Thơ Nguyễn Đình Thi: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

1191

07.02.2018-07:00

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi

 

>> Phương án thơ Nguyễn Đình Thi

 

Thơ Nguyễn Đình Thi:

Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

 

PHÙNG VĂN KHAI

 

NVTPHCM- Nguyễn Đình Thi là người đã đạt tới đỉnh cao trong nhiều thể loại văn học nghệ thuật. Có lần, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng ví ông như nhiều đỉnh núi gộp một mà khi ta đứng ở đỉnh này lại thấy ông đẹp lấp lánh ở một đỉnh khác. Hẳn nhiên, người làm văn học nghệ thuật tự hào về ông, kính trọng ông và nhất là yêu mến đồng cảm với những gì ông cống hiến.

 

Những bài thơ, bản nhạc về Hà Nội của ông không chỉ xuất sắc ở nghệ thuật mà còn đó những đóng góp không gì có thể thay thế để chúng ta mau chóng có được ngày chiến thắng. Trên chiến khu Việt Bắc, những vần thơ của ông vừa hào sảng vừa khái quát, và đặc biệt, luôn thấy thật rõ dáng đứng Việt Nam, khí phách Việt Nam: Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước). Ở thời điểm vừa mới thoát khỏi kiếp nô lệ đã có được khí phách ấy thật hào sảng xiết bao. Mạch nguồn ấy ở đâu nếu không phải là: Nước chúng ta, nước của những người không bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về (Đất nước). Thơ Nguyễn Đình Thi không chỉ cho ta cái mênh mang thâm trầm vạn dặm mà còn thấy ngay được sự cụ thể trong mỗi tâm hồn. Sự kết tinh và tỏa sáng của tài năng trong thơ Nguyễn Đình Thi vô cùng tự nhiên, chín muồi từ nền tảng tri thức dày dặn, trưởng thành trong dòng thác cách mạng để bật ra những vần thơ lấp lánh: Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều/ Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu (Đất nước).

 

Nguyễn Đình Thi tham gia cách mạng sớm, giữ những trọng trách lãnh đạo văn học nghệ thuật ở độ tuổi đôi mươi, là Đại biểu Quốc hội khóa I với những đóng góp nhiều mặt đã cho thấy sự trưởng thành của giới trí thức, văn nghệ sĩ mà Hồ Chủ tịch sớm nhìn nhận và dẫn dắt. Nơi núi rừng Việt Bắc, công việc bộn bề, vậy mà lứa nhà thơ chống Pháp đã lập tức đồng hành cùng với nhân dân, với cuộc kháng chiến bằng những thi phẩm lớn mang âm hưởng thời đại. Đó là Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Tây tiến của Quang Dũng; Đồng chí của Chính Hữu; Đèo cả của Hữu Loan và nhất là Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Sau này, cho dù Nguyễn Đình Thi có rất nhiều bài hay ở những khúc sáng tác khác nhau, nhưng ông từng tâm sự: “Đời thơ tôi có hai bài ưng ý nhất, đó là Đất nước và Cách mạng”. Một người khe khắt, khiêm nhường như Nguyễn Đình Thi nói vậy cho thấy tính máu thịt của đứa con tinh thần mà ông ưng ý không chỉ là nội dung tư tưởng hay vẻ đẹp nghệ thuật mà chắc chắn phải là điều gì đó rất thiêng liêng. Trong bài Cách mạng, nhà thơ viết: Nhưng nước mắt người mẹ/ Làm đứng dậy người con/ Giọt máu người ngã xuống/ Thành ngôi sao dẫn đường/ Và lặng im cũng thành tiếng gọi…

 

Ra khỏi bóng đêm/ Đi tới buổi sáng/ Không có bóc lột ăn hiếp/ Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc/ Mỗi con người cần đến mỗi con người. Thơ của Nguyễn Đình Thi bởi vậy không chỉ mới mẻ về câu chữ mà còn luôn có tính thời sự không riêng của một quốc gia. Và cũng chỉ ở trên cái nền ấy, mới có được những câu thơ khác thường: Vì yêu nên có gan dạ/ Vì biết nên không nói gì (Lời người xưa). Chỉ sự gan dạ ấy mới có thể sớm bật ra những vần thơ từ ngày đầu kháng chiến: Cúc vàng ơi có phải/ Công bằng đầu tiên là bát cơm mỗi nhà/ Giải phóng đầu tiên là khỏi đói rét u tối/ Phẩm giá đầu tiên là có việc làm/ Tự do đầu tiên là được lựa chọn/ Bình đẳng đầu tiên là ngang nhau nam nữ/ Nhân nghĩa đầu tiên là coi trọng mạng sống con người/ Hi vọng đầu tiên là ở trong suy nghĩ/ Hạnh phúc đầu tiên là yêu và thương (Những câu hỏi lớn).

