Cơn mưa đầu mùa – Truyện ngắn của Lưu Thị Phụng

6217

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi lần trở về thăm bố, tôi thích thả những bước chân ở cái nơi tôi từng gắn bó thưở ấu thơ. Tôi thích bầu không khí nhẹ bẫng sớm tinh mơ trong trẻo. Nơi đây có cơn gió lao xao, có những chùm lá tre xanh côm cốm đầu mùa, chúng khẽ khàng chạm vào nhau khiến tôi cứ nao nao trong dạ.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Cơn mưa rào đầu mùa đã rửa trôi bao bụi bặm, cho lá non xanh, cho hoa thắm nở ngạt ngào. Cho tôi cảm giác thật sung sướng khi mỗi lần được hít hà, nêm nếm vị ngọt ở những cánh hoa và ngắm những chú ong cần mẫn vo ve, lúc bay, lúc đậu. Trong đám lá xanh, lấp ló đôi mắt long lanh, đen nhay nháy của mấy chú chim sâu… Chính những thứ ấy đã cuốn tôi vào miên man, để hôm nào đi bộ mà từ tờ mờ đến tám chín giờ mới về được đến nhà. Như đã đứng đợi từ lâu, bao giờ bố cũng hỏi tôi một câu: “Con có thích không?” Thích chứ bố. Ở chỗ bố, cái gì cũng mới mẻ và lạ lẫm. Bố đã chờ để dọn cho tôi một cái bánh bằng bột mỳ đánh trứng rán, một đĩa dưa chuột bố tự trồng ở sau nhà. Tôi ăn ngon lành, cảm nhận hương vị thơm tho của bữa sáng, vị giòn ngọt mát dịu của món tráng miệng khoái khẩu. Nhìn đôi mắt ngời sáng của bố, tôi buột miệng: Bố phải khỏe mạnh và sống thật lâu khi con không ở nhà, bố nhé…

Đấy là những rung cảm mỗi khi tôi trở về nơi chốn ấy. Giữa phố thị, còn nguyên một con ngõ nhỏ, bình yên, nồng nàn mùi đất, mùi cây. Bố vẫn giữ thói quen sạch sẽ và chăm chút căn nhà nhỏ xinh xắn có hàng rào sơn trắng trước cổng. Lớp hoa ti-gôn hồng hồng điểm trong màu trắng, đẹp một cách mơ màng, huyền dịu. Bố trồng để sau này con đưa mấy đứa trẻ về cho chúng ngắm, bố cười và dõi theo ánh nhìn của tôi mà nói thế. Lòng tôi nhói đau vì cuộc chia xa đầy nghiệt ngã này. Nhưng cũng cảm nhận được tình yêu thương của bố giành cho mấy chị em khi phải sống cùng mẹ ở quê ngoại.

*

Năm tôi học lớp ba, vào cuối tiết thanh minh, hai người quyết định chia tay nhau. Tôi còn nhớ như in ngày bố mẹ ra Tòa, đứa bé mười tuổi như tôi đã chọn mẹ để đi theo hai thằng em. Mẹ cho biết sẽ mang ba chị em về quê sau khi nhận được từ tòa khoản tiền chia tài sản của bố, vì bố muốn giữ lại căn nhà. Bố nắm chặt tay tôi trước cổng Tòa buồn bã: “Con nhớ luôn đưa các em về chơi nhé”. Tôi khẽ nép vào người bố, trân trân nhìn hai thằng em lúc ấy vẫn hồn nhiên ùa ra hứng những giọt mưa rơi đang xối xả.

Mùa hè năm ấy, mẹ mang mấy chị em về ngoại. Cảnh tượng đầu tiên mà tôi nhận thấy là cánh đồng quê mẹ ngày vào mùa tựa như một bức tranh. Lúa vàng hươm, thơm mùi rơm mới, sóng sánh trong cơn gió nồm nam mát rượi. Tôi hào hứng trước sự tất bật của người làng trong những ngày thu hoạch. Ba chị em được một mẻ thoải mái leo trèo trên những đống lúa gặt từ ngoài đồng về mà chả nghĩ gì đến hậu quả. Đêm đến, bọn tôi lăn lộn vì ngứa rặm, gãi sồn sột khiến mẹ không sao ngủ được.

Sang năm học lớp bốn, mợ thường dẫn tôi đi dỡ khoai tây. Mợ cào đất hai bên sườn luống ra, để hở những chùm rễ lúc lỉu củ khiến tôi ồ lên. Trông chúng như những quả trứng gà trứng vịt, cứ lông lốc thật thích mắt. Mợ hướng dẫn tôi nhặt những củ to cho vào một sảo riêng, những củ nhỏ còn lại cho tất vào một cái bao mang về để phân loại sau. Tôi xắn cao quần, lắt lẻo gánh khoai tây, lòng mơ màng nghĩ về những “ổ trứng” kỳ diệu lần đầu mới thấy.

