Thống nhất văn hóa để thống nhất lòng người

435

Nguyễn Hàng Tình

Ở thế kỷ này rồi, rất khó để khuyên công chúng rằng, “Anh lên xe trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ”(của Phạm Tiến Duật, phía Bắc) là thơ, còn “Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính/ Bắt lê la mang một chiếc mai rùa/ Nên tâm hồn ta là cánh đồng úng thủy/ Và nỗi buồn như nước những đêm mưa” (Nguyễn Bắc Sơn, phía Nam, cùng thời) chưa phải là thơ. Cũng như: “Tre xanh xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh” (của Nguyễn Duy, phía Bắc) là tâm hồn Việt, còn: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông” (Phạm Công Thiện, phía Nam) là không Việt…

Tôi thường nghe những người bạn Hà Nội của mình tự hào khoe săn tìm và sở hữu được những cuốn sách xuất bản ở miền Nam trước 1975. Đi qua nhiều làng quê mới, trong rừng thanh vắng xa khuất, rồi những thành phố của ngày nay, tôi cũng thấy bà con người miền Bắc hay nghêu ngao hát những ca khúc của miền Nam trước 1975…

Không phải ngẫu nhiên mà dòng nhạc boléro của miền Nam giờ người miền Bắc thích nghe đến vậy. Trong các trường đại học ở phía Nam bây giờ, sinh viên từ Bắc vào cũng ưa hát nhạc boléro nhất. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ca sĩ được cho là hát boléro hay nhất trong nước bây giờ lại là một ca sĩ phía Bắc mới vào: Lệ Quyên.

Còn những bộ phim như Xa lộ không đèn, Trường tôi, Nhạc lòng năm cũ, Điệu ru nước mắt, Bão tình, Người cô đơn, Tứ quái Sài Gòn, Chân trời tím… có phải do người của quê hương này làm ra không? Có lúc chợt nghĩ, sao người ta không nối những bộ phim đó vào trong tài sản điện ảnh dân tộc chung với những Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Nổi gió, Bao giờ cho đến tháng 10…? Diễn viên Trà Giang ở phía Bắc đem tài năng đóng góp cho nền điện ảnh thì Kiều Chinh tài hoa ở phía Nam hôm nào cũng rút ruột cho những bộ phim nàng này đóng. Hải Ninh, Hồng Sến, Đặng Nhật Minh tâm huyết khi làm phim thì Hoàng Anh Tuấn, Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa cũng vật vã để cho ra những bộ phim. Và những bộ phim đó, gọi là phim gì, “Made in” gì, nếu không là “phim Việt Nam”?

Dù tượng điêu khắc của Lê Công Thành, Vũ Cao Đàm, Phạm Gia Giang… có tạc từ tỉnh thành nào ở phía Bắc thì tượng của Lê Thành Nhơn, Trương Đình Quế, Phạm Thông… cũng đuợc tạc trên những tỉnh thành phía Nam của cùng đất Việt. Vào một thời chưa xa, khi trẻ thơ miền Bắc đọc Tô Hoài thì trẻ thơ miền Nam đọc Duyên Anh. Vậy thì những cuốn sách của Túy Hồng, Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long, Dương Nghiễm Mậu, Bình Nguyên Lộc có phải sách của người Việt Nam? Thơ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh là thơ Việt, vậy thơ Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Bắc Sơn có phải thơ của người Việt? Những thi phẩm của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Lâm Anh là thơ của dân tộc nào? Và cả những văn phẩm phê bình của Đặng Tiến (ở Pháp), Nguyễn Đức Tùng (Canada)… hẳn cũng góp ích gì đó cho đời sống thế nhân như phê bình của Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đăng Mạnh, Đoàn Ánh Dương ở trong nước. Những trước tác học thuật của Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Hiến Lê, và cả Thích Nhất Hạnh… khó mà xem không có ích gì cho chúng sinh trên quê xứ nó. Ở thế kỷ này rồi, rất khó để khuyên công chúng rằng, “Anh lên xe trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ”(của Phạm Tiến Duật, phía Bắc) là thơ, còn “Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính/ Bắt lê la mang một chiếc mai rùa/ Nên tâm hồn ta là cánh đồng úng thủy/ Và nỗi buồn như nước những đêm mưa” (Nguyễn Bắc Sơn, phía Nam, cùng thời) chưa phải là thơ. Cũng như: “Tre xanh xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh” (của Nguyễn Duy, phía Bắc) là tâm hồn Việt, còn: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông” (Phạm Công Thiện, phía Nam) là không Việt.

Cũng như tranh của Thành Chương, Nguyễn Minh Thành ở trong nước vậy, với tranh của Trịnh Cung, Đinh Cường ngày nay ở trời xa, luôn có sắc màu gồ ghề và cả sắc màu hiền khô, cùng lấp lánh da vàng, lấp lánh lúa nước, lấp lánh nhà ba gian hai chái, rau muống luộc, mắm tôm với dưa muối cà pháo. Đó là một quỹ văn hóa phát triển tiếp nối những sinh động tân học, Tây học của đầu thế kỷ XX trên đất Việt. Tất cả đều là tài sản của dân tộc. Nếu hấp thụ hết, ta nhìn ra ta, dân tộc này, quê hương này, với mọi chiều kích, đủ tự hào lẫn buồn vui, đủ thăng hoa lẫn kiểm nghiệm.