 

Thật ngạc nhiên, những vần thơ như thế đã xuất hiện ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta, như báo hiệu sự trưởng thành mau chóng về mọi mặt của một đất nước luôn bị rình rập, vùi dập, thôn tính trong đêm trường nô lệ. Cái mới mẻ, những đòi hỏi công bằng dường như vẫn vang lên đâu đây trong ngòi bút tài hoa Nguyễn Đình Thi.

 

Ngay từ những vần thơ đầu tiên, chất trữ tình thẳm sâu suy tưởng đã như một đặc trưng thơ Nguyễn Đình Thi. Trong tiếng súng đêm Hà Nội, nhà thơ viết: Em đi với anh trong đêm Hà Nội/ Qua những phố hè quen thuộc yêu thương/ Dọc hàng cây ánh đèn pha cuốn bụi/ Từng đoàn xe cao xạ chạy rung đường/ Pháo đang bắn trời ngoại ô gió thổi/ Đạn đỏ lòe xa trong ánh trăng/ Em đi bên anh tóc xòa bay rối/ Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường (Chia tay trong đêm Hà Nội).

 

Cái cách nhà thơ tìm đến cuộc sống, biểu hiện cuộc sống vào thơ không chỉ ở suy tưởng, chiêm nghiệm mà còn rất thực. Cái thực không chỉ làm sống những câu thơ mà còn cho chúng ta tìm tới những sự thật đằng sau câu chữ. Những rút ruột tâm tư, những san sẻ tâm hồn dẫn vào thơ Nguyễn Đình Thi từ muôn nẻo. Chỉ có Nguyễn Đình Thi mới bật ra, ngay cả ở thơ tình một cách khác thường: Dừng chân trong mưa bay/ Liếp nhà ai ánh lửa/ Yên lặng đứng trước nhau/ Em, em nhìn đi đâu/ Sao em em không nói/ Mưa rơi ướt mái đầu… Chiều mờ gió hút/ Nào đồng chí bắt tay/ Em/ Bóng nhỏ/ Đường lầy (Không nói). Thấy thật rõ, chỉ ở Nguyễn Đình Thi mới hiển hiện sự quyết liệt làm mới thơ trước tiên phải là làm mới tâm hồn mỗi con người. Những sáng tác sau, trong thời kỳ cách mạng giai đoạn mới, vẫn nguyên chất thứ vàng mười đó: Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn (Lá đỏ). Rất giống mà đã khác xa. Nguyễn Đình Thi là vậy. Ông không chịu ở yên ngay trong sự im lặng nhất của mình: Đêm im lặng/ Trang sách bên đèn khẽ hỏi/ Năm tháng vẫn qua đi -Tất cả qua đi/ Sẽ còn lại gì/ – Nụ cười của em/ Hoa nhỏ vàng hoe nghiêng xuống tỏa thơm (Hoa vàng). Thì đã hẳn, chính Nguyễn Đình Thi đã có công tạo ra thói quen mới cho người đọc, vỡ hoang tâm hồn người đọc từ những gì giản dị nhất ngay bên cạnh chúng ta.

