờ nằm dưới gầm giường bạc bẽo/ tháng một lần gõ cho Tây trắng, Tây đen nghe cười nhí nhố” (Chuyện của Ma Té). Không đau sao được khi “những cà-vạt kia, những com-lê kia, những tòa nhà cao tầng kia, những pop, rock kia, ta không hiểu, ta không biết/ họ kéo ta về từ trăm năm trước, bắt ta ngân lên những lời chiêng linh thiêng trong ánh đèn điện tử chói lòa biến hóa như lũ ma rừng, bắt tiếng chiêng ta va vào những bức tường xi măng vô hồn khô khác” (Lời chiêng từ đất). Ông đau đến thao thiết phải thốt lên “đâu rồi những nhà dài, dài hơn cả tiếng chiêng, những cánh rừng cổ thụ cao chạm mây trời, hạt rơi chưa đến đất đã bật mầm, những dòng suối trong như nước mắt của H’Bí, H’Bhi ngày kết duyên cùng Đam San, Xinh Nhã, đâu rồi đàn voi một ngà, đâu rồi bầy công ngũ sắc” (Lời chiêng từ đất). Không đơn giản chỉ là tất cả những gì làm nên kỷ niệm, ký ức, tài sản tâm hồn ông, cao hơn, sâu hơn đó là hồn đất Tây Nguyên, tâm hồn Tây Nguyên. Văn hóa Tây Nguyên đang bị xói mòn, đang bị rửa trôi, đang bị tàn phá. Cái ngày đẹp như mơ “hương đất trời từ ché túc ché tang/ bỏ bùa gái trai nhìn nhau như dính/ áo thổ cẩm đuôi công dài xúng xính/ bên gốc kơ nia em kéo vạt để anh nằm” (Nét xuân Tây Nguyên); cái ngày“tháng ba như thể dậy thì/ lửa hoa gạo sáng cả khi tối trời/ cánh hoa như thể làn môi/ muốn dâng tất cả cho người nụ hôn” (Tháng ba hoa gạo). Tất cả bây giờ là “Vẫn trên kệ hàng/ bày khắp bản Đôn/ chỉ “bản lĩnh đàn ông” nằm dưới mộ” (Ama Kông); “đá lặng câm không nói/ nhưng lòng đá sục sôi”(Chùm thơ không đề); “em oằn lưng gánh sung ra phố/ bán ước mơ sung sướng cho người/ người đâu biết ước mơ em nho nhỏ/ tết này nhà có nồi bánh chưng sôi” (Em bán sung ngày tết). Ruột ông héo hon vì “giờ Ea Súp không rừng/ Ea Súp chẳng còn voi/ Ea Súp hoàng hôn câu hát xưa rơi/ không ai nhặt đặt lên môi như ngày trước/ không ai ngồi kể khan tàn củi bếp/ tháp Chăm buồn vũ nữ chẳng còn ai” (Ea Súp). Cái ông nhận được từ vùng đất ba-zan đã quá nhiều. Nhưng linh cảm mách bảo cái ông đã mất, đang mất, sẽ còn lớn hơn. “ai đã vắt khô những giọt tình của rễ cây để đầu nguồn bỏng rát/ để sông không sóng xanh không còn chở trăng vàng/ để độc mộc sầu thương nằm dưới gậm bàn/ để chài lưới trở thành tổ chuột/ lòng ta giờ cũng đắng đót như sông/ ta nghe từ cọng rêu lời oán thán búa rìu/ tiếng rên của con chạch, con lươn dưới bùn sâu váng dầu vì cưa xẻ gỗ” (Dòng sông mồ côi).