Khi lên học lớp năm, sau vụ gặt, cậu hay rủ tôi đi tát nước. Cậu nháy mắt: “Gái nhà nông như mày ở quê đã đủ việc rồi. Từ chăn trâu cắt cỏ, đến cơm nước đều giỏi giang. Làm đồng thì cũng kha khá. Đã là cháu cậu thì không thể kém chúng nó được, biết chưa”. Tôi chạy theo cậu đến còn không kịp, thở hổn hển: Vâng, cháu cũng muốn thế mà. “Một đầu trâu, bốn cái râu” là câu nói để chỉ cái gàu giai có bốn dây. Tát nước bằng gàu này phải có hai người và thường được tát ở những nơi cần chuyển nước từ dưới sâu lên chỗ ruộng cao. Tôi tát cùng cậu nên gò lưng, chổng mông thả chùng dây xuống múc nước. Khi kéo gàu lên gần tới nơi thì chùng dây miệng gàu, căng dây đáy hất lên để đổ nước vào ruộng. Nếu không khéo, miệng gàu sẽ vập vào bờ, nước đổ hết. Kéo được một gàu nước từ dưới sâu lên là một việc không đơn giản và khá nhọc nhằn. Cuộc chiến học làm gái quê đảm khiến tôi ngỡ mình như một kẻ phá hoại, làm bật hết cả miệng gàu, chiếc gàu xộc xệch, nham nhở có nguy cơ bị hỏng. Bà mợ vừa cằn nhằn tiếc của giời, vừa than vãn ông mang con bé ra đồng làm gì cho nó khổ. Cậu tôi thì khoe hết cả hàm răng hô văng, cười hơ hơ khoái trá.

Vì thế lại có lần sau. Cậu khều tôi: Đi tát nước không? Tôi nhìn thấy cái gàu này không giống lần trước, dài thườn thượt. Cậu bảo gàu sòng đấy, loại này chỉ cần một người là tát được. Kệ. Giai hay sòng gì thì cháu cũng phải học làm cho bằng được. Cậu bật cười: “Con bé này được đấy”. Rồi cậu chọn chỗ cắm ba chân sào chụm lại cho vững chắc. Sau đó cậu treo cái gàu lên, nhịp nhàng múc từng gàu nước đưa lên đổ vào ruộng. Thì ra, gàu sòng chỉ dùng để tát nước ở ruộng thấp, bờ dưới lên bờ trên thôi. Tôi định hình một lúc rồi lanh chanh giành việc của cậu. Trông cậu làm nhẹ nhàng là thế, nhưng vào tay tôi, cái gàu cứ ì ra, siêu vẹo không sao múc được nước. Chả mấy chốc mà vỡ bờ, tung cả miệng gàu. Từ hàm răng hô văng phát ra những tiếng cười khùng khục. Hơn tôi đến hai mấy tuổi, nhưng tính tình cậu luôn vui vẻ, dễ hòa đồng nên không hề có khoảng cách với lũ trẻ làng. Cậu rất nuông chiều ba chị em tôi, đến mức mẹ còn lo lắng cậu sẽ biến chúng tôi thành những đứa trẻ hư mất. Tôi nhảy dựng lên, cù nhằng bắt cậu sửa gàu, đắp bờ để tôi tập tát… Khi đã quen việc, tôi trả lại cậu cái gàu sòng, ngồi tựa lưng vào bờ mương thở hào hển trong ánh nắng chói chang. Khi mùa nước cạn, để nạo vét lòng mương, bà con nông dân đã dùng mai xắn những tảng bùn vật lên bờ. Sau những cơn mưa, lác đác trong đó những nhánh rau má ló lên, non nõn nà. Tôi lúi húi lật từng tảng bùn đã khô bên bờ mương, nhổ những dây rau má rồi loay hoay xếp trả lại những tảng bùn vuông vức ấy. Loài thảo sinh len lỏi dưới khe trống của đất bùn vừa mập, vừa trắng ngần. Mẹ ngâm nước muối rồi bày vào mâm để ăn sống. Cậu nói rau má giải nhiệt tốt lắm, nhưng hai thằng em tôi vừa cho vào miệng đã nhổ phì phì bảo là đắng khiến cả nhà phì cười… Tuổi thơ thiếu hụt của những đứa trẻ trong gia đình ly tán đã có thêm nhiều niềm vui giản dị. Cứ thế, càng ngày tôi càng cảm nhận được mọi thứ ở quê đã mở ra trong ba chị em tôi một chân trời mới với bao điều kỳ thú.

Năm tháng dần qua, tôi đã thấm thía đến tận xương tủy những gian nan vất vả mà người dân quê mẹ đã bươn chải để nuôi dưỡng bao đứa trẻ làng. Mẹ là một người chăm chỉ và giàu lòng yêu thương nhưng vô cùng nghiêm khắc. Mẹ đã rèn giũa cho tôi và hai thằng em nghịch ngợm ngoài việc lao động phụ giúp gia đình, thì phải học hành tử tế để lớn lên có cơ hội thoát nghèo.