* * *

Thành tâm từ tình cảm đến tâm hồn, văn hóa, chỉ làm người ta lớn hơn chứ không bao giờ nhỏ lại. Khi lơ đi, hay từ chối, đồng nghĩa với sự nhỏ mọn, hoặc trịch thượng, kênh kiệu, né tránh, hay nữa là không tự tin ở sức đề kháng của mình, tức thiếu bản lĩnh. Đến phương Bắc bên kia thâm hiểm, tàn bạo và kiên trì mà còn không đồng hóa được dân tộc Việt này. Thì cô bác trong hay ngoài nước đều nhìn thấy ta “thật”, thành tâm, ngay chính, có trách nhiệm, thực sự vì đại cuộc, dân tộc này. Không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc xem phim ảnh, còn Nhật là hoạt hình, là một thứ quyền lực mềm của quốc gia trong cuộc cạnh tranh giữa thời buổi toàn cầu hóa. Góp được một cái gì đó có giá trị phổ quát, cả thế giới chấp nhận, nghiêng mình, thì đó là đẳng cấp quốc gia, dân tộc, là tình yêu nước sáng rõ và cụ thể vậy.

* * *

Tài sản văn hóa của dân tộc này, đất nước này không nhiều nhặn gì, khi mà lịch sử đẩy đưa làm chúng ta thiệt thòi, mất mát quá lớn, ly tan quá nhiều. Bể dâu và nghèo đói, các triều đại lo gìn giữ biên cương, dân chúng lo cho cái bao tử, đâu tạo tác căn cơ, thực sự cho tầm vóc văn hóa. Văn hóa xây dựng trên ly loạn. Trên quê hương này, văn hóa thực sự là thứ xa xỉ được gầy dựng từng tí, góp nhặt từng chút, theo những nổi trôi của ba đào, dù nó được bao triều chính đều xem là “nền tảng tinh thần của xã hội”.

Chỉ có một nền văn hóa Việt Nam thôi, với tất cả những gì tích hợp, tạc lên đó, trên dọc dài cổ kim lịch sử dân tộc. Nên dòng văn hóa, văn nghệ nào cũng nên quy về, đều là của “nước mình”. Phải nhận ra rằng, quỹ văn hóa của ta đang thế nào trong cuộc đua tranh phổ biến nó với dân tộc khác, đất nước khác, và rằng nó có được dồi dào, hấp dẫn (vượt khỏi lãnh thổ), có sức cạnh tranh? Nhớ cho là thời buổi này, đất nước nọ cạnh tranh với đất nước kia không chỉ bằng sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, mà còn cả sức mạnh văn hóa. Hệ sinh thái văn hóa tốt, tự nhiên, rộng mở, ai bảo không kích thích sự hưng thịnh, cạnh tranh quốc gia, ở thời buổi quyết liệt này. Đang rất cần một chiến lược cạnh tranh phát triển nền văn hóa quốc gia, hiện đại, thực dụng, và thực tế, như những thứ chiến lược khác, để đất nước không bị ở lại đằng sau, hoặc bị vênh giữa nền kinh tế (nhiều của cải) với nền văn hóa có nguy cơ ọp ẹp (công chúng phải dùng toàn những sản phẩm văn hóa đa dạng và hiện đại của nước khác). Nên nhớ, chưa bao giờ trên thế giới, cơ hội lựa chọn văn hóa đáp ứng đúng nhu cầu bên trong của dân chúng được dễ như bây giờ (hội nhập, giao lưu, di chuyển, và phương tiện kỹ thuật số).

Tầng và quỹ văn hóa dân tộc thật dày, đa dạng, sinh động, thì người dân mình có nhiều cơ hội để thụ hưởng và tự hào những gì thuộc về tinh thần. Năm rồi, 2017, trong năm cuốn sách ông tỉ phú Bill Gates chọn đọc có hai cuốn do người Việt viết. Một con người thông minh, dồi dào văn hóa, giàu có và đức hạnh (dành phần lớn tiền bạc cả đời làm ra để làm từ thiện cho người nghèo khổ khắp nơi trên thế giới), không làm chính trị, nhưng có nhiều ảnh hưởng ở thời đại ngày nay như ông ấy hẳn không trật, không tệ, trong việc chọn sách để đọc.

* * *

Khi mà mọi thứ khác phải cố gắng vượt qua để gặp nó, mẫu số văn hóa, lúc đó tất cả đều đẹp, chan hòa, trong sáng, xua tan những ám khí. Thống nhất được văn hóa, thống nhất được lòng người. Và, ắt sẽ tăng năng lượng cho quốc gia, dân tộc, dồn lực tranh đua với thế giới. Để văn hóa “chảy” bình thường thì mọi thứ sẽ bình thường, giản dị. Còn không, thì dòng chảy đời sống và dòng chảy trong lòng người vẫn đang diễn ra tự nhiên như nó là. Ngay cả sử thi (Ót Nrông, Khan, Hơmon), sản phẩm văn hóa hình thành buổi sơ xưa, thời con người chưa có chữ viết, sống theo bộ tộc ở Tây Nguyên, vậy mà rồi một ngày chúng ta còn phải cố đi tìm lại cho được, đưa vào quỹ văn hóa của đất nước mình, bằng một chương trình quốc gia.

Nền văn hóa của một dân tộc càng dồi dào năng lượng, thì sức đề kháng của nó càng mạnh, xã hội càng tự nhiên và ổn định, vững chãi, ngay cả trong lòng người.

Tôi khép lại những dòng này trong một quán cà phê tĩnh lặng trên quê hương mình, chủ quán là dân miền Bắc mới vào Nam kiếm sống. “Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai”…, giọng cô ca sĩ nào đó trong máy hát như thay mặt chủ quán tiễn tôi. Nó ở bài Kiếp nghèo của Lam Phương, ông nhạc sĩ sinh ra ở tận cùng phương Nam của đất nước, Rạch Giá.

N.H.T/ Theo Vanvn