Có một bài học luân lý rằng, con chim ăn quả khế, con chim trả một cục vàng. Nhà thơ là con chim ăn của Tây Nguyên không phải chỉ một quả khế. Ông được ăn, được nuôi, được hưởng lộc quá lớn của Tây Nguyên. Đó là cả một nền văn hóa Tây Nguyên ngập phù sa màu mỡ. Chưa trả được một cục vàng, tác giả đã chứng kiến mọi thứ đang biến mất theo thời gian. Đau đớn đến mức nhà thơ phải thét lên “Đêm tháng ba tôi nằm mơ thấy sông đang bị cháy/ nước sôi lên, đá vỡ ứa máu hồng/ sê-rê-pốc ơi…/ Sê-rê-pốc ơi…/ tôi gào gọi tên sông trong nước mắt ròng ròng”(Sê-rê-pốc mơ và thực); “hỡi ông bà tổ tiên, hỡi Giàng trên cao xa kia, ai đã lấy cắp cánh rừng của tổ tiên ta/ ai đã hút máu cành rừng của ta để bây giờ giọt nước mắt của rừng khô thành đá ngổn ngang lòng suối”(Nước mắt tượng nhà mồ). Thơ là tiếng lòng. Lòng ông đang hú còi. Xương thịt ông đang hú còi. Linh cảm ông đang hú còi. Nó gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Nhưng có lẽ đó chính là sự tự giải thoát những bức xúc, những ẩn ức, những sang chấn tâm hồn ông “cô độc với bóng mình gầy guộc/ cô độc với linh hồn tổ tiên thân thuộc/…/ta nuốt cả phận mình trong đắng đót”(Lời con voi Bản Đôn)
Triết gia nào đó đã nói, người giàu tình yêu nhất là người hiến dâng trọn vẹn tình yêu của mình cho một người duy nhất. Tôi nghĩ, người giàu ngôn ngữ nhất là người nói mãi về một cái gì đó mà ngôn ngữ không cạn, càng nói càng dồi dào, càng nói càng mới, càng nói càng sâu, càng nhiều phát hiện. Với “Hồn cẩm hương”, Đặng Bá Tiến có được cả hai. Không ai giàu tình yêu với Tây Nguyên như ông. Ông dành tất cả thời gian, tâm huyết, tri thức, vốn sống, sự hiểu biết, sùng kính, ngưỡng mộ cho Tây Nguyên. Gần trọn tập thơ dành cho Tây Nguyên. Có người ở quê một đời không có được vài bài cho quê. Có người ở phố một đời không có được vài bài thơ cho phố. Đặng Bá Tiến không phải chỉ có “Hồn cẩm hương” dâng tặng Tây Nguyên, ông còn có cả trường ca “Rừng cổ tích”, tác phẩm được giải nhất của Hội Nhà văn và Tổng LĐLĐ Việt Nam trao năm 2014. Nói như thế để thấy, nhà thơ Đặng Bá Tiến không chỉ giàu có tình yêu, giàu có tâm hồn, ông còn giàu có về ngôn ngữ. Hầu như thơ ông chỉ viết về Tây Nguyên. Vui buồn vì Tây Nguyên. Ấy thế mà ông viết hoài, viết mãi, viết đủ tầng đủ vỉa, nhiều góc nhìn, nhiều hướng tiếp cận, ngôn ngữ thơ ông không cạn. Người đọc vẫn bị cuốn hút. Tây Nguyên đã cho ông tài nguyên dồi dào về chữ nghĩa. Nó là tài sản, là nguồn lực tạo nên bút lực của ông.
20.8.2017
TIN LIÊN QUAN:
>> Niềm yêu hiển lộ từ những lớp ví dụ – Trần Quang Quý
>> Về bộ phim tài liệu Mỹ The Vietnam War – Tô Hoàng
>> Nhà văn đương đại di cư ngôn ngữ – Inrasara
>> Truyện ngắn nữ trong văn xuôi Việt Nam đương đại – Phạm Thị Thanh Phượng
>> Chabbi – nỗi khắc khoải phận người – Cao Thị Hồng
>> Bí ẩn lời yêu trong Đêm thơm lựng mùi sen – Trúc Linh Lan
>> Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc – Huyền Minh
>> Chữ bầu lên nhà thơ – Lê Đạt
>> Những câu thơ viết trong miên cảm – Nguyễn Minh Khiêm
>> Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào? – Nguyễn Thanh Tâm
>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh
>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường
>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…