*

Sau ngày ly hôn mẹ, bố ở lại căn nhà cũ để chăm sóc ông bà nội. Cho tới khi ông bà nội qua đời, bố cũng không đi bước nữa. Căn nhà không có gì mới thêm, mọi thứ vẫn được giữ nguyên trạng và sạch đẹp. Thỉnh thoảng bố cũng về thăm ba chị em. Lần thì bố mang về bánh kẹo hay một túi quýt, thứ quả đỏ ối căng mọng và rất ngọt. Lần bố mang về một chum cua muối rõ to. “Để cả nhà mình ăn những ngày làm đồng bận bịu, ngon mà lành ạ”, bố bảo ông ngoại thế. Bố dẫn ba chị em ra bờ ao xem bố xúc ốc nhồi về nấu chuối đậu. Bố hướng dẫn tôi cách đặt vó cất tôm. Dưới rặng tre sau nhà, lần đầu tiên tôi đã hào hứng nhấc cái vó có những con tôm càng của ao làng cứ nhảy lên tanh tách. Mà thật lạ. Mỗi lần bố đến, ông ngoại chẳng bao giờ hỏi bố, hay giận bố chuyện vì sao hai người chia tay nhau. Tôi chỉ thấy ông ngoại và bố thường cùng ngồi hút thuốc lào, uống bát nước chè xanh ủ trong giành tích để ở cái bàn ngoài hiên nhà. Câu chuyện của hai người ân cần xen trong tiếng cười vui vẻ. Vòng khói thuốc vấn vương len lỏi vào tận những chùm lá đang xòe ra, chập chờn che mái đầu trắng như cước và cả mái đầu đang chuyển sang màu muối tiêu. Cũng có lúc câu chuyện gián đoạn. Trong im lặng, tôi nghe rõ hơi thở khò khè của hai người đàn ông, cả tiếng những chú chim sâu líu lo chuyền cành. Tôi còn ngửi thấy mùi hương bưởi đâu đây thoảng trong ánh trăng ngà… Rồi sáng ngày bố vội vã ra đi, cũng lặng lẽ như khi bố đến. Tôi thẫn thờ nhìn bóng bố xa dần, lòng nhói đau khi có cảm giác bố đã già đi quá nhiều. Người lớn lạ lùng thật. Tôi chưa từng chứng kiến hai người có gì cãi cọ hay xô xát. Vậy mà họ đã rời xa nhau dù biết rằng những đứa con luôn cần cả bố lẫn mẹ. Sau này lớn hơn, tôi chỉ còn biết nhủ thầm: Im lặng cũng là cách chia sẻ nỗi buồn của họ, và hãy cố gắng để ba chị em tự biết chăm chút nhau và tự giác học hành.

Lần bố về thăm quê ngoại rồi vội vã trở về nhà, bố đã trở bệnh. Chúng tôi đau xót vì không được chăm bố. Nhưng thằng em út tôi đã kịp ổn định công việc trước khi mấy chị em về tới nhà. Bố vui lắm, bố cười hồn nhiên để che những cái nhíu mày đau đớn. Bố nhiều lần vòng tay ôm cả ba đứa con vào lòng. Cho tới khi bác hàng xóm phải vào gỡ từng ngón tay cứng đờ của bố ra, chúng tôi mới hiểu rằng giờ đây căn nhà này sẽ mãi chỉ còn là những kỷ niệm đẹp…

*

Giờ vào dịp cuối tuần, ba chị em thường gọi nhau trở về căn nhà xưa. Nơi đây mỗi lần đi đâu về, bố thường trìu mến đưa cho mấy chị em khi thì miếng bánh đa giòn rụm, lúc mấy quả ổi ương hay vài quả táo để làm quà đón ngõ. Nhìn thằng em lớn bày biện hoa quả và kính cẩn thắp hương lên ban thờ, lòng tôi chợt rưng rưng.

Bạn bè có đứa ngạc nhiên: Sao mày chọn chỗ dừng chân cuối tuần lạ vậy? Người khôn chọn chỗ đông người. Mày ở đấy im ắng thế để buồn thiu à? Không. Tôi cần một chốn bình yên để đi về. Tôi đã quên cơn mưa năm nào, quên cơn mưa định mệnh của ngày gia đình tôi chia thành hai ngả. Cơn mưa đầu hạ đã rửa hết những bận bịu, muộn phiền. Tôi bồi hồi ngắm những nhành hoa Ti gôn hồng hồng buông lơi bên bờ rậu trắng tinh khôi. Thấp thoáng ở đấy tôi như thấy vẫn còn nguyên nụ cười của bố./.

L.T.P