 

Trong những câu hỏi lớn mà Nguyễn Đình Thi luôn đặt ra trong thơ, nhiều vấn đề khiến chúng ta ở thế hệ sau ông không khỏi bâng khuâng trăn trở: Lâu, may gặp anh, chúng ta đi chơi vui trên đê/ Anh đăm chiêu: “Sông ở đây nước đục ngầu”/ Tôi không dám nói lại. Sông ở đây nhiều phù sa/ Anh nghiêm nghị: “Còn quá nhiều bóng tối. Lâu nay chúng mình quá lý tưởng”/ Vâng, hôm qua, hôm nay, các bà mẹ chúng ta vẫn ăn đói nuôi con/ Anh đứng lại, kéo cổ áo lên cười: “Lạnh nhỉ, buổi sáng mùa xuân mà lạnh nhỉ”/ Tôi không dám nói, cúi đầu. Vâng, ở đây gió nhiều và đồng rộng/ Mắt tôi bỗng hoa lên. Muôn nghìn nụ cười hồng hồng tím tím, hoa chua me đất trong cỏ (Hoa chua me đất).

 

Tôi đọc đi đọc lại bài thơ văn xuôi này hàng chục lần, lần nào cũng nguyên một cảm xúc không chỉ là đớn đau mà còn là trách nhiệm của chúng ta ở đâu trong cuộc sống? Thật khó lý giải rành mạch một cảm xúc, nhưng thật khâm phục nhà thơ đã dám bước vào, đã dám phơi ra những góc tối, những hiển nhiên khuyết sót của cuộc đời.

 

Sự đề cao người đọc, trao chữ nghĩa cho bạn đọc cũng là một trong những đặc trưng thơ Nguyễn Đình Thi. Đã có thời kỳ, không ít người cho rằng thơ Nguyễn Đình Thi khó đọc. Ngay trong kháng chiến đã có những tranh luận, thậm trí hội thảo về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Nhưng chúng ta dường như quên mất, là thi sĩ, điều đầu tiên và cốt yếu nhất, là phải cất lên được tiếng nói của nhân dân mình, thời đại mình, dân tộc mình. Bằng vào tất cả các sáng tác thơ Nguyễn Đình Thi đã là câu trả lời trọn vẹn nhất.

 

Bởi vì thế, chúng ta không nhất thiết phải ngạc nhiên, khi những câu thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi trong bản in này thì có bản in khác lại không, như câu: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em trong bài Đất nước đã từng không xuất hiện: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy (Đất nước – SGK Văn học 12, giai đoạn 1990-2006); trong khi bản in đầu tiên năm 1948: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em/ Gió thổi mùa thu vào Hà Nội/ Phố dài xao xác heo may/ Nắng soi ngõ vắng/ Thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy (Đất nước – 1948).

 

Với thơ, đặc biệt là thơ Nguyễn Đình Thi, dẫu thời gian thử thách đã dài, sự đóng đinh vào tâm hồn các thế hệ độc giả đã vững chắc, nhưng những vẻ đẹp tiềm ẩn của nó, sự mới mẻ của câu chữ, ý tứ, đặc biệt là tư tưởng vẫn còn mở ra nhiều chiều kích mới. Trong cuộc sống sôi động, phong phú, phức tạp hôm nay, đọc thơ Nguyễn Đình Thi, người đọc luôn tìm thấy ở đó những gì mình cần tìm, cần tiếp nối. Cả những trở trăn cuộc sống. Cả những hoài nghi, đắn đo, chất vấn, phản biện… từ những vần thơ sâu sắc của ông. Cuộc sống là không thể dừng lại, nhưng cuộc sống sẽ chênh chao và nghèo nàn biết mấy nếu ta không có được những di sản văn hóa tinh thần mà đóng góp của thơ ca là rất lớn, trong đó có thơ Nguyễn Đình Thi. 

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Lối đi tâm linh trong thơ Hoàng Cầm – Lê Thị Thanh Tâm

>> Chính Hữu – Người bộ hành không đơn độc – Nguyên An

>> Những hạt ngọc thơ Hàn đầu thế kỷ XX- La Mai Thi Gia

>> Vấn đề sinh thái trong thơ Việt – Nguyễn Thanh Tú

>> Tết này anh có về không? – Nguyễn Đình San

>> Tiểu thuyết vẫn đặt ra những câu hỏi lớn nhất cho nhân loại – Nguyễn Chí Hoan

>> Quyền của Thời Gian – Lê Thị Thanh Tâm

>> Nguyễn Cường – Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi – Nguyễn Minh Khiêm

>> Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người – Văn Giá

>> Ánh sáng và bóng tối trong Đêm trinh của Nguyễn Vỹ – Nhật Chiêu

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…