Thơ Lê Thúy Bắc – Điệu ru lãng mạn…

1088

27.9.2017-10:10

Tập thơ Sông thở của Lê Thúy Bắc

 

>> Lê Thuý Bắc gửi vào lời ru

 

Thơ Lê Thúy Bắc:

Điệu ru lãng mạn của một hồn thơ đa cảm

 

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

 

NVTPHCM- Tôi có cảm giác Lê Thuý Bắc làm thơ dễ dàng và có thể là hơi quen tay. Cứ gặp cảnh, gặp người là chị có thơ ngay. Đây cũng là mặt mạnh và mặt yếu của thơ chị…

 

Có nhiều người làm thơ như một nhu cầu giải thoát nội tâm. Cũng có không ít người coi thơ như một cuộc chơi ngôn ngữ. Lại có người cho thơ là một thánh đường kỳ ảo của sáng tạo. Và, một số người say mê thơ như một điệu tâm hồn đang ngự trị bản ngã tinh thần của họ. Lê Thúy Bắc là một người thơ thuộc dạng này. Tôi đã từng nghe chị đọc thơ và hát thơ như lên đồng trong một số cuộc tiếp xúc và chợt hiểu rằng thơ Lê Thúy Bắc chính là điệu ru lãng mạn của một hồn thơ đa cảm. Chúng ta hãy nghe chị ru lời ru của một người mẹ trên dòng sông Thạch Hãn với những người con đã hy sinh trong chiến tranh qua bài thơ “Sông thở” dưới đây:

 

Đầu nguồn thác lũ vừa sang

Chảy trong tim mẹ ngút ngàn gió mưa

Đêm mòn võng mấy lần đưa

Thiếu phần xương thịt lại thừa phần nôi

Ôm con, ôm một phần đời

Mẹ chưa ru hết mấy lời thiết tha

Đất trời thì rộng bao la

Con nằm dưới đáy can qua bể trường

Nhẹ tay, mẹ vớt phần thương

Lênh loang sóng, sợ bầm gương, mẹ chừa

Mái chèo khỏa vợi làn mưa

Con trên tay mẹ như vừa trót rơi

Con như thiêu đốt nụ cười

Lòng sông Thạch Hãn bời bời xót xa

Ru con, sông thà đến nhòa

Mái chèo mẹ đẩy khẽ qua tháng ngày

Giấc nào là giấc con say

Giấc nào đáy nước hao gầy mắt trăng

À ơi

Sông thương trải nến đêm rằm

Mẹ ru con ngủ, sông nằm nghe ru

 

Có lẽ đây là bài thơ khá nhất của tập nên Lê Thúy Bắc đã chọn “Sông thở” làm tựa đề cho tập thơ này. Hình tượng bà mẹ trong đêm tưởng nhớ những người lính hy sinh trong trận chiến Cố thành Quảng Trị năm xưa với lời ru đầy xúc động đã lay động người đọc. Linh hồn các con mẹ vẫn nằm đâu dây dưới dòng sông Thạch Hãn. Và, trong đêm thả nến tưởng niệm trên sông, người mẹ vớt nước sông lên tay mà hy sinh xương máu của biết bao thế hệ đã đổ xuống để gìn giữ non song gấm vóc này.

 

Tôi có cảm giác Lê Thuý Bắc làm thơ dễ dàng và có thể là hơi quen tay. Cứ gặp cảnh, gặp người là chị có thơ ngay. Đây cũng là mặt mạnh và mặt yếu của thơ chị. Mạnh là bởi chị có một hồn thơ luôn thường trực, cảm xúc luôn dân tràn và thi ngữ có thể cứ tuôn ra dào dạt. Yếu là bởi sự chưa chắt lọc, chưa cô đọng, chưa làm chủ mạch thơ và  cứ muốn viết đến hết tình, cạn ý trong mỗi bài thơ. Điều quan trọng với thơ Lê Thúy  Bắc hiện tại là chị cần phải tiết chế cảm xúc, chọn lọc phương thức biểu đạt để làm mới thơ hơn là cứ nghiêng về phía thi cảm với những điệu ru quen thuộc đã trở nên mòn mỏi và xưa cũ.

 

Đọc kỹ thơ Lê Thúy Bắc, chợt thấy chị cũng có duyên với thơ lục bát. Cái duyên ở đây còn đọng lại ở một số câu thơ đã đi qua được phần nào cảm xúc để hướng tới những cái đẹp đích thực của đời sống cùng sự suy tư và chiêm nghiệm về con người như sau

Tôi đi buôn cái nát nhàu

Để cho thiên hạ bớt đau một người

Chợ bày bao nỗi chơi vơi

Bên vui thì ngắn, bên đời nhẹ tênh

 

(Buôn)

 

Trống chèo dắt díu hồn quê

Ai hong điệu lý triền đê đầu làng

Trăng rằm ngực yếm em sang

Tháng giêng hát hội, hát xoan đợi người

 

(Tháng giêng)

 

Hoa ngâu thút thít đôi bờ

Vàng au đám lá mấy mùa vắng nhau

Nắng tà úp giọt thương đau

Ta khâu vá lại thẳm sâu nỗi lòng

 

(Nắng mồ côi)

 

Tháng ba nón ngả sân đình

Lả lơi tà áo chùng chình tháng ba

Ven làng gạo đỏ rắc hoa

Bình minh vỗ giấc xuân qua bậc thềm

Tháng ba hạt trĩu mùa em

Uốn cong bông lúa gợi miền trăng treo

 

(Tháng ba)

 

Nõn nà là nõn nà ghê

Hương say bóng sắc thôn quê đón mùa

Sen hồng, hạ thắm, mây thưa

Cành tre vắt vẻo như vừa một đêm

Tơ lòng giăng mắc mùa em

Lặn trong câu hát khát thèm lời ru

 

(Chiều lên)

 

Qua những trích đoạn thơ trên, có thể thấy khi thơ Lê Thuý Bắc hướng được sự rung động say đám của trái tim thi sĩ và cảnh sắc thiên nhiên, và khắc họa được những thi ảnh sống động của một miền quê xa xôi thương nhớ trong hoài niệm, trong ký ức mỗi một con người thì trong những khoảnh khắc mong manh ấy, thơ chị mới có thể chạm được vào sự tinh diệu của thi ca muôn đời. Vâng, mới chỉ có thể chạm vào thôi, chứ nếu để trở thành một thi sĩ đích thực trong muôn ngàn người làm thơ và tập làm thơ ào ạt, dào dạt hôm nay thì người thơ ấy còn phải khổ công. Khổ luyện… nhiều lắm ví như tuyên ngôn của nhà thơ Lê Đạt: “Thơ là một lạng cảm xúc cộng với một tạ mồ hôi”.